Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [30] [31] [32] [33] [34] [35] [36] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Rào-Nam

Ai cũng biết cháy xe là do xăng, điều đó hiển nhiên như ban ngày. Chỉ những người dốt đặc về hoá học hữu cơ mới không chịu thừa nhận. Còn nếu biết nguyên nhân mà đổ lỗi sang cho nguyên nhân khác thì do ăn lợi lộc từ rốn xăng dầu quá nhiều rồi, nói sao được.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chao chang

http://vietnamnet.vn/vn/g...huu-ich-nhat-nuoc-my.html

Các bạn hãy cùng đọc trang bài này để biết rằng sinh viên cần học những ngành nào và cơ hội việc làm cùng thu nhập của họ khi đi làm đây là bài viết về trên đất Mỹ


NHỮNG NGÀNH HỌC HỮU ÍCH Ở NƯỚC MỸ


Những năm gần đây, vấn đề việc làm đang là nỗi ám ảnh với nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học. Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến họ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có ở những thế hệ trước. Chính vì thế, Daily Beast vừa công bố danh sách những ngành nghề hữu ích nhất nước Mỹ để cho thấy bằng đại học nào có giá trị nhất tính theo cơ hội việc làm và số liệu thống kê về thu nhập.

THÔNG TIN LIÊN QUAN
Những công việc tuyệt nhất thế giới năm 2012
Phóng viên, bán thịt…là những nghề tệ nhất 2012

Để xác định được ngành nghề nào có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn, có thu nhập cao hơn và có triển vọng trong thập kỉ tới, các chuyên gia đã tham khảo nghiên cứu của ĐH Georgetown – những dữ liệu điều tra trong vòng 2 năm để xác định thu nhập liên quan đến chuyên ngành học. Các chuyên gia cũng sử dụng dữ liệu của Cục Thống kê lao động về dự báo việc làm. 5 dữ liệu dưới đây được đánh giá ngang bằng nhau:

- Tỷ lệ việc làm của sinh viên mới ra trường
- Tỷ lệ việc làm của sinh viên đã có kinh nghiệm
- Thu nhập của sinh viên mới ra trường
- Thu nhập của sinh viên đã có kinh nghiệm
- Tăng trưởng việc làm dự kiến từ năm 2010 đến năm 2020

1.    Y tá


Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 4%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 1,9%
Thu nhập của SV mới ra trường: 48.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 64.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 26%    
Ngành nghề liên quan: Y tá, điều dưỡng

2.    Kĩ sư cơ khí

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 8,6%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 3,8%
Thu nhập của SV mới ra trường: 58.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 86.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 4%    
Ngành nghề liên quan: Công nghệ kĩ thuật cơ khí

3.    Kĩ sư điện tử


Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 7,3%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 5,2%
Thu nhập của SV mới ra trường: 57.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 90.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 6%    
Ngành nghề liên quan: Kĩ sư điện tử, điện tử

4.    Kĩ sư dân dụng

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 8,1%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 4,5%
Thu nhập của SV mới ra trường: 50.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 81.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 12%    
Ngành nghề liên quan: Kĩ sư dân dụng

5.    Khoa học máy tính

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 7,8%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 5,6%
Thu nhập của SV mới ra trường: 50.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 81.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 18%    
Ngành nghề liên quan: Quản lý công nghệ thông tin

6.    Tài chính


Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 6,6%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 5,2%
Thu nhập của SV mới ra trường: 44.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 72.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 23%    
Ngành nghề liên quan: Phân tích tài chính

7.    Tiếp thị và nghiên cứu tiếp thị

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 7,3%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 6%
Thu nhập của SV mới ra trường: 37.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 65.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 41%    
Ngành nghề liên quan: Phân tích nghiên cứu tiếp thị

8.    Toán học


Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 6,1%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 5,1%
Thu nhập của SV mới ra trường: 40.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 71.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 16%    
Ngành nghề liên quan: Toán học

9.    Kế toán

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 6,8%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 4,8%
Thu nhập của SV mới ra trường: 43.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 65.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 16%        
Ngành nghề liên quan: Kiểm toán và kế toán

10.    Tiếng Pháp, Đức, Latin và các ngoại ngữ thông dụng


Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 7,9%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 4,8%
Thu nhập của SV mới ra trường: 32.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 50.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 42%        
Ngành nghề liên quan: Phiên dịch và biên dịch

11.    Thương mại đại cương

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 7%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 4,8%
Thu nhập của SV mới ra trường: 37.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 60.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 22%        
Ngành nghề liên quan: Phân tích quản lý

12.    Giáo dục cơ bản


Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 4,8%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 3,4%
Thu nhập của SV mới ra trường: 33.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 40.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 17%        
Ngành nghề liên quan: Giáo viên mầm non và tiểu học

13.    Kinh tế

Tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường: 9,4%
Tỷ lệ thất nghiệp của SV có kinh nghiệm: 5,7%
Thu nhập của SV mới ra trường: 48.000 USD
Thu nhập của SV có kinh nghiệm: 76.000 USD
Tăng trưởng việc làm dự kiến: 6%        
Ngành nghề liên quan: Chuyên gia kinh tế

   Nguyễn Thảo (Theo DailyBeast)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Quản trị quốc gia thịnh vượng



SGTT.VN - 37 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Trong vòng mười năm đầu, cả đất nước đã thử nghiệm mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, kiếm cách hoàn thiện nó, nhưng cuối cùng đã phải thừa nhận đó là một mô hình sai lầm vào năm 1986. Hơn 20 năm qua, chúng ta dường như đã chấp nhận cơ chế thị trường nhưng vẫn loay hoay đi tìm những nguyên lý quản trị quốc gia để tương thích với cơ chế này. Lịch sử là quá khứ. Nhưng lịch sử chính là nơi để mỗi cá nhân, mỗi dân tộc soi xét nhằm rút ra những bài học, những nguyên lý định hướng cho sự phát triển của mình trong tương lai. Đối với tôi, ba nguyên lý dưới đây là những nguyên lý cơ bản nhất để xây dựng một hệ thống quản trị quốc gia thịnh vượng và hiệu quả.

Xây dựng và bảo vệ cơ chế thị trường

Ngày nay, khi nói đến cơ chế thị trường hiếm ai còn phủ nhận vai trò của nó trong việc tạo ra của cải vật chất. Tuy nhiên, người ta lại thường nhắc đến những khuyết tật của nó, xem thị trường là nguyên nhân gây ra những thói hư tật xấu trong xã hội, và do đó, là đối tượng mà Nhà nước cần phải khống chế, kiểm soát để giảm thiểu những thói hư tật xấu đó.

Thực tế Việt Nam không chứng minh điều này. Chúng ta đều biết nền tảng quan trọng nhất của cơ chế thị trường là việc công nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản của cá nhân. Ở những nơi mà quyền sở hữu tài sản được xác lập rõ ràng và minh bạch nhất, chẳng hạn các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, thì những người đứng đầu doanh nghiệp phải và luôn tỏ ra có trách nhiệm với cổ đông, nhân viên, cộng đồng.

