* Đọc trong Gợi Ý Về Minh Triết Tâm Linh & Cuộc Sống (Tuệ Thiền Lê Bá Bôn; Thuvienhoasen org): “Cái chết của thân xác không làm chấm dứt dòng sinh mệnh tâm linh; sinh mệnh tâm linh vô minh vẫn tiếp tục trong vòng sinh hoá luân hồi theo nhân quả (nghiệp báo).

Một viện sĩ khoa học Liên Xô (cũ), ông M.A.Mikhiher phát biểu về vấn đề này như sau (Báo Giáo dục & Thời đại CN 9/3/1997): “Mỗi con người là một năng lượng tinh thần trong một vỏ vật chất. Chết chỉ là băng hoại vỏ vật chất, còn năng lượng tinh thần thì tiếp tục luân hồi, tiếp tục vòng phát triển mới”.
Trong Chúng Ta Thoát Thai Từ Đâu (E.Mun-đa-sep, giáo sư tiến sĩ y học Nga) có nói rằng: “Mọi ngưòi đều biết rõ khái niệm karma (nghiệp), tức là các “vết tích” của các tiền kiếp để lại trong đu-khơ (tức là khối năng lượng tâm thần kết đông). Giai đoạn trần thế ở thế giới vật thể, đu-khơ có thể hoàn thiện mà cũng có thể thoái hoá.”
Tham khảo thêm Deepak Chopra-tiến sĩ y học, nhà nghiên cứu tâm linh (trong Sự Sống Sau Cái Chết-gánh nặng chứng minh): “Tiến sĩ Lommel, người lãnh đạo chương trình kinh nghiệm cận tử (…) thẩm tra 344 người bệnh loạn tim trong bệnh viện (tim đáng lẽ đập bình thường thì lại co thắt hỗn loạn). Tiến sĩ Lommel nói chuyện với họ trong vòng vài ngày trong khi họ sống lại và phát hiện ra việc gây mê và các loại thuốc không gây ảnh hưởng kinh nghiệm của họ. Tuy nhiên ông kinh ngạc hơn cả với các báo cáo về ý thức trong khi não không hoạt động. Nhiều năm sau nghịch lí này vẫn khiến ông sợ hãi: “Vào thời điểm đó những người này không chỉ có ý thức; ý thức của họ thậm chí bao quát hơn lúc nào hết. Họ có thể tư duy hết sức sáng suốt, có trí nhớ về tuổi thơ xa nhất và thể nghiệm sự liên kết chặt chẽ với mọi người, mọi vật xung quanh. Và bộ não hoàn toàn không có một chút biểu hiện hoạt động nào”. (…) Có thể là ý thức không nằm trong bộ não. Đó là một khả năng gây sửng sốt, nhưng phù hợp với truyền thống tâm linh cổ đại nhất thế giới. (…) Khoa học trong thời đại vật lí lượng tử không phủ nhận sự tồn tại của các thế giới vô hình. Hoàn toàn ngược lại”.

* Đọc trong Hành Trình Về Phương Đông (Blair T. Spalding; dịch giả: Nguyên Phong; Thuvienhoasen org):
“Thực ra khi sống và chết, con người không thay đổi bao nhiêu. Nếu khi sống họ ăn tham thì khi chết họ vẫn tham ăn, chỉ có khác ở chỗ điều này sẽ không còn được thoả mãn vì thể xác đã hư thối, tan rã mất rồi. Sau khi chết, tìm về nhà thấy con cháu ăn uống linh đình mà họ thì không sao ăn được, lòng ham muốn gia tăng cực độ như lửa đốt gan, đốt ruột, đau khổ không sao tả được.
- Như ông đã nói loài ma đói thường rung động theo không khí quanh đó, như thế họ có thoả mãn không?
- Khi người sống ăn ngon có các tư tưởng khoái lạc thì loài ma đói xúm quanh cũng tìm cách rung động theo tư tưởng đó, nhưng không làm sao thoả mãn cho được. Điều này ví như khi đói, nghĩ đến món ăn ngon ta thấy khoan khoái, ứa nước bọt, nhưng điều này đâu có thoả mãn nhu cầu bao tử đâu. Các loại ma hung dữ, khát máu thường tụ tập nơi mổ xẻ súc vật, lò sát sinh để rung động theo những không khí thô bạo ở đó. Những người giết súc vật trong nhà vô tình mời gọi các vong linh này đến, sự có mặt của chúng nó có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu, nhất là cho những người dễ thụ cảm. (...).
(...) Tôi đã gặp những người chôn cất của cải, phập phồng lo sợ có kẻ tìm ra, họ vẫn quanh quẩn gần đó và đôi khi tìm cách hiện về doạ nạt những người bén mảng đến gần nơi chôn dấu. Vong linh ghen tuông còn khổ sở hơn nữa, họ không muốn người họ yêu mến chia sẻ tình yêu với kẻ khác. Đôi khi họ điên lên khi chứng kiến sự âu yếm của người họ yêu mến và người khác. Dĩ nhiên họ không thể làm gì được nên vô cùng khổ sở. Những nhà lãnh đạo, những vua chúa, những người hống hách quyền uy thì cảm thấy bất lực khi không còn ảnh hưởng gì được nữa, họ hết sức đau khổ”.

