Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ mới bảy chữ
Thời kỳ: Hiện đại
2 bài trả lời: 2 thảo luận

Đăng bởi hongha83 vào 28/08/2008 11:43, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi hongha83 vào 28/08/2008 12:08

Những chiều ngược Bưởi lên quê giấy
gặp phố gặp làng với gặp cây
cây ở nơi này sao xanh lắm
em của anh mắt có thắm không?

Mẹ già cặm cụi ngồi can giấy
bàn tay năm tháng đẩy tàu xeo
ngày nối với đêm trang giấy trắng
thơ viết cho em hồn trong veo...

Thương lắm người xưa ngồi giã gió
nhịp chày Yên Thái vọng đâu đây
chữ tình chữ nghĩa nghe sâu nặng
gương biếc hồ Tây trắng sương dày

Ngược lên vùng Bưởi về quê lụa
Trích Sài, An Phú, Nghĩa Đô ơi
nhịp thoi đan suốt chiều tre trúc
ngõ khúc quanh co tiếng sa vui

Đây gấm, đây sa, đây lĩnh bóng
cắt áo thêu khăn dâng mẹ cha
đây lụa tơ vàng mang sắc nắng
em mặc áo vào đi hội hoa...

Trời đất mở ra yên bình quá
người ơi làm lụng với ấm no
những chiều lên Bưởi yêu em nữa
yêu cả hàng cây với sóng hồ.


 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Làng Trích Sài

Nguyên nghĩa tiếng Hán của Trích Sài là “đốn củi”. Truyền rằng, xa xưa vùng này làu rừng rậm, phần lớn là gỗ lim cùng nhiều loại gỗ quý hiếm, trong đó có “loài cáo chín đuôi” trú ngụ tập trung ở rừng Long Đỗ, nên dân làng có nghề hái củi và săn bắn. Các bộ sử lớn của nhà nước đều ghi, vào đầu thời Lý, vùng đất quanh hồ Dâm Đàm, tức Hồ Tây vẫn là rừng rậm, Vua Lý Nhân Tông từng đặt bẫy bắt hổ ở đây, lấy voi của Chiêm Thành làm mồi nhử. Dân làng còn có nghề đánh cá trong Hồ Tây. Theo các nguồn tài liệu thì từ thời Lý, làng đã có nghề dệt lĩnh, tạo ra sản phẩm độc đáo, được dùng để may quan phục trong triều và hoàng tộc. Đến cuối thời Minh, có 4 anh em họ Lý ở xã Tây Hương, huyện Long Khê, phủ Trường Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), không chịu sự nô dịch của quân Hung nô đã đưa vợ con vượt biển sang Việt Nam. Họ đem theo nghề dệt lụa hoa và diềm hoa, gấm hoa dây, truyền cho dân phường Trích Sài và sau đó đi truyền nghề cho dân các làng quanh vùng Thăng Long.

Trích Sài còn bảo lưu nhiều di tích gắn với một phường của Kinh thành Thăng Long xưa.

Đền Phúc Lộc Thọ ở cạnh đình làng, thờ ba vị công chúa gắn với việc trừ loài hồ tinh. Tục truyền Vạn Phúc công chúa và Vạn Lộc công chúa là hai chị em, con của Vua Lý Nam Đế, đều hiền từ, xinh đẹp, đến tuổi cài châm vẫn không chịu lấy chồng mà vẫn thích học pháp thuật để trừ tà, du ngoạn trên sông nước. Một lần, đến núi Long Đỗ ven Hồ Tây thuộc địa phận làng Trích Sài, thấy có loài cáo chín đuôi chuyên làm hại dân trong vùng, hai nàng liền lập đàn trừ cáo nhưng không được, liền quay về làng Yên Lữ đón Vạn Thọ phu nhân là người pháp thuật cao, đến rừng Long Đỗ lập đàn. Bà Vạn Thọ phu nhân cùng hai công chúa vừa cúng xong, cây rừng bị mất nhiều, loài cáo chín đuôi chạy đi hết, song bà Vạn Thọ phu nhân cũng theo giông bão mà hóa. Vua Lý Nam Đế nghe tin cho lập đền thờ Bà, gọi là Kim Mẫu hóa thân. Về sau, khi hai chị em công chúa Vạn Phúc và Vạn Lộc hóa, đền lại phụ thờ cả hai bà đền này còn gọi là đền Ba Bà chúa, lại có tên khác là am Gia Hội.