Có nhiều người cho rằng đạo đức ở nông thôn Việt Nam bị xuống cấp vì cơ chế thị trường. Thực sự thì không phải như vậy. Tài sản lớn nhất của người nông dân là ruộng đất. Nhưng khi vấn đề sở hữu đất đai ở Việt Nam còn chưa rõ ràng thì thị trường vẫn còn xa mới được thiết lập ở các vùng quê. Ở những khu vực nông thôn mà đất đai bỗng dưng trở nên có giá trị, các hành vi lừa lọc và chiếm đoạt sẽ bị kích thích. Và những đồng tiền có được một cách dễ dàng khiến những người nông dân chân chất trước đây bị cuốn vào lối sống “trưởng giả học làm sang”.

Điều tương tự cũng xảy ra ở cơ quan công quyền, khi mà thị trường chưa thực sự lớn mạnh, chưa tạo đủ sức ép khiến quan chức nhà nước buộc phải phục vụ xã hội thay vì quản lý xã hội, thì còn xa các quan chức nhà nước mới thực hiện công khai tài sản. Khác với những người chủ doanh nghiệp có tài sản công khai, buộc họ phải sống có đạo đức hơn dưới áp lực giám sát của xã hội, sự mập mờ về nguồn gốc tài sản quan chức khiến cho một bộ phận không nhỏ trong số họ ngày càng “suy thoái đạo đức”.

Xác lập bình đẳng hình thức
Con người ta sinh ra đã có sự khác biệt về chất (substantive). Thể trạng của mọi người về cơ bản khác nhau; chủng tộc, nơi sinh sống khác nhau v.v. cũng khiến cho mỗi người có những điểm riêng biệt mà người khác không có. Việc công nhận quyền sở hữu trong nền kinh tế thị trường càng khiến cho mỗi cá nhân khi lớn lên được hưởng những gia tài thừa kế lớn bé khác nhau. Tuy khác nhau về chất nhưng về hình thức (formal) thì tất cả các cá nhân đều bình đẳng theo nghĩa họ đều là con người. Hàm ý rất rõ ràng của nguyên lý bình đẳng hình thức này là tất cả các cá nhân dù khác nhau về chất nhưng đều cần phải được đối xử ngang bằng nhau, tức có cơ hội thành công ngang nhau trong mọi cuộc đua tranh trong xã hội.

Nguyên lý tưởng chừng như hiển nhiên đó lại không được chúng ta nhìn nhận đúng mức trong những năm vừa qua. Đã có một thời chúng ta quản lý nhà nước theo kiểu cố gắng làm cho mọi người giống nhau về chất, từ ăn mặc cho đến thưởng thức văn hoá, nghệ thuật. Tuy hiện nay Nhà nước đã cho phép các cá nhân/chủ thể được tự do hơn nhiều trong việc thể hiện sự khác biệt của mình, nhưng dường như đó chỉ là do sức ép của thị trường hơn là chủ động của chính quyền trong việc áp dụng nguyên lý bình đẳng hình thức. Chúng ta có thể bắt gặp nhiều hình thức cấm đoán mang tính hành chính, từ cách ăn mặc của ca sĩ cho đến hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, như áp trần lãi suất huy động. Những cấm đoán có tính cào bằng này, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, cũng gây cản trở những người tham gia phát huy được những tố chất khác biệt ẩn chứa trong mỗi người để tạo ra nhiều giá trị hơn chính bản thân họ và cho xã hội.

Nguyên lý bình đẳng hình thức đòi hỏi chính quyền phải tập trung xây dựng và bảo vệ luật pháp không nhằm đáp ứng nhu cầu hay ước muốn của những người cụ thể nào. Đó phải là những quy tắc lâu dài để giúp mọi người trong xã hội có thể dự đoán hành vi của những người khác mà họ sẽ phải cộng tác hay cạnh tranh. Nguyên lý bình đẳng hình thức cũng đòi hỏi chính quyền phải giới hạn hành động của mình trong những khuôn khổ pháp lý, để người dân có thể dự đoán được các hành vi của những người nhân danh chính quyền. Như thế, nguyên lý bình đẳng hình thức chính là nền tảng để xây dựng một nhà nước pháp trị cho Việt Nam.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=173041
Trong thời đại toàn cầu hoá, việc thiếu vắng các nét khác biệt sẽ có thể khiến chúng ta bị thua thiệt hoặc thất bại trong mọi lĩnh vực.




Thúc đẩy đa dạng hoá
Phát triển là quá trình đa dạng hoá. Điều này không chỉ đúng ở muôn loài mà còn đúng ở trong xã hội loài người. Một quốc gia phát triển là một quốc gia không những chỉ tràn ngập các chủng loại hàng hoá khác nhau mà còn phong phú về các hệ tư tưởng và các loại hình văn hoá, nghệ thuật.

Việt Nam có lẽ là một trong số ít các quốc gia được thừa hưởng sẵn một nền tảng đa dạng phong phú, từ đa dạng về các dân tộc và tôn giáo đến đa dạng về khí hậu và địa hình. Tuy nhiên, các chính sách của chúng ta trong những năm qua ít nhắc đến yếu tố đa dạng hoá. Ở khắp các vùng miền, chúng ta đều thấy những chủng loại hàng hoá tương tự nhau, những công trình kiến trúc hiện đại từa tựa nhau, những cách thức tổ chức văn hoá, những lễ hội hao hao giống nhau, những mô hình tổ chức xã hội giống hệt nhau v.v. Trong thời đại toàn cầu hoá, việc thiếu vắng các nét khác biệt sẽ có thể khiến chúng ta bị thua thiệt hoặc thất bại trong mọi lĩnh vực, thậm chí bị tiêu diệt hoặc “tan chảy”, nhập vào các đối thủ khác.

Nguyên lý đa dạng hoá đòi hỏi chính quyền không những cho phép mà còn phải có những cơ chế khuyến khích các cá nhân và tổ chức tự chủ quyết định theo đuổi những con đường riêng của mình. Muốn vậy, từ khâu giáo dục, kinh doanh cho đến sinh hoạt cộng đồng và thậm chí chính quyền địa phương cũng cần được quyền đưa những nét khác biệt, từ nội dung cho đến cách thức tổ chức, vào trong địa phương hoặc vùng miền của mình. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể nuôi dưỡng được những thế hệ trẻ không những chỉ kế thừa mà còn sáng tạo thêm được nhiều nét độc đáo mới của Việt Nam, trong thời đại toàn cầu hoá ngày càng diễn ra sâu rộng.

Đinh Tuấn Minh
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Cần dũng cảm nghe dân nói

Bài đăng trên Đại Đoàn Kết (02/05/2012)

Trước đây tôi rất dị ứng với các trang Blog, Facebook... vì nghĩ rằng toàn chuyện chát chít của các bạn trẻ. Gần đây Trần Đăng Khoa rủ rê tôi tham gia vào blogtiengviet.net. Tôi cũng thử lập một blog (nguyenlandung) và không ngờ mọi định kiến của tôi trước đây thật là không đúng.

http://daidoanket.vn/Pictures/bao%20tuan/_2012/7/2012_7_10_GSDung.jpg
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam



Blog đúng là một loại nhà trên web, các blogger (người viết blog) của blog này là người Việt trên khắp thế giới và thuộc mọi lứa tuổi. Ban Quản trị blog là những bạn trẻ tâm huyết và có trình độ IT (công nghệ thông tin) cao, sẵn sàng hỗ trợ cho mọi người làm quen với việc trình bày và sử dụng blog.

