Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.

Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...


4-1976

Năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ. Bài thơ này được sáng tác trong dịp đó và in trong tập thơ Như mây mùa xuân (1978).

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác

Lâu nay, thơ văn trong và ngoài nước viết về Bác Hồ kính yêu của chúng ta nhiều không kể xiết. Các nhà thơ, nhà văn đều viết về Bác với tâm huyết và tình cảm chân thành, trang trọng nhất. Trong số thơ văn ấy, phải nhắc tới bài Viếng lăng Bác đầy xúc động của nhà thơ Viễn Phương:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão tố mưa sa đứng thẳng hàng
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm bông hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Đọc ngay đoạn mở đầu, lòng em đã thấy bồi hồi trước không khí ấm áp gần gũi mà thiêng liêng thành kính của một hình ảnh vô cùng quen thuộc, đó là hàng tre:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão tố mưa sa đứng thẳng hàng.
Nói đến hàng tre bát ngát là nói đến quê hương và con người Việt Nam với biết bao đức tính cao quý và trong sáng. Nói đến hàng tre là chúng ta nghĩ ngay đến ngôi nhà thân yêu, tuổi thơ đầm ấm, lời ru của mẹ dịu dàng, ấm áp, tiếng võng đưa kẽo kẹt trưa hè dưới bóng tre làng. Hình ảnh hàng tre xanh xanh bát ngát là khúc nhạc dạo đầu để nhà thơ đưa chúng ta đến bao suy tưởng mênh mông hơn:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.
Vầng trăng, trời xanh… những hình ảnh kì vỹ rộng lớn nối tiếp xuất hiện làm em không khỏi xúc đọng. Em chợt hiểu rằng nhà thơ phải kính yêu Bác đến mức nào mới sử dụng được nhuần nhuyễn hài hoà các hình ảnh ấy.

Cái nhói tim của tác giả là nỗi đau của biết bao con người Việt Nam trước sự ra đi của Bác. Ước nguyện gặp Bác của tác giả giờ không thể thực hiện được. Bác mãi mãi ra đi để lại trong lòng người con miền Nam niềm thương tiếc khôn nguôi. Đứng trước lăng mà lòng con bồi hồi, xúc động, xen lẫn nỗi đau mất mát. Sự chân tình, mộc mạc của người miền Nam đã thể hiện rất rõ trong từng lời thơ.

Đứng trước hình bóng Bác, nhà thơ như không muốn quay đi. Thực tế là con phải về, mai về. Ở miền Nam xa xôi rồi con sẽ rất nhớ Bác. Chính vì thế mà tác giả muốn hoá thân thành những hình tượng gắn liền với nơi Bác đang ngon giấc, để ru cho Bác ngủ giấc ngủ ngàn thu:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm bồng hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiểu chốn này.
Ước nguyện của nhà thơ cũng là ước nguyện của mọi người dân Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam. Thương Bác, nhớ Bác nên lòng con không muốn rời xa Bác. Đó là một tình cảm thiêng liêng mà mỗi người dân Việt Nam dành cho Bác.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh hàng tre, kết thúc bài thơ cũng có hình ảnh cây tre. Phải chăng cây tre tượng trưng cho sức sống bền bỉ của dân tộc Việt Nam, cho cuộc đời đầy gian truân nhưng thật vĩ đại của Bác? Nếu ở khổ thơ đầu, từ hình ảnh thực của rặng tre bên lăng Bác nhà thơ đẩy lên thành hình ảnh tượng trưng cho cả dân tộc kiên cường bất khuất đứng quanh Người, thể hiện rõ ý chí và nguyện vọng của Người, thì ở câu thơ cuối, vận động của ý thơ lại theo chiều ngược lại. Từ sự mong muốn trong tâm tưởng luôn được ở bên canh Bác, nhà thơ đi đến những hình ảnh cụ thể, thể hiện ý đó, nào con chim hót quanh lăng Bác, nào đoá hoa toả hương đâu đây và cuối cùng là làm cây tre trung hiếu chốn này.

