Thời gian trôi đi, vạn vật thay đổi và con người thêm trưởng thành, đó là quy luật tất yếu của cuộc đời. Cuộc đời con người thật dài, nhưng cũng thật là ngắn. Chả thế mà người ta so sánh với giấc mộng kê vàng hay một kiếp phù du. Sau mỗi một biến cố, như vừa thoát ra khỏi một vùng nước xoáy, người ta thường nhìn lại và cảm thấy rùng mình, nhưng khi những gì tươi đẹp vừa mất đi, người ta luyến tiếc. Những tâm trạng đó thường có ở mỗi người, là tất yếu của tâm lí.

Khi tuổi không còn trẻ, người ta thường chiêm nghiệm về cuộc sống. Khổng Tử đã dạy: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận...” Tất nhiên, ở một số người có tố chất đặc biệt thì những quá trình đó có thể sớm hơn. Nhưng nói chung có thể hiểu phải trải qua những khoảng thời gian nhất định nào đó con người mới có thể thấm được hình thành nên kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xử thế và hoàn thiện nhân cách của mình.

Có một thời như thế là một bài thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh, tác giả nhìn lại, chiêm nghiệm và đánh giá những gì đã xảy ra để rồi sau đó lại bước tiếp con đường đời. Trong bài thơ, mỗi khổ thơ là một vấn đề, có thể đó là kỉ niệm, có thể chỉ là những giai đoạn của cuộc sống. Khổ thơ đầu tiên, tác giả viết:

Có một thời vừa mới bước ra
Mùa xuân đã gọi mời trước cửa
Chẳng ngoái lại vết chân trên cỏ
Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi.
Đó hẳn là cái thời bước ra từ tuổi thơ ngây, nhìn cuộc đời bằng màu hồng. Cái tuổi mộng mơ, tuổi của những khát khao và tràn đầy sinh lực, người ta tưởng như có thể làm được nhiều việc lớn lao. “Chẳng ngoái lại vết chân trên cỏ” có thể hiểu người ta hăng hái làm việc, hăng hái sống và không cần biết những gì mình làm có kết quả như thế nào. “Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi”, mỗi con đường đều nở hoa chào đón. Một thời vô cùng tươi đẹp. Một thời không thể nào quên và người ta luôn mong ước trở về.

Vẫn trong giai đoạn ấy, người ta lớn lên, sự hăng hái vẫn chưa suy giảm nhưng đã có những bước nhìn lại:
Đường chẳng xa, núi không mấy cách chia.
Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn
Trang nhật ký xé trăm lần lại viết
Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau.
Không một con đường nào mà người ta không thể đi đến đích, không một cản trở nào người ta không thể vượt qua. Trời xanh vĩnh viễn, không một đám mây u ám, không hề có bão tố. Điều kiện ngoại cảnh không làm thay đổi quyết tâm của một thời tuổi trẻ. Thế nhưng, “Trang nhật kí xé trăm lần lại viết” thì đã xuất hiện việc nhìn lại, không hài lòng và xé, và lại hăm hở viết. Câu này còn ẩn chứa một điều: Những gì chưa hài lòng, chưa đạt ý muốn đều có thể làm lại. Và tình yêu nào cũng vậy, yêu quê hương đất nước, yêu người thân, yêu những gì mình cho là có nghĩa... tất thảy đều tha thiết như nhau mà chưa có sự phân biệt bên nào nặng, bên nào nhẹ. Đừng hiểu tình yêu ở đây là tình yêu nam nữ với nhiều người, với người nào cũng tha thiết như nhau nhé. Một người có trí tuệ, có tâm hồn trong sáng không phải là cây thông cứ reo lên với bất cứ ngọn gió nào.

Thời gian tiếp tục trôi, người ta bắt đầu cảm nhận được cái đau sau mỗi lần vấp ngã. Làm sao mà không vấp ngã được? Vấp ngã là tất yếu đối với những người hăng hái không chịu ngồi yên một chỗ:
Có một thời ngay cả nỗi đau
Cũng mạnh mẽ ồn ào không giấu nổi
Mơ ước viễn vông, niềm vui thơ dại
Tuổi xuân mình tưởng mãi vẫn tươi xanh
Khao khát cháy bỏng, ước mơ cháy bỏng và nỗi đau cũng ở mức độ mạnh. Tất cả các cung bậc của cảm xúc, của ý chí đều mạnh. Đó là tuổi thanh xuân nhựa sống tràn trề nhưng đã bắt đầu tích luỹ kinh nghiệm sống. Người ta đã biết thế nào là mơ ước viển vông, mơ ước không mang lại giá trị gì thiết thực, người ta cũng cảm nhận được những niềm vui thơ dại. Trong nhân cách vẫn còn những điểm mang tính cách trẻ nhỏ: Vẫn vui khi được quà của bà đi chợ về chẳng hạn. Đây là câu thơ mang tính khái quát cao được thể hiện bằng biện pháp hàm ngôn. Tuổi xuân vẫn tràn đầy, tuổi xuân làm cho người ta tưởng mình mãi mãi tươi xanh.

