Tác giả: Lý Thu Hải Thảo


Chưa khi nào nền thơ ca dân tộc lại có nhiều người làm thơ, nhiều sự tìm tòi mới lạ như hiện nay. Nhưng sự phát triển về số lượng không có nghĩa tương đồng với nâng cao về chất lượng. Chẳng hiểu có phải do người làm thơ ít tâm huyết với thơ mà thơ đương đại, phần nhiều tôi đã đọc, cứ nhạt nhạt thế nào ấy.

Suốt một thời gian dài, tôi không đủ kiên nhẫn để đọc một tập thơ của một nhà thơ đường nào. Nghe nói người này có một bài khá ấn tượng, người khác có những tìm tòi... thì tôi đọc đôi ba bài. Nhưng thú thật tôi rất ít tìm được sự đồng cảm nếu không muốn nói nó quá xa xôi.

Cũng bằng cách ấy hình ảnh "anh ngồi rót biển vào chai" đã ập vào tôi. Lập tức tôi nghĩ đến những câu chuyện cổ tích, với những lời nguyền, những bà tiên và những điều kỳ diệu làm tôi rơi nước mắt. Tình yêu – Biển cả, liên hệ ấy đã tốn biết bao giấy mực của các thi nhân. Vì vậy, mà viết về đề tài ấy rất dễ gặp phải hình ảnh, cảm xúc của người đi trước. Bởi thế, sự khác lạ của "anh ngồi rót biển vào chai" đã thôi thúc tôi tìm đến với "vàng gieo đáy nước" của Trịnh Thanh Sơn.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc tập thơ này, nói thực lòng, ít nhiều không còn cái háo hức, khao khát khám phá như đọc câu trong "Biển vắng". Tôi thấy có quá nhiều hình ảnh, cảm xúc bao người đã nói. Và dư âm trong thơ Trịnh Thanh Sơn khiến người ta nghĩ đến một nghệ sĩ họ Trịnh khác nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mang tính triết lý, và đầy ám ảnh thơ Thanh Sơn đưa người đọc vào thế giới "đời thường". Biểu đạt một cảm xúc mãnh liệt của con người đa cảm luôn thấy cô đơn trước biển đời. Nỗi lòng chân thành ấy đưa đến cho người đọc những câu thơ dung dị, mộc mạc nhất.

Cũng là một kẻ sinh thành nơi đồng quê, chọn thị thành làm nơi sinh nghiệp, có lúc về làng tôi từng thấy "khói bếp mắt cay bờ lầy ngại bước". Cứ vô tâm cho dòng đời đưa đẩy bao lần hờn tủi, thì có ai đồng cảm nhắc nhỏ mình đâu. Nhưng bất chợt "cọng rơm vàng" của Trịnh Thanh Sơn vương vào lòng tôi, như xát muối vào vết thương bị tôi bỏ mặc.
Với nhiều người bài thơ này chưa hẳn đã hay, song tôi đặc biệt thích nó. Tôi thấy tiếc là tại sao tác phẩm ra đời từ năm 1972 mà đến giờ tôi mới được đọc. Liệu có phải duyên kiếp? Khi tôi đã là kẻ ly hương mỗi lúc về nơi chôn nhau cắt rốn tôi "là khách trong ngôi nhà tôi đã lớn".

Dòng đời đưa đẩy phố thị sáng choang và sạch sẽ, ồn ào và hối hả. Ký ức những ngày bé thơ cứ nhạt nhoà dần. "Đất chôn nhau cũng có quyền lìa bỏ" câu thơ này là một nhát dao cắt cứa vào tim tất cả kẻ tha phương. Người ta trăn trở: "Có thể quên... có thể chối từ" và rồi vỗ tuột một lời "có quyền lìa bỏ". Thì đấy có ái cấm điều đó đâu. Nếu muốn chối từ thì cứ quên đi. Cứ phủ nhận quá khứ, cũng như thói quen xé lịch mỗi ngày. Đấy lý là thế, phủ nhận sạch trơn, không còn gì cả. Song có ai đã làm được điều đó? Con người đâu phải là cây cỏ. Những thứ hiện hữu thật bình dị nhưng nó lại gắn chặt mỗi con người từ lục lọt lòng và theo ta đi mãi.

Hình ảnh "rạ rơm, bùