Vi Thùy Linh và thơ Việt trẻ
ĐỖ CAO SANG, San Antonio, US, July 2nd 2010
Hình như đã có lần tôi nói về thơ ca Việt Nam sau những năm 1990. Cảm tưởng rất hiếm khi ta có thể được bài thực sự. Hồi còn 14 tuổi, thỉnh thoảng cũng có bắt gặp một số thơ hay trên Hoa Học Trò của những sinh viên đàn anh đàn chị. Họ là Bùi Chí Vinh, Bình Nguyên Trang, Hoàng Anh Tú, Đàm Huy Đông, Hải Miên, Trang Hạ, Chu Minh Khôi và vài tên tuổi khác.
Cuộc sống mới đã làm thơ ca bế tắc. Tình trạng chao đảo chính trị thế giới, mất phương hướng của niềm tin hay do xã hội kim tiền đã làm thơ chết ngạt? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ.
Tôi cũng tập viết thơ nên hiểu rằng làm loại thơ dễ dãi thì rất nhanh và đơn giản. Tại sao tôi không in thơ mình? Vì đó là những bài thơ dễ dãi. Thơ tình cũng có, thơ triết lý cũng có, thậm chí cả thơ vận động tuyên truyền cho các đoàn thể, hội thuyền. Làm ra quá nhanh và nhiều. Nhanh và nhiều thì như gà công nghiệp, như lợn ăn thuốc tăng trọng. Tôi không cho phép bản thân sản xuất loại mặt hàng này.
Nhưng để ra đời một bài thơ đáng giá, cả đời một nhà thơ bình thường, nếu may mắn, chắc cũng rặn ra được dăm bài. Có khi đen đủi, đến chết vẫn chẳng có bài nào ra hồn.
Không những thế, nhiều anh rất dễ bị lóa mắt trong hào quang thời đại. Vì xã hội tán dương ầm ỹ quá, họ cứ tưởng mình là Puskin của Việt Nam, Nào ngờ chỉ ít năm sau, cả đời thơ bị quăng vô sọt rác. Nông Quốc Trấn là một ví dụ điển hình.
Lại quay về tình hình các nhà thơ trẻ hiện nay mà tôi lấy Vy Thùy Linh là một đại diện.
Muốn đánh giá thơ trẻ và nhà thơ VY THÙY LINH, ta phải nhìn vào thực tế xã hội VN để hiểu tâm trạng và bản chất của trào lưu tung hô VY THÙY LINH hiện nay.
VY THÙY LINH cùng độ tuổi như tôi, những điều hỷ - nộ - ái - ố của con người cổ - kim, Đông - Tây đã có nhiều phần giống nhau. Huống hồ tôi và VY THÙY LINH thuộc hạng cùng trang lứa. Những tâm trạng của giới trẻ phản ảnh trong thơ VY THÙY LINH, tôi cũng cắt nghĩa được phần nào.
Thứ nhất là tâm trạng mất niềm tin vào cuộc sống. Sự sa đọa của nhân cách con người hồi thập niên 90 đã làm giới trẻ không biết tìm đâu để trú ngụ cho tinh thần mình. Đạo Phật cũng không ra đạo Phật. Anh em, vợ chồng, cha con, thầy trò… bắt đầu lộn tùng phèo hết cả.
Bây giờ các em 9X đã quen ăn điểm tâm với những món: “Thầy A bị bắt, tội hiếp dâm trò B, cháu X bị hiếp tập thể, rồi nạn nhân Y bị chặt từng khúc”. Nhưng những năm đầu thập niên 90, những câu chuyện gây sốc đó tác động đến tư tưởng của tôi rất nhiều.
Thứ hai là cuộc sống kim tiền ngột ngạt. Chúng tôi muốn tìm một chỗ yên ắng để nương náu tâm hồn và tưới tắm cho lòng trắc ẩn đang ngày càng tàn lụi.
Nương tựa vào đâu?
Cái mảnh đất hiện thực tàn khốc của kinh tế cạnh tranh, những mưu mẹo và thủ đoạn chỉ là chỗ cho văn xuôi. Thậm chí người ta còn chẳng buồn làm văn nữa. Kiếm tiền đã. Văn để sau.
Chỉ còn tình yêu là chốn nương thân vĩnh cửu. Dù tình yêu là ảo ảnh, giới trẻ cũng chỉ còn biết giả vờ yêu, giả vờ say đắm. Yêu như thật để lừa rối chính mình.  Đôi khi người tình trong thơ VY THÙY LINH chỉ là tưởng tượng, là ảo ảnh. Các nhà thơ cựu trước đây cũng vậy. Các em, các nàng trong thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê phần lớn là tưởng tượng. Ngoài đời, họ rất cô độc. Chính VY THÙY LINH phát biểu: “Thơ tôi là thơ tình, đứng ra ngoài tình yêu, thơ tôi sẽ chết.”
Thứ ba, tại sao thơ VY THÙY LINH khó hiểu?
Xã hội ta hiện nay, hễ có tiền là có thơ in ngay. Hàng trăm tập. Vè không ra vè, thơ không ra thơ, ném túi bụi vào mặt độc giả như trứng thối ném vào tuyển thủ Ý ở World Cup 2010. Nhiều ông giám đốc viết thơ ký tặng cho công nhân, để tỏ ra mình là nhà doanh nghiệp yêu văn nghệ. Không phải con buôn. Công nhân nịnh sếp nên khen búa xua. Thị trường loạn thơ, thật giả bất phân. Người đọc hoang mang như đứng giữa cổng chợ Đồng Xuân ngày giáp Tết, giữa một rừng hàng Tàu hổ lốn và đám móc túi nhanh tay nhanh mắt.
