Cụ Trần Lê Hữu sinh 10 tháng 10 năm Bính thân (1896), mất ngày 29 tháng chạp năm Canh thân (1980) thọ 85 tuổi. Quê làng Vân Hội, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay là Vân Hội, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Về dòng họ và quê hương của cụ Trần Lê Hữu cũng là một câu chuyện dài. Theo PGS Trần Lê Sáng con trai của cụ Hữu, quê gốc của gia đình vốn ở Thanh Hoá, nhưng từ sáu bảy đời trước vì lý do biến động xã hội, nên gia đình mới di chuyển vào làng Vân Hội như hiện nay và coi nơi đây là quê hương của gia đình. Thêm nữa cụ Tổ vốn họ Lê nhưng khi vào đất Nghệ làm con nuôi gia đình họ Trần, cho nên từ đó đặt tên cho con cháu là Trần Lê... để vừa nhớ công ơn người nuôi dưỡng vừa ghi nhớ dòng họ Lê gốc Thanh Hoá.

Câu chuyện đặt tên ghép hai dòng Trần và Lê đã được hai cụ Trần Lê Nhân và cụ Trần Lê Hữu lý giải khá thú vị. Lúc bấy giờ hai cụ “Trần Lê” đang công tác cùng trong một tổ Hán Nôm do cụ Đào Duy Anh phụ trách, tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhiều người tò mò cứ tưởng là anh em hay ít ra cũng phải có họ rất gần là với nhau? Thế mà không phải, mỗi cụ đều có lý do riêng lý giải sự kết hợp hai dòng họ “Trần Lê”. Trong một bữa cơm thân mật vào ngày mùa đông năm 1956 tại nhà riêng của cụ cử Trần Lê Nhân ở số nhà 248A phố Huế, ông nội tôi mời cụ Trần Lê Hữu đến ăn cơm. Hồi ấy tôi mới hơn 10 tuổi, ngày nào mấy anh chị em chúng tôi cũng được ông nội Trần Lê Nhân dạy cho mấy câu chữ Hán và phải viết lên bảng để ông nội kiểm tra. Hôm ấy tôi được ông nội gọi ra để cụ Hữu “khảo” chữ nghĩa. Cụ Hữu nhỏ người, tính tình vui vẻ, có pha chút hài hước, làm cho người khác thấy dễ gần. Cho đến giờ tôi không còn nhớ bị khảo những chữ gì, nhưng câu chuyện đặt tên dòng họ thì vẫn còn ghi nhớ. Cụ Hữu vốn dòng họ Lê mà có thêm họ Trần như trên đã nói rõ. Còn cụ Trần Lê Nhân vốn trước khi đi dự khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn năm 1912, ở trường Nam, có họ là Trần Văn Nhân, một lần cùng với bạn học là cụ Bùi Bằng Đoàn đi xem thơ tiên ở một ngôi chùa thành Nam (Nam Định). Cụ Bùi được thơ tiên chỉ giáo, cuộc đời lúc nào cũng vinh hiển; còn cụ Trần vì ăn lộc tổ bà họ Lê cho nên phải đổi thành Trần Lê Nhân. Quả nhiên năm đó cụ Trần đỗ cử nhân và từ đấy con cháu cụ đều đặt theo họ Trần Lê...

Lúc thiếu thời, theo PGS Trần Lê Sáng, cụ Hữu nổi tiếng là hiếu động và thường đi chơi với cụ Hồ (lúc nhỏ gọi là Côông). Có nhiều chuyện nghịch ngợm thời ấu thơ của các cụ vẫn được cụ Hữu còn nhớ, kể lại cho con cháu trong nhà nghe.