Bài thơ Viếng lăng Bác thật giàu tình cảm vì sự chân thành, tha thiết và sâu lắng của tác giả. Bài thơ tưởng kết thúc trong sự xa cách về không gian đâu ngờ lại tạo nên sự gần gũi trong tình cảm và ý chí. Người bước chân ra đi nhưng lòng ở lại. Như thế cuộc ra thăm lăng Bác của những con người miền Nam đâu có kết thúc.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
1014.02
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Viếng lãng Bác

Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong cha.
(Tố Hữu)
Bác yêu đồng bào miền Nam vô hạn và nhân dân miền Nam yêu Bác khôn cùng. Miền Nam mong chờ Bác vào thăm nhưng nước nhà chưa thống nhất, người chưa kịp thực hiện ý nguyện vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt thì đã đi xa mãi mãi; để lại trong lòng mỗi người dân Việt Nam một nỗi nhớ thương day dứt không nguôi. Nỗi nhớ thương ấy đã thôi thúc Viễn Phương từ miền Nam ra thăm lăng Bác. Bài thơ Viếng lăng Bác đã thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của tác giả trước lăng Bác. Viễn Phương đã thay mặt đồng bào miền Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng đối với lãnh tụ – vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Mở đầu bài thơ như một lời tự sự nhưng đã chứa dựng bao nhiêu cảm xúc:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát.
Viễn Phương đã mang theo bao tình cảm thắm thiết của đồng bào miền Nam ra miền Bắc để viếng lăng Bác, Đến Ba Đình, nhà thơ đã nhìn thây hàng tre ẩn hiện trong làn sương mờ ảo. Khung cảnh ở đây thật thiêng liêng. Hình ảnh hàng tre bát ngát gợi lên một quang cảnh đẹp mang đậm nét làng quê. Cảnh quang ấy đã làm cho nhà thơ cảm nhận nơi đó có một linh hồn quen thuộc của quê hương đất Việt:
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Từ hàng tre cụ thể bên lăng Bác, nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh cây tre Việt Nam, liên tưởng đến sức sống dẻo dai, mãnh liệt và bản lĩnh kiên cường của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh hàng tre xanh xanh ấy đã làm tác giả biểu lộ niềm tự hào sâu sắc. Rồi hoà với dòng người tiến vào trong lăng Bác, tác giả đã càng dậy lên niềm xúc động, tự hào:
Ngày ngày Mặt Trời đi qua trên lăng
Thấy một Mặt Trời trong lăng rất đỏ.
Mặt trời đi qua trên lăng Bác là Mặt Trời của tạo hoá, thiên nhiên đang toả ra ngàn tia nắng ấm. Còn mặt trời rất đỏ trong lăng là Bác Hồ vĩ đại. Bác được ví như vầng thái dương chói lọi, sưởi ấm cho muôn loài. Mặt trời ấy là tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng sáng ngời ấy như ánh mặt trời vĩnh hằng trên trái đất. Bởi vậy, Bác ra đi là sự mất mát lớn đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước, mất mát lớn đối với toàn thể dân tộc ta. Bác để lại muôn vàn nhớ thương trong tâm khảm mỗi con người:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Không chỉ có một ngày, hai ngày mà ngày ngày đều có người đến viếng lăng Bác. Dòng người như một tràng hoa với muôn ngàn sắc hương từ mọi miền đất nước dâng lên Bác. Trong khung cảnh trang nghiêm, tĩnh lặng ấy, ai cũng xúc động, thành kính và tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Cùng, với dòng người đi vào bên trong lăng Bác, nhà thơ Viễn Phương không nén được xúc động trong lòng:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà xao nghe nhói ở trong tim!
Tác giả đã cho ta cảm nhận không gian và thời gian như ngưng đọng trước một hình ảnh thiêng liêng. Ta cảm nhận như Bác đang ngủ một giấc ngủ bình yên vì lí tưởng của Bác đã được thực hiện. Bác đi về cõi vĩnh hằng nhưng hình ảnh Bác vẫn còn sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Hình ảnh vầng trăng sáng dịu hiền trong bài thơ là một liền tưởng độc đáo của tác giả. Có thể liên tưởng ấy bắt nguồn từ hiện thực. Đó là ánh sáng của vầng trăng dịu nhẹ, trong trẻo chiếu xuống lăng Bác. Vầng trăng dịu ngọt ấy gợi ta nghĩ đến tâm hồn cao đẹp của Bác. Vầng trăng dịu hiền là biểu tượng về con người Bác, tấm lòng nhân ái bao la của Bác. Từ hình ảnh vầng trăng, nhà thơ lại tiếp tục liên tưởng đến trời xanh. Đó cũng là biểu tượng về Bác. Tâm hồn Bác lồng lộng như vũ trụ bao la. Công đức của Bác kì vĩ như trời cao, biển rộng. Nhìn Bác kính yêu đang yên giấc nghìn thu, nhà thơ đau xót cực độ, tiếc thương Bác đã ra đi mãi mãi không về. Tình cảm ấy đã làm cho nhà thơ lưu luyến khi phải rời xa lăng Bác:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Điệp ngữ muốn làm lặp lại ba lần đã gợi tả cảm xúc thiết tha, tình yêu nồng cháy của tác giả đối với Bác. Nhà thơ muốn làm con chim ca hát và làm đoá hoa toả ngát hương thơm để đem niềm vui đến cho Bác, muôn tỏ lòng trung hiếu để đền đáp công ơn như trời biển của Bác, muốn ở mãi nơi lăng Bác như hàng tre xanh ngát bốn mùa ở Ba Đình lịch sử.