* Đọc trong Gợi Ý Về Minh Triết Tâm Linh & Cuộc Sống (Tuệ Thiền Lê Bá Bôn; Thuvienhoasen org):
“Sau cái chết của thân xác, nếu linh hồn còn luẩn quẩn ở nơi thờ cúng và chốn mồ mả thì đó là những kiếp sống của linh hồn ngạ quỷ (quỷ đói).
Kinh Thủ Lăng Nghiêm có nói rõ điều này.
Bà Phan Thị Bích Hằng, một nhà ngoại cảm nổi tiếng, cũng có đề cập và khuyên thân nhân nên tổ chức tụng kinh, cầu nguyện trợ lực cho các linh hồn cõi khổ được siêu thăng.
Trong Sự Sống Sau Cái Chết” (D. Chopra) có nói rằng: “Những linh hồn bấn loạn mắc kẹt giữa hai thế giới, và nếu những người thương yêu bị bỏ lại cứ cầu nguyện gọi hồn, cứ đau khổ, hoặc toan tính tiếp xúc với người đã mất, linh hồn sẽ tiếp tục xốn xang”.

* Đọc trong Ý Nghĩa Của Việc Hồi Hướng Công Đức Cho Người Quá Cố (K. Sri Dhammananda; Thích Tâm Quang dịch; Phattuvietnam net):
“Theo Đức Phật, trong tất cả mọi hành động, tư tuởng mới là điều thực sự quan trọng. Hồi hướng công đức căn bản là một hành động của tâm. (...).
Nguồn gốc và ý nghĩa việc hồi hướng công đức được các học giả đem ra bàn cãi. Mặc dầu tập tục cổ xưa này còn hiện hữu đến ngày nay tại nhiều quốc gia Phật giáo, chỉ một số rất ít Phật tử theo tập tục cổ xưa này hiểu được ý nghĩa của việc hồi hướng công đức và cách thức thích đáng để thi hành.                                                           
Nhiều người đã phí phạm thì giờ và tiền bạc vào những lễ nghi và trình diễn vô nghĩa để tưởng niệm người đã qua đời. Họ không hiểu là không thể nào giúp đỡ được người chết đơn giản bằng cách xây dựng mộ phần, mộ chí và nhà táng to lớn và những đồ tế nhuyễn khác. Cũng chẳng có thể giúp đỡ được người chết bằng cách đốt hương, vàng mã, vân vân...; và cũng chẳng thể giúp đỡ người chết bằng cách giết các súc vật và đem các loại thực phẩm khác để dâng cúng.Ta cũng không nên phí phạm đem đốt các vật dụng của người chết, cho rằng họ sẽ được hưởng do hành động này, đáng ra các vật dụng này nên đem phân phát cho những người nghèo khó.

Cách duy nhất để giúp đỡ người chết là làm một số công đức theo đúng cách thức đạo giáo để tưởng nhớ đến họ. Công đức gồm có những hạnh lành như bố thí, xây trường học, tự viện, cô nhi viện, thư viện, bệnh viện, ấn tống kinh sách để tặng, và các công việc từ thiện tương tự.
Tín đồ của Đức Phật nên hành động khôn ngoan và không nên mù quáng làm theo bất cứ điều gì mê tín.

Trong khi những người khác cầu nguyện thánh thần cho người chết thì người Phật tử trải tâm từ ái trực tiếp đến họ. Bằng cách làm những việc thiện, họ có thể hồi hướng công đức này đến người yêu quí để những người này được hưởng lợi lạc. Đó là cách thức tốt nhất để tưởng nhớ, để đem vinh dự thật sự và để khắc ghi mãi mãi tên người đã khuất. Được hoan hỉ, người quá cố sẽ đền đáp phúc lành lại cho những thân quyến hiện tiền. Cho nên bổn phận của thân quyến là tưởng nhớ đến người đã ra đi bằng cách hồi hướng công đức, và rải tâm từ ái trực tiếp đến họ”.
----------------