Điều quan trọng là không cho phép phát biểu những ý kiến trái pháp luật và thiếu xây dựng, hơn nữa trên mỗi trang blog bạn cũng có quyền tự delete (xóa) các cảm nhận không đứng đắn.

Vì thấy các bài trên blog rất đáng đọc, phần lớn blogger là những người thiện chí và ham hiểu biết , cho nên tôi đã đưa lên trang blog của mình tới 40 bài viết. Đáng thú vị là bài nào cũng có từ 500 đến trên 1000 người đọc, bài đưa càng về trước càng có nhiều người đọc. Ban Quản trị thống kê thấy bình quân mỗi ngày có trên 10 vạn lượt truy cập vào blogtiengviet (!)- một con số không tờ báo viết nào có thể có được.

Thú vị nhất là khi đọc các comment (cảm nhận) của bạn đọc dưới mỗi bài viết. Đó là các ý kiến chân thực, thẳng thắn, đầy tâm huyết mà đông đảo bạn đọc có thể có chỗ để phát biểu. Đây thực sự là một diễn đàn dân chủ nhưng hoàn toàn mang tính xây dựng ( không giống với một số trang web khác).Tôi rất mong các nhà tuyên huấn, các cơ quan nghiên cứu của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, Ngành... nên có bộ phận chuyên trách chắt lọc ra những ý kiến này để các đồng chí có trách nhiệm tham khảo và kịp thời đưa ra các giải pháp thích hợp, sao cho lòng dân được yên, sự tin tưởng vào Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố và sự nghiệp Đổi Mới ngày càng có những bước đột phá ngoạn mục.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 đã nhấn mạnh: "Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chống quan liêu chỉ thu được kết quả tốt nếu được các cấp uỷ đảng chỉ đạo chặt chẽ, kết hợp với việc tăng cường quản lý và xử lý nghiêm minh của cơ quan nhà nước; thực hiện tốt các quy chế dân chủ ở cơ sở; nêu cao vai trò kiểm tra của các cơ quan chức năng; sự giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường trách nhiệm và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng”. Tôi không thể dẫn ra hàng trăm cảm nhận sau khi đọc các bài viết của tôi mà chỉ xin nêu lên vài ý kiến chỉ để làm ví dụ. Chẳng hạn ý kiến của bạn Gia Minh về việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 là như sau: "Cách bỏ phiếu tín nhiệm em nghĩ là không khả thi lắm, vì trong nội bộ cơ quan hay một tổ chức thì quyền lợi của các thành viên gắn liền với người lãnh đạo vì thế không thể có minh bạch được. Đấu tranh phê bình và tự phê bình lại càng không có hiệu quả vì thứ nhất là nể nang, thứ hai là ta chưa có tính tự giác, thứ ba là quyền lợi gắn liền với chức vụ, chính vì thế mà em nghĩ khó có thể mang lại kết quả như mong muốn được. Em nghĩ chỉ mong: 1- Đảng lấy dân làm gốc, biết dựa vào dân và để cho dân phê bình. 2- Báo chí được quyền tự do tìm hiểu thông tin, viết bài tố giác. Đây là kênh hiệu quả nhất, vì từ trước đến nay báo chí luôn là mũi nhọn tấn công các mặt trận, phanh phui được nhiều vụ việc tày đình và tội phạm rất sợ mấy ông nhà báo. 3- Điều chỉnh lương cho phù hợp, nhất là những người làm công việc nhạy cảm. Nên có chế độ tiền dưỡng liêm, cái này trong thời nhà Nguyễn cũng đã làm rất hiệu quả, khi đã có chế độ lương phù hợp và tiền đãi ngộ, ai tham ô, hối lộ sẽ kỷ luật rất nặng (cái này nên học các nước phát triển) 4- Luật pháp phải nghiêm minh, muốn nghiêm minh thì ba cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp phải làm đúng chức năng của mình, nhất là Tư pháp, ai có tội cứ chiếu theo luật mà xử.

Một ví dụ khác về giáo dục. Bạn Seo Mẩy viết: "Nghe nói ở Mỹ, Nhật trẻ con mà hư thì người lớn dọa không cho đi học thì chúng còn sợ hơn cả khủng bố, động đất, sóng thần. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, trẻ con mà hư thì bố mẹ dọa cho đi học thêm là khiếp ngay. Nhà thơ Giang Nam có câu mà có lẽ ai cũng biết: "Có những hôm trốn học bị đòn roi”. Câu thơ nghe có vẻ vớ vẩn, phản giáo dục hóa ra lại là câu thơ bất hủ, đến nay ngẫm vẫn đúng, học sinh vẫn sợ đi học. Tại sao lại phải trốn học? Tại sao nghe tin cô giáo ốm phải nghỉ tiết, học sinh lại reo ồ lên sung sướng? Câu trả lời là học sinh không thích học. Vậy tại sao học sinh không thích học? Câu trả lời là nội dung sách giáo khoa và phương pháp sư phạm của ta còn có nhiều vấn đề, quá nặng nề với những kiến thức không cần nhớ và chưa hấp dẫn được học sinh. Ở nước ngoài trẻ con rất thích đến trường. Có đứa ngủ đêm chỉ mong trời chóng sáng để đến trường. Trời có mưa tuyết rét đến mấy vẫn mong được đến trường. Khi cầm một quyển sách giáo khoa là học sinh muốn đọc nghiến ngấu từ đầu đến cuối như xem truyện tranh. Sách giáo khoa của họ thường rất hấp dẫn, ít chữ, nhiều tranh ảnh minh hoa, có nhiều câu hỏi mở, chữ in nhiều màu, trình bày logic rõ ràng. Ở ta, đề tài nội dung sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy chắc chắn đã có hàng chục cuộc hội thảo được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm các vị giáo sư đáng kính, các chuyên gia đầu ngành... Nhưng rốt cuộc, vẫn có những đứa trẻ... "trốn học bị đòn roi.”

Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bạn Vũ Ngọc Huyên viết: "Nghe câu chuyện đau lòng: Một bé gái 7 tuổi con cô giáo trường mầm non Tân Sơn TP Thanh Hoá. Bà ngoại lâu ngày lên thăm cháu mua cho cháu 1 kg quả chôm chôm làm quà. cháu ăn xong trúng độc, đưa cấp cứu ở bệnh viện được vài giờ sau thì tử vong. Tôi có viết mấy vần thơ sau đây: Chợ trời của ít người đông?/Ai mà chân chậm thì không còn gì!/Thuốc cam cho trẻ pha chì/ Bao nhiêu thứ độc ăn gì cũng kinh/ Trà khô trộn bụi sân đình/Thịt lợn kích nạc bất bình thế gian,/Còn bao nhiêu thứ đáng bàn/ Hóa chất độc hại lan tràn khắp nơi/Chả giò, hoa quả, rau tươi/ Ướp chất bảo quản biết đâu mà lần/ / Hỡi người nẩy mực cầm cân/ Ra tay trừng trị cho dân được nhờ !”

