Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Người viết trên kia viết hơi hồ đồ. Có lẽ tác giả không phân biệt được cảm thức cô đơn đối với một người sáng tác nghĩa là thế nào, có khác với "cô đơn" theo định nghĩa của mình không. Và ngay cả cái cách phân tích "cô đơn của người đọc" nghĩa là "sự hy sinh, hạn chế nạp vào những thứ dự liệu khác; hy sinh và hạn chế thời gian đàn đúm, kiếm tiền hay chìm vào các trò tiêu khiển “thức thời”"..v..v... mình đã thấy là một định kiến chủ quan lệch lạc về sự cô đơn rồi ạ :).
Nếu thế thì hãy nói rằng, con người, một cá thể trong xã hội và vũ trụ, làm bất cứ điều gì cũng bắt đầu từ sự cô đơn, rồi mới nói đến cộng đồng, bầy đàn. Hmm, nói chung mình chả hiểu bài viết trên muốn chúc mừng điều gì, khi mà cái điều ấy là một đặc điểm tự thân?
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Phong Lan

Tớ cũng đồng ý quan điểm của bạn. Bởi mỗi người là một "cá biệt" không giống ai. Ngay kể cả sự à uôm tiêu khiển tức thời kia cũng có sự "cô đơn" nhất định.
Còn những người "cô đơn" theo định nghĩa của bài trên chẳng qua đơn giản là họ tìm thấy niềm vui nơi trang sách, chỉ vậy thôi...
Có ai còn nhớ kẻ xích lô
Lãng mạng phong lưu thích đưa đò
Tóc bạc râu dài chừ thấm mệt
Nhìn thấy cháu đẹp chẳng dám ho ... he ... he
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sách của NXB Giáo dục dạy nghề... xẻ thịt thú rừng?

* Theo Lãng Quân (Thiennhien.net, VNN)



Tôi từng đi với nhiều chuyên gia bảo tồn động vật, giữa lố nhố hàng quán miền sơn cước, thấy ai đó uống rượu với đĩa thịt chim sẻ rán, cả mâm, không ai bảo ai, tất cả cùng lặng lẽ đứng dậy. “Văn hoá” bảo tồn đã đi vào máu của nhiều người, trong khi, NXB Giáo dục vẫn vô tư dạy con cháu chúng tôi cách ăn thịt cầy, cáo, gấu, sơn dương...?!

http://phapluattp.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/04/26/images1956208_sach.jpg

Một buổi sáng, đứa cháu tôi ngỏ ý muốn chú đưa đi siêu thị mua các món: mật gấu, cao sơn dương rồi nước hoa bằng “tuyến xạ con cầy giông”!

Toàn những món “quái đản”, tôi còn chưa biết cầy giông là con gì, cháu tôi cũng chửa bao giờ trông thấy... gấu, và kể cả con sơn dương có sống trong phòng khách nhà tôi, cháu cũng không tài nào biết nó là sơn dương hay con chó lai. Nó mới chỉ 8 tuổi đầu.

Đại gia đình tôi quyết định truy tìm nguồn cơn đáng... choáng váng này.

Cháu bé trịnh trọng bê ra một cuốn sách, sách do chính ông nội cháu mua tặng dịp sinh nhật, mang tên “Từ điển tranh về các con vật” (do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, tác giả là Lê Quang Long).

Tôi đọc, ngay từ phần “Lời nói đầu”, ông Long đã “thay mặt nhóm tác giả” giới thiệu cuốn sách của họ là cuốn từ điển tranh đầu tiên về loài vật, đề cập đến hơn 500 con vật khác nhau nhằm “giúp bạn đọc tìm hiểu, tra cứu về chúng để có thêm những kiến thức cơ bản nhất, cập nhật nhất về thế giới động vật. Cuốn sách còn là tài liệu quý phục vụ cho việc nghiên cứu về động vật Việt Nam và thế giới”.

Phải nói là sách trình bày rất “Tây”, ảnh in đẹp, súc tích, dễ hiểu, chỉ tiếc rằng, xuyên suốt nội dung giới thiệu về các con vật, rất nhiều khi các tác giả viết “tài liệu quý” đã cơ bản biến đám trẻ thơ ngây của chúng ta thành những “thực khách” hay những trọc phú “chọc tiết” thiên nhiên hoang dã đích thực.

Khi đọc sách, ở nhiều trang, tôi có cảm giác như đang gặp một người nào đó vừa xem phim “thế giới động vật”, vừa liếm mép, tay cầm dao dĩa và hai cánh mũi phập phồng hà hít mùi thịt quay thịt nướng. Đến mỗi đoạn, nghe tác giả giới thiệu “công dụng” của con vật khi “làm thịt” phục vụ đời sống phi bảo tồn của ai đó, cái người ngồi cạnh tôi kia lại hào hển, thèm thuồng: con nai này mà quay lên thì béo lắm đây, con hổ này mà lọc xương nấu cao thì tốt cho gân cốt phải biết!

Vì sao vậy? Xin trích “ba mặt một nhời”, như sau: “Thịt cầy giông ngon. Mật dùng để chữa bệnh phụ nữ khi sinh đẻ. Da, lông là những mặt hàng có giá trị kinh tế. Tuyến xạ được dùng trong công nghệ sản xuất nước hoa” (trang 108, sdd); ngay trang 109 tiếp theo: “Thịt cầy hương thơm ngon”. Đặc biệt, phần giới thiệu về loài sơn dương - giống vật hiền lành và như là biểu tượng may mắn trong tâm thức của không ít cộng đồng người vùng cao Việt Nam - các tác giả hạ bút, tiếp: “Sơn dương là loài rất có giá trị kinh tế, thịt rất ngon, mật có tác dụng như mật gấu, xương dùng để nấu cao”.

Ngại dài lời, tôi sẽ không trích thêm các đoạn dạy nghề mổ thịt thú rừng nữa. Chỉ muốn nhấn mạnh rằng: nếu đứng ở góc độ bảo vệ động vật hoang dã, các trang sách kia đã “vẽ đường cho hươu chạy”, chẳng khác nào dạy trẻ em và người lớn nước ta ăn thịt sơn dương rồi nấu cao toàn tính, giết gấu lấy mật hỉ hả tưng bừng.

Bảo vệ các loài động thực vật trước nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu là vấn đề luật pháp, nhưng hơn nữa, nó còn là chuyện về văn hoá làm người của nhân loại tiến bộ. Công ước quốc tế về vấn đề này (CITES) đã được thượng tôn, Việt Nam là nước thành viên tích cực.

Người Việt Nam, đã có những cá nhân tích cực đi bộ xuyên Việt để kêu gọi cộng đồng không sử dụng các sản phẩm, săn bắn, giết chóc động vật hoang dã. Hàng trăm chuyên gia quốc tế đã dành cả cuộc đời mình để bảo vệ hoang thú Việt Nam, với khẩu hiệu, như ông Tilo Nadler (người Đức) đã gương cao: các loài linh trưởng là di sản của thiên nhiên Việt Nam, chứ không phải là thực phẩm, càng không phải là dược liệu.

Qua các diễn đàn, qua báo chí, Trưởng đại diện tại Việt Nam của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WCS), TS. Scott Roberton cũng nhiều lần thống thiết kêu gọi Bộ Y tế và các trường đào tạo y dược của Việt Nam khẩn trương xoá bỏ việc tuyên truyền về “ích lợi” của việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp trong các dược thư, giáo trình đào tạo, sách báo văn chương.

Chưa bao giờ các chương trình, vận động ứng xử “chan hoà” với các loài động vật hoang dã lại cấp tập, quyết liệt như hiện nay. Cái gốc của vấn đề nằm ở một góc nhìn nhân bản và có văn hoá với thiên nhiên hoang dã, bầu sữa - tay nôi của cuộc sống này. Con sơn dương, con nai con hoẵng có thể chưa là động vật hoang dã quý hiếm lắm, nhưng nó cũng là thức ăn quan trọng với hổ báo và nhiều loài thú ăn thịt khác. Việc bảo vệ chúng, là hoạt động sống còn nhằm giữ gìn cho hệ - chuỗi đa dạng sinh học Việt Nam và thế giới.

Vậy mà, NXB Giáo dục vẫn vô tư dạy con cháu chúng tôi cách ăn thịt cầy, cáo, gấu, sơn dương... Như thế mà được ư?
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Quả đây là cách viết sách cũ kỹ của những thập niêm 70, 80 thế kỷ trước.
Nhưng tác giả bài viết có hơi cực đoan, lại thêm cách giật tít giật gân của VNN nữa khiến chưa đọc bài mình đã thấy vấn đề quá ư là nghiêm trọng rồi. Hic.
Mình nghĩ, với "bối cảnh" là một cuốn Từ điển - tác giả đã đưa vào những thông tin mà ông ta cho là cần thiết và đầy đủ để người đọc nắm bắt hết những khía cạnh khác nhau về bản năng tự nhiên lẫn giá trị kinh tế của một loài động vật. Đương nhiên, con người là loài động vật dã man nhất thế giới rồi, lợi dụng - sử dụng tất tần tật các loài khác để phục vụ cho cuộc sống của mình. :). Tuy vậy, bảo đây là cuốn sách "dạy cách ăn thịt cầy, cáo..." thì mình cho là đã ngoa ngôn!
Tuy nhiên, đúng là những người viết sách cần phải đổi mới tư duy làm việc. Còn xã hội thì khỏi nói, nhìn xem, các quán thịt rừng... :(
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Phải chăng lễ hội đang dẫn chúng ta lạc đường?

* TS. Nguyễn Xuân Diện



Đã sang giữa tháng Ba âm lịch. Mùa xuân đã cạn ngày. Bao nhiêu lễ hội rộn ràng đã hết. Bao nhiêu những bãi đất trống trước cửa đình đã từng náo động trong những ngày hội xuân rộn rã trống chiêng đã trở về với sự bình yên vốn có. Ba tháng ăn chơi đã kết thúc. Nhưng dư âm của một mùa lễ hội thì vẫn còn đấy! Khiến cho những người yêu văn hóa cổ truyền day dứt và chạnh lòng.

Chúng ta có quá nhiều lễ hội. Có người tính mỗi ngày bình quân ở Việt Nam có hai mươi lễ hội. Mấy năm gần đây sự nở rộ của lễ hội ở trên khắp các miền của đất nước, đã bộc lộ ra tất cả những mặt tiêu cực lẫn tích cực của văn hóa Việt Nam.

Người dân ngày càng háo hức quan tâm và kéo đến với các lễ hội cho thấy một nhu cầu về văn hóa tâm linh hơn bao giờ hết. Nhưng đáng tiếc là người ta đi lễ Phật và đến với các lễ hội, với mục đích rất thực dụng.

Người trảy hội thời nay không còn đem đến lễ hội sự chính tâm như ngày xưa nữa! Có người nói, quan sát lễ hội và người tham gia lễ hội là biết xã hội đang vận động ra sao. Người ta kéo đến lễ hội bằng những lời cầu khẩn quyết liệt nhưng đầy mê lầm, bằng những mâm lễ vật phàm tục để mặc cả với thần thánh, bằng những đồng tiền lẻ gài lên khắp thánh tượng, phật tượng, bằng những cuộc nhậu nhẹt say khướt nơi đất Phật Hương Sơn, Yên Tử bên những mâm đặc sản thú rừng được chặt chém bởi những tay đồ tể (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Lễ hội là dịp để gặp gỡ và đánh chén. Sau đó là chuyện xả rác không tiếc tay, khiến cho những khu di tích thành ra một bãi rác khổng lồ.

Điều đáng buồn là phần lớn những lễ hội mà chúng ta quan sát được, thì những nhà tổ chức chỉ chú trọng đến việc thu các loại tiền, sắp xếp các điểm đỗ xe, mà không có một lễ hội nào tuyên truyền một cách đầy đủ về ý nghĩa nhân văn của lễ hội, sự tích của thần linh. Đặc biệt là cả một phong trào sân khấu hóa lễ hội, đã làm biến dạng và tha hóa các giá trị của lễ hội.

Nhiều lễ hội làng, vốn có qui mô nhỏ bé đã được phù phép thổi phồng của các "chuyên gia văn hóa" thành các lễ hội lớn, hoành tráng, thu hút sự quan tâm của hàng vạn người. Lại có những lễ hội thuần túy là lễ hội tín ngưỡng địa phương, nhưng nay được biến thành các lễ hội mang tính chất quốc gia.

Chúng ta đều biết rằng lễ hội là thời điểm mạnh, hội tụ sức mạnh của cộng đồng Việt, ngưng kết nhiều ý nghĩa và biểu tượng văn hóa đã được trao chuyển từ đời này qua đời khác. Chúng ta tìm thấy trong lễ hội cả những hào quang chiến thắng của những cuộc chiến tranh vệ quốc trong quá khứ, những tầng sâu của nền văn minh lúa nước, những ứng xử của con người đối với tự nhiên. Nay, những điều đó chúng ta có còn tìm thấy trong những lễ hội?

Nước ta đang dấy lên chuyện tâm linh, nhưng toàn cổ xúy cho những lệch lạc. Đáng lẽ đền Trần là nơi giáo dục hào khí Đông A và tinh thần yêu nước thì thành ra nơi cổ xúy chuyện ấn triện, thăng tiến và lợi lộc, mua quan bán chức.

Đáng lẽ đền Trần Thương, đền Bà Chúa Kho là nơi giáo dục tinh thần tận tụy và liêm chính, trách nhiệm với kho dự trữ của nhà nước thì thành ra nơi mặc cả vay mượn, mua bán quàng xiên.

Đáng lẽ lễ Tịch điền, đàn Xã Tắc là nơi giáo dục lòng biết trọng nông thuần phác thì lại thành ra nơi lòe loẹt, cờ đèn kèn trống.

Phải chăng lễ hội của chúng ta đang dẫn chúng ta đi lạc đường? Phải chăng dân ta đang đi vào bến lú sông mê, quên hết đức nghiệp của tổ tiên chúng ta?

Chúng ta đang sống trong những ngày rộn ràng của lễ hội đền Hùng, nhưng các nhà văn hóa lại rất lấy làm phiền lòng về những lễ vật dâng cúng ở đấy. Nào là bánh trưng nhân xốp của năm ngoái, nào là chai rượu khổng lồ của năm nay, rồi còn thêm bát miến khổng lồ. Toàn là những chuyện động trời của những kẻ háo danh.

Chúng ta đều biết rằng trong một lễ hội dân gian, bao giờ trước khi dâng cúng lễ vật lên các vị thành hoàng làng cũng có mục "củ soát tế vật". Khi ấy những vị trong đội tế sẽ tiến hành kiểm tra xem xét các lễ vật, xem chúng có đủ sự thanh khiết, sạch sẽ không; những lễ vật này có là đồ quốc cấm không, có được dâng lên với tấm lòng thành kính không, hay là người dâng lễ vật lợi dụng chuyện dâng lễ để nhằm mục đích khác.

Lễ hội chính là một phần của văn hóa và đạo đức của toàn xã hội, thể hiện niềm tôn kính đối với các vị anh hùng dân tộc, với Phật và Thánh Thần. Lễ hội cũng chính là nơi hội tụ sức sống của dân tộc, sức sống của văn hóa Việt từ ngàn đời truyền lại.

Rất mong ngành văn hóa kịp chấn chỉnh lễ hội, để văn hóa và đạo đức xã hội sẽ được vãn hồi kịp thời! Từ đó, nội lực văn hóa Việt Nam được hưng thịnh và phát huy trong thời buổi hiện nay!
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi


Trích đoạn phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Pierre Darriulat

“Tranh đấu cá nhân đang triệt tiêu ý thức công dân”

Hiểu và yêu Việt Nam như một người Việt thực thụ, người đàn ông Pháp cao lớn với nụ cười đôn hậu đó chính là nhà vật lý hạt nhân tầm cỡ thế giới Pierre Darriulat, cố vấn khoa học tại phòng thí nghiệm tia vũ trụ Việt Nam – Auger, viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân Hà Nội, nguyên giám đốc khoa học của trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu.

Pierre Darriulat từng được trao giải thưởng André Lagarrigue năm 2008, giải thưởng dành cho các nhà nghiên cứu tiên phong trong việc chế tạo và khai thác thành công các thiết bị khoa học lớn như máy gia tốc, hệ thiết bị đo tại các phòng thí nghiệm Pháp và của các cộng đồng quốc tế có Pháp tham gia.

Dựa vào kinh nghiệm lâu năm của một nhà vật lý từng làm việc ở châu Âu và Mỹ, từng giảng dạy trong các trường đại học Việt Nam, ông có thể bày tỏ một cách thẳng thắn về việc làm thế nào để xây dựng một tinh thần đại học?

Vấn đề cần nhất trong cải cách giáo dục đại học là thay đổi quan niệm về sự học và nhiệm vụ của đại học. Gần đây, tôi có đọc một bài viết của ông Hồ Đắc Di nhân ngày khai trương đại học đầu tiên ở Việt Nam năm 1947, và ngạc nhiên vì ngay từ thời điểm đó, ông Di đã có những suy nghĩ rất sâu sắc về nhiệm vụ của đại học. Tôi cũng rất tiếc vì nhiều giáo sư, sinh viên Việt Nam, thay vì lúng túng nhiều năm với những giáo trình hiện tại, nếu đọc lại bài viết năm 1947 của ông Hồ Đắc Di sẽ nhận ra những gì phải làm và đường lối để đi một cách vững chắc. Theo ông Di, đại học là nơi không chỉ dạy khoa học, mà để làm khoa học. Chức phận của người giáo sư là hỗ trợ giáo huấn. Sự giao luu giữa thầy giáo và sinh viên chỉ để tạo ra những kết quả cho đại học, các giáo sư hoàn toàn độc lập trong giảng dạy và những vấn đề liên quan đến học thuật. Việt Nam đã từng có rất nhiều nhà trí thức tiên phong với những suy nghĩ chuẩn xác về cách tổ chức và đường lối của một trường đại học, nhưng rất tiếc tư tưởng đó không được phổ biến rộng rãi. Ra đường hỏi Hồ Đắc Di thì ai cũng ngơ ngác, nhưng hỏi Bill Gates thì ai cũng biết, điều đó thật đáng buồn.

Tại sao Việt Nam cần đại học? Tại sao Việt Nam cần nghiên cứu? Đây không phải là những câu hỏi tầm thường; câu trả lời cho chúng khác nhau từ nước này đến nước khác và trong cùng một đất nước, câu trả lời cũng khác tại mỗi thời điểm của lịch sử. Chỉ khi những câu hỏi này có lời đáp, mới hy vọng trả lời tiếp các câu hỏi liên quan: Việt Nam cần loại đại học nào, và Việt Nam cần nghiên cứu gì? Những câu trả lời phản ánh kiểu xã hội mà đất nước đó muốn có, chúng là các lựa chọn chính mà Chính phủ chọn thay cho nhân dân. Việt Nam không nên copy một cách mù quáng những cách các nước khác đã và đang làm. Tốt hơn là tìm những câu trả lời rõ ràng, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, phổ biến chúng, sử dụng chúng như là một khung chung để từ đó xác định đường lối chỉ đạo và đi lên.



Nhóm Việt Nam – Auger đã trở thành thành viên của Dự án thí nghiệm Pierre Auger đang săn tìm các tia vũ trụ năng lượng cao nhất. Ông đánh giá như thế nào về tương lai của năm học trò đang trưởng thành từ phòng thí nghiệm của mình?

Tôi rất vui vì thấy ý nguyện của mình đang thành hiện thực, một học trò của tôi đang làm luận văn thạc sĩ, và bốn người đang làm luận văn tiến sĩ. Nhưng năm người là ít quá, ít nhất phải trên mười người. Mục đích lớn nhất trong quãng đời còn lại của tôi là tạo ra một đội ngũ khoa học Việt Nam có hiểu biết căn bản, đầy đủ, để sau này nếu tôi không còn nữa, họ sẽ tiếp tục dạy dỗ cho sinh viên, tiếp tục khảo cứu về phóng xạ vũ trụ. Có trang bị kiến thức cơ bản và ra ngoại quốc trao đổi kết quả khảo cứu thường xuyên với các cường quốc khác thì các nhà khoa học Việt Nam mới có thể thận trọng hơn trước những tin tức của thế giới. Không chỉ đào tạo, điều tôi quan tâm hơn là làm sao cho các sinh viên có thể gắn bó cùng nhau, tập trung cho công việc khảo cứu trong một thời gian dài, mà không phải làm thêm “công việc thứ hai” để kiếm sống. Tôi có dịp trao đổi nhiều với giáo sư Phạm Duy Hiển, ông cũng rất tâm huyết với trách nhiệm cụ thể của các nhà khoa học đối với lớp kế cận, nhưng dường như các cơ quan nhà nước không mấy ai quan tâm đến thế hệ tiếp nối, thiếu hẳn sự hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần, để đám trẻ có thể theo đuổi sự nghiệp khoa học đến cùng.

Vậy theo ông, Việt Nam đã thực sự có đủ nội lực để làm đại học đỉnh cao? Làm thế nào để thay đổi ý thức cả người học, người dạy, nhà quản lý?

Chưa. Vì những gì đã viết trong bài phát biểu của ông Hồ Đắc Di chưa được áp dụng trong đại học Việt Nam. Tôi không muốn chỉ trích, vì chỉ trích không mang lại kết quả gì. Tôi muốn đưa ra những giải pháp để thay đổi tương lai. Theo nhận xét của riêng tôi, Chính phủ Việt Nam đã có ý thức thay đổi tổ chức đại học, nhưng chưa biết làm cách nào vì thiếu chuyên môn. Việc này không thể chỉ trông chờ vào các cơ quan chính phủ. Các nhà khoa học, các giáo sư Việt Nam phải giúp đỡ, hợp tác với Chính phủ mới mong rút ngắn thời gian. Tôi hy vọng các sinh viên trẻ có ý thức hơn, tự hợp tác với nhau, thảo luận, phản biện, đề nghị lại với Chính phủ những yêu cầu của chính mình. Tất cả mọi người, từ sinh viên đến nhà cầm quyền phải có ý thức muốn thay đổi mới được. Tôi rất ngạc nhiên khi một viện trưởng khoe rằng các sinh viên của viện ông ra nước ngoài học rất nhiều, mà đó lại là ngành Việt Nam học! Nếu ai cũng chỉ muốn đi nước ngoài học, để làm việc cho các công ty nước ngoài thì Việt Nam mãi mãi không có đại học tầm cỡ. Cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giới trẻ, vì suốt bao nhiêu năm chiến tranh, trải qua bao cực khổ, những gì họ được dạy dỗ trái ngược với hiện thực khi ra đời… Họ phải tranh đấu, phải giành giật bằng mọi giá để kiếm tiền hơn là sống cho danh dự nước nhà. Giới trẻ mất dần ý thức mình là nền tảng xã hội tương lai. Một đất nước trải qua quá nhiều biến cố, mất mát bởi chiến tranh làm chậm trễ tương lai như Việt Nam, phải có những người trẻ có ý thức học giỏi để giúp nước, mới mong tiến nhanh được.

Nhưng theo ông, vì sao ngày xưa khổ cực thế mà Việt Nam vẫn có được những nhà khoa học lớn, còn bây giờ đời sống đã dễ dàng hơn nhưng giới trẻ lại thiếu tinh thần xả thân vì khoa học? Những tật xấu nào đang là lực cản cho sự phát triển?

Phá huỷ thì rất dễ dàng, nhưng xây dựng lại thì cần rất nhiều thời gian. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, để theo kịp châu Âu, đại học Mỹ phải mất 30 – 40 năm. Việt Nam sau 30 năm chiến tranh, để bắt kịp thế giới cũng phải mất ba thế hệ. May mắn của Việt Nam là lực lượng trí thức Việt kiều trên toàn thế giới rất đông, nhưng Nhà nước mới chỉ chú trọng mời gọi những Việt kiều có vốn về đầu tư thương mại hơn là những Việt kiều trí thức về giúp đào tạo con em ở Việt Nam. Điều này quả thật rất đáng tiếc.

Mặt khác, sự thực dụng và ích kỷ đang tạo một lực cản lớn khiến những gì tốt đẹp chưa được thực thi. Thói đua đòi cá nhân nhiều lên khiến mọi người không thể kết hợp cùng nhau để đổi thay đất nước một cách vững chắc. Tranh đấu cá nhân đang triệt tiêu ý thức công dân… Điểm xấu thì nhiều, nhưng không nên chỉ trích, phải nhìn rõ đường đi mới có thể cùng nhau xây dựng nước nhà.

(mời xem tiếp ở bên dưới)

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

(đoạn tiếp theo của bài phỏng vấn)

Từng được trao giải thưởng André Lagarrigue năm 2008, ông có thể kể một chút về công trình khoa học mà ông theo đuổi nhiều năm, nhưng do công bố chậm hơn nên giải Nobel đáng lý dành cho nghiên cứu ấy đã thuộc về người khác?

(Cười) Tôi không được giải Nobel nhưng vẫn hãnh diện khi thấy hai khảo cứu của chúng tôi đi song song. Ý tưởng chính về máy gia tốc của người đoạt giải Nobel cũng dựa trên một số kinh nghiệm của tôi. Tôi không quan tâm được hay không được giải, mà rất thích thú với những kinh nghiệm mình đã trải qua trong nghiên cứu khoa học.

Con đường nghiên cứu khoa học của tôi bắt đầu từ năm 1964 ở trung tâm Hạt nhân Saclay tại uỷ ban Năng lượng nguyên tử Pháp, phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkley tại Mỹ và trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu tại Geneva, Thuỵ Sĩ.

Ông còn viết cả truyện ngắn, viết báo, ông quan tâm đến điều gì ở Việt Nam?

Tôi có viết mấy truyện nhỏ cho tạp chí Việt Nam học bằng tiếng Pháp về những chuyện thời sự của Việt Nam, đối chiếu với thời sự Trung Quốc, để diễn tả những suy nghĩ của mình về tình hình chính trị, xã hội Việt Nam từ thế kỷ 19 đến giờ.

Ông coi trọng điều gì nhất ở người làm khoa học?

Một nhà khoa học phải có quy tắc nhất định trong thẩm định công việc mình làm, không bị ảnh hưởng bởi chính trị và những việc khác.

Có bao giờ ông rơi vào tâm trạng cô đơn?

Khoa học ngày càng tiệm cận với triết học, nhất là đạo Phật. Nhìn hiện tại với sự hiểu biết khoa học song song với đạo học phương Đông, một ngày kia có thể giải quyết những vấn đề của con người, giúp con người bớt cô đơn.

Cảm ơn ông.

thực hiện: Kim Yến
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường

GS vật lý Phạm Duy Hiển:
    “Một nhà khoa học thực nghiệm danh tiếng nước ngoài yêu Việt Nam bằng một tình yêu thánh thiện như Pierre Darriulat khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ về câu hỏi muôn thuở:
      Thế nào là yêu nước? Ai mà chẳng yêu nước, nhưng hành động mới là thước đo chân thực tình yêu nước ở mỗi con người”.

Nhà thơ Việt Phương:
    “Một nhà khoa học hết lòng vì Việt Nam, thấm thía hơn ai hết nỗi đau giáo dục tụt hậu của Việt Nam và coi đó như nỗi đau của chính mình, nỗ lực bằng những công việc cụ thể hàng ngày để làm vợi bớt nỗi đau ấy.
     Một người trí thức nhã nhặn, tử tế, khiêm nhường và cởi mở với tất cả mọi người. Không có ý định trở thành nhà văn, những truyện ngắn súc tích của ông về những điều đẹp đẽ của con người trước hết là để làm vui mình, và mang niềm vui đến cho người khác”.

(Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp thị)

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Quảng Nam: Lúa chín rục nhưng không dám gặt

* TẤN VŨ




Báo Tuổi Trẻ - Hơn 1.400 hộ dân tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) như đang ngồi trên lửa khi cánh đồng lúa giống gần 600ha của họ đang độ chín rộ nhưng không dám thu hoạch.Trong khi đó, đối tác thu mua lúa giống đã biệt tăm từ ngày biết lúa không đạt chuẩn làm giống.

Né trách nhiệm


Ông Hà Mười (thôn Trung An, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) có 1.500m2 trồng lúa giống TH 3-4 đã quá hạn thu hoạch nhiều ngày nhưng vẫn không dám tuốt lúa vì chưa có sự chấp thuận của đối tác thu mua.

“Bây giờ chỉ cần một trận mưa rào hoặc gió mạnh thì gia đình tôi trắng tay vì lúa rụng sạch” - ông Mười lo lắng. Không chỉ riêng gia đình ông Mười, hàng trăm hộ nông dân khác ở khu vực này cũng rơi vào cảnh tương tự khi lúa chín vàng, có nơi cọng lúa đã khô ráp cúi sát đất mà chưa dám gặt. Đặc biệt, nếu có gặt mang về cũng không thể xay gạo ăn vì trước đó nó được sử dụng quá nhiều hóa chất. Thêm nữa năng suất của các cánh đồng lúa giống này chỉ bằng 1/3 năng suất lúa ăn bình thường trong huyện.

Từ vài năm trước, hàng ngàn hộ dân huyện Đại Lộc đã chuyển từ việc sản xuất lúa ăn sang làm lúa giống nhằm cung cấp giống cho cả nước. Theo đó, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp thị trấn Ái Nghĩa đứng ra thay mặt nông dân ký kết với ba công ty sản xuất giống tại miền Bắc để cung cấp giống, gồm Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương, Công ty TNHH Cường Tân và Viện Sinh học nông nghiệp (thuộc Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội).

Theo hợp đồng, phía các công ty sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ về việc hướng dẫn kỹ thuật sản xuất từ khi trồng lúa đến khâu thu mua. Các công ty này còn bảo đảm năng suất lúa sẽ là 1,8 tấn lúa giống/ha. Nông dân chỉ thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật và chấp hành sự chỉ đạo của các công ty này. Khi thu hoạch, các công ty này thu mua với mức 1kg lúa giống sẽ quy đổi thành 4kg lúa ăn cho nông dân.

Tuy nhiên, vụ lúa đông xuân 2010 này thời tiết diễn ra thất thường, trời trở lạnh đột ngột nên lúa giống không đạt yêu cầu. Kể từ đó nhân viên kỹ thuật của ba công ty trên không xuất hiện trên cánh đồng cùng nông dân nữa, cho đến khi lúa chín đầy đồng quá ngày thu hoạch.

Ngồi trên lửa

Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Ái Nghĩa, ông Thái Quang Thám, bức xúc: “Đúng ra các công ty này phải đến thương lượng đền bù và hỗ trợ người dân theo những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng thì họ lại im lặng”.

Ông Thám cho biết nếu đúng quy trình thì toàn bộ gần 600ha lúa giống nay đã thu hoạch xong, nông dân có thể cày xới chuẩn bị vụ sau. Tuy nhiên, nhập nhằng hiện tại vẫn chưa được giải quyết khiến chính quyền và hàng ngàn hộ dân như ngồi trên lửa. Nếu không kịp thời thu hoạch, ước tính thiệt hại của nông dân không dưới 20 tỉ đồng trong vụ này.

Cũng theo ông Thám, tại buổi làm việc mới đây với đại diện các công ty thu mua lúa giống cho dân thì họ không đền bù theo hợp đồng đã ký trước đó (tức 7,2 tấn lúa thông thường/ha) mà chỉ xin cơ chế hỗ trợ theo quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ.

“Nếu đền bù theo quyết định 142 thì nông dân chỉ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha. Với mức hỗ trợ này người dân không đủ bù đắp chi phí sản xuất, vì chi phí sản xuất 1ha lúa giống đã lên đến 2 triệu đồng” - ông Thám cho biết.

Theo ông Đỗ Bá Vọng - phó giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương, đơn vị đã báo cáo cho chính quyền tỉnh Quảng Nam, Cục Trồng trọt và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về vấn đề trên. Trách nhiệm của công ty là thu mua theo hợp đồng, nhưng trước rủi ro này thì người nông dân và doanh nghiệp cũng như các bộ ngành cùng nhau chia sẻ. Trước tiên sẽ tiến hành cho bà con gặt lúa, thống kê sản lượng, sau đó cùng chính quyền và nông dân nhóm họp để thương lượng lại vấn đề đền bù.

Trong khi đó ông Lê Tấn Hóa, trưởng thôn Gió Đông, thị trấn Ái Nghĩa, cho biết gần 60 hộ dân sản xuất lúa giống của địa phương không thống nhất với đề xuất của các công ty này. “Khi các công ty sản xuất lúa giống có lợi nhuận thì họ tìm đến ký kết, nay mất mùa thì tìm cách thoái thác trách nhiệm” - ông Hóa nói.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

Một đất nước 70% nông nghiệp mà làm ăn kiểu này thì 70% bao giờ mới được gọi là sống . Con số 70% đã đủ cho các nhà chức trách suy nghĩ chưa nhỉ?chỉ có nông dân là khổ thôi!lúc nào cũng khổ. được mùa thì tư thương ép giá , mất mùa thì...không có thóc,còn mất mùa kiểu thóc giống thì các đối tác mất tăm,chỉ có LỢI NHUẬN là xuyên suốt chính sách của họ thôi!Mà toàn là các công ty có THƯƠNG HIỆU đấy chứ, các bác nông dân phải làm gì và trông chờ gì đây...???
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=417673

Theo báo Tuổi Trẻ, vào lúc 15g15 ngày 10-5, trên đỉnh cây cột điện cao thế gần bùng binh giao lộ đường 30-4 - Nguyễn Hữu Thọ (TP Đà Nẵng) xuất hiện một người phụ nữ ngồi chắp tay. Nhiều người đi đường và người dân gần khu vực đã kéo đến đứng ken đầy dưới đường xem gây ách tắc giao thông.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] ... ›Trang sau »Trang cuối