Bài thơ Viếng lăng Bác thật giàu hình ảnh và giàu cảm xúc, có mấy ai đọc bài thơ mà không thấy rung cảm trong lòng. Giọng điệu bài thơ phù hợp với nội dung tình cảm, nhịp thơ chậm thể hiện sự trang nghiêm, lòng thành kính và cảm xúc sâu lắng. Riêng ở khổ thơ cuối với nhịp thơ nhanh hơn, phù hợp với sắc thái của niềm mong ước, khát vọng của nhà thơ.

Bằng nghệ thuật sử dụng biện pháp ẩn dụ và biểu tượng, tác giả thể hiện tình cảm chân thành của mình đối với Bác. Hình ảnh Bác không chỉ trong tâm khảm dân tộc Việt Nam mà còn trong trái tim nhân loại. Bác ra đi để lại một tấm gương sáng ngời thật cao quí, đó là “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà cả dân Việt Nam đã và đang hướng tới để hoàn thiện mình.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
614.11
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bình luận bài thơ “Viếng lăng Bác”

Trong những ngày đất nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam sắp đến thắng lợi hoàn toàn, nhà thơ Viễn Phương được ra Bắc viếng lăng Bác. Trước khi chia tay, nhà thơ đã để lại một bài thơ bày tỏ niềm cảm xúc sâu xa, tình yêu thương vô hạn và lòng cảm phục, tôn kính của mình đối với Bác Hồ vĩ đại - người từng lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng
Đoạn thơ mở đầu gợi ra cảnh tượng thiêng liêng, thành kính. Tác giả xưng”con”- đứa con bao năm xa cách nay mới được trở về đứng trước lăng mộ của vị cha già dân tộc. Cách xưng hô đó còn gợi lên một tình cảm ấm áp gần gũi- tình cảm trong gia đình. Tình cảm gần gũi ấm áp đó còn được thể hiện qua hình ảnh” hàng tre bát ngát” trong sương. Hàng tre quen thuộc biết bao. Từ bao đời nay tre vẫn được xem là bản lĩnh, cốt cách con người Việt Nam. Một hình ảnh thật có ý nghĩa.