Đến tuổi đi học, cụ Hữu theo học trường Hoàng Trù, sau lấy bà họ Hoàng là chị em con dì với bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, vào năm 1947, trong một lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời cậu và dượng là Hoàng Phan Kính và Trần Lê Hữu có nói về tấm lòng gắn bó với quê hương và bà con họ hàng nơi quê nhà, nhưng chưa về thăm quê được vì “giặc Pháp đang dày xéo trên đất nước ta, thì phận sự của mọi người Việt Nam là vì nước quên nhà, vì công quên tư...” Sau khi nói về nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc hết sức cấp thiết và khó khăn trước mắt, với tinh thần thực sự cầu thị, Chủ tịch Hồ Chí Minh “mong cậu và dượng cùng các cụ thân hào thân sĩ, thường giúp tôi và Chính phủ bằng cách gởi những phê bình, sáng kiến và đề nghị...” Cuối cùng Chủ tịch “mong cậu và dượng cùng các cụ, các vị đôn đốc giúp đỡ đồng bào địa phương xung phong thi đua cứu quốc, làm cho Nam Đàn thành một huyện kiểu mẫu, Nghệ An thành một tỉnh kiểu mẫu, trong mọi công việc kháng chiến và kiến quốc”...

Cụ Trần Lê Hữu đỗ tú tài Nho học, đã từng làm thừa phái trong chế độ phong kiến Nam triều. Vào thời ấy, đi học chữ Nho và chữ Pháp, đỗ đạt, làm việc cho chính quyền cũ là điều nhiều người khó tránh khỏi. Tuy nhiên người theo Nho học chân chính cũng tiếp thu được nhều giá trị tốt đẹp của truyền thống Khổng giáo. Về xã hội, Khổng giáo cổ vũ con người nhập thế, cố gắng tạo dựng một vị trí trong xã hội vào hạng thượng lưu, đó là phải đỗ đạt và làm quan. Làm quan là lấy thanh liêm làm mẫu mực. Quan thanh liêm theo Nho giáo một mặt phải chú trọng danh thơm hơn lợi lộc, làm cho người khác coi trọng hơn là oai quyền hống hách. Mặt khác làm quan để giúp vua trị dân theo nghĩa “phụ mẫu chi dân”, giúp dân có cuộc sống ấm no yên ổn có văn hoá, đạo đức... Về đạo đức, Nho giáo yêu cầu con người sống theo các tiêu chí nhân, lễ, nghĩa, trí, xa lánh tham lam, tàn ác, dâm dật vị kỷ... tiếp đó là nhấn mạnh tinh thần tu dưởng tự tu thân tự tôn trọng, suốt đời giữ gìn nhân phẩm, luôn khiêm tốn và hoà đồng với mọi người. Về tri thức, Nho giáo yêu cầu liên tục học tập, nhằm cách vật trí tri, trau dồi trí tuệ để có kiến thức và sự thông minh nhằm sáng suốt và có cách ứng xử tốt nhât trong cuộc sống... Chịu ảnh hưởng của Khổng giáo cụ Trần Lê Hữu cũng như nhiều nhà Nho thời mạt vận, vẫn có khát vọng vì dân vì nước và trong tâm khảm ông thừa phái họ Trần này vẫn ngời sáng tinh thần dân tộc. Sinh sau cụ Phan Bội Châu gần 30 năm, Cụ Hữu rất ngưỡng mộ cụ Phan không chỉ vì cụ Phan là một nhân sĩ của đất Nghệ, mà còn ở hạo khí ngất trời của tinh thần yêu nước, ở quyết tâm, không sợ khó khăn gian khổ hy sinh tìm đường cứu dân cứu nước của cụ Phan. Cụ Phan Bội Châu đã trở thành một trong những biểu tượng mẫu mực cho tinh thần yêu nước của con người Việt Nam, trí thức Việt Nam 25 năm đầu thế kỷ XX. Khi còn làm thừa phái, cụ Trần Lê Hữu đã cùng cụ Đào Duy Anh đã lặn lội vào tận Huế tìm gặp cụ Phan nhằm tìm đến với một nhân cách lớn, một lý tưởng cháy bỏng và được hiểu thêm nhiều điều, cũng như các hướng đi của đất nước và dân tộc trong lúc bấy giời. Chẳng thế mà trong tác phẩm Ông già Bến Ngự của cụ Đào Duy Anh, cụ Đào có cho biết về sự việc này “Ông thừa phái Trần Lê Hữu và tôi” đã vào Huế đến thăm cụ Phan và trao đổi nhiều vấn đề...

