Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 01/03/2019 02:36, số lượt xem: 250

Chúng ta cãi nhau mãi về định nghĩa thế nào là một bài thơ hay. Vì sao vậy? Vì chúng ta dốt. Chúng ta dốt vì chúng ta không chịu học.

Không chịu học, chúng ta không những chỉ không biết thế nào là một bài thơ hay, mà khổ hơn, chúng ta còn không thể tạo ra được những bài thơ hay.

Không chịu học, chúng ta sẽ không nắm vững chính tả và ngữ pháp. Như thế thì làm sao có thể nói cho người khác hiểu rõ, viết cho người khác thấy hay?

Không chịu học, chúng ta sẽ không thể nói đúng. Thơ hay làm sao được nếu nói Newton ăn trái cấm còn Adam phát minh ra định luật làm cho quả táo rơi?

Không chịu học, chúng ta không thể sáng tạo ra cái mới. Thậm chí chúng ta không phân biệt nổi cái nào mới, cái nào cũ, đến nỗi lặp lại mà không biết, nhàm chán cũng chẳng hay. May ra thì chúng ta bị coi là loài động vật nhai lại. Không may, chúng ta sẽ bị coi là ăn cắp bản quyền.

Không chịu học, chúng ta vừa không đánh giá được chính mình, vừa không đánh giá được người khác. Nếu chỉ phán bừa dựa trên cảm nhận chủ quan, chúng ta sẽ chìm vào những tranh cãi dài bất tận và vô bổ.

Không chịu học, đầu tiên chúng ta không thể dùng được bút mực, sau đó khó dùng bút bi, rồi chịu chết trước cái bàn phím. Không chịu học, chúng ta sẽ mù tịt với handphone, iPhone, iPad... và bất cứ một thứ gì đó dùng để soạn thảo, đăng nhập và gửi thơ trong tương lai. Những thứ đơn giản đó cũng luôn thay đổi từng ngày. Chưa nói đến thơ hay.

Tóm lại, giống như ta vẫn dạy trẻ con: hãy học tập! Chỉ như thế thì mới có thơ hay!

Hà Nội, 17/06/2012.