Tác giả tiếp tục mạch suy tưởng khi đứng trước lăng Người:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ,
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...
Mặt trời ngày ngày đi qua trên lăng là mặt trời của vũ trụ, của thiên nhiên. Mặt trời soi sáng tất cả thế gian. Mặt trời thượng tượng trưng cho chân lý. Dưới ánh mặt trời, mọi vật, mọi việc đều sáng rỏ. Chỉ mặt trời đỏ mới nhìn và “thấy mặt trời trong lăng rất đỏ”. “Mặt trời trong lăng” chính là hình ảnh Bác Hồ vĩ đại với trái tim rực đỏ. Trái tim ấy, mặt trời ấy mãi mãi soi sáng cho dân tộc Việt nam, mặt trời thiên nhiên, mặt trời vũ trụ được nhân hoá thể hiện niềm cảm phục của nhà thơ đối với sự nghiệp, con người, cuộc đời của Bác. Nhà thơ còn sáng tạo hình ảnh dòng người kết thành “tràng hoa” dâng bảy mươi chín mùa xuân để thể hiện tấm lòng nhân dân cả nước hướng về Bác.

Khi vào trong lăng tác giả lại tiếp tục suy tưởng:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim
Với dân tộc Việt Nam, Bác Hồ không bao giờ mất, Bác vẫn sống. Nằm trong lăng chỉ là giây phút nghỉ ngơi của Bác. Bác ngủ bình yên thanh thản bới Bác đã cống hiến tất cả cuộc đời mình cho đất nước, cho dân tộc. Bác đang nằm “giữa một vầng trăng sáng dịu hiền. Đây cũng là hình ảnh ẩn dụ “vầng trăng sáng dịu hiền” chính là tấm lòng của nhân dân đối với Bác. Tác giả bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với Bác: “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi”. Vẫn biết Bác không bao giờ mất nhưng sự thật là sự thật! Bác đã vĩnh viễn ra đi. Cái “đau nhói trong tim” không chỉ là nỗi đau của riêng nhà thơ mà là nỗi đau của tất cả mọi người.

Tác giả chia tay Bác trong niềm cảm xúc dâng trào:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng...
Viễn Phương bộc lộ một cách thành thực ý nghĩ, tình cảm của mình đối với Bác. Đó là phong cách của đồng bào Nam Bộ: rõ ràng, dứt khoát. Đó cũng là tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác. Ước nguyện của tác giả hết sức giản dị mà sâu lắng: muốn làm con chim, muốn làm đoá hoa, muốn làm cây tre. Ước nguyện ấy thật chân thành và cảm động. Đó là sự vấn vương lưu luyến của tất cả những ai đã có dịp viếng lăng Người.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh hàng tre, kết thúc bài thơ là hình ảnh cây tre hiền lành, quen thuộc. Nhưng đây cũng là một lời hứa của tác giả trước an linh của Bác: luôn giữ mãi cốt cách, phẩm chất của người Việt Nam!

Viếng lăng Bác của Viễn Phương vừa giàu hình ảnh, vừa giàu trữ tình đằm thắm. Bài thơ đã thể hiện một cách chân thành sâu sắc tình cảm của tác giả, của đồng bào miền Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu. Viếng lăng Bác đã được phổ nhạc trở thành một trong những bài hát được nhân dân cả nước yêu thích.

423.95
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Viếng lăng Bác”

Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, cuộc đời và sự nghiệp của Bác là nguồn cảm hứng vô tận của thơ ca.

Có biết bao bài thơ đã ca ngợi Bác trong đó có nhiều bài đã đi vào đời sống tình cảm của nhân dân. Bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương đã thể hiện được những cảm xúc chân thành, tha thiết đối với Bác Hồ vô vàn kính yêu.

Viễn Phương – người nghệ sĩ và người chiến sĩ đã đứng trong đội ngũ chiến đấu để thực hiện lí tưởng cao cả của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Cuộc chiến đấu thắng lợi, từ khói lửa chiến tranh bước ra, nhà thơ ra Hà Nội – trái tim của cả nước để được viếng Bác.

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác.
Câu thơ không có bàn tay kĩ thuật gọt giũa câu chữ, cứ tự nhiên như lời nói thường nhưng đọc lên vẫn xúc động vì đây là tiếng nói tự đáy lòng của người con đi xa về bên cha. Câu thơ bằng lặng nhưng bên trong ẩn chứa một nỗi đau của sự mất mát.