Trích sao nổi vài chục cảm nhận thu được mỗi ngày bên dưới các bài viết của tôi và hàng chục nghìn cảm nhận trên toàn blog mỗi ngày. Mong sao đọc cảm nhận trên blog là trách nhiệm của các cán bộ đang giúp việc cho các vị lãnh đạo. Đó là cách gần dân tốt hơn rất nhiều vì qua đó có dịp để biết các "ông chủ” trình bày một cách thẳng thắn mọi tâm tư, nguyện vọng rất chính đáng của mình.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng
Ủy viên UBTƯMTTQ Việt Nam
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

https://lh6.googleusercontent.com/-7ODbZ8nA5rA/T6JXpevekJI/AAAAAAAAI3k/hOVNUONJPpY/s450/nguoiduatin-Tamthan.jpg

Nguy Cơ Mùa Hè

Mùa hè nắng nóng rất là nguy:
Rối loạn thần kinh, thể xác suy.
Cứ mãi làm thơ rồi cả nghĩ
Tương lai có thể đến... Châu Quỳ.


Bấm vào các links sau để xem:


PGĐ Sở Giáo dục phát điên vì... quá giỏi!

Nữ thạc sĩ nhập viện tâm thần vì ế chồng

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chao chang

http://vn.news.yahoo.com/...-v-nh-ng-m-012040483.html

Cẩn trọng với những điểm WiFi công cộng
Yahoo! Tin tứcYahoo! Tin tức – Thứ tư, ngày 02 tháng năm năm 2012

   Email
   In ra

Nếu một người tò mò hay ác ý nào đó có thể xâm nhập vào dữ liệu của bạn, anh ta có thể đọc được bất kỳ thông tin nào bạn gửi đi, dù là các nội dung trong email hoặc tên truy cập và mật khẩu vào các dịch vụ. Đó là điều những người thích xài WiFi "chùa" cần lưu tâm...

>> Nhật ra mắt điện thoại gối ôm
>> NASA trồng khoai lang trên vũ trụ
Nguy cơ từ điểm WiFi công cộng
Một điểm truy nhập (hotspot) công cộng là một mạng không dây được thiết lập để chia sẻ kết nối Internet cho người dùng. Nhà cung cấp điểm truy nhập này mua một thiết bị truy nhập không dây, kết nối nó với mạng Internet và sau đó phát sóng Wi-fi trong một khu vực công cộng.

Bất cứ người dùng nào có card hỗ trợ không dây nằm trong vùng phủ sóng đều có thể truy nhập mạng này và sử dụng Internet. Do không hỗ trợ mã hóa, những dữ liệu dạng ký tự đơn thuần của bạn sẽ không được bảo vệ khi được truyền trong không gian dưới dạng tín hiệu sóng vô tuyến. Những tín hiệu sóng này có thể bị xâm nhập bởi bất kỳ ai có thiết bị nhận tín hiệu và một số công cụ can thiệp cơ bản phổ biến hiện nay.

Khi điểm truy nhập mạng không dây mà bạn đang sử dụng không sử dụng phương thức mã hóa, thì người dùng khác bắt được tín hiệu của bạn có thể đọc được bất cứ thông tin nào bạn gửi ra – dù đó là một email cá nhân hoặc tổ hợp ký tự tên người dùng và mật khẩu của bạn.

Cảnh giác về tội phạm mạng
Mặc dù, một điều hiển nhiên là không phải hầu hết những người dùng hotspot xung quanh bạn đều tọc mạch và khiến cho thông tin cá nhân của bạn gặp nguy hiểm, nhưng bạn cũng nên cảnh giác mối đe dọa nguy hại nhất mà một hotspot có thể có – đó là tội phạm mạng.

Những hacker dày dặn kinh nghiệm và hiểu biết kỹ thuật này có công cụ, kỹ năng cũng như đủ kiên nhẫn để chọc ngoáy vào các kỹ thuật bảo vệ hạn chế tại một số điểm truy nhập mạng không dây. Người dùng do đó sẽ bị lừa phỉnh cung cấp thông tin cho mạng “nhân bản” giả mạo này thay vì cho nhà cung cấp điểm hotspot.

Khi bạn đã ở trong điểm hotspot giả mạo thì nhiều nguy cơ bạn sẽ bị chuyển hướng tới các website lừa đảo cũng như những website có virus, hoặc thậm chí bạn sẽ bị lừa để tạo một tài khoản mới và cung cấp thông tin thẻ tín dụng hoặc những thông tin cá nhân quan trọng khác.

Những thủ thuật giúp người dùng an toàn khi sử dụng WiFi công cộng
• Nên thận trọng với những người dùng xung quanh. Người dùng nên quan sát và đảm bảo rằng không có ai đang nhìn trộm hay dõi theo hoạt động bạn đang đăng nhập vào hệ thống, email, dịch vụ tin nhắn hoặc các tài khoản khác.
• Đừng bao giờ sao lãng hay bỏ mặc máy tính xách tay hoặc thiết bị cầm tay của bạn, thậm chí chỉ trong chốc lát.
• Không nên đặt chế độ máy tính tự động truy nhập vào mạng không dây gần nhất. Thay vào đó, bạn nên kết nối thủ công tới một điểm hotspot.
• Đảm bảo bạn đang kết nối tới một điểm truy nhập hotspot hợp lệ bằng cách kiểm tra với người sở hữu mạng đó về tên mạng và quy trình kết nối.
• Tắt chức năng chia sẻ khi bạn đang ở trong một điểm hotspot, tối thiểu những dữ liệu cá nhân, dữ liệu nhạy cảm mà bạn lưu trữ trên máy tính xách tay và thiết bị di động.
• Không thực hiện các giao dịch ngân hàng hay thương mại trực tuyến khi bạn đang sử dụng một điểm hotspot công cộng. Nếu bạn sử dụng dịch vụ tin nhắn từ xa hoặc email tại các điểm hotspot công cộng, đừng bao giờ gửi những thông tin nhạy cảm và quan trọng.
Người dùng nên cân nhắc tạo một tài khoản email trên web để sử dụng tại các điểm hotspot.
• Không truy nhập vào những trang web mà bạn không muốn người lạ biết được bạn đang làm gì.
• Tắt kết nối mạng không dây khi bạn không có nhu cầu sử dụng nữa.
• Khi bạn đang trong một hotspot công cộng, bạn không nắm rõ được các máy tính khác trong mạng bị có bị lây nhiễm hay không hoặc có thể có một hacker đang rập rình sẵn trong mạng. Phần mềm diệt virus sẽ giúp bảo vệ bản trước những đe dọa tiềm ẩn và những kẻ xâm nhập bất hợp pháp nguy hiểm khác.

