Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại
2 bài trả lời: 2 thảo luận
1 người thích

Đăng bởi Vanachi vào 16/07/2007 17:04

Có người chết sụt sùi bao số báo
Thế mà Anh chẳng được một vuông con!
Ai đó sợ Anh đang gom cơn bão
Mà người ta như một mụn cây non...

Thôi chẳng chấp, Ức Trai còn oan nghiệt
Nhưng đời sau vẫn vằng vằng sao Khuê
Thân không bại mà danh không liệt
Anh như vừa trận mạc trở về kia...


Rút trong tập thơ Gió bát ngát đồng rừng của Trần Nhương, NXB Hội Nhà Văn, 2003.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Lời bình của Kim Diệu Hương

Đọc xong bài thơ này trong tôi rung lên một điều gì đó rất mơ hồ. Dư vị của bài thơ Anh... của nhà thơ Trần Nhương nó ngấm vào tâm trí người đọc, làm bợn lên trong ta một chút xao động, băn khoăn, vân vi về danh và lợi? Về nghĩa vụ và cống hiến, được và mất, may và rủi, chính danh và nguỵ danh... mà chỉ đến khi người ta tuổi càng cao, lực càng kiệt, lòng tự trọng càng dễ bị đánh động...thì những thứ đó càng day trở tâm trí, nó như là sự tự thức tỉnh mà mỗi người bình thường, chứ chưa nói những người có ít nhiều công sức đóng góp cho đời?

Cái lý do để người ta phải băn khoăn: "Có người chết sụt sùi bao số báo/ Thế mà anh chẳng được một vuông con". Đây là những băn khoăn của người đời- nó ngấm và truyền vào Nhà thơ, khiến trái tim nhạy cảm của Nhà thơ rung lên. Cái sự "Anh không một vuông con kia, nó hiện hữu quanh ta. Đôi khi nó như là một sự thường tình; chỉ có ai không vô tình, không vô tâm mới trăn trở, day dứt không nguôi về điều đó.

Người ta thường so sánh sự vật này với sự vật kia, người này với kẻ nọ bằng những thước đo giá trị: cao và thấp, nặng và nhẹ, nông và sâu, có và không...và cũng thật trớ trêu trong đời sống thường nhật không ít các sự vật đồng dạng nhưng những hiện tượng, bản chất lại không giống nhau, thế mới nảy sinh mâu thuẫn trong tâm thức người đời?

Khổ thơ cuối, là sự thể hiện một cách nhìn của người từng trải và thấm đẫm chất nhân văn: "Thôi chẳng chấp, Ức Trai còn oan nghiệt/ Nhưng đời sau vẫn vằng vặc Sao Khuê/ Thân không bại mà danh không liệt/ Anh vừa như trận mạc trở về kia". Hai câu thơ đầu của khổ thơ kết, tác giả đã lấy gương người xưa để nói với người nay, liệu nó có bất cập và khập khiểng không nhỉ? Chỉ biết nó nằm trong tổng thể của bài thơ thì hình như đó là sự hợp lý. Mà cái gì hợp lý thì tồn tại kia mà, phải không, thưa bạn ?


Hà Nội, 10/4/2004

(do Kim Diệu gửi)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Chú thích thêm

Bài thơ Anh của nhà thơ Trần Nhương và lời bình của Kim Diệu Hương đã đăng báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, số ra ngày 1/7/2007

Chưa có đánh giá nào
Trả lời