Đến gần lăng, một không gian hiện ra trước mắt, lẫn trong sương sớm là “hàng tre bát ngát”. Quanh lăng Bác cả một rừng cây như hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam tươi xanh, các loại cây quen thuộc, quý hiếm trong Nam ngoài Bắc đều có mặt bên lăng Bác nhưng hình ảnh hàng tre vẫn đậm nét nhất trong tâm trí nhà thơ. Cây tre tượng trưng cho cuộc sống và tâm hồn người Việt.
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam.
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Màu tre mãi mãi xanh tươi như sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam trước những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và lịch sử. Hàngtre bên lăng ru giấc ngủ ngàn đời của Bác như thuở ấu thơ tre làm bạn với Người.

Bác nằm trong lăng, Bác vẫn sống mãi với non sông đất nước, Bác vẫn toả ánh sáng muôn đời:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Mặt trời của tự nhiên đem lại sức sống cho muôn loài. Mặt trời thật đó gợi lên một sự liên tưởng và so sánh: Bác chúng ta cũng là một mặt trời, Bác đã soi đường dẫn lối cho nhân dân ta đi lên từ trong đêm tối nô lệ đến cuộc đời xán lạn của tự do độc lập.

Công ơn của Bác như trời biển, Bác ra đi để lại muôn vàn tiếc thương. Những dòng người nối dài như vô tận đến viếng Bác bằng tất cả tấm lòng thành kính, hình ảnh đó nhà thơ tưởng tượng như những tràng hoa kết lại để dâng lên Bác:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Đến bên Bác, niềm xúc động trào dâng nhưng sao ta vẫn có cảm giác Bác vẫn nằm đó trong giấc ngủ thanh thản, ta nhẹ gót để Bác được yên giấc:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Trong giấc ngủ vĩnh hằng của Bác có trăng làm bạn. Trăng vốn là tri âm tri kỉ với Bác từ những tháng ngày bị đày đoạ trong nhà lao Tưởng Giới Thạch, đến những ngày gian khổ ở núi rừng Việt Bắc, trăng vẫn gần gũi: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ”.

Bài thơ kết thúc trong tâm trạng lưu luyến, nhớ mong. Ngày mai trở về Nam, xa Bác và nhà thơ muốn được hoá thân để được mãi mãi bên Bác:
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
“Muốn làm”... nỗi niềm mong ước hoá thành chim để hót, thành hoa để toả hương, hoà cùng muôn ngàn âm thanh, hương sắc của thế giới thiên nhiên quanh Bác. “Muốn làm cây tre trung hiếu...”, cây tre mang tính biểu tượng của lí tưởng và lời dạy của Bác: “Trung với nước, hiếu với dân”.

Bài thơ ngắn gọn, lời thơ tự nhiên, âm hưởng trầm lắng và giàu cảm xúc. Bài thơ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi lẽ trước hết đó là tiếng nói chân thành tha thiết của nhà thơ và của tất cả chúng ta đối với Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

tửu tận tình do tại
263.65
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Viếng lăng Bác”

Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong cha
Bác luôn khao khát được một lần đến miền Nam yêu thương, nhưng ước nguyện đấy chưa đạt thì Bác đã đi xa. Với Viễn Phương – một con người Nam Bộ lần đầu tiên được đặt chân lên Hà Nội, viếng lăng Bác – thăm vị cha già của dân tộc sau bao năm mong mỏi chờ mong, từ những rung động đầu tiên ấy, ông đã viết bài thơ Viếng Lăng Bác (1976) với tất cả cảm xúc, tình cảm chân thành, sâu sắc, thành kính, thiên liêng cho Bác.

