Ý nghĩ của các người
mơ màng trong đầu óc chơi vơi
như người hầu trên đi-văng có đầu gối
tôi sẽ trêu chọc về con tim máu xối
xấc xược, chua cay cho thỏa thuê lòng.

Tôi đây, không một sợi tóc bạc trong hồn
và vẻ dịu dàng, già nua không hề có!
Cuộc đời bao la, giọng nói này vạm vỡ
và tôi bước đi
chàng trai hai mươi hai tuổi trẻ trung.

Hỡi những người dịu dàng!
Các người đem tình yêu đặt lên cây vĩ cầm.
Còn kẻ thô bạo đặt tình yêu lên trống.
Nhưng tự mình, các người không xoay, không vặn
để nơi nào cũng sẽ gặp môi hôn

Hãy đi đến đây mà học cho mình
vẻ đàng hoàng, trang trọng
một công chức có dòng dõi trâm anh.

Và người mà bờ môi lặng lẽ giở từng trang
như đầu bếp mở cuốn sách dạy nghề nấu bếp.

Nếu các người muốn
tôi sẽ trở nên điên cuồng
và, đổi sắc thái như trời xanh –
nếu các người muốn
tôi sẽ vô cùng dịu dàng, đằm thắm
không phải đàn ông, mà – đám mây mặc quần!

Tôi không tin rằng có một Ni-xơ(2) hoa hồng!
Mà tôi lại tán dương, ca tụng
những đàn ông nằm lâu như bệnh viện
và những đàn bà mòn như một cách ngôn.


1. Đám mây mặc quần được coi là kiệt tác của Maiakovsky. Bài thơ tình với cảm xúc mãnh liệt đến mức hoang dại. Nhà thơ tạo nên một hình thức mới, một hơi thở mới cho thơ ca Nga bằng việc cắt đứt vần điệu, trộn lẫn ngôn ngữ nói, cách thức biểu đạt thô thiển với những câu thơ mềm mại. Người ta vẫn thường so sánh Maiakovsky với T. S. Eliot (1885-1965) – nhà thơ Anh, nhà cách tân thơ ca Anh-Mỹ nửa đầu thế kỉ XX. Tetraptikh nghĩa là bài thơ có 4 phần.
Ý đồ của trường ca xuất hiện trong năm 1914. Maiakovsky yêu cô Maria Aleksandrovna nhưng tình yêu này không được đáp lại, nhà thơ thể hiện những nỗi cay đắng của mình trong thơ. Tuy vậy, suốt cả trường ca, nhà thơ với vai trò của Sứ đồ thứ mười ba – (tên gọi lúc đầu bị kiểm duyệt thay đổi), là sự tượng trưng của một cuộc cách mạng sắp đến. Trường ca viết xong năm 1915, có 4 phần. Mỗi phần có một ý đồ nhất định. “Đả đảo tình yêu các người”, “đả đảo nghệ thuật các người”, “đả đảo trật tự các người”, “đả đảo tôn giáo các người”. Bốn tiếng kêu “đả đảo” này được dùng làm đầu đề cho 4 phần của tác phẩm” – Maiakovsky viết như vậy trong lời nói đầu của lần in thứ hai.
2. Ni-xơ (Nice) – thành phố cảng, khu nghỉ mát nổi tiếng của Pháp bên bờ Địa trung hải.