Không chỉ ngưỡng mộ đối với những người như cụ Phan, mà cụ Trần Lê Hữu mặc dù đang làm thừa phái nhưng lại rất có thiện cảm, thậm chí còn là thân thiết đối với những người hoạt động cách mạng lúc bấy giờ. Năm 1937, đồng chí Hà Huy Giáp vừa ở ngục ra, cụ Hữu bí mật đón về nhà mình ở Hà Tĩnh. Mật thám Pháp biết được, lập tức cụ bị đổi đi Plây cu như một hình thức kỷ luật. Bấy giờ Plây cu là một vùng rừng thiêng nước độc, hoang vắng chỉ giành cho những kẻ bị lưu đầy. Cụ bà cũng bế cậu con trai mới sinh là Trần Lê Sáng đi theo. Có lẽ vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt mà cậu Sáng hay bị ốm đau và nhỏ bé so với trang lứa. Mãi tới năm canh thìn (1940), cụ Hữu sinh một con trai nữa ở đây, đặt tên là Hời (Chiêm Thành), sau này đổi tên là Hải.

Năm 1940 cụ được chuyển về Hà Tĩnh. Năm 1945, cụ tham gia khởi nghĩa và được cử làm uỷ viên tư pháp Hà Tĩnh. Năm sau 1946, cụ được điều ra làm thẩm phán toà án Hưng Nguyên (Nghệ An). Năm 1947 cụ được điều động về làm việc ở Hội đồng Phúc án Liên khu 4. Năm 1949 cụ lại được điều về làm việc tại Sở tư pháp Liên khu 4 và Toà án nhân dân Liên khu 4 cho đến khi có chủ trương giảm nhẹ biên chế thì cụ được nghỉ việc. Trong thời gian làm uỷ viên tư pháp cũng như làm thẩm phán, cụ Hữu công tác tích cực, làm việc thẳng thắn và công tâm, góp phần xây dựng ngành tư pháp còn non trẻ của Hà Tĩnh và Nghệ An. Tinh thần làm việc cũng như lối sống chân tình cởi mở, sinh hoạt giản dị, tiết kiệm của cụ Hữu đã là tấm gương sáng cho con cháu trong nhà cũng như họ hàng bà con chòm xóm, làm nhân dân mến phục và chính quyền cách mạng tin cậy.

