NHÂN-QUẢ CỦA NĂNG LƯỢNG CẢM XÚC & SUY NGHĨ TÍCH CỰC (lạc quan-thiện ích-hiền hoà-cảm thông-hướng thượng tâm linh)
------------------
Đọc trong Người Nam Châm – Bí Mật Của Luật Hấp Dẫn (Jack Canfiel & D. D. Watkins; người dịch: Thu Huyền & Thanh Minh; tái bản lần 6; nxb Lao Động-Xã Hội, 2015).
---
* “Người nào gửi đi những suy nghĩ tích cực sẽ kích hoạt thế giới quanh anh ta trở nên tích cực, và anh ta cũng sẽ nhận lại những kết quả tích cực”. (Tiến sĩ Norman Vincent Peale). (Trang 64).

* BẠN LÀ NĂNG LƯỢNG.
(…) Những hạt nhỏ hơn nguyên tử đó là gì? Xin thưa, là NĂNG LƯỢNG.
Vạn vật đều là năng lượng.
Năng lượng không được tạo ra, cũng không thể phá huỷ.
Tự nó đã mang tính nhân quả.
Nó hiện diện như nhau ở mọi lúc, mọi nơi.
Năng lượng chuyển động vĩnh hằng và không bao giờ ngừng nghỉ.
Nó chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác, luôn luôn như vậy.
SUY NGHĨ “SINH RA” NĂNG LƯỢNG. (Trang 28).

* BẠN LÀ MỘT THỎI NAM CHÂM
Bạn là một thỏi nam châm sống. Bạn hút – theo đúng nghĩa đen của từ này – người, vật, ý tưởng và các tình huống có tần số năng lượng rung động và cộng hưởng như của bạn về phía mình. Trường năng lượng của bạn thường xuyên thay đổi, nó phụ thuộc vào suy nghĩ và cảm xúc của bạn, và vũ trụ giống như một chiếc gương phản chiếu chính xác nguồn năng lượng bạn đã “tạo ra”. Suy nghĩ và cảm xúc của bạn mãnh liệt bao nhiêu thì lực hút sẽ mạnh bấy nhiêu. Quá trình này không đòi hỏi bất kì một sự nỗ lực thật sự nào, nam châm không phải “cố” hút vật – mà đơn giản, nó có đặc tính hút vật. Và bạn cũng vậy! Bạn vẫn luôn trong quá trình hút thứ gì đó vào cuộc sống của mình. (Trang 30-31).

* “Cuộc sống là một trò chơi boomerang (vật được ném, lại quay về chỗ người ném). Suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta không sớm thì muộn cũng sẽ trở lại với chúng ta, chính xác đến độ đáng ngạc nhiên”. (Hoạ sĩ Florence Shinn). (Trang 34).

* Vì Luật Hấp Dẫn tương tác với những năng lượng rung cảm của suy nghĩ và tình cảm của bạn, nên bạn cần tập trung sự chú ý của mình vào những thứ có thể đưa bạn tới trạng thái của rung cảm tích cực. Nhiều chuyên gia về Luật Hấp Dẫn đã nói rằng, không gì quan trọng hơn việc cảm thấy thoải mái. (…). (Trang 54).

* (…) Ý chí của chúng ta tự do, chúng ta có toàn quyền quyết định mình muốn tập trung năng lượng và sự chú tâm của mình vào đâu. Vũ trụ chỉ đơn giản phản chiếu (gửi ngược) điều đó lại cho chúng ta. Nếu chúng ta tập trung chú ý vào điều gì đó (tiêu cực hoặc tích cực) thì vũ trụ sẽ gửi lại cho chúng ta chính điều đó, nhưng nhiều hơn. (Trang 57).

* Chúng ta giống như những tế bào trong một cơ thể, mỗi người thực hiện một chức năng riêng, và tất cả cùng tập trung phục vụ mục đích tồn tại của một tổng thể. (Trang 70).
------------------
(Mời đọc thêm phần thảo luận dưới bài thơ Chủ Nhật Nhiệm Mầu – Tuệ Thiền Lê Bá Bôn, trong Thivien net).
------------------------------------

LỄ CHÙA TRONG TÂM
(Gửi em tôi)

Nghe nói em buồn vì không có điều kiện đi chùa lễ Phật. Đừng buồn em ạ, miễn tâm mình biết hướng về điều Phật dạy là vui rồi. Đạo Phật nói: Phật tại tâm.

Có thờ Phật cũng tốt, không thờ cũng được. Thời xưa, nhiều người không quy y, không thọ giới, không thờ Phật, không ăn chay, không đi làm từ thiện... , họ chỉ TU TÂM thôi, mà vẫn đắc đạo.