Trước hết, đọc bài thơ Viếng Lăng Bác, người đọc cảm nhận được cảm xúc chân thành, xúc động, sâu sắc của Viễng Phương khi nhìn thấy lăng Bác. Từ miền Nam sau bao năm khói lửa, nơi đi trước về sau, nay lần đầu tiên nhà thơ được đặt chân lên mảnh đất Ba Đình lịch sử, viếng lăng Bác. Ngay từ đoạn đầu bài thơ, Viễng Phương đã thể hiện cảm xúc dạt dào khi nhìn thấy hàng tre quanh Lăng Bác:
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Từ những chuyện cổ tích xa xôi đến những bài thơ, bài văn: từ thế giới kỳ ảo cổ tích đến đời sống thường ngày, tre vẫn là loài cây quen thuộc. Trước lăng Bác, trong lòng Viễn Phương, tre như dài rộng mênh mông. Tre vẫn uy nghi, vẫn màu xanh của Việt Nam. Hàng tre ấy đã gợi cho nhà thơ lấy lại cuộc sống thầm lặng đã từng sát cách cùng dân tộc chống lại kẻ thù chung của tre. Tre đã kiên cường chiến đấu bất khuất hiên ngang, là biểu tượng của dân tộc Việt Nam.
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã thẳng như chông lạ thường
Bao năm cùng người xông pha trận mạc, tre vẫn giữ thế uy nghiêm:
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.
Viễn Phương thật thành công khi sử dụng hàng tre để gợi sự gần gũi, thân quen của lăng Bác. Lăng Bác như bóng dáng quê hương, ở tre mà Viễn Phương không khỏi thốt lên:
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Chỉ với từ cảm thán “Ôi” mà bao nghẹn ngào tràn ngập cả câu thơ. Tất cả dân tộc đã quay về quanh Bác, xếp thành đội ngũ chỉnh tề giữ giấc ngủ yên cho Người. Tình cảm chân thành của Viễn Phương hay cũng chính là của người dân Nam Bộ dành cho Bác thật chân thành, cảm động:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
Vâng! Đó là tình cảm chân thành nhất, thành kính nhất mà Viễn Phương hay cũng chính là của dân tộc Việt Nam dành cho Bác. Nhìn hình ảnh dòng người vào lăng Bác, nhà thơ đã rung động mạnh mẽ. “Tràng hoa” ấy là tấm lòng của người dân Việt Nam dành cho người. Mỗi con người trên đất nước nguyện làm một bông hoa trong tràng hoa dâng lên cuộc đời Bác – bảy mươi chin mùa Xuân. Quan hện tình cảm giữa một vị lãnh tụ và nhân dân được diễn tả thật giản dị mà tinh tế khiến người đọc cảm động và càng trân trọng tình cảm ấy. Tình cảm mà Viễn Phương dành cho Bác thật mãnh liệt khi vào thăm lăng Bác:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Tác giả xưng con với Bác như sự gần gũi thân quen trong gia đình. Đó là thứ tình cảm sâu sắc, giản dị của một người con đối với cha. Các nhà thơ như Xuân Diệu, Tố Hữu... khi viết đều cũng xưng con với Bác:
Hôm nay con lại về thăm lăng Bác
(Bác ơi – Tố Hữu)
Nhưng “con ở Miễn Nam” của Viễn Phương lại mang sắc thái riêng biệt mới, xúc động thành kính vì đó là nơi Bác hằng mong nhớ.

Thơ cứ tuôn ra trong dòng cảm xúc kì lạ:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Nhà thơ dùng hình ảnh ẩn dụ mặt trời để thể hiện công đức của Bác – Bác là mặt trời chân lý cách mạng, là ánh hào quang rạng sáng soi đường dân tộc, là nắng xuân tươi tắn cho hoa cỏ sinh sôi kết trái. Bác đã đưa nhân dân từ nô lệ bước lên cuộc sống tự do. Đồng thời, hình ảnh ấy còn thể hiện sự tường tồn của bác trong lòng dân tộc – Bác là nguồn sống. Đó quả là một hình ảnh đẹp, mang ý nghĩa sâu sắc mà tinh tế, giản dị mà cảm động. Trong cái cảm xúc trào dâng mãnh mẽ ấy, sự tôn kính Bác lại đượ thể hiện rõ nét:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
“Vầng trăng... trời xanh...” các hình ảnh đẹp, rộng lớn nối tiếp nhau xuất hiện khiến ta phải suy ngẫm. Ngẫm về cái bất diệt, cái vô cùng của vũ trụ đến cái bất diệt, cái vô cùng cao cả của một con người.

