15.00
Đăng ngày 22/03/2018 18:02, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi dangvanhoan vào 27/03/2018 13:14, số lượt xem: 2776

Đánh đâu được đó, khởi Tiền Lê
Nội loạn, ngoại xâm,... vốn bộn bề
Chém chúa Chiêm Thành, yên xã tắc(1)
Diệt quân triều Tống, ấm làng quê(2)
Chấn hưng đất nước, khuyến nông nghiệp
Phát triển thủ công, trợ các nghề
Bậc nhất anh hùng, giàu trí tuệ
Tiếc: Con nối dõi quá u mê(3)

(1) Quân Chiêm Thành thường xuyên quấy rối nước ta. Đặc biệt năm 982, Lê Hoàn cử Ngô Tử Canh, Tư Mục đi sứ Chiêm Thành. Vua Chiêm đã cho bắt giữ sứ thần. Lê Hoàn tức giận, sai đóng thuyền, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành, chém chết vua Chiêm tại trận, Bắt sống vô vàn quân sỹ, hàng trăm cung nữ, thu nhiều đồ quý, vàng bạc, châu báu đem về nước. Ngoài ra còn nhiều trận đánh thắng Chiêm Thành khác.
(2) Tháng 2-981, tướng Tống là Hầu Nhân Bảo cùng nhiều tướng khác xâm lược nước ta. Vua Lê Hoàn đích thân làm tướng cho quân đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng, lập mưu chém chết Hầu Nhân Bảo, Tướng Tống là Trần Khâm Tộ nghe tin quân thuỷ thua trận, liền dẫn quân quay về. Lê Hoan cho quân thừa thắng đuổi đánh, giết quá nửa số quân Tống, bắt sống Quách Quân Biên, Triêu Phụng Huân đưa về Hoa Lư.
(3) Năm 1005, Lê Đại Hành chết (trị vì 24 năm), các con tranh giành quyền vị, khiến suốt 8 tháng trong nước không có ai là chủ. Sau đó Lê Long Việt lên ngôi nhưng chỉ được 3 ngày, lại bị em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh giết chết. Đĩnh lên ngôi liền nghĩ ngay đến việc đi dẹp các hoàng tử khác mới mong tri vì yên ổn. Là một hôn quân, Lê Long Đĩnh hiếu sát, thường thiêu sống, dìm nước hay dùng dao cùn tùng xéo tù nhân cho đến chết. Y đã từng sai người róc mía trên đầu trọc của sư Quách Ngang để làm trò cười,... Vì chơi bời sa đoạ, Đĩnh bị bệnh trĩ, không ngồi được nên phải nằm thiết triều; do đó gọi là Lê Ngoạ Triều... Năm 1009, Lê Long Đĩnh chết, lúc 24 tuổi, ở ngôi 4 năm. Ngôi báu sang tay Lý Công Uẩn.