Cánh yêu thơ thực sự thấy thế cũng tức lắm. Họ quay ra làm thơ trừu tượng. Thơ của  họ  được viết như tranh lập thể để tự tách mình ra khỏi đám vần vè đang mọc lên như nấm. Người ta ăn mỳ tôm bằng cách đổ mỳ ra bát rồi chế nước sôi. Cánh nhà thơ trẻ VN ăn mỳ tôm sống rồi uống nước sôi sau. Có phải Vy Thùy Linh nằm ngoài đối tượng này?
Nhiều người hiện nay bắt đầu nghi ngờ sự trung thực của VY THÙY LINH. Họ nói rằng cô bé này, sau vài bài thơ nổi tiếng, đang bắt đầu lừa dối người đọc kiểu như bọn thợ may bịp bợm trong VUA CỞI TRUỒNG của Andersen. (Kiểm tra Google: Bộ quần áo mới của Hoàng đế)
Tôi không đánh giá VY THÙY LINH lừa người đọc bằng những câu chữ mù mờ. Cái này để cho thời gian trả lời. Tôi chỉ khẳng định chắc chắn rằng kiểu thơ ngúc ngoắc, không vần điệu kia sẽ không có nhiều sức sống. Cả về không gian và thời gian. Bằng chứng là những nhà thơ vĩ đại của thế giới không làm kiểu thơ đó. Tagor, Victor Hugo hay Puskin đều không chấp nhận loại thơ đọc lên không ai hiểu. Người ta vĩ đại, trước hết là từ tư tưởng, sau đến là nghệ thuật. Chứ không phải làm thơ rắc rối.
Có thể ai đó lý luận “thơ nay phải khác thơ xưa.” Đúng, nhưng có những quy luật không thể khác. Ai dám bảo 500 năm nữa, loài người không mặc quần áo, đi bằng tay và không nói bằng mồm?
VY THÙY LINH là Hàn Mặc Tử chăng?
Không, thơ Hàn khác rất nhiều. Tuy ngúc ngoắc nhưng người ta còn mơ hồ hiểu cái tình chân thực của nhà thơ điên loạn trong một thế giới riêng của thiên chúa và ảo giác của một người bị tâm thần thực sự. Còn VY THÙY LINH, cả ngoài đời và trong thơ, không có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Nhạc điệu phong phú và nghệ thuật reo vần trong thơ Hàn đạt đến bậc thầy. Còn thơ Linh lổn nhổn như toa vào của máy trộn bê-tông.
Tại sao người ta tung hô VY THÙY LINH?
Dân tộc VN mình có một tật xấu điển hình: A dua và không có lập trường. Số thằng mê bóng đá thực thụ ở VN là bao nhiêu? Tôi đoán không nhầm chắc không quá 30% dân số. Nhưng ra đường, thằng nào cũng tỏ ra mình thích bóng đá để khỏi bị chê là lạc lõng, là kỳ dị.
Nhiều tay ra vẻ mình thích nhạc rock để được gọi là sành điệu, thèm nhạc vàng đến chết mà cũng không dám công khai nghe. Sợ bị coi là sến. Hỏi “sến” là gì thì không ai biết.
Chúng ta tung hô Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc ầm ỹ chỉ vì không tung hô thì sợ bị coi là không yêu tổ quốc. Thực sự hai vị liệt sỹ khả kính này không đáng làm ầm ỹ như hiện nay. Tại sao? Họ chỉ khác các đồng đội bấy giờ là viết nhật ký. Thử hỏi hồi chống Mỹ, có bao nhiêu người hy sinh như thế? Có nhà thơ liệt sỹ khá tên tuổi là Lê Anh Xuân đã ngã xuống như một người lính thực thụ. Nhưng cánh trẻ bây giờ, trớ trêu thay, phần lớn chỉ biết Nguyễn Văn Thạc chứ không biết Lê Anh Xuân là ai.
Hồi đầu thế kỷ XIX, ở Anh xuất hiện loại người thành thị mà ông Thackrey Makepeace gọi là Snob. Loại này ra vẻ mình sành đời và thượng lưu. Bây giờ Tây hết dần bọn Snob. Họ chuyển hộ khẩu sang VN gần hết. Chiều chiều đeo túi vợt tennis lượn vè vè nhưng chưa từng vụt được quả nào ra hồn. Chủ tịch diễn đàn Bình thơ nhưng chưa bao giờ đọc thuộc nổi một bài tứ tuyệt. Vào nhà hàng KFC, McDonaln để chứng tỏ mình giống Tây chứ thực bụng thèm thịt chó, tiết canh, lòng lợn rớt nước miếng!
Người ta tung hô, khen ngợi VY THÙY LINH phần đa cũng chỉ để tự nâng cao sỹ diện bản thân mình. Ra chuyện ta biết ngửi thơ, sành thơ, yêu nghệ thuật đích thực. Trong đầu họ - người làm thơ và cả người đọc thơ - thầm nghĩ “Thơ phải khó hiểu. Thơ mà đọc ai cũng hiểu chỉ là vè”. VY THÙY LINH có lẽ cũng là một ông vua cởi truồng chăng?
Câu hỏi này nên để cho các em 9X trả lời. Vì lớp người sinh sau đẻ muộn này, trong muôn vàn cái dở, có một điểm hay là họ đã dám nói, và bớt a dua hơn chúng ta. Đó là một thực tế.