Rồi tình yêu đến tất yếu theo quy luật tự nhiên:
Và tình yêu không ai khác ngoài anh
Người trai mới vài lần thoáng gặp
Luôn hy vọng để rồi luôn thất vọng
Tôi đã cười đã khóc những không đâu
Có khác chăng người yêu ở đây đã được xác định, không ai khác ngoài anh, người mới vài lần thoáng gặp. Câu thơ chứa một cảm nhận của tâm linh. Anh chính là người yêu trong mộng, là mảnh ghép đích thực của cuộc đời em. Tình yêu đến tự nhiên và tự nguyện, vài lần thoáng gặp, rồi nhớ, rồi thương. Thế nhưng hy vọng cứ thắp lên rồi lại tắt. Bởi vì người ta ước mơ cao quá mà thực tế không đáp ứng được. Và cười khóc không đâu. Tình yêu phải được xây đắp bằng những vật liệu của riêng nó chứ không chỉ những ước mơ mà thành.

Bóng tà dương sắp ngả về tây, cuộc hành trình bắt đầu nhanh dần, sự tự tin vẫn còn đó nhưng những chiêm nghiệm thì nhiều hơn và sâu hơn:
Một vầng trăng niên thiếu ở trên đầu
Một vạt đất cỏ xanh rờn trước mặt...
Mái tóc xanh bắt đầu pha sợi bạc
Nỗi vui buồn cũng khác những ngày xưa
Vầng trăng niên thiếu là những ước mơ vẫn còn đó, vẫn tiếp tục thực hiện những ước mơ của thời “vừa mới bước ra”. Người ta nói rằng, cuộc đời con người là đi thực hiện những ước mơ của thời thơ ấu. Ngay từ thời thơ ấu, những ước mơ đã là mục tiêu phấn đấu cho một đời người. Nó là một véc tơ có điểm gốc và xác định được hướng, tuổi trưởng thành chỉ việc đi theo. Hình ảnh “Một vạt đất cỏ xanh rờn trước mặt” đã thay thế cho “Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi”. Người ta sống thực tế hơn, bớt viển vông hơn. Mái tóc đã bắt đầu chớm bạc và niềm vui, nỗi buồn không ồn ào mà sâu lắng. Cái niềm vui, nỗi buồn là những thành công hay thất bại trên đường đời, là cái tất yếu. Không ai sống được với toàn những niềm vui và nếu chỉ có nỗi buồn thì trái tim sẽ trở thành vô cảm. Nên nếu như có khi nào đó buồn cũng phải coi đó là chuyện bình thường, thậm chí nỗi buồn còn có ích cho người ta kìm lại những hành động thái quá. Như một cái dây cương để điều khiển con ngựa bất kham.

Đã đến lúc người ta cảm thấy gánh nặng thời gian bắt đầu đổ xuống, người ta cần phải nhanh lên vì mặt trời đã ngả:
Chi chút thời gian từng phút từng giờ
Như kẻ khó tính từng hào keo kiệt
Tôi biết chắc mùa xuân rồi cũng hết
Hôm nay non, mai cỏ sẽ già.
Cái phóng khoáng của một thời tuổi trẻ đã nhường cho những toan tính, thậm chí đến mức như một kẻ keo kiệt vì nghèo. Người ta cảm thấy hình như mình chưa làm được gì, chưa có gì đáng kể. Mùa xuân rồi sẽ hết, ngày mai cỏ sẽ già, sẽ chẳng có con đường hoa nở dưới mỗi bước chân đi. Thời gian, kẻ thù số một của con người.

Nếu như cả cuộc đời là một hành trình thì trên đó, người ta có thể chia nó thành những chặng. Và sau mỗi chặng đó, người ta nhìn lại:
Tôi đã đi mấy chặng đường xa
Vượt mấy núi mấy rừng qua mấy biển
Niềm mơ ước gửi vào trang viết
Nỗi đau buồn dồn xuống đáy tâm tư
Đã đi, đã đến, đã vượt qua khó khăn và đã thực hiện ước mơ bằng việc làm cụ thể. Nhưng khác chăng là những mơ ước đó được gửi vào trang viết. Câu này có thể hiểu rằng viết là một nghề, có thể hiểu những mơ ước không thực hiện được những việc làm cụ thể mà phải gửi vào những trang viết để bày tỏ nguyện vọng, ước mơ của mình. Không phải là nỗi buồn nữa mà là nỗi đau buồn. Nỗi đau buồn lúc này không ồn ào nữa mà dồn xuống đáy tâm tư. Tuổi tác đã làm cho người ta có cách hành xử khôn ngoan như thế.