Một di tích khác hiện còn là chùa Thiên Niên. Đây là ngôi chùa của trang Thiên Nhiên - vốn là “thái địa”, tức một nửa số ruộng đất của làng Trích Sài được vua Lê Thánh Tông trích ra để cấp cho các cung phu hưởng hoa lợi, dần dần thành một trang, mang tên “Thiên Niên” (ý nói là nơi các cung phi được hưởng lộc lâu dài). Các cung phi đã lập ra ngôi chùa này. đến đầu thời Minh Mạng (1820 - 1841), trang Thiên Niên lại được nhập vào phường Trích Sài, nhưng tên chùa này vẫn không thay đổi.

Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Làng Nghĩa Đô

Làng Nghĩa Đô là một làng cổ thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ở đó có dòng họ Lại chuyên làm giấy sắc phong, một loại giấy từng nổi tiếng trong lịch sử văn hóa dân tộc. Theo gia phả và lời truyền trong dòng họ này, thì cụ Tổ của họ này là Lại Thế Giáp, là con rể của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng. Con gái của Trịnh Tráng là Phi Diệm Châu, hiệu Từ An, khi đó thấy họ nhà chồng còn nghèo, mới tâu xin nhà chúa và vua Lê cho họ Lại được đời đời làm giấy sắc dâng vào triều đình. Họ Lại còn có cụ Lại Phú Vinh được phong đến tước Đô Thịnh hầu, giữ chức Phụ Quốc tướng quân, Đô ty Chỉ huy sứ, Ngự dụng giám Kim Tiên cục trông coi và quản lý nghề làm giấy sắc cho triều đình. Dân gian có câu ca truyền tụng rằng:

Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô
Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ

Lại còn có câu:

Họ Lại làm giấy sắc vua
Làng Láng kéo cờ mở hội hùng ghê!

     Như vậy, họ Lại làng Nghĩa Đô khởi nghiệp làm giấy sắc từ thời Lê - Trịnh, và phát triển suốt mấy trăm năm.

    Giấy sắc là loại giấy quý. Quý trước hết là ở nguyên liệu dùng để vẽ lên bề mặt giấy là vàng, bạc và kim nhũ. Nhờ nguyên liệu này mà giấy sắc có hình thức và màu sắc đã đẹp lại bền, chống được sự xâm hại của các loài côn trùng và gặm nhấm, vượt thời gian còn mãi đến hôm nay.

   Làm giấy sắc đòi hỏi rất nhiều công phu. Theo các cụ ở họ Lại cho biết, làm một tờ giấy sắc cho hàng Nhất phẩm thì phải có 5 người thợ cùng làm một lúc mới có thể xeo nổi một tờ giấy. Giấy để phong cho hàng phẩm cấp thấp hơn (tức là từ Nhị phẩm xuống tới Cửu phẩm), khổ giấy hẹp hơn, cũng phải 3 người thợ làm một tờ. Đấy là nói về xeo giấy. Phần vẽ giấy sắc mới là khâu tinh xảo nhất, công phu nhất, đòi hỏi tay nghề cao. Vẽ gồm hai công đoạn: Vẽ chạy và Vẽ đồ. Vẽ chạy là vẽ ra hình rồng mây, hình triện, hoa văn; việc này do những thợ giỏi thực hiện… Vẽ đồ là theo nét vẽ chạy mà tô kim nhũ, vàng bạc.