Lời kết
Các điểm truy nhập wi-fi công cộng có thể vừa là bạn vừa là thù trong quá trình di chuyển của bạn, trừ phi bạn phải cẩn trọng đề phòng trước. Người dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn việc bảo vệ máy tính, dữ liệu cũng như những thông tin cá nhân của mình với những công cụ tiên tiến sẵn có hiện nay và thói quen sử dụng máy tính một cách an toàn.

PV
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Khủng khiếp ngôi làng chết như ngả rạ vì ung thư
04/05/2012 06:00 | Phóng sự - Khám phá |

(VTC News) - Chị bán nước bảo: “Bệnh đấy có là gì đâu anh? Làng em chết như ngả rạ vì bệnh ung thư anh ạ. Giờ người ta không gọi làng là Tử Lạc nữa, mà gọi là Tử Tiệt anh ạ”.

Kỳ 1: Tử Lạc thành… Tử Tiệt

Mấy năm trước, người dân cả nước choáng váng vì phát hiện ra “xã ung thư” ở Phú Thọ. Ấy là xã Thạch Sơn, thuộc huyện Lâm Thao, nằm ngay cạnh nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao. Mỗi năm, xã này có vài người chết vì ung thư, thậm chí cả chục người. Tổng số có cả trăm người chết trong mấy chục năm.


Thế nhưng, trong chuyến công tác về xã Minh Tân (Kinh Môn, Hải Dương), tìm hiểu về đàn khỉ lông vàng cuối cùng của vùng đất, đang bị con người phá núi, tiêu diệt, tôi đã phát hiện ra một vùng đất khủng khiếp chưa từng thấy: Cả xã có vài trăm người chết vì ung thư, một làng có cả trăm người chết vì căn bệnh quái gở này trong 10 năm trở lại đây.

Tôi chỉ còn biết thốt lên rằng: Quá khủng khiếp! Không đâu trên thế giới này, chứ đừng nói ở Việt Nam, mà tình trạng chết ung thư khủng khiếp đến như thế.

“Làng em chết như ngả rạ”

Tôi ngồi uống nước ở gốc đa đầu làng Tử Lạc (xã Minh Tân) vào giữa trưa nắng chang chang. Con đường vào Tử Lạc lúc nào cũng bụi mù trời. Buổi trưa là lúc cánh đồng Tử Lạc vắng tanh, người dân đóng cửa kín mít. Đó là thời điểm các đơn vị khai thác đá đánh mìn, phá núi.

Những tiếng nổ ùng ục vang lên, những chuyến xe tải ra vào, chở ật ưỡng đá từ núi về Nhà máy xi măng Hoàng Thạch và các nhà máy xi măng trong vùng. Bụi đá, bụi xi măng trắng xóa, bao phủ khắp làng, biến màu xanh cây cối thành màu bàng bạc. Cả làng Tử Lạc chìm trong màu bàng bạc của bụi đá.


Đường vào Tử Lạc bụi mù trời. Màu xanh của cây cối biến thành màu bàng bạc.  Cành lá rũ đi vì bụi.

Tôi trò chuyện với chị bán nước: “Bụi bặm thế này chắc cả làng bị bệnh hô hấp chị nhỉ?”. Chị bán nước bảo: “Bệnh đấy có là gì đâu anh? Làng em chết như ngả rạ vì bệnh ung thư anh ạ. Giờ người ta không gọi làng là Tử Lạc nữa, mà gọi là Tử Tiệt anh ạ”.

Tôi tiếp chuyện: “Chết thế nào hả chị? Có bằng làng Thạch Sơn ở Phú Thọ không?”. Chị bán nước: “Em không biết làng Thạch Sơn chết thế nào, nhưng quá nửa số người chết ở làng em là ung thư. Chẳng tháng nào không có người về với đất vì bệnh ung thư”.


Nói rồi, chị chỉ cái nghĩa địa xa xăm ngoài cánh đồng và bảo rằng: “Anh cứ ra cái nghĩa địa đó mà xem, toàn người chết trẻ, chết vì ung thư đấy. Làng em chết trẻ nhiều hơn chết già”.

Nói rồi, chị thống kê cho tôi hàng loạt trường hợp trong làng chị đang sống dặt dẹo vì căn bệnh ung thư quái ác. Chị kể từ đầu làng đến cuối xóm, tôi chép mỏi cả tay. Thống kê lại, thì thấy sơ sơ có 15 trường hợp đang ngược xuôi chữa bệnh giành giật sự sống với căn bệnh quái ác này.


Ở đầu làng thì có ông Phúc chồng bà Huê, bị ung thư phổi, bệnh viện trả về, gia đình mới dựng dậy chụp ảnh để làm ảnh thờ, chờ ngày ông đi; rồi bà Lúa, vợ ông Thiện, ung thư vú, vừa lên Hà Nội cắt một bên vú; rồi anh Minh, ung thư dạ dày, đang xạ trị, hóa trị rụng hết tóc; rồi anh Khối ung thư vòm họng, vừa điều trị hóa chất mấy tháng trước, tóc đang mọc lại; rồi chị Hợi, mới 27 tuổi đầu, đã bị ung thư phổi, tình hình nghiêm trọng lắm…


Ở cuối làng thì có vô số, nào anh Đào Văn Tỵ, 46 tuổi, bị ung thư não rất trầm trọng; rồi chị Nguyễn Thị Mận, ung thư vú; anh Hướng ung thư vòm họng, vừa mổ và xạ trị về, vẫn đang đeo băng rô ở cổ; bà Cúc, bà Chung, chị Hà, bà Phách… cũng đều đang chống chọi, giành giật sự sống từng ngày với căn bệnh ung thư quái ác.

“Chồng chết nên tôi được sống”

Đang liệt kê danh sách những người mắc bệnh ung thư trong làng, chị bỗng rầu rĩ mặt mũi, thông báo người tiếp theo đang khổ sở với căn bệnh này, ấy là… mẹ đẻ chị.

Chúng tôi đang trò chuyện, thì bà Vũ Thị Miền đạp chiếc xe không phanh lọc cọc từ trong làng Tử Lạc ra. Con gái có việc, nên bà chạy ra trông nom hàng nước vắng tanh vắng ngắt này giúp con.


Nhắc đến chuyện bệnh ung thư, bà Miền bức xúc lắm. Bà Miền tuy mắc trọng bệnh, nhưng tính bà ăn sóng nói gió, cứ oang oang, chẳng sợ thứ gì trên đời. Bà bảo: “Thú thực với chú, tôi là người từng có cả năm trời dẫn đầu cả xóm đi kiện khắp nơi. Tôi bị chính quyền đe dọa, bị em trai là phó chủ tịch xã mắng mỏ, nhưng tôi không chùn bước, tôi quyết tâm đi kiện.

Tôi mắc bệnh rồi, treo án tử rồi, tôi chết thì đành một nhẽ, nhưng con, cháu tôi thì sống thế nào ở cái ngôi làng mà không khí bụi mù trên trời, rồi hóa chất chảy đen đặc trên mặt đất, dưới lòng đất thế này?”.


Chuyện là, mấy năm trước, có nhà máy thép, chở phế thải đổ ở hồ nước đầu làng, cá chết hàng loạt, cỏ vàng héo khô, bốc mùi khủng khiếp. Không chịu nổi cảnh ấy, bà đã dẫn đầu cả làng đi kiện. Kết cục dân làng thắng. Nhà máy thép kia buộc phải đóng cửa bãi rác.

