Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 29/07/2019 10:25, số lượt xem: 429

Mộng bành trướng đã thành rồi!
Giặc Nam Hán vẫn đứng ngồi không yên.
Chỉ bằng một trận xông lên,
Dương Đình Nghệ đã tô thêm sử vàng:
Con nuôi (Danh nghĩa rõ ràng),
Chính là lực lượng ba ngàn nghĩa binh;
Anh hùng, hào kiệt liên minh;
Từ Ái Châu, bất thình lình tiến ra,
Đánh Giao Châu, chiếm Đại La...
Giặc chạy tán loạn, chết già nửa quân(1);
Lý Tiến trốn chạy thoát thân;
Nổi giận, chúa Hán quyết tâm rửa hờn;
Khổ thân Trần Bảo tài non:
Vây người! Lại bị quây tròn: Người vây;
Đánh vận động, dụng mưu hay,
Giết chết Trần Bảo ở ngay trận tiền,
Dương Đình Nghệ lại tiến lên
Quét sạch Nam Hán mọi miền non sông.
Bất ngờ, liên tục tiến công,
Toàn dân đoàn kết, đầy lòng tự tin...
Đã cho chiến thắng vang rền;
Bài học đánh giặc khó quên vẫn còn. Để Nam Hán” ngậm bồ hòn”,
Bớt điên đảo, bớt ngó nhòm nước ta;
Dẻo mềm, sách lược nhìn xa,
Xưng “Tiết độ sứ’ cũng là đương nhiên.
Xây nền tự chủ vững bền;
Không may, bị tướng dưới quyền cướp công(2)
(Phản thầy, đâu dễ thoát vòng?
Kiều Công Tiễn sớm thân vong, tội đền)
***
Xứ Đường Lâm có Ngô Quyền(3)
Nổi danh trí dũng, lực bền, sức sung,
Cùng Dương Đình Nghệ vẫy vùng,
Đánh quân xâm lược, lẫy lừng chiến công;
Nghe tin Công Tiễn bất trung,
Ngô Quyền giận giữ, quyết lòng không tha,
Từ châu Ái, kéo quân ra...
Công Tiễn hèn nhát, theo đà hại dân:
Cầu xin Nam Hán viện quân,
Cũng là bán nước, ôm chân kẻ thù;
Vết nhơ còn mãi nghìn thu.
Ngô Quyền tức tốc tiễu trừ kẻ gian:
Thành Đại La đã dẹp an,
Kiều Công Tiễn đã thân tan, hồn lìa(4)
Giặc Nam Hán cướp nước kia
Coi chừng cũng chuốc lấy bia miệng đời.
Hoằng Thao đem hai vạn người,
Mấy trăm thuyền chiến, rạch trời tiến sang;
Chúa Hán đóng Hải Môn quan
Để làm thanh viện ở đàng sau con.
Bach Đằng giang nổi sóng cồn(5)
Cuối năm giá rét, mưa tuôn dầm dề;
Hàng nghìn cây gỗ đốn về,
Lòng sông, cắm kín, đầu rê thượng nguồn;
Hàng hàng nhọn hoắt, ánh gươm
Bởi đầu bịt sắt, can trường chờ trông...
Dương Tam Kha, tả ngạn sông;
Xương Ngập mạn hữu, tấn công tạt sườn(6)
Đạo quân mạnh để chặn đường:
Ngô Quyền chỉ đạo, giặc lường được sao?
Thuyền giặc vượt biển tiến vào;
Trời còn mớ sáng, triều cao, thuận buồm...
Nguyễn Tất Tố - Người địa phương-
Chỉ huy nhử địch, ngọn nguồn hiểu sâu;
Vừa lùi, vừa quyết đối đầu
Để khi triều xuống, giặc đâu có ngờ:
Trận địa mai phục đợi chờ;
Nước sông dần thấp, cọc nhô đón thuyền;
Phản công- Thuỷ quân Ngô Quyền-
Xuôi dòng, vùn vụt xuống miền hạ lưu;
Quân mai phục cũng hoà theo,
Tạt sườn, đánh mạnh, thuỷ triều rút nhanh...
Hoằng Thao hoảng loạn, thất kinh,
Vội vàng ra lệnh rút binh, quay thuyền;
Những cây cọc nhọn chôn xiên;
Thuyền lớn của giặc - Ngửa nghiêng - xô vào;
Quân ta khí thế bốc cao:
Thuyền nhỏ luồn lách, gươm đao sáng loà;
Cửa sông đã chặn đường ra;
Đội thuyền mai phục của ta tiến vào...
Bach Đằng cuồn cuộn sóng trào;
Giặc chết hàng vạn, Hoằng Thao bỏ mình;
Thương con, vua Hán bãi binh;
Ý chí xâm lược tan tành từ đây.
Ngô Quyền- Đánh giặc- cao tay;
Nghệ thuật quân sự thêm dày, thêm sâu;
Chiến công vang dội toàn cầu;
Nghìn năm mất nước u sầu đã qua;
Một thời kỳ mới mở ra:
Chính quyền phong kiến quốc gia tự cường.
Ngô Quyền đại thắng, xưng vương(7)
Đề cao ý chí tự cường dân ta:
Đô thành lại chọn Cổ Loa
(Nơi An Dương đã gọi là kinh đô)
Vì độc lập, vì tự do;
Bạch Đằng giang vẫn sóng xô đời đời.

(1)-Dương Đình Nghệ (Dương Diên Nghệ) quê ở Ái Châu(Thanh Hoá) một ngày tháng 3 năm 931, thừa lúc giặc chưa ổn định bộ máy đô hộ, và lòng dân đã thuận, bèn cấp tốc đem quân từ Ái Châu tiến ra đánh Giao Châu, chiếm được thành Đại La. Thứ sử Lý Tiến phải bỏ chạy.
(2)- Dương Đình Nghệ chăm lo xây dựng nền tự chủ của đất nước mới giành lại được thì bị tên tướng dưới trướng là Kiều Công Tiễn sát hại, đoạt lấy chức tiết độ sứ năm 937
(3)- Ngô Quyền ở Đường Lâm, cùng quê hương với Phùng Hưng, là người “có dáng đi như hổ, binh mưu, vũ lược không cái gì không tinh thông.
(4)- Tháng 11 năm 938, Ngô Quyền từ Ái châu tiến quân ra Bắc đánh thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn, trừ được hoạ bên trong, ổn định tình hình cả nước
(5)- Năm 938, sông Bạch Đằng đi vào lịch sử dân tộc với chiến công vang dội của Ngô Quyền đánh tan giặc Nam Hán
(6)- Dương Tam Kha là con Dương Đình Nghệ, chỉ huy quân bộ bên tả ngạn; Ngô Xương Ngập (con của Ngô Quyền) và Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy quân bộ bên hữu ngạn mai phục đánh tạt sườn địch và tiêu diệt quân địch chạy lên bờ.
(7)- Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng vương, lấy Cổ Loa làm kinh đô