Bài thơ Em đến những nơi anh đi qua được Xuân Quỳnh viết năm 1969. Lúc này bà đã là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Công việc đòi hỏi bà phải đi nhiều nơi, thêm nữa, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào thời kì ác liệt. Bài thơ được ra đời trong một chuyến đi công tác như đầy gian khổ như thế. Mở đầu là một không gian thơ đầy dấu vết chiến tranh. Người yêu của cô gái là một chiến sĩ. Những bước chân anh đã đi qua nhiều chiến trường, hành quân qua nhiều miền quê hương đất nước. Nơi hôm nay cô đặt chân đến có thể là nơi anh đã đi qua. Cuộc đời người chiến sĩ hành quân chiến đấu theo mệnh lệnh và phải đảm bảo bí mật. Cảm giác như dẫm lên những bước chân người yêu khiến cô bồi hồi. Trên những con đường đầy vết đạn bom, nơi nào in dấu chân anh.

Em đến những nơi anh qua
Nên gặp anh em chẳng gặp
Thầm nhớ dấu chân trên đất
Dẫu đường đầy vết đạn bom
Nỗi nhớ người yêu trong cô không phải chốc lát mà theo cô đi tiếp:
Em dừng chân bên cửa sông
Nghe gió xa về bát ngát
Dáng anh như một cánh buồm
Vượt tầm thuỷ lôi phía trước
Nơi cửa sông gió về bát ngát, nhớ anh và liên tưởng hình ảnh của anh như một cánh buồm căng gió vượt qua khó khăn nguy hiểm. Người yêu của cô nhất định là một chàng trai khoẻ mạnh và dũng cảm.

Nỗi nhớ ấy tiếp tục theo bước chân cô:
Chiếc cầu ngang sông em bước
Nhớ chuyến phà đêm anh qua
Giữa bom đạn giặc như mưa
Quyết liệt giành từng sải nước
Nơi mà cô đến là một chiếc cầu, còn có thể nơi anh đi qua đêm nào trong mưa bom bão đạn là một chiếc phà nào đó cũng trên dòng sông này. Cuộc chiến đấu của anh vẫn đang diễn ra gay go từng giờ từng phút. Bom đạn như mưa, quyết liệt giành từng sải nước đủ để nói lên nguy hiểm, khó khăn và tính chất gay go của cuộc chiến đấu. Không chỉ trực tiếp đối mặt với kẻ thù ở mặt đất mà còn đối mặt với giặc trời.

Nỗi nhớ ấy tồn tại trong cả những bữa ăn vội vã thời chiến:
Bát cơm ăn trên mặt đất
Nghĩ đến bát cơm trộn cát
Nắng gió trải khắp đồi cây
Thương căn hầm anh ngột ngạt
Thương anh trong những căn hầm ngột ngạt dưới những đồi cây, bát cơm lẫn cả cát vào. Thật là gian khổ. Trong chuyến công tác của cô cũng chứa đầy sự nhọc nhằn nhưng chưa bằng nỗi vất vả của anh. Hình ảnh “nắng gió trải khắp đồi cây” tương phản với “căn hầm ngột ngạt” càng làm tăng lên những gian khổ mà bộ đội ta phải chịu đựng.

Rồi nỗi nhớ thương đó không phải chỉ một hai ngày:
Tháng tám về cùng biển động
Bão cuồn cuộn từ ngoài khơi
Lòng đất rùng rùng bom giặc
Ngủ yên sao được anh ơi!

Tháng năm rát mặt gió lào
Hoa héo trước khi hoa nở
Trận địa anh bên Trường Sơn
Đứng vững giữa vòng toạ độ
Người đọc nhận ra rằng điều kiện thời tiết liên tục bị thay đổi theo hướng bất lợi. Bắt đầu là “gió về bát ngát” rồi đến “nắng gió”, tăng lên “biển động”, “gió lào”. Nhưng người yêu của cô vẫn băng băng ra trận, nơi trực tiếp chiến đấu với quân thù, đồng thời phải chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt.

Bữa ăn của anh đã không ngon lành, giấc ngủ cũng chẳng yên. Thế nhưng trận địa của anh vẫn đứng vững. Chân dung người yêu của cô, người chiến sĩ dần dần được hiện ra một cách rõ nét hơn. Như một tượng đài sừng sững tạc vào trái tim cô.

Cứ như thế, nỗi nhớ thương người yêu, lo lắng cho người yêu theo từng bước chân cô:
Bãi dương trải bọt na pan
Xen lẫn bốn bề cỏ mọc
Pháo ơi giờ chuyển về đâu
Thương anh xém ngang mái tóc!
Đi qua bãi dương, nơi vừa mới đây một trận bom na pan trút xuống, đơn vị của anh bây giờ ở nơi nào? Qua bao nhiêu hiểm nguy như thế nhưng ta không nhận thấy trong đó một chút lo sợ, bi quan nào mà tiềm tàng chứa trong đó là sự lo lắng nhưng tích cực. Cô vẫn tin anh vượt qua được những khó khăn đó, đơn vị anh, những khẩu pháo bây giờ đang giàn trận ở đâu để chuẩn bị giội lửa xuống đầu thù. Nỗi nhớ ấy như một nguồn sức mạnh, để anh bình an, khoẻ mạnh và dũng cảm hơn trên trận tuyến chống quân thù. Niềm tin, tình yêu và hy vọng một ngày mai non sông thống nhất, Bắc Nam sum họp, anh về với em:
Thời gian không gian cách xa
Nhớ đến anh em chỉ nhớ
Nét mặt vừa quen vừa lạ
Trẻ như mặt những anh hùng.
Cuộc kháng chiến có thể năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn thế thì thời gian ấy cũng không có gì đáng kể. Những nơi anh đi qua, có nơi em cũng đến, nhiều nơi em chưa đến, nhưng trong tim em cháy mãi một niềm tin. Sự nhớ thương và niềm tin đó kết thành một đoá hoa tươi thắm:
Nhớ đến anh em chỉ nhớ
Nét mặt vừa quen vừa lạ
Trẻ như mặt những anh hùng.
Quen vì anh là người yêu của cô, lạ vì những chiến công anh đạt được. Và anh mãi mãi là thanh xuân, là tuổi trẻ. Câu thơ “Trẻ như mặt những anh hùng” khiến tôi nghĩ đến chàng trai làng Gióng. Tình yêu anh trong lòng cô lúc nào và ở đâu cũng phơi phới như mùa xuân, mùa xuân tượng trưng cho tuổi trẻ và vì vậy trong lòng cô, anh mãi mãi trẻ.

Cả bài thơ là một lời khẳng định, người yêu của cô là một chàng trai khoẻ mạnh, dũng cảm và kiên cường. Đạn bom kẻ thù không làm anh chùn bước, điều kiện thời tiết, điều kiện của cuộc kháng chiến gian khổ không làm anh sờn lòng. Anh luôn tiến lên chiến đấu vì quê hương đất nước, chiến đấu để giành lại hoà bình, để cho anh được về bên em. Niềm tin của tác giả cũng chính là niềm tin của dân tộc, là sức mạnh diệu kì làm nên đại thắng Mùa Xuân.