Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 08/08/2019 18:46, số lượt xem: 328

Luật đời: “Nhân - Quả” xưa nay;
Phúc nhà chẳng giữ, trắng tay, mua sầu.
Lê Sơ cuối vận, về sau:
“Vua quỷ”, “Vua lợn”...vùi đầu ăn chơi;
Nông dân nổi dậy khắp nơi;
Trăm bề cực khổ, quyết đòi áo cơm...(1)
Tranh quyền, đoạt lợi, sống còn,
Vua quan phong kiến tự chôn chính mình.
Phế vua Lê, được đồng tình,
Mạc Đăng Dung lại dựa Minh nắm quyền(2),
Lại làm mâu thuẫn tăng lên;
Phục Lê, diệt Mạc – Nguyễn Kim trổ tài;
Nam triều: Vua Lê quản cai;
Bắc triều: Họ Mạc kéo dài chiến tranh.
Nguyễn Kim chết, mọi quyền binh
Giao cho Trịnh Kiểm điều hành, phò Lê’
Thăng Long, quyết tâm trở về;
Họ Mạc tan tác, họ Lê phục hồi.(3)
***
Nước non đã thống nhất rồi!
Em vợ Trịnh Kiểm: Hai người đã khôn;
Bởi lo họ Nguyễn ra đòn,
Trịnh Kiểm tìm cách giết luôn em đầu.
Nguyễn Hoàng là em lớn sau,
Xin vào Thuận Hoá (Kịp mau giữ mình);
Một vùng Thuận – Quảng hình thành;
Nguyễn Phúc Nguyên nắm quyền hành thay cha;
Chiến tranh Trịnh – Nguyễn nổ ra(4)
Bất phân thắng, phụ; Giảng hoà, phân đôi:
Đàng Ngoài, Đàng Trong, hai nơi;
Sông Gianh, giới tuyến, một thời dài lâu
Hai lần nội chiến thương đau,
Hai lần chia cắt, hằn sâu nỗi buồn
Đàng Ngoài (dở dở, ương ương):
Vua Lê, chúa Trịnh, ai nhường cho ai?
Trịnh Tùng toàn quyền quản cai;
Họ Lê chỉ có được vai bù nhìn.
Đàng Trong độc lập, tự tin;
Quốc công – chúa – Nguyễn Phúc Nguyên đứng đầu.
Phúc Khoát xưng vương ở sau;
Kinh đô: dinh chính buổi đầu, Phú Xuân.(5)
***
Một thời ổn định lòng dân;
Chúa Trịnh, chúa Nguyễn góp phần dựng xây.
Nhưng rồi nhanh chóng đổi thay:
Chế độ phong kiến lắt lay, lụi tàn.
Dân nghèo đói khổ, lầm than;
Phong trào nổi dậy tràn lan mọi vùng.
Đàng Ngoài: có Nguyễn Dương Hưng
Tụ quân Tam Đảo một vùng núi cao...
- Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển hận trào:
Thù cha bị giết khi nào chịu quên?
- Ở đây: Phú Thọ, Vĩnh Yên,
Nguyễn Danh Phương đã nổi lên, tung hoành;
Mười năm kiên dũng giao tranh;
Một vùng rộng lớn đã giành về tay.
- Đã từng tham chiến đó đây;
Nguyễn Hữu Cầu đã định vây kinh thành.
- Hoàng Công Chất từng tung hoành,
Gia công xây dựng luỹ thành Điện Biên.
- Lê Duy Mật vốn trung kiên;
Nghệ An, Thanh Hoá... giữ miền thượng du;
Quyết không khuất phục quân thù:
Tự thiêu, danh tiết sáng như ngọc lành.
Mười năm cuộn sóng đấu tranh...
Đàng Ngoài “tức nước”, đã nhanh “vỡ bờ”.
Đàng Trong: “Đục nước, béo cò”
Nhà Nguyễn sa đoạ, tha hồ khoét dân;
Phúc Loan lũng đoạn triều thần,
Chuyên quyền, kéo cánh,... lợi phần chất kho (6)
Dân nghèo thiếu đói, trơ vơ:
Ruộng vườn hoang hoá, xác xơ, tiêu điều...