Nhà thơ nhìn thấy Bác – vị cha già dân tộc đang nằm thanh thản trong giấc ngủ, trong ánh sáng dịu hiền của vầng trăng. Nhưng vần trăng ấy là vầng trăng lý tưởng, là hình ảnh tượng trưng bằng tất cả cảm xúc yêu kính đối với Bác. Viễn Phương đã thật thành công khi diễn tả dòng cảm xúc này, giữa thực và ảo, giữa lý trí và thực tế. Ông từ tình cảm kính yêu chân thành.

Trong tâm lý của người con Nam Bộ đã có sự thay đổi, nhà thơ đang thay mặt cho toàn dân tộc thắp dâng lên Người nén nhanh thành kính.

Nhưng rồi cũng đến lúc phải chia tay. Thời gian ở bên Bác thật ngắn ngủi, nhà thơ phải trở về Miền Nam. Và đến đây dòng cảm xúc được đẩy tới mức cao nhất, tuôn trào thật mạnh mẽ:
Mai về miền Nam tuôn trào nước mắt
Câu thơ như lời nói bình thường, không cần dùng đến kỹ thuật. Giọng thơ không ồn ào, nhưng đọc lên lại thấy xúc động. Trước hết bởi cách nói, cách bộc lộ có một cái nhìn rất Nam Bộ: chân thành, bộc trực mà không thô. Tác giả thay mặt cho đồng bào miền Nam, những con người ở xa, bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn. Người đọc đồng cảm với nhà thơ, với nỗi thương nhớ, xót xa khi đứng trước linh cữu của Bác của nhà thơ cũng như tất cả của mọi người.

Cái ước nguyện chân thành ở cuối bài thơ cũng không của riêng ai:
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...
Điệp ngữ muốn làm như lớp sống dồi dào khẳng định sự thuỷ chung của nhà thơ đối với Bác. Hình ảnh cây tre lại xuất hiện, thật tự nhiên, nhuần nhị để khép lại bài thơ, song không còn hàng tre, khách thể như ở đầu bài thơ mã đã hoà tan vào chủ thể. Nhà thơ nói cho mình, cũng là nói cho ý nguyện của mỗi chúng ta: muốn được hoá thân làm những sự vật (con chim, đoá hoa, cây tre) để được ở mãi bên Bác.

“Nay Bác ngủ chúng con canh giấc ngủ”. Bài thơ đã khép lại nhưng để lại trong lòng người đọc ấn tượng sâu sắc. Bài thơ thể hiện tình cảm chân thành, thành kính thiên liêng của tác giả dành cho Bác, đồng thời cũng là tình cảm của toàn dân tộc dành cho Bác. Để mỗi chúng ta càng thêm yêu kính Bác, sống và làm việc theo gương Bác Hồ.

tửu tận tình do tại
273.89
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Tre xanh bên lăng Bác Hồ

Trong tâm thức mỗi con người Việt Nam, khi nghĩ về luỹ tre xanh, đều như tự hỏi: “Tre xanh”, “Xanh tự bao giờ” và rồi lại tự trả lời: “Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh” (Thi sĩ Nguyễn Duy). Nhà văn Thép Mới, trong tuỳ bút Cây tre Việt Nam đã viết: “Dưới bóng tre xanh của ngàn xưa thấp thoáng những ngôi chùa cổ. Dưới bóng tre xanh, Việt Nam gìn giữ một nền văn hoá lâu đời, tre xanh giúp người dân làm nhà dựng cửa, vỡ ruộng khai hoang, tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp…. Rặng tre xanh là chiến luỹ bảo vệ làng mạc, xóm thôn, đồng thời ôm vào lòng mình tình thân thương của bà con chòm xóm từ đời này qua đời khác, che mưa che bão cho con người”.