Nhưng theo bà, thủ phạm lớn nhất, đem đến tai họa cho dân làng mấy chục năm nay, là những ống khói khổng lồ, cao bằng ngọn núi của các nhà máy xi măng trong vùng. Mà chềnh ềnh ngay cạnh làng, là nhà máy xi măng lớn nhất Việt Nam – nhà máy xi măng Hoàng Thạch.


Chưa có chứng cứ gì để kết luận thủ phạm gây nên thảm họa chết hàng loạt ở ngôi làng này là nhà máy xi măng Hoàng Thạch, nhưng không chỉ bà Miền, mà cả làng Tử Lạc, cả xã Minh Tân này đều khẳng định chắc nịch là do mấy cái ống khói khổng lồ của nhà máy ấy.

Thảm họa xảy đến với bà Miền vào năm 2009. Khi ấy, thấy ở phần kín của mình ra máu, bà đã thốt lên: “Thôi chết tôi rồi!”. Ở ngôi làng này, hễ ai có biểu hiện lạ, người ta đều nghĩ đến kẻ thù mang tên “ung thư”. Và sự thực xảy ra đúng như nghi ngờ của bà.

Bệnh viện Hải Dương siêu âm, lấy tế bào xét nghiệm. Bác sĩ bảo: “Nghi bà bị ung thư rồi”. Họ lập tức chuyển bà lên Bệnh viện K Hà Nội. Bà bị ung thật, là ung thư cổ tử cung.

Bà được các bác sĩ mổ, cắt tử cung, rồi xạ trị, hóa trị suốt một năm trời. Giờ bà được về, nhưng cứ độ một tháng bà lại phải lên Hà Nội kiểm tra, lấy thuốc về uống.

Bà Miền bảo: “Chồng tôi chết nên tôi mới được sống đấy chú ạ. Tôi là vợ liệt sĩ, nên có bảo hiểm y tế, được miễn viện phí. Nếu không có bảo hiểm y tế, tôi lấy đâu ra hàng trăm triệu mà điều trị. Chắc chắn là con cháu khênh về chờ chết”.

Nói rồi, bà Miền đạp chiếc xe tồng tộc dẫn tôi về ngôi nhà giữa làng, nơi mỗi mình bà ở. Đó là một ngôi nhà nhỏ xíu, nằm tênh hênh giữa mảnh đất nhỏ, không tường bao, không cổng rả. Căn nhà cũng không có đồ đạc gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ và bộ bàn ghế mọt.

“Tôi chẳng biết sống được bao ngày nữa. Nhưng còn sống, tôi sẽ còn đấu tranh, để con cháu tôi không phải chịu thảm cảnh căn bệnh ung thư treo trên đầu nữa” – bà nói với giọng rất quyết tâm. Nhưng bà chợt thở dài khi nhìn ống khói nhà máy xi măng to như con tàu vũ trụ khổng lồ đang nằm trên bệ phóng ngay rìa làng.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chao chang

http://vn.news.yahoo.com/...y-trong-tu-000026624.html

CẤM Ô TÔ 5 NGÀY TRONG TUẦN ĐƯỜNG CÓ ĐỠ TẮC ?????
VietnamnetVietnamnet – Thứ ba, ngày 24 tháng tư năm 2012

  
http://i1099.photobucket.com/albums/g381/anton_hoa7x/TACNG.jpg

- Ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển thư đề ngày 13/3/2012 của ông Mai Trọng Tuấn về việc chống ùn tắc giao thông tại 2 thành phố Hà Nội và TP HCM. Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/5.

Trong văn bản đề xuất, ông Mai Trọng Tuấn cho biết, ngày 2/2 ông gửi đề xuất nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông lên Chính phủ, Bộ GTVT và lãnh đạo Hà Nội, TP HCM với nội dung chính “để không có xe cá nhân (xe hơi và xe máy) lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố”. Phương án đó nếu muốn làm được phải có thời gian chuẩn bị vài năm và phải có sự đồng thuận xã hội.

Theo ông Tuấn, để có bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hóa phương án trên cần thực hiện giải pháp 5x5. Cụ thể, thực hiện 5 giờ trong một ngày (sáng, chiều) và 5 ngày một tuần (thứ hai đến thứ sáu) không có xe hơi cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố.

Cấm xe máy là đánh thẳng vào đời sống người lao động

Lý giải cho việc chọn cấm ôtô thay vì xe máy, ông Tuấn cho rằng, thời điểm này cấm xe máy là đánh thẳng vào đời sống trên 95% người lao động đang sống và làm việc ở trung tâm thành phố. Phần lớn họ là người hàng ngày vẫn lưu thông bằng xe máy, kể cả đi xe ôm.

“Việc cấm xe máy sẽ khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn, gia đình thêm khó khăn, do vậy nên thời điểm hiện tại biện pháp này không thỏa đáng”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Tuấn giải thích, nhiều người vẫn nghĩ số lượng xe máy những năm gầy đây bùng nổ trong khi Nhà nước mở đường chưa kịp nên cho rằng xe máy là nguyên nhân chủ yếu gây ra ùn tắc giao thông. Cũng vì thế không ít người muốn hạn chế, thậm chí không cho xe máy lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố.

Ông Tuấn lo ngạy nếu giải pháp cấm xe máy có hiệu lực cuộc sống của rất nhiều người dựa vào xe máy sẽ đảo lộn, đã khó khăn càng thêm khó khăn. Khi đó một loạt vấn đề sẽ nảy sinh như nhóm đối tượng bị cấm xe sẽ phản ứng, thậm chí không thực hiện. Đó là chưa kể đến việc định thu thêm nhiều khoản phí để hạn chế một phần người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tại thành phố. Không có lời giải cho vấn đề này một cách hợp lý và thỏa đáng thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thậm chí không thể thực hiện được giải pháp cơ bản.

“Hiện nay không thể và chưa thể bắt buộc đa số người dân đem xe máy đi gửi để mất tiền rồi lại dùng các phương tiện khác, tốn thêm 2 đến 3 lần nữa mà không thuận tiện. Đồng thời nhà nước cũng không lo đủ chỗ cho dân gửi xe máy”, ông Tuấn nhận định.

Cấm ô tô cá nhân 5 ngày trong tuần

Do đó, ông Tuấn đưa ra ý tưởng thực hiện 5X5 (25 giờ trong tuần) như một giải pháp chống ùn tắc giao thông. Mục tiêu của giải pháp này cụ thể là: “5 giờ trong ngày (sáng và chiều) và 5 ngày trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Sáu) không cho xe hơi cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố”.

Ông Tuấn, Việt Nam có hoàn cảnh cụ thể riêng, vì trong quá khứ nhiều vấn đề chúng ta cũng đã... đi ngược. Cụ thể, đường xá chưa mở được bao nhiêu, tốc độ tăng diện tích đường sá mới chỉ là cấp số cộng trong khi đó xe máy, ô tô tăng lên đột biến theo cấp số nhân. “Có nên chăng trước mắt vì lợi ích lâu dài của toàn xã hội chúng ta chấp nhận một bước đi ngược cấm ô tô trước khi cấm xe máy để tìm ra sự thuận chiều.