Năm 1955 một số nhân sĩ Nghệ Tĩnh được chuyển ra Hà Nội, trong đó có cụ Phan Võ, cụ Trần Lê Hữu. Cụ Hữu được mời vào làm việc nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm tại Khoa Văn – Sử trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi hoà bình được lập lại năm 1954, ngành đại học non trẻ Việt Nam đã được Nhà nước và đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm. Trường Đại học Tổng hợp và một số trường trọng điểm khác được thành lập. Nhiều nhân sĩ, học giả Nho học, Tây học được mời tham gia giảng dạy trong các trường đại học. Trong tình hình như vậy, Tổ Hán Nôm được thành lập ở trường Đại học Tổng hợp dưới sự điều hành của Giáo sư Đào Duy Anh một nhà Hán học uyên bác. Cụ Đào đã tập hợp được khá nhiều nhân sĩ trí thức Hán học và cả Tây học bấy giờ như cụ Ngô Lập Chi, cụ Trần Lê Nhân, cụ Phan Huy Tiếp, cụ Trần Lê Hữu... Hồi ấy khoa Văn - Sử còn học chung khá nhiều môn; Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp cũng còn chung một cơ sở làm việc, học tập ở 19 Lê Thánh Tông Hà Nội. Các cụ vừa chuẩn bị bài giảng vừa nghiên cứu. Bấy giờ để có một bài giảng về văn học, triết học Trung Quốc và văn học cổ Việt Nam cho sinh viên ngành Văn Sử, các cụ phải làm việc rất vất vả. Người của Trường mang đến cho một cây bút và giấy đặc biệt. Bút giống như chiếc dùi thì đúng hơn, dùng bút này viết chữ Hán lên giấy, cố nhiên không thể nhẹ nhàng “mềm mại bút hoa” để có được những chữ tượng hình in trên mặt giấy. Thế rồi đến công đoạn in trên nền thạch hoặc nền đất sét, từng tờ từng tờ một cho được một bài dăm trang giấy, lại đáp ứng cho gần trăm sinh viên, thì thật không dễ dàng gì. Không như bây giờ, giáo viên chỉ việc đánh lên máy vi tính, bấm nút in, thế rồi phôtôcopi muốn có bao nhiêu sinh viên cũng đáp ứng được. Thế mới biết hơn 50 năm khoa học kỹ thuật đã đổi thay rất nhiều, làm lao động của con người nhẹ nhàng và năng suất lao động tăng lên rất cao, làm đổi mới cả diện mạo văn hoá của cả cộng đồng, trong đó có khoa học giáo dục.

Làm việc trong điều kiện mới, cụ Trần Lê Hữu lại có thêm nhiều bạn mới. Trước đây cụ có những bạn thân là cụ Đào Duy Anh, cụ Phan Đăng Tài (em đồng chí Phan Đăng Lưu), đồng chí Hà Huy Giáp, Giáo sư Phan Võ bạn cùng lớp... ở Hà Nội cụ lại có thêm những bạn mới là nhà văn Lê Văn Trương, cụ cử Trần Lê Nhân, cụ Ngô Lập Chi... Sau này, khi cụ làm việc ở Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp, nhiều thế hệ giáo sư sử học khoá đầu thành đạt vẫn thường đến chơi, trao đổi học thuật thân mật như các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng...

Trong quá trình làm việc tại Đại học Tổng hợp, một lần nữa Nho học và Tây học của cụ Trần Lê Hữu lại có điều kiện phát triển và mở rộng. Sở học của cụ lại có đất dụng võ, cụ lại có nhiều cơ hội đóng góp cho công tác nghiên cứu văn học, lịch sử Trung Quốc và Việt Nam, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục ở cấp đại học. Nhiều thế hệ học trò của cụ đã thành danh. Cụ tham gia dịch nhiều thơ văn chữ Hán ra tiếng Việt in chung trong tuyển tập thơ cổ Việt Nam. Trong thời gian này, tấm lòng quý trọng và ngưỡng mộ đối với nhà yêu nước Phan Bội Châu vốn có từ những ngày trước khi có duyên gặp gỡ, nay lại có dịp thể hiện. Cụ chọn bộ Hậu Trần dật sử nguyên tác Hán văn do cụ Phan Bội Châu viết, dịch sang tiếng Việt. Bộ sách này có bài tựa của Giáo sư Đặng Thai Mai. Bộ “Hậu Trần dật sử” được nhiều người biết đến không chỉ vì nội dung hấp dẫn về câu chuyện lịch sử cuối đời nhà Trần, chan chứa tinh thần yêu nước của “Ông già bến Ngự” gửi gắm vào đó, mà ở cả nghệ thuật chuyển ngữ chân chất giản dị của dịch giả Trần Lê Hữu. Thêm nữa năm 1958, bộ sách này được lựa chọn đọc dài kỳ trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Làm việc ở Đại học Tổng hợp đến ngày 16 tháng 10 năm 1962 cụ được thôi việc, hưởng chế độ hưu trí. Tính từ năm 1923 đi thoát ly, cho tới khi được nghỉ hưởng chế độ hưu trí năm 1962, cụ Trần Lê Hữu tham gia công tác hơn 35 năm. Lúc ấy cụ đã 66 tuổi, đến tuổỉ được nghỉ ngơi vui vẻ với con cháu. Về mặt hành chính cụ Hữu đã được nghỉ hưu trí, song niềm ham mê làm việc vốn đã ngấm vào máu, như một nhu cầu sống, ở những con người như cụ Hữu thì đâu có thể nghỉ. Thời ấy những trí thức Nho học uyên thâm như cụ Hữu cũng không có nhiều, mà kho tàng văn hoá, văn học cổ Trung Quốc và Việt Nam viết bằng chữ Hán chữ Nôm thì chất chồng như núi khai thác hầu như chưa được là bao. Vì vậy các Viện Văn học, Sử học, Triết học... thường có một số kinh phí trả thù lao cho các cụ Nho học khi dịch tài liệu hoặc đặt viết về một chuyên đề nào đó. Cụ Trần Lê Hữu vẫn say mê, cặm cụi làm công việc này, mặc dù thù lao cũng chẳng đáng là bao đối với chất xám mà các cụ phải bỏ ra. Điều đáng quý là các cụ làm việc cho vui và cảm thấy còn có ích cho đời.

