54.80
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại
3 bài trả lời: 3 thảo luận
7 người thích

Đăng bởi Thichanlac vào 31/03/2007 06:17

Mẹ nghề y nhiều đêm trực vắng nhà
Tròn một tuổi, gửi con về quê ngoại
Quê ngoại con là quê mẹ đấy
Sao bây giờ mẹ thấy xa xôi
Một con đường mờ mịt mưa rơi
Một con đường gió mùa nào cũng ngược
Một chuyến phà, người chờ hai bờ nước
Chiếc cầu phao, sóng nổi bồng bềnh
Con xa rồi, mẹ thức với mông mênh
Quờ cánh tay thấy giường chiếu rộng
Võng cởi rồi, còn dây buộc võng
Tiếng à ơi vương vấn ở hai đầu
Con xa tuần, mẹ tưởng tháng lâu
Con xa tháng, thấy năm dài đằng đẵng
Đâu mái tóc vàng hoe tơ nắng
Môi ngây thơ tập gọi: Ơi bà !
Nửa năm rồi con mới thấy mặt cha
Cha trở về, rồi cha đi, vội lắm
Đừng trách con ơi, cha là người lính
Người lính mấy khi được ở gần nhà
Mẹ đưa con về ở với bà
Tình thương mẹ san đều hai ngả
Nửa theo gió gửi đi miền đất lạ
Nửa hoà vào con sóng vỗ, lời ru
Nỗi lòng cha cũng hai nửa phân chia
Nửa nhớ con, nửa thương về nơi mẹ
Chỉ riêng con còn thơ dại quá
Có bao giờ con biết nhớ cha đâu
Có bao giờ con biết nhớ cha đâu
Nỗi nhớ ấy con giành về nơi mẹ
Cha đi suốt một thời trai trẻ
Vẫn nguyên lành trong mẹ buổi chia tay
Vẫn nguyên lành như nỗi nhớ hôm nay
Dáng cha đi trong điệp trùng đội ngũ
Đừng trách mẹ những đêm dài ít ngủ
Nhớ thương là hạnh phúc những ngày xa.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bài thơ hay trong thời kỳ chống Mỹ

Bài thơ NHỚ CON của Vương Trọng viết trong thời kỳ chống mỹ cứu nước. Đây là một bài thơ hay.
Bài thơ đã rất khéo diễn tả những hy sinh gian khổ của cả dân tộc trong một cuộc chiến khốc liệt và hào hùng.
Không cần bom rơi, đạn nổ, người đọc vẫn cảm nhận rất rõ tính khốc liệt của chiến tranh:
Cha đi suốt một thời trai trẻ..
Dáng cha đi trong điệp trùng đội ngũ..
Nỗi gian truân và những hy sinh thầm lặng của hậu phương:
Một con đường, gió mùa nào cũng ngược..
Chiếc cầu phao, sóng nổi bồng bềnh..
Hơn thế nữa, có một nỗi gian khổ vô hình, đó là nỗi nhớ thương. Tình hậu phương, tiền tuyến được cụ thể hoá sâu sắc bằng tình vợ chồng, mẹ con.. Đó chính là động lực của cuộc chiến, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Ta hiểu vì sao ta chiến đấu
Ta hiểu vì ai ta hiến máu..
Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là khẩu hiệu, nhưng cũng chính là tâm nguyện của mỗi người dân ngày đó. Và chỉ với tâm nguyện ấy, người ta mới có thể coi:
Nhớ thương là hạnh phúc những ngày xa..
Bài thơ là lời tâm sự của người mẹ, với lối viết dung dị, thủ thỉ mà chứa chan cảm xúc. Nó có sức gợi cảm rất lớn. Bài thơ đã đi theo những người lính chúng tôi, vượt qua nhiều chiến trường, vượt qua nhiều gian khổ, đến ngày đất nước toàn thắng.  
TAL

http://i209.photobucket.com/albums/bb156/thichanlac/thuyen2.gif
Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
Thuyền cũng muốn dừng, mà sóng chẳng yên..
Đời là biển động triền miên
Mỗi thân phận - một con thuyền lênh đênh.
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Cảm ơn Vương Trọng

Tôi đã được đọc bài thơ này từ rất lâu rồi. Nó được bố tôi chép trong cuốn Sổ công tác năm 1980. Tôi đọc lên thấy sao giống với hoàn cảnh gia đình mình đến thế. Tôi không hỏi Bố nhưng tôi nghĩ Bố cũng thấy có một sự tương đồng rất nhiều với nhân vật trong bài thơ. Xin cảm ơn Nhà thơ Vương Trọng vì một bài thơ rất hay.

52.80
Trả lời
Ảnh đại diện

Cảm ơn nhà thơ Vương trọng

Tôi đã được đọc bài thơ này từ rất lâu rồi.Bài thơ là tâm sự của người mẹ: Nhơ con nhớ chồng...Đọc bài thơ làm cho ta nhớ lại cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc

13.00
Trả lời