Để hiểu từ, chúng ta không chỉ đọc tác phẩm nghĩa là xem nội dung của nó mà còn phải hiểu được cấu trúc và tên gọi của từ. Có lẽ không ít người khi đọc từ đều băn khoăn về tên gọi của nó, âu cũng là điều dễ hiểu mà trong Từ phổ có đến hàng trăm điệu. Theo sách Khâm định từ phổ thì từ có 826 điệu 2300 thể. Đó là sự phát triển lớn về hình thức cách luật thơ Trung Quốc. Sau đây là xuất xứ của tên gọi Điệp luyến hoa và cấu trúc của nó

Điệp luyến hoa: theo Từ phổ thì đó là một khúc hát của giáo phường đời Đường vốn có tên là Thước đạp chi. Đến đời Tống thì Yến Thù (nhà làm từ nổi tiếng) mới đổi tên là Điệp luyến hoa. Ngoài ra nó còn mang nhiều tên như Phướng thệ ngô, Quyển chiêu liêm, Ngư thuỷ đông hoan, v.v... Và theo Vương Quốc Duy trong Nhân gian từ thoại thì nói rằng Điệp luyến hoa là tác phẩm của Phùng Diên Kỷ, nhưng Lý Thanh Chiếu lại nói rằng của Âu Dương Tu. Ý của Điệp luyến hoa ẩn tàng trong hai câu thơ:
Tận nhật vấn hoa hoa bất ngữ
Vị thuỳ linh lạc vị thuỳ khai

(Dịch nghĩa:
Ngày đã hết rồi, hỏi hoa hoa không đáp lại một lời
Nên cũng chẳng biết vì ai mà hoa kia rơi rụng)
Nói chung là biểu hiện nỗi lòng bồi hồi luyến tiếc của con người khi về già.

Cấu trúc:

Toàn bài có 60 chữ, gieo vần trắc. Câu đầu 7 chữ, nhịp 4 -3 như thể thơ. câu thứ 2 có 9 chữ, cắt thành nhịp 4 - 5, chữ cuối câu hiệp vận trắc. Câu thứ 3 giống câu 1, câu kết Bằng khởi và hiệp Trắc vận (B-T-B). Đoạn 2 giống như đoạn 1

Tất nhiên đây mới chỉ là vài nét sơ lược nhưng cũng cung cấp cho chúng ta kiến thức tối thiểu nhất về điệu từ này.