Để thấy sự hơn thiệt của việc cấm loại phương tiện nào thì hợp lý ông Tuấn đưa ra dẫn chứng cụ thể ở thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến đầu năm 2012, thành phố chỉ có gần nửa triệu ô tô, còn xe máy trên 5 triệu. Tuy lượng ô tô chỉ bằng 10% xe máy nhưng diện tích chiếm mặt đường khi lưu thông là 55%, diện tích chiếm chỗ đỗ tới 65%. “Vậy trước mắt ô tô cá nhân hãy nhường đường cho xe máy 5 giờ trong 1 ngày (sáng và chiều) và 5 ngày trong 1 tuần (từ thứ 2 đến thứ 6)”, ông Tuấn nêu.

Ông Tuấn cũng lường trước những khó khăn trong cuộc sống mà người có ô tô cá nhân sẽ gặp phải nhưng ông cũng cho rằng thực tế số lượng người có ô tô cá nhân không nhiều, chỉ chiếm rất ít người lao động. Và phần lớn những người có ô tô cá nhân cũng đã từng đi xe máy và thực tế những nhà có ô tô cũng có xe máy, vẫn có phương tiện thay thế linh hoạt.

Theo ông Tuấn, người có ô tô vẫn có thể dùng xe máy trong giờ cao điểm như mọi người. Và ngoài 25 giờ cho mỗi tuần (5X5) còn lại thời gian khác họ vẫn sử dụng ô tô cho nhiều việc gia đình và những công việc khác. “Nếu có phải hi sinh một chút thói quen để nhường xe máy, chắc chắn số ít này cũng sẽ vui lòng. Nếu có ai đó phản ứng, không đồng tình thì cũng chỉ là số rất ít.

Nếu thực hiện được điều này, sau vài năm, khi thành phố tổ chức tốt mạng lưới giao thông công cộng với nhiều loại hình, phục vụ mọi người đi lại tiện lợi dễ dàng khi đó có đề xuất không có xe gắn máy trong khu vực trung tâm, chắc chắn người dân sẽ đồng thuận…”, ông Tuấn nói.

Gia Văn
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chao chang

http://vn.news.yahoo.com/...m-quy-t-li-230300143.html

Xử lý thuốc cam quyết liệt nhưng chậm

Tuổi TrẻTuổi Trẻ – Thứ hai, ngày 23 tháng tư năm 2012

   

TT - Vụ thuốc cam nhiễm chì xôn xao dư luận mấy ngày nay, trong đó có sự “vào cuộc quyết liệt” của Bộ Y tế như bình luận của báo giới hôm 19-4 hình như bị muộn.

Bởi ngay trước đó hôm 17-4, đã có thêm một bệnh nhi tử vong do nhiễm chì sau khi uống thuốc cam kéo dài.

Bố con bé Đặng Vũ Chính (12 tháng tuổi, ở Thái Bình) tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Bé Chính bị nhiễm chì hàm lượng 123,46 mcg/dl sau khi dùng thuốc cam, sau một thời gian dài điều trị lượng chì trong máu bé vẫn ở mức 34 mcg/dl - Ảnh: L.Anh

Đây là trường hợp thứ hai tử vong liên quan đến thuốc cam trong năm tháng qua, chưa kể 130 bệnh nhân được xác định nhiễm độc chì sau khi dùng thuốc cam riêng tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tính từ tháng 11-2011 đến tháng 4-2012.

Người dân rất bất ngờ bởi thuốc cam là vị thuốc dân gian được người dân thôn quê ưa dùng để chữa chứng tưa lưỡi và lười ăn, chậm lớn của trẻ, nay hóa ra là vị thuốc gây độc. Dân quê thuần hậu, họ luôn nghĩ thuốc dân gian, đông y lành, thích hợp với trẻ em. Làm sao dám trách những ông bố, bà mẹ tận tụy thương con, họ chỉ biết luống rau, mảnh ruộng và những gì gần gũi như chữa bệnh cho con thì tìm loại thuốc cam quen thuộc ngay ở chợ nhà.

Thật đáng tiếc khi thông tin thuốc cam gây độc đã không đến được với họ. Và rõ ràng các cơ quan có trách nhiệm đã không tích cực đưa vấn đề thuốc cam đến với người dân. Bởi ngay từ tháng 11-2011, khoa thần kinh Bệnh viện Nhi T.Ư đã có cảnh báo gia tăng tình trạng ngộ độc chì liên quan đến thuốc cam. Tình trạng nghiêm trọng đến mức hôm 20-1-2012, văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại VN đã có thư cho Bộ Y tế nhận định: “Sự gia tăng của các trường hợp nhiễm độc chì do dùng thuốc cam cần được xem như mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng”.

Nhưng chúng ta đã ứng xử với “mối đe dọa nghiêm trọng” một cách thật từ tốn. Mãi đến ngày 18-4 mới có phiên họp đầu tiên do lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì để xử lý vấn đề thuốc cam. Đến nay vẫn chưa có phác đồ chuẩn điều trị tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em. Danh sách các cơ sở bán thuốc cam liên quan đến bệnh nhi nhiễm chì chưa được công bố công khai. Số trẻ em từng dùng thuốc cam được đưa đến bệnh viện định lượng chì trong máu tăng vọt những ngày qua đều là tự phát, do bố mẹ các cháu nghe tin thuốc cam độc trên tivi và báo chí.

Khi chuyện thuốc cam gây độc được đưa lên báo chí, nhiều người nói thật ra đây là chuyện nhỏ. Ngành y tế còn bao nhiêu chuyện lớn ảnh hưởng đến cả triệu người bệnh như viện phí, bảo hiểm y tế, quá tải bệnh viện... đều đang rất cần được giải quyết.

Sinh mạng con người là quan trọng, và sứ mạng của thầy thuốc là cứu người, mỗi vấn đề ảnh hưởng đến sinh mạng của con người, với ngành y tế lẽ ra đều phải là những chuyện lớn, chuyện hệ trọng mới là cách ứng xử phù hợp y đức.

Khi đến Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, nhìn gia đình anh Vũ Văn Bao ở Mỹ Đức, Hà Nội có hai con trai thì cả hai cháu bị nhiễm chì sau khi dùng thuốc cam, nhiều người cứ chép miệng sao mà cha mẹ bé lại đem thứ thuốc xanh đỏ gói trong giấy báo cho con mình uống hàng tháng trời. Nhưng ở làng xã anh Bao sống có y tế xã y tế thôn không, có chính quyền xã chính quyền thôn không, vì sao lại để tình trạng thuốc không rõ nguồn gốc lưu hành tự do? Chưa kể vai trò của sở y tế, của Bộ Y tế ở đâu mà từ năm ngoái chuyện thuốc cam rầm rộ đến thế rồi, giờ đây mới bàn nhau phương hướng xử lý? Hay thuốc cam với Tổ chức Y tế thế giới là chuyện lớn, với chúng ta lại là chuyện nhỏ?