Nguyễn Nhạc tập hợp dân nghèo,
Hai em (Huệ, Lữ)... quyết liều cứu dân;
Từ Tây Sơn, đã xuất quân
Dựng cờ “đánh đổ quyền thần Phúc Loan,
Kéo cùng dân khỏi lầm than...”;
Thành Quy Nhơn, sớm đánh tan quân triều.
Nông dân nô nức đi theo;
Đánh ra Quảng Ngãi, chiếm vèo Quảng Nam;
Làm chủ Diên Khánh, Bình Khang...
Trịnh Sâm nghe tiếng, vội vàng xuất quân;
Tiến vào Nam, chiếm Phú Xuân,
Giết Phúc Loan, vượt Hải Vân, đánh tràn.
Nguyễn Nhạc thất thế, xin hàng,
Xin làm tướng đánh vào Nam nhiều lần.
(Nhạc sai Nguyễn Huệ cầm quân)
Lực lượng chúa Nguyễn dần dần tiêu tan.
(Chỉ riêng Nguyễn Ánh bình an,
Nhanh chân trốn thoát, tìm đàng phục hưng).
Hoàng đế, Nguyễn Nhạc tự xưng;
Mà thành Gia Định, xem chừng, chưa yên(7)
Nguyễn Ánh cầu cứu vua Xiêm;
Năm vạn quân giặc lại liền đánh sang,
Ba trăm thuyền chiến giăng hàng,
Giết người, cướp của, bạo tàn triền mien;
Lòng người oán hận dâng lên,
Mong Tây Sơn sớm dẹp yên nạn này.
Rạch Gầm – Soài Mút ra tay,
Nguyễn Huệ dốc sức, thắng ngay trận đầu:
Toàn đoàn thuyền địch chìm sâu;
Vài ngàn quân sống, chen nhau chạy dài...
Đàng Trong đã được an bài:
Nguyễn Ánh “cõng rắn”, chỉ hoài phí công.
***
Chính quyền chúa Nguyễn đi tong;
Nguyễn Huệ được lệnh đánh thông Bắc Hà.
Phú Xuân, họ Trịnh lùi xa;
Nam sông Gianh cũng khúc ca khải hoàn.
“Phù Lê, diệt Trịnh”, lệnh ban;
Quân Tây Sơn đánh Vị Hoàng thành công,
Tiến quân về phía Thăng Long;
Trịnh Khải chống trả, quyết không đầu hàng,
Nhằm Sơn Tây, chạy vội sang...
Chính quyền chúa Trịnh vỡ tan tức thời.
Lê Hiển Tông lại giữ ngôi;
Ngọc Hân, công chúa, thành người Tây Sơn
(Ngọc Hân, Nguyễn Huệ thành hôn)
Nghệ An nhận đất, Tây Sơn rút về(8)
***
Anh em (Nhạc, Huệ) gằm ghè
(Bởi chưng Nguyễn Nhạc bộn bề ghét ghen);
Tình thân rạn nứt, khó liền:
Giảng hoà, mà vẫn tách riêng đất trời.
Bắc Hà: Họ Trịnh hết thời;
Lại Nguyễn Hữu Chỉnh át ngôi, chuyên quyền.
Nối ngôi, Chiêu Thống không yên
(Vũ Nhậm giết Chỉnh, lại thêm lộng hành).
Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh...
Nguyễn Huệ gấp rút đem binh tiễu trừ,
Giết Vũ Văn Nhậm đần ngu,
Để Ngô Sở với sỹ phu Bắc Hà
Trông coi đất Bắc, phòng xa
Ngoại xâm, nội loạn, cùng là dựng xây...
Lê triều chấm dứt từ đây!
Mười lăm năm, chiến công đầy vẻ vang:
Quân Tây Sơn đã đập tan
Bè phái phong kiến (gọn gàng cả ba)(9)
Nhà Thanh xâm lược nước ta
(“Rước voi”, Chiêu Thống dẫn ra “Giày mồ”):
Hai chin nghìn quân địch vô
Theo Tôn Sỹ Nghị, động rồ, tiến sang.
Thăng Long mở cuộc hội bàn;
Ngô Thời Nhậm muốn bảo toàn quân ta:
-“Tạm thời đề nghị rút xa,
Cho chúng ngủ trọ, để mà đuổi sau”
Ngô Văn Sở cũng gật đầu:
-“Rút về Tam Điệp, phải đâu là hèn?”