Thời gian trôi đi nhưng con tim không già cỗi mà già dặn. Nghĩ lại tình yêu của mình, tác giả nhận thấy:
Em yêu anh hơn cả thời xưa
(Cái thời tưởng chết vì tình ái)
Em chẳng chết vì anh, em chẳng đổi
Em cộng anh vào với cuộc đời em
Em biết quên những chuyện đáng quên
Em biết nhớ những điều em phải nhớ
Cái thời ngày xưa nông nổi ấy, em tưởng có thể chết vì tình được. Nhưng nay thì em đã chín chắn hơn, em chẳng chết vì anh nhưng tình yêu em dành cho anh thì chẳng đổi mà anh là một phần không thể thiếu của đời em. Những chuyện đáng quên thì quên, những gì đáng nhớ thì nhớ. Tuổi tác không làm tình yêu phai nhạt mà càng mặn mà hơn, sâu sắc hơn. Nghe lại bài hát xưa và ngẫm ngợi và quyết định:
Hoa cúc tím trong bài hát cũ
Dẫu vẫn là cung bậc của ngày xưa
Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ
Nhưng đâu phải là điều em luyến tiếc.
Vẫn là bài hát ấy, vẫn là màu hoa ấy, vẫn cung bậc cảm xúc ấy nhưng nó đã là cái của hôm qua. Quá khứ đáng tôn thờ nhưng không luyến tiếc bởi vì cái hôm nay, cái mà ta có mới là cuộc sống đích thực. Bởi vì người ta đã trưởng thành, người ta đã làm được cái mà người ta mơ ước, người ta có một tình yêu chung thuỷ. Cái đáng quên thì đã quên, cái đáng nhớ thì luôn nhớ. Cuộc sống vẫn sinh sôi, cuộc sống là một bài ca bất tận.

Hàn Mặc Tử đã viết về thời gian trong bài thơ Thời gian như thế này:
Còn đâu tráng lệ những thời xanh
Mùi vị thơm tho một ái tình
Đố kiếm cho ra trong lớp bụi
Ít nhiều hơi hám của kiên trinh
Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất
Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm
Hồn xưa tự ấy không về nữa
Ở cõi hư vô dấu đã chìm
Chỉ có trăng sao là bất diệt
Cái gì khác nữa thảy đi qua
Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi
Vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà?
Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé
Xin đừng luân chuyển để thời gian
Chậm đi cho kẻ tôi yêu dấu
Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân
Thời gian trong thơ của Hàn khi là thời gian thực, khi là thời gian ảo, nhưng cảm xúc chung là sự tiếc nuối những gì tươi đẹp đã qua. Tác giả muốn níu kéo thời gian trở lại bởi thời gian qua đi là cũng mất đi những gì yêu dấu.

Còn Xuân Diệu lại viết trong bài Giục giã:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm,
Anh hút nhuỵ của mỗi giờ tình tự.
Mau với chứ! vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! tình non sắp già rồi...
Nhà thơ Jorge Luis Borges người Argentina đã viết trong bài Chúng ta là thời gian bản dịch của Vũ Hoàng Linh như sau:
Chúng ta là thời gian.
Chúng ta là ẩn dụ nổi tiếng
của Herclitus, nhà triết học u tối
Chúng ta là nước, chúng ta không phải kim cương
Chúng ta sẽ mất đi, chúng ta không đứng lại.

Chúng ta là sông và chúng ta là gã Hy Lạp ngắm mình trên sông.
Bóng gã biến thành làn nước trong tấm gương đang thay đổi
Biến thành pha lê và pha lê đổi thay như lửa.
Chúng ta là dòng sông tiền định phù phiếm
Trên hành trình ra tới biển.
Những bóng tối bao quanh dòng sông.

Mọi thứ đều vĩnh biệt, mọi thứ đều vĩnh quyết ra đi.
Ký ức không lưu lại dấu ấn của mình.
Thế nhưng, vẫn còn điều gì ở lại
Thế nhưng, vẫn còn điều gì thở than
Thời gian mà Jorge Luis Borges quan niệm đó là thứ thời gian vật chất, chuyển động của nó làm biến đổi mọi vật, nó có thể làm nên những điều kì diệu nhưng cũng có thể làm những điều tồi tệ. Cái cuối cùng con người còn lại sau cơn bão thời gian chỉ là một điều gì đó, điều gì đó thở than mơ hồ mà thôi. Một thứ thời gian buồn vô định. Trong bài thơ Thơ tình cuối mùa thu của mình, Xuân Quỳnh đã viết:
Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại
Vẫn là một niềm tin son sắt, dù thời gian có qua đi nhưng anh và em vẫn bên nhau, tình yêu ấy là bất diệt.

Có một thời như thế, có một thời mà con người ta đã sống, đã ước mơ, đã thắp lên những khát khao và thực hiện nó. Có một thời người ta đã sống với những niềm vui và nỗi buồn. Thời gian trôi đi, con người ta trưởng thành và theo quy luật người ta sẽ già đi nhưng không phải rồi cuối cùng tàn lụi mà là để giữ lại những hạt lúa sau những mùa vụ vất vả, là những giọt mật sau những mùa hoa, là những viên hổ phách sau những thăng trầm biến đổi. Đó mới chính là Xuân Quỳnh trong một nhà thơ.