Đạo Phật nói: Tâm là gốc... TÂM mình chứa nhiều thứ THAM-SÂN-SI (bởi cái “tôi” bất thiện) thì mình mang nhiều NGHIỆP XẤU cho kiếp này và các kiếp sau của mình.

TÂM mình biết giảm bớt tham-sân-si, biết thêm HIỀN HOÀ, CHÂN THẬT, SÁNG SUỐT, AN VUI, không mê tín thì mình tạo NGHIỆP TỐT cho kiếp này và các kiếp sau. Tốt cho mình và ảnh hưởng tốt cho cha mẹ, cho các tâm linh thân quen và tất cả.

Nếu em không biết thiền, thì em LẶNG LẼ NIỆM PHẬT; niệm bằng tâm, không phát ra lời cũng được. Niệm Phật để sám hối tâm tham-sân-si. MỤC ĐÍCH CHÍNH của chánh pháp Phật dạy là giúp mình biết giải thoát tâm tham-sân-si, để bớt LUÂN HỒI trong các con đường khổ...

Mời em đọc thêm phần tham khảo dưới bài thơ Trì Danh “Quán Thế Âm Bồ Tát” (Tuệ Thiền) ở trang Thi Viện. Chúc em an vui.

Lê Bá Bôn (Bích La)
---
TÁI BÚT:
Trong lúc nằm nghỉ ngơi, để có thêm sức khoẻ, có thêm cảm xúc tích cực tạo nghiệp tốt, em có thể thực hành như sau:
Nằm ngửa, không gối đầu; xuôi hai tay hai chân thoải mái, hai bàn tay để ngửa. Hít vào hơi dài và từ từ phình bụng lên, vừa niệm thầm: Nam-mô Từ Bi Hỉ Xả. Rồi thở ra nhẹ nhàng thoải mái, không niệm.
Thực hành bao lâu tuỳ ý. Niệm câu đó giúp tâm mình thoải mái tự nhiên, và giảm bớt nghiệp xấu tham sân si của cái “tôi” vô minh. “Nam-mô Từ Bi Hỉ Xả” có nghĩa là: quy y (hướng về và sống với) pháp Tứ Vô Lượng Tâm. Cũng có thể niệm bình thường, không thở bụng, chọn tư thế nào cũng được.
--
(Trạng thái tâm từ, bi, hỉ, xả:
- Từ: tâm hiền hoà, nhân từ.
- Bi: tâm biết thương xót sự đau khổ, phiền não của mọi người, mọi tâm linh.
- Hỉ: tâm an vui với cuộc sống tâm linh (tâm trí) biết hướng thiện, hướng thượng.
- Xả: tâm biết buông bỏ dần mọi sự đeo bám mang tính chất tham sân si của cái “tôi” vô minh; tâm đại xả là tuệ giác viên mãn).
----------------------------

MỘT PHƯƠNG TIỆN MINH TÂM-KIẾN TÁNH

Khi mình đã có nhu cầu minh tâm-kiến tánh, vì tự lợi-lợi tha, thì thực hành thiền giác ngộ không khó.

Minh tâm là sự tri giác trong nội tâm mình nghe rõ-thấy rõ những lời nói thầm (tâm ngôn), những động đậy (tâm hành) bởi cái “tôi”.
Kiến tánh là nhận ra trạng thái tri giác (thấy-nghe-biết) như thực, không bị biến dạng bởi tâm ngôn-tâm hành.

Có một cách rất dễ thực hiện là, mình thầm niệm danh hiệu một thánh nhân thiện lành nào đó của tôn giáo, hoặc một ngôn từ thiện lành nào đó (chân ngôn). Vừa thầm niệm vừa lắng nghe. Một thời gian sau, khi mình ngừng niệm, mình sẽ nghe và thấy tâm ngôn tâm hành (vọng tưởng vọng niệm).

Bây giờ mình lắng nghe vọng tưởng (vọng niệm) với tâm thái “lắng nghe tại đây và bây giờ”, không hướng về đâu cả. Vì có sự chuyển hoá năng lượng nên vọng tưởng (vọng niệm) im bặt, chấm dứt, tâm vô ngôn vô niệm (Tánh Không) hiện hữu, Tri kiến như thực (tri giác thuần khiết, Tánh Giác) hiện hữu.

Tiếp tục sống và giữ gìn tâm thái “Sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa chú tâm vô niệm”, trong thời gian thực hành thiền định.
Chú tâm vô niệm là sự chú tâm mang ánh sáng vô niệm. Đó là sống trong trạng thái kiến tánh; và tiếp tục hành thâm.

(Tuệ Thiền)