Đọc xong bài thơ này của Trần Nhuận Minh ta thấy sao mà xót xa buồn, xót xa thương cho số phận người đàn bà- người vợ có cái tên là Thím Hai Vui- nỗi buồn của thời hậu chiến?
Ba bốn nỗi buồn cùng lúc thấm vào tâm can ta, nó làm trái tim ta nhức nhối, lương tri ta cắn dứt? Ngỡ như chính mình cũng can dự vào nỗi bất hạnh kia của vợ chồng người lính? Vì sao đến nông nỗi này?
Một người lính ra trận, mang về không ít chiến công, người ấy đáng lẽ phải được mọi người kính trọng, khâm phục vì những đóng góp của anh ta cho ngày đại thắng? Cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của mọi người?
Hai nhân vật được nhà thơ xưng là Chú và Thím rất trân trọng, ấy thế nhưng những gì diễn ra gần cuối bài thơ khiến ta thấy sự trân trọng đó đã chuyển sang sự tiếc nuối, ngỡ ngàng, ân hận ? trách móc...
Cái lạ của bài thơ là ngay trong khổ thơ đầu, nhà thơ đã mở đầu bằng những tình tiết dễ gây sự tò mò, thắc mắc của bạn đọc: “ Những năm chú ra trận/ Thím buồn vui một mình / Thím bảo những năm ấy/ Là những năm hòa bình”. Tại sao những năm chú ra trận , cả hai miền Nam-Bắc đều chịu cảnh bom rơi, đạn nổ, khói lửa ngút trời mà Thím Hai Vui lại bảo :” Là những năm hòa bình”?.
Tôi chợt nhớ , trong bài thơ Mười sáu cuộc chiến tranh của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín có ý thơ lạ- nó như sự thật hiển nhiên, đại ý: “Làng tôi có 26 ngôi nhà/ Có 16 người đàn bà sau chiến tranh có chồng không về nữa/ Có 16 ngọn gió, ngọn mưa đêm đêm đi gõ cửa/ Trong đó có nhà mẹ tôi” và : “ Dẫu chiến tranh đã xa ( qua 10 năm ) lâu rồi / Nhưng làng tôi còn âm ỷ / 16 cuộc chiến tranh”.
Con mắt các thi sỹ thật lạ kỳ? Họ nhìn thấy những điều những người bình thường không nhìn thấy được. Họ nhìn thấy trong cái ngỡ như hạnh phúc kia lại hóa ra cái bất hạnh ? Trong cái ngỡ như bất hạnh nọ lại có cái gì đang nhu nhú , phôi thai ? Hay những điều người thường có nhìn ra nhưng họ dễ quên đi, mọi sự sẽ trôi nhanh vào dĩ vãng, không đáng nhớ, và họ phải đợi, phải cầu đến nhà thơ - nhà nghệ sỹ kia nói hộ- bằng- phương thức đặc biệt đó là ngôn ngữ thơ, tất nhiên lúc đó biển sẽ sâu hơn bình thường, trời sẽ bao la , rợn ngợp hơn bình thường và nỗi niềm nhân ái, bao dung cũng dào dạt hơn bình thường, phải thế chăng ?
Lần đầu đọc xong bài thơ Thím Hai Vui lòng tôi như thầm khóc. Và cứ mỗi lần đọc lại nó là lòng tôi rưng rưng cảm động. Tôi hình dung hình ảnh Thím Hai Vui cứ hiển hiện quanh quất đâu đây trong mỗi làng, mỗi xóm thời chiến tranh vừ kết thúc ?
Nếu quả thật ngoài đời có một chú Hai Vui như trong bài thơ kia thì đúng là chú ta đã bị điên – bị tâm thần mất rồi còn gì ? Có thể do bom, đạn chiến tranh đã khiến chú ta ra nông nỗi này ? Nếu hoàn cảnh thật như thế , chú Hai Vui kia thật đáng thương hơn đáng trách ? Còn nếu tinh thần và thể xác “ chú” bình thường , khỏe mạnh thì “ chú” đáng trách quá, tồi tệ quá ! Vẫn còn đâu đây bệnh “ công thần chủ nghĩa” cái “ tôi to vượt mặt”... một thứ bệnh mà khó có phương thuốc đặc trị nào chữa khỏi, trừ khi thời gian qua đi , lương tri trong lòng người lính “một thời vang bóng” kia trỗi dậy , lên tiếng thì may ra mới có cơ hội cải tạo được hoàn cảnh này chăng?
Đọc xong bài thơ “ Thím Hai Vui” tôi thấy câu chữ bài thơ bay biến đi đâu hết , chỉ còn tiếng vọng thao thiết của lương tri, nỗi day dứt khôn nguôi trước số phận thật éo le, oan trái của người phụ nữ thôn quê Việt Nam dịu dàng , thủy chung, rất mực thương chồng, thương con đã không may rơi vào hoàn cảnh trái ngang như thế ?!
Linh giác mẫn cảm- óc quan sát tinh tế của nhà thơ Trần Nhuận Minh đã cho chúng ta một bài thơ thật cảm động: Thím Hai Vui!
Thím Hai Vui - chẳng thấy niềm vui đâu - mà - ta - chỉ - thấy - nỗi buồn đọng lại...


(Nguồn: báo Văn nghệ- Hội Nhà văn Việt Nam)

(do Kim Diệu Hương gửi)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.