HỒNG HÀ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thương hiệu của thầy cô



TTCT - 1. Ai cũng bảo nhà giáo vô cùng vất vả, đời sống còn nhiều khó khăn. Ấy thế mà có điều chưa đúng như vậy. Trước đây việc so sánh hơn thua giữa các nhà giáo gần như không tồn tại.

Tất cả tập trung cho việc dạy và học. Chẳng ai thấy tổn thương khi đến trường bằng chiếc xe đạp, hay lên lớp với một bộ trang phục đơn giản bằng chất liệu nội địa. Ngày nay cuộc sống có nhiều thay đổi, hàng hóa tiêu dùng phong phú hơn, yêu cầu thụ hưởng có tăng lên. Đơn cử như bây giờ muốn tìm một chiếc xe đạp trong bãi giữ xe dành cho thầy cô của trường không phải dễ. Xe Trung Quốc cũng biến mất, thay vào đó là các nhãn hiệu nổi tiếng.



Minh họa: Vũ Đình Giang



Trường THPT S nơi con tôi từng học, thầy T. vang danh sở hữu xe đời mới. Tuy gia thế không phải vào bậc nhất, nhưng thầy quan niệm giá trị con người là ở chỗ chiếc xe mình đi. Hơn nữa vốn là giáo viên dạy toán, thầy muốn chứng minh rằng thu nhập của thầy cao từ việc dạy thêm nên việc đổi xe như thay áo không có gì là lạ.

Việc biến mình thành nhân vật quảng cáo cho các hiệu xe nói trên mang tới những kết quả không ngờ. Số học sinh học thêm tăng nhiều đến độ thầy không thể xếp lịch dạy được. Đơn giản là phụ huynh nhìn vào xe thầy đang sử dụng để đánh giá rằng đó là do khả năng sư phạm của thầy! Thầy đã làm dấy lên làn sóng chơi xe đời mới nơi thầy công tác.

Các thầy cô chơi xe để khuếch trương thanh thế, có nhiều học sinh học thêm, thu được nhiều tiền và lại tiếp tục... lên đời. Bây giờ, tuy là một tỉnh nhỏ, giáo dục chưa phải chiếm vị trí hàng đầu trong cả nước nhưng giáo viên quê tôi đã có người sắm ôtô rồi.

2. Trong học sinh cũng hình thành cách nhìn nhận, đánh giá, tôn trọng người thầy tùy vào chiếc xe thầy cô sử dụng. Thầy chủ nhiệm là chủ nhân một chiếc xe hàng hiệu xem ra công tác có phần hiệu quả hơn đồng nghiệp đi chiếc xe tàng tàng. Họp phụ huynh mà xe thầy chủ nhiệm thuộc top ten thì mức độ nể vì, tin tưởng từ phụ huynh cũng tăng theo. Chính vì vậy càng phải lên đời cho bằng người khác!

Cứ nhìn vào khế ước vay vốn ngân hàng (chính thầy cô mới là chủ vô vàn tài khoản nợ nơi đây, trả bằng cách trừ lương hằng tháng) là thấy ngay mẫu số chung từ các thầy cô. Gần như lý do vay vốn là mua hàng tiêu dùng theo chủ trương kích cầu của các nhà kinh tế. Họa hoằn lắm mới thấy vay để làm nhà, sản xuất... Có trường hợp hai vợ chồng cùng là giáo viên, vay tiền để mua một chiếc xe tay ga cho "bằng chị bằng em" để rồi mỗi tháng phải cắn răng chi gần một nửa tháng lương mà trả cho ngân hàng nên mọi nhu cầu khác phải cắt giảm.

Khi chính sách kích cầu không được ưu ái nữa, việc vay vốn xem chừng gặp trở ngại. May thay đã có cách giải quyết. Đó là nhờ vào lời kêu gọi của ngành, khuyến khích các thầy cô cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Muốn vậy, thầy cô phải đầu tư mua máy tính, máy in, máy ảnh kỹ thuật số... Thế nên các khế ước vay tiền vì những lý do trên sớm được ngân hàng thông qua, nhưng mua gì lại là chuyện khác.

Rồi xuất hiện trào lưu tậu laptop. Có thầy cô ứng dụng ngay trong dạy học rất được hoan nghênh vì đạt hiệu quả cao, nhất là khi ngành giáo dục chưa trang bị nổi cho từng cá nhân khi lên lớp. Nhưng cũng có thầy cô sắm laptop để... trình diễn, để khẳng định thương hiệu. Có cô giáo cho biết mua laptop chỉ để xem phim và chơi game. Cũng chẳng sao, đó là quyền tự do của cô, có điều đi bất cứ nơi đâu, dự hội thảo hay dự giờ đồng nghiệp... cô chẳng bao giờ quên ôm laptop trong tay.

Tất nhiên phụ huynh học sinh nhìn thấy cô như vậy lại càng nể trọng vì một lẽ có laptop trong tay chắc chắn là người giỏi!?

3. Có học sinh từng hỏi thẳng tôi rằng: "Thầy có một cái áo thôi sao mà cứ đến tiết của thầy là em thấy giống như tuần trước?". Thật tội, tôi cũng chuẩn bị ba bộ tươm tất để lên lớp trong tuần, cũng chú ý tua qua một lượt mới quay lại thế mà sơ ý không tính được có lớp lúc nào đến tiết cũng ngay thứ tự bộ đồ mà tôi đã sắp xếp. Thế là tôi ngoài việc mặc cho đẹp còn phải tính đến việc mặc sao để đừng gây ngộ nhận trong học sinh rằng thầy của các em "nghèo quá".

Học sinh đi học đâu chỉ học kiến thức. Họ còn học một phần ngay từ chính thầy cô, những người ảnh hưởng không ít trong từng bước hình thành nhân cách học sinh. Và trong những trường hợp đã nêu, học sinh đang học đánh giá con người qua giá trị vật chất hơn là phẩm chất đạo đức.

Một số phụ huynh nuông chiều thói quen tiêu xài hàng hóa đắt tiền của con em mình. Chỉ vào tuổi thiếu niên mà các em được mua cho điện thoại những năm, mười triệu, lại thay đổi liên tục... Ngay chiếc xe đạp, các em cũng hơn thua ở chỗ xe nào là hàng nội địa, xe nào là xe nhập..., có em quyết không đến trường nếu cha mẹ không thỏa mãn yêu cầu mua sắm của bản thân.

Và vì đánh giá con người qua giá trị vật chất, một số em nghĩ rằng giá trị bản thân còn cao hơn thầy cô đơn giản vì điện thoại em sử dụng, chiếc xe em đi hằng ngày, bộ quần áo và nhiều thứ khác có xuất xứ từ các nhà sản xuất lừng danh hơn những thứ thầy cô đang sử dụng.

Các thầy cô "chạy theo trào lưu" có nghĩ tới điều đó hay không?

NGUYỄN HOÀI NAM (Tiền Giang)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [30] [31] [32] [33] [34] [35] [36] ... ›Trang sau »Trang cuối