Cây tre đã gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử nước nhà. “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc”. Không phải ngẫu nhiên sự tích loại tre thân vàng được người Việt gắn với truyền thuyết Thánh Gióng. Hình ảnh Thánh Gióng nhổ bụi tre đằng ngà đánh đuổi giặc Ân xâm lược đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kỳ, đột biến của dân tộc ta đối với những kẻ thù xâm lược lớn mạnh. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, các luỹ tre đã trở thành “Pháo đài xanh” vững chắc chống quân xâm lược, chống thiên tai. Tre thật sự trở thành chiến luỹ và là nguồn nguyên, vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn công trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược. Chính những cọc tre trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong lúc quân xâm lược tàn bạo, tung hoành với bao nhiêu vũ khí tối tân, đầy tính huỷ diệt thì dân tộc Việt Nam với gậy tầm vông vót nhọn, với hố chông nhọn hoắt đã không ngần ngại đối đầu với kẻ thù. Tre là gậy tầm vông, đòn càn, đòn xóc, chông tre... trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Tre là “Gậy Trường Sơn” cùng trai làng đi đánh giặc Mỹ...Gần gũi và thân thiết với dân tộc, cây tre đã từng là nguồn cảm hứng vô tận trong văn học, nghệ thuật. Từ những câu chuyện cổ tích đến những bài ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre. Đã có không ít tác phẩm nổi tiếng viết về tre. Cây tre Việt Nam còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến hầu khắp cả nước, và còn là một trong những chất liệu quan trọng trong việc tạo ra các nhạc khí dân tộc như: Đàn tơ rưng, sáo, kèn,... Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, mỗi chúng ta khó lòng quên được hình ảnh luỹ tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm... Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng quê Việt Nam mộc mạc, con người Việt Nam thanh cao, giản dị, bất khuất kiên trung. Tre là bạn đồng hành thuỷ chung, can đảm của người Việt từ thuở xa xưa khai hoang, dựng nước. Tre nghìn đời bao bọc, chở che cho sinh tồn của người. Tre hoá thân thành thế giới văn hoá tre trúc quây quần thân thiết với đời người, in hình in bóng đậm đà vào văn hoá, thi ca, nhạc hoạ, vào sâu xa tâm thức con người Việt Nam. Tre xanh hiên ngang, nhũn nhặn, cứng cáp mà dẻo bền vô hạn. Tre là biểu tượng của cốt cách và các phẩm chất đặc sắc của con người và văn hoá Việt Nam. Cây tre đã và sẽ mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc Việt Nam….

Giữa Ba Đình lịch sử, mùa thu năm 1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Trong các loài cây, hoa tiêu biểu của cả nước được tụ hội về bên Lăng Bác, hai vườn tre xanh vươn thẳng, xanh mướt được trồng bên Lăng của Người. Và, gần 40 năm qua, tre xanh bên Lăng Bác cũng đã đi vào tâm thức, thơ ca trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Nhà thơ Viễn Phương đã gửi gắm tình cảm của mình khi về Lăng viếng Bác, ngắm những hàng tre xanh:

Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác.
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát.
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam.
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng…
Những hàng tre xanh bên Lăng Bác đã thực sự tô điểm thêm cho vẻ đẹp thanh tao, bình dị bên ngôi nhà vĩnh cửu của Người.

Ngày nối ngày, nhân dân từ mọi miền của Tổ quốc về Lăng viếng Bác, được ngắm nhìn hàng tre, biểu tượng của dân tộc và cũng là tượng trưng cho cốt cách của người anh hùng giải phóng Dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất Hồ Chí Minh. Tre xanh rì rào bên Lăng Bác, như khúc dân ca hát mãi mãi bên Người.


Đặng Hoà Bình
tửu tận tình do tại
294.10
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

cảm nhận về bài thơ

bài thơ này rất hay

15.00
Trả lời