Giặc vào, quấy phá ngày đêm;
Dân Thăng Long mãi lưu truyền nỗi đau:
Hàng ngày, Chiêu Thống chực chầu;
Theo Tôn Sỹ Nghị, như hầu bề trên.
Tham sinh, nhục nhã, ươn hèn,...
Còn đâu có chút uy quyền quân vương?
Nguyễn Huệ được tin chiến trường,
Lập đàn tế cáo (bất thường) lên ngôi:
Hiệu Quang Trung, tạ đất trời...
Tinh binh mười vạn, vua tôi đồng lòng,
(Quyết tâm diệt giặc lập công):
Ba mươi tháng chạp, ăn xong tết rồi!
Hẹn nhau sau bảy ngày trời
Vào Thăng Long, mở tiệc vui ăn mừng;
Hò reo hưởng ứng vang lừng,
Chiến thuật “thần tốc”, oai hùng xuất quân.
Đồn Gián Khẩu diệt bất thần;
Đồn Hạ Hồi, giặc cho quân đầu hàng;
Đồn Ngọc Hồi, ta đánh tan;
Ở vùng Đầm Mực, ngổn ngang xác thù;
Khương Thượng: khói lửa mịt mù,
Sầm Nghi Đống đã “thiên thu chầu trời”;
Tây Long: Sỹ Nghị rối bời,
Không kịp mặc giáp, vội rời sang sông;
Xác giặc đuối, tắc cả dòng...
Chiều mồng năm tết, Thăng Long yên bình;
Quang Trung, Nguyễn Huệ vào thành;
Chiến công đánh đuổi Mãn Thanh rạng ngời(10)
Hình ảnh Đống Đa, Ngọc Hồi,
Anh hùng áo vải,...muôn đời nhớ ghi.

(1)- Đầu thế kỷ XVI, sau khi vua Lê Hiến Tông mất, chính quyền nhà Lê suy sụp nhanh chóng. Vua Lê Uy Mục (1505-1509) cùng cung nhân uống rượu vô độ, ai say thì giết, bị sứ thần Trung Quốc gọi là “Vua Quỷ”. Vua Lê Tương Dực (1509-1516) hoang dâm vô độ, bị xem là “Vua Lợn”. Bọn quan lại hà hiếp dân lành. Đói kém, mất mùa, xác chết gối lên nhau. Nông dân nổi dậy khắp nơi.
(2)- Mạc Đăng Dung lên làm vua, do sức ép của cuộc nội chiến, Dung phải trả lại nhà Minh các châu động ở Đông Bắc vốn thuộc Đại Việt từ đầu thời Lê, nhận chức An Nam Đô thống sứ của nhà Minh. Do đó, lòng dân chán nản, một số quan chức phẫn nộ. Nhà Mạc rơi vào thế cô lập.
(3)- Năm 1532, Nguyễn Kim (Dựa vào sự giúp đỡ của vua Ai Lao) đã đưa một người con của Lê Chiêu Tông lên làm vua mới mộ quân chống nhà Mạc, hình thành Nam triều, làm chủ từ Thanh Hoá vào Nam.Bắc triều do họ Mạc làm vua. Cuộc chiến tranh Nam- Bắc triều (Hay chiến tranh Trịnh – Mạc)kéo dài đến 1592, quân Nam triều do Trịnh Tùng thống lĩnh tiến ra Thăng Long, quân Mạc chạy lên Cao Bằng, Nhà Lê được khôi phục. Tình trạng đất nước chia cắt lần thứ nhất chấm dứt.
