Ngày 20-4-1965, quốc lộ 1A qua Nghệ An - Hà Tĩnh bị cắt đứt, địch tập trung đánh vào ngã ba Đồng Lộc với mật độ bom đạn tăng dần. Mãi đến thời kỳ địch gọi là “ném bom hạn chế” từ 1-4-1968 đến 31-10-1968, thì toàn bộ lực lượng của Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) N55-P18 của chúng tôi được điều về đảm bảo giao thông ở túi bom chảo lửa này. Bảy đại đội TNXP gần 1000 cán bộ, đội viên rải trên các trọng điểm ác liệt đoạn từ cống 19 đến Địa Lợi. Riêng đại đội 552 (của tiểu đội 4 - Võ Văn Tần) được chốt chặn đoạn từ Cầu Tối trở vào Truông Kén khoảng 2km, đặc biệt là 300 mét từ Cầu Tối đến Trường Thành, chúng tập trung bom đạn huỷ diệt. Từ cuối tháng 4-1968, đoạn 300m này chỉ còn là đống bùn nhão, đêm xe bò qua vệt bùn quánh quanh miệng hố bom. Dưới những vệt bùn bị đào lên lật xuống ấy là bổi, vọt, đá, đất tre, phên và... bùn nhão bùng nhùng, xe qua như đưa võng. Chính là địa bàn chốt giữ của đại đội Võ Thị Tần và Hồ Thị Cúc suốt gần ba tháng trời (1-4-1968 đến 23-7-1968) nhưng cả tiểu đội gồm 15 nữ đội viên vẫn an toàn. Thế mà... ngày 24-7-1968 các tiểu đội khác vẫn làm việc trong 300m này để kịp thông xe ban đêm. Riêng tiểu đội 4 của Tần và Cúc được phân công đi đào công sự và hố hầm chữ A tại eo núi Trọ Voi (cách trọng điểm cũ khoảng 300m). Từ trưa, địch chỉ tập trung đánh ở toạ độ lửa ngoài Trường Thành. Đến khoảng 16h cùng ngày 24-7 thì tốp cuối cùng 3 chiếc máy bay phản lực tiêm kích rút ra biển. Bất ngờ một chiếc quay lại trút bom xuống đúng vị trí Tiểu đội 4. Một quả bom tấn dội đúng hầm của 10 cô ẩn nấp, chôn sống cả 10 cô. Khi tan khói bom, chạy lại thì không thấy cô nào mà xẻng cuốc mũ nón còn nằm ngổn ngang bên miệng hố bom. Cả VP Tổng đội, cán bộ Ty Giao thông, toàn bộ C552, C557 đổ dồn về đào bới. Sau hai tiếng thì tìm thấy 9 cô đã hy sinh nhưng thể xác vẫn còn nguyên như đang nằm ngủ. Cả 9 cô Tần, Nhỏ, Dương Thị Xuân, Nguyễn Thị Hà, Hường, Hợi, Xanh và Rạng đều ẩn nấp ở cái hào dài vừa đào xong. Riêng Hồ Thị Cúc (tiểu đội phó) không thấy. Có người nghi là Cúc chạy xa lên núi nên vừa khóc vừa gào vừa đào, kể cả tôi. Còn 9 cô lần lượt được đặt lên cáng thương khiêng về xếp một hàng ngang sau eo núi Bãi Địa (thuộc xã Xuân Lộc) cách đó chừng 2km. Đào tìm Cúc suốt chiều, đêm 24/7 và sáng ngày 25/7 vẫn biệt tăm (?), Chiều 25/7, Ty Giao thông vận tải Hà Tĩnh (nay là sở Giao thông Vận tải) điện cho máy ủi anh Uông Xuân Lý ra đào tìm. Trong khi anh Lý vận hành máy ra hiện trường thì chi bộ 552 họp do đồng chí Nguyễn Hải Đường bí thư chủ trì. Nghị quyết của chi bộ là: tiếp tục đào bằng tay, sự đào bằng máy sẽ làm nát thi thể của Cúc thì đau xót quá. Vì thế, máy ủi anh Lý ra hiện trường lại phải đánh về. Tại BCH đại đội 552, 10 các hòm đã khiêng đi 9 cái, còn cái hòm của Cúc lúc này dân mê tín, dù thương nhưng họ vẫn bắt khiêng ra ngoài vườn. Tự nhiên nỗi xúc động thương xót dâng trào trong tôi. Tôi chạy ra vườn tro(*) nhà BCH C55, ngồi cạnh hòm của Cúc vừa khóc vừa viết. Viết nhưng chưa đặt được tên bài. Tôi nhớ gì viết nấy, khi nhớ lại hình ảnh 9 cô được đặt trên 9 cáng xếp hàng ngang, da dẻ còn hồng hào tôi cứ ngỡ là tiểu đội đang tập hợp lúc còn sống. Tôi cứ viết thế, viết như một ký sự tuyến lửa bằng thơ:

Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ mặt
Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hợi-Rạng-Xuân-Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được)

Khi sắp 9 tên tôi chủ ý đặt Rạng Xuân Xanh ra sau câu để toát lên cái ‘bi’ có ‘hùng’. Đồng thời nghĩ đến 10 mới có 9 tôi vội nhớ câu phương ngôn của cha ông thường dạy “Ở đời cũng phiên phiến thôi, chín bỏ làm mười, căn kẹ chi lắm”. Nhưng 9 là 9 con người, 10 là 10 anh hùng, tôi phản bác lại như một lời ai oán: “chín bỏ làm mười răng được”. Và diễn tiến sau đó... cứ thực mà viết. Chỉ đến đoạn nhớ về quê Cúc (Xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) có dòng sông Ngàn Phố bạt ngàn xanh trong, quê Cúc có loại quýt ngon nổi tiếng tôi lại viết:

Cúc ơi! Về với bọn anh
Tắm nước trong Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ

Mạch cảm xúc tự nhiên chảy cho đến khi hoàn thành là 3 tiếng đồng hồ. Đến lúc đặt tên bài là “Hồn Trinh nữ ở đâu” viết rồi lại xoá. Tôi nghĩ nội dung cả bài như một bài điếu sao bài lại vẽ ra lãng mạn như Nguyễn Bính. Nguyễn Bính xưa khóc người hàng xứ nhưng mình khóc người thân với lòng căm thù, xót xa, gần gũi. Tôi quyết định để giản dị hai chữ “Cúc ơi”. Tôi không dám đọc lại và dí vào túi áo chỉ sợ ai bắt được họ lại mắng mình là anh vô tâm, vô cảm. Trong hoàn cảnh này lại thơ với thẩn.
Suốt chiều 25/7, đêm 25/7 và tận trưa 26/7/1968 mới tìm thấy Cúc đang ngồi trong hầm tròn, đầu đội nón bẹp dí, và vai còn dựng cái cuốc. Mười đầu ngón tay toe toét còn đọng máu khô. Chắc Cúc đã dùng hai tay cào bới trong tuyệt vọng khi biết mình đã bị vùi dưới hố bom khá sâu. Mà đào sao được khi quả bom tấn lao từ hàng ngàn mét độ cao lại gặp phải đất sỏi đồi rắn, sức công phá phi thường. Hố bom có đường kính 15 mét, sâu 9 mét, tương đương với 1700m3 đất đồi lấp đè 10 cô (mãi 5 ngày sau tôi đo được số liệu trên).

Ở đơn vị 552 thường gọi Hồ Thị Cúc là “Cúc mục”. Vì Cúc còi cọc, mặt choắt lại, mắt luôn nhìn xuống, tóc cụt cỡn loe hoe như đuôi bò, mặt dợm buồn, hiền lành, tốt bụng nhưng kiệm nói. Lên 1 tuổi (1945), cha Cúc chết đói. Mẹ con Cúc ở với ông nội và o Loan. Ông nội mất, mẹ tái giá lúc 4 tuổi - Cúc được chú ruột và o Loan nuôi lớn tận ngày đi TNXP. Thường ngày Cúc chăn trâu cắt cỏ, lên 8 tuổi, Cúc bị một nồi cám lợn đang sôi sục đổ vào mình bỏng nặng. Thoát chết nhưng để lại một vết sẹo suốt từ vai xuống thắt lưng nhưng Cúc dấu cả tiểu đội.

Viết như thế để bạn đọc hiểu rằng: Tại sao tôi lại chọn Cúc để mượn Cúc nói lên cả tiểu đội anh hùg. Những năm tháng ấy... Tôi và tiểu đội 4 Võ Thị Tần như anh em trong nhà, tôi thường vẽ gối, khắc bút, bày toán, văn cho các o. Tôi sáng tác cả hoạt cảnh, tấu thơm hò cho các o diễn...
Ba mươi tám năm trôi qua, tôi không thể nào quên được 6 năm sống bên những người anh hùg ở Ngã ba Đồng Lộc thời CMCN. Tôi xin cảm ơn bạn đọc gần xa đã yêu quý bài thơ “Cúc ơi” của tôi. Như một nhân chứng lịch sử. Rồi đây tôi cũng sẽ về với tiểu đội 4, nhưng phim “Ngã ba Đồng Lộc” vẫn còn, các tuyển tập thơ, bài thuyết minh ở khu di tích Ngã ba Đồng Lộc còn đó. “Cúc ơi” sống là tôi còn sống.


(*) Theo nguyên bản không biết là trọ, cọ hay là tre

Vinh 19/5/2006
Yến Thanh
Thân Thơ.