Một khúc sông Hồng để lại đây
Bao lần danh đổi, hoá hồ Tây
Từ đầm Xác Cáo lưu truyền thuyết(1)
Đến hố Kim Ngưu tích sử dầy(2)
Lãng Bạc, bởi chưng nhiều sóng vỗ(3)
Dâm Đàm, do tại lắm mù quây(4)
Vài ba tên khác theo thời thế(5)
Vẫn bóng trăng soi suốt bấy chầy

(1)- Tây thành Thăng Long có hòn núi đá nhỏ, nơi một con hồ ly tinh 9 duôiddax sống hơn nghìn năm trong hang. Hồ ly tinh thường làm hại dân lành nên Long Quân cho dâng nước phá hang, diệt cáo, tạo ra đầm Xác Cáo
(2)- Thiền sư Minh Không sang Tàu chữa bệnh cho con vua Tống. Khi con khỏi bênh, vua Tống đền ơn ông bằng cách để ông vào kho đồng đen lấy hết đồng đen bỏ vào chiếc túi, mang về nước đúc thành 4 thứ bảo khí nhà Phật, trong đó có một quả chuông cực lớn, tiếng chuông vang vọng tận kinh đô nước Tần khiến con trâu vàng to lớn nằm trước cửa kho đồng đen bừng tỉnh, trâu vàng chạy sang Viêt Nam tìm mẹ (vì đồng đen là mẹ của vàng) và quần quanh quả chuông làm sụt đất, tạo ra hố sâu là hồ Kim Ngưu
(3)- Mã Viện TQ, sau khi dẹp yên cuộc khởi nghĩa của Hain Bà Trưng, đã gọi hồ Tây là hồ Lãng Bạc với ý nghĩa là hồ đầy sóng gió
(4)- Theo truyền thuyết, Lý Nhân tông ngồi thuyền Mục Thận xem đánh cá, gặp sương mù, và thấy có chiếc thuyền khác bơi tới, trên thuyền có con hổ định vồ vua. Mục Thận quăng lưới bắt hổ nhưng hoá ra lại là thái sư Lê Văn Thịnh. Dâm Đàm có nghĩa là hồ mù sương
(5)- Ngoài các tên trên, hồ Tây còn có các tên là Đoài hồ, Diêm hồ, Liêm Đàm (Tuỳ theo lý do riêng)