(4)- Nguyễn Phúc Nguyên thay cha (Nguyễn Hoàng) cai quản vùng Thuận – Quảng, cắt đứt quan hệ với nhà Lê-Trịnh. Chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài từ 1627 đến 1672, “bất phân thắng bại”.Hai bên giảng hoà, lấy sông Gianh làm giới tuyến, chia cắt đất nước thành Đàng Trong, Đàng Ngoài,kéo dài đến cuối thế kỷ XVIII
(5)- Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát quyết định xưng vương, đặt kinh đô ở Phú Xuân (Huế)
(6)- Nguyễn Phúc Khoát xây dinh thự ở Phú Xuân “nguy nga rực rỡ”, ăn chơi sa sỉ. Phúc Khoát chết, Nguyễn Phúc Thuần 12 tuổi lên thay,vùi đầu vào các trò chơi tốn kém, sa đoạ...Đại thần Trương Phúc Loan lũng đoạn triều chính, chiếm đoạt các nguồn lợi lớn của nhà nước, “vàng bạc, châu báu, gấm vóc...đầy rẫy, nô bộc, trâu ngựa không biết bao nhiêu mà kể”
(7)- Được tin quân Tây Sơn nổi lên ở Đàng Trong, chúa Trịnh Sâm cử Hoàng Ngũ Phúc đem quân tiến vào, cuối 1774, chiếm Phú Xuân, bắt, giết Trương Phúc Loan. Đầu 1775, vượt đèo Hải Vân, đánh Tây Sơn.Nguyễn Nhạc xin hàng, xin làm tướng tiên phong đánh chúa Nguyễn, được Hoàng Ngũ Phúc đồng ý, sai Nguyễn Huệ nhiều lần đánh vào Nam,tiêu diệt hoàn toàn lực lượng chúa Nguyễn vào 1777, chỉ riêng Nguyễn Ánh(cháu của Phúc Thuần) chạy thoát. Năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng hoàng đế. Nguyễn Ánh chiếm lại thành Gia Định, cuộc chiến tiếp diễn đến 1783 nghĩa quân mới chiếm lại được Gia Định.
(8)- Tháng 7-1786, quân Tây Sơn chiếm Vị Hoàng (Nam Định), phát lệnh “Phù Lê, diệt Trịnh” tiến về Thăng Long. Trịnh Khải chống trả quyết liệt rồi chạy về Sơn Tây và bị bắt; Ngày 21-7-1786, Nguyễn Huệ vào Thăng Long, chính quyền chúa Trịnh bị lật đổ. Nguyễn Huệ trao toàn bộ chủ quyền cho vua Lê Hiển Tông. Vua Lê phong Nguyễn Huệ tước Uy quận công và gả công chúa Ngọc Hân, cắt đất Nghệ An cho Tây Sơn. Tháng 9-1786, Nguyễn Huệ rút quân về Nam.
(9)- Ở Bắc Hà, họ Trịnh bị tiêu diệt; Nguyễn Hữu Chỉnh lại chuyên quyền, lấn át vua. Lê Hiển Tông chết, Lê Chiêu Thống nối ngôi, bất lực. Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm cùng Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân ra Bắc đánh Chỉnh. Sau khi diệt Chỉnh, Vũ Văn Nhậm lại lộng quyền; Lê Chiêu Thống chạy lên Cao Bằng, sang Quảng Tây, cầu cứu nhà Thanh. Tháng 5-1788, Nguyễn Huệ đem quân gấp rút ra Thăng Long giết Vũ Văn Nhậm rồi để Ngô Văn Sở cùng một số sỹ phu Bắc Hà (Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích,...)trông coi đất Bắc Nền thống trị của dòng họ Lê chấm dứt. Sau 15 năm đánh Nam, dẹp Bắc, phong trào nông dân Tây Sơn đã đánh đổ ba tập đoàn phong kiến.
(10)- Ngày 22-12-1788, Nguyễn Huệ lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, hạ lệnh xuất quân ra Bắc tiêu diệt giặc Thanh. Hơn 10 vạn quân với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, tối 30 tháng chạp cho quân ăn tết trước, hẹn ngày 7 tháng giêng vào Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Với chiến thuật “thần tốc”, quân ta hạ ngay đồn Gián Khẩu (Nam Định). Rạng mồng 3 tết Kỷ Dậu, giặc ở đồn Hạ Hồi đầu hàng. Rạng mồng 5, đại quân Quang Trung tập kích đồn Ngọc Hồi, giặc bỏ chạy về Thăng Long,bị mắc mưu quân ta, giặc dồn về làng Quỳnh Đô (Thanh Trì Hà Nội), bị quân ta mai phục tiêu diệt ở vùng Đầm
Mực.Bọn giặc sống sót chạy về Thăng Long. Ta tập kích đồn Khương Thượng, giặc bị đánh tan tành, Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử. Tôn Sỹ Nghị ở Tây Long (bên sông Hồng) chạy qua sông Nhị lên phía Bắc, cầu gãy, giặc chết vô kể. Các đạo quân khác cũng bỏ chạy về Trung Quốc;
Chiều mồng 5 tết, Quang Trung vào Thăng Long.