Đọc bài thơ, ta biết người vợ trẻ này ở nông thôn một mình nuôi con, chồng đang ở trong quân ngũ. Anh nghỉ phép về thăm vợ con mấy hôm, hôm nay lên đường, chị đưa tiễn anh ra ga.

Nếu như người phụ nữ nông thôn tiễn chồng những năm đầu chống Pháp trong Thăm lúa của nhà thơ Trần Hữu Thung còn ngượng ngùng, e ấp khi đi sau chồng thì người con gái nông thôn này đã được hai cuộc chiến tranh làm cho dày dạn:

Gửi con sang hàng xóm
Mang ba lô tiễn chồng
Việc chồng ra đi, vợ đưa tiễn, với người Việt Nam mình đã trở thành quá quen thuộc, bình thường, không có gì phải xúc động, hồi hộp nữa. Chiến tranh đã làm cho con người quen với chia ly. Hai vợ chồng hiểu lòng nhau quá nên không phải “gửi gắm”, “căn dặn” gì nhau:
Có gì mà gửi gắm
Ngoài gói cơm thấm vừng
Dấu bàn tay chị nắm
Sẽ theo anh ngược rừng
Có gì mà căn dặn
Chị chịu đựng, lo toan
Qua bao mùa lụt hạn
Cấy cày và nuôi con
Hai khổ thơ như lời nói thường mà lại rung động, thấm thía. Đó là thứ ngôn ngữ của cõi lòng, của tình yêu. Con người của hậu phương và con người của tiền tuyến hoà với nhau làm một, yêu thương, cảm thông và đầy trách nhiệm.

Nói như thế, không có nghĩa là họ hoàn toàn vô cảm trong giây phút sắp phải xa nhau. Không, lòng hai người đều đang xúc động:
Đứng bên nhau phút chốc
Đối mặt dễ mủi lòng
Chị nhìn lên hướng bắc
Anh ngoái trông về làng.
Hai người nhìn về hai nơi nhưng hai nơi có dụng ý: vợ “nhìn lên hướng bắc” nơi chồng đóng quân, còn chồng thì “ngoái trông về làng”, nơi họ mạc, vợ con, xóm làng anh sinh sống.

Dù hiểu nhau đến mấy, tin nhau đến mấy, người chồng vẫn nói với vợ một câu, một câu thật nặng tình:
- Đã mình em xa chồng
- Đừng để con đợi mẹ!
Anh nói, lòng rưng rưng
Chị gật đầu lặng lẽ
Rồi người vợ “quay đi chậm rãi/ bóng đổ dài xiêu xiêu”. Quay đi, lòng còn ngoảnh lại, gặp chồng mình cũng đang ngoảnh lại nhìn mình:
Ngang đồng ngoảnh đầu lại
Còn thấy anh nhìn theo
Bài thơ Tiễn chồng của nhà thơ quân đội- đại tá Vương Trọng không có gì đặc biệt về ý tưởng, về ngôn từ hay thi pháp, nhưng từng câu, từng khổ đều tự nhiên, đều thấm thía. Nỗi nọ, niềm kia của hai nhân vật trữ tình trong bài thơ cũng chính là nỗi niềm người lính mà anh đã sống, đã cảm nhận, rung động trong những năm chống Mỹ cứu nước. Bài thơ tự nhiên như không có sự... làm thơ vậy.


Nguyễn Bùi Vợi
tửu tận tình do tại