    Bí quyết nhất của việc làm một tờ giấy sắc theo đúng yêu cầu là ở kỹ thuật đánh vàng, đánh bạc cho tờ giấy. Dụng cụ để làm công đoạn này là cái chầy và những cái bát lớn. Để giữ bí quyết nghề nghiệp, các công việc này được tiến hành ở nơi kín đáo nhất trong nhà, tránh người ngoài học lỏm. Nhà cụ Tám Hoàn ở Nghĩa Đô có bàn thờ lớn, gần bàn thờ là một khoảng rộng, và đó chính là nơi cụ làm công việc đánh vàng, đánh bạc hết sức bí mật này. Cụ đã mất từ lâu, và cũng chưa truyền nghề cho ai, kể cả con cháu trong nhà. Cụ chỉ để lại một kỷ vật duy nhất, là một phiến đá xanh, mặt phẳng lì, rộng một chiều 60 cm, một chiều 80 cm.

   Giấy sắc phong có hai loại: dùng phong cho các quan (phong chức, tặng tước, khen tặng) và loại dùng phong cho các vị thần linh.

   Giấy phong cho bách quan có 3 hạng. Hạng Nhất, xung quanh khung có vẽ 8 con rồng nhỏ, mặt trước vẽ một con rồng lớn, ẩn trong mây, gọi là Long ám, mặt sau vẽ hình Tứ linh (Long- Ly - Quy - Phượng). Hạng Nhì, xung quanh khung vẽ mây hoặc họa tiết hồi văn, mặt trước vẽ một con rồng, mặt sau vẽ Nhị linh (hai con vật trong Tứ linh). Hạng Ba, xung quanh in triện gấm, mặt trước vẽ một con rồng ở giữa và bốn góc in hình Ngũ tinh (Năm ngôi sao), mặt sau vẽ bầu rượu túi thơ.

   Giấy phong cho bách thần cũng có 3 hạng. Thượng đẳng thần: xung quanh in triện hoa chanh, phía trước vẽ một con rồng, ở giữa in hình Ngũ tinh, bốn góc in hình Thất tinh, mặt sau vẽ hình Tứ linh. Trung đẳng thần: Mặt trước giống như sắc Thượng đẳng thần, mặt sau vẽ Lá và Bầu rượu, giữa vẽ hai chữ Thọ liền nhau, gọi là song thọ. Hạ đẳng thần: Mặt trước giống như hai hạng trên, mặt sau không vẽ.

    Ngày xưa, vì việc phong tặng cho bách quan và bách thần là một điển lễ long trọng và thường xuyên nên cần dùng rất nhiều giấy sắc. Dưới thời Nguyễn, trong niên hiệu Khải Định (1916 - 1926), có năm nhà nước đặt hàng làng Nghĩa Đô làm hàng vạn tờ giấy sắc. Giá giấy sắc rất cao. Lúc đó, mỗi tờ giấy sắc là một đồng bạc Đông Dương (tương đương một lượng vàng). Xem thế đủ biết nghề tuy khó, nguyên vật liệu tuy quý và đắt tiền, nhưng cũng có lãi cao. Họ Lại vì thế có nhiều gia đình theo nghề, như nhà cụ Xã Vi, cụ Phó Nham, cụ Trương Lại, cụ Trương Xứ, cụ Xã Lịch, cụ Phó Nhiên, cụ Bếp Kiệm...

   Ngày nay, nghề làm giấy sắc chỉ còn một người nắm được bí quyết là cụ Lại Phú Bàn, thuộc dòng dõi của cụ Lại Thế Giáp thời Lê Trịnh, nay đã 80 tuổi, hiện sống tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Các con cháu của cụ đều không có ai có ý theo nghiệp xưa, mà chính cụ cũng không làm giấy sắc nữa. Hiện cũng chưa có tổ chức hay cá nhân nào hội đủ các điều kiện để cụ truyền nghề làm giấy sắc.

   Thế có nghĩa là, những mây rồng vàng son trên nền giấy gấm từ thuở xa xưa có thể sẽ mãi mãi dừng lại ở thế kỷ 20. Rồng đã thôi bay, mây cũng đã thôi bay, và nghề xưa mãi chỉ còn trong dĩ vãng. Thật đáng tiếc thay!


(Theo internet)
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Trả lời