Những năm tháng phải sơ tán theo cơ quan vì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cuộc sống có nhiều khó khăn ở nơi sơ tán, cụ Hữu cũng vẫn làm việc. Vui vẻ động viên con cháu trong gia đình và bà con địa phương, cố gắng khắc phục khó khăn cùng chung tay xây dựng hậu phương vững chắc, góp phần đánh thắng giặc, giành độc lập cho đất nước.

Bản thân cụ Trần Lê Hữu, mặc dù tuổi đã cao, nhưng đã thấm nhuần đạo học phương Đông, tư tưởng nhân nghĩa của Nho gia, triết học sống hồn thuần, thuận theo tự nhiên của Đạo gia, lối sống tiết kiệm giản dị của Mặc gia... cụ sống chủ động ung dung tự tại, lạc quan yêu đời, không thích phô trương sa hoa lãng phí, mặc dù lao động trí óc là chính song cụ vẫn thích cả lao động chân tay. Cụ sống khiêm nhường mà mẫu mực, chan hoà nhân ái với mọi người, cụ sinh hoạt giản dị, hàng ngày vẫn tắm nước lạnh, vẫn đi xe đạp thăm mọi người... và quan trọng là vẫn làm việc.

Suốt đời cần mẫm, tận tuỵ vì dân vì nước, ước nguyện thấy được giang sơn thống nhất, dân tộc độc lập của cụ cũng như bao bậc tiên liệt và con dân đất Việt đã được mãn nguyện. Cụ 85 tuổi trời, vẫn ham làm việc, cho dù chỉ là đọc sách. Vào tối 28 tết, cụ vẫn vào xóm Khương Thượng như mọi năm, thăm hỏi bà con, xem làm thịt lợn, tối về thấy hơi mệt, bảo sụ bà chỉ ăn cháo, sáng hôm sau đã ra đi, nhằm vào ngày 29 tháng chạp thiếu năm Canh Thân (1980) tại Hà Nội. Cụ sinh ra ở năm Thân lại trở về từ năm Thân.

Là một nhà Nho xứ Nghệ, tiếp thu truyền thống văn hoá quê hương và gia đình, bằng sự nỗ lực bản thân trong nhiều hoàn cảnh xã hội biến động lớn lao, cụ Trần Lê Hữu đã để lại cho đời một tấm gương về đạo đức, về tinh thần làm việc vì dân vì nước. Những công trình của cụ còn để lại mãi cho thế hệ mai sau. Cụ cũng xứng đáng và góp thêm vào những gương mặt sáng người của nhân sĩ nhân tài quê hương núi Hồng sông Lam và truyền thống văn hoá Nghệ An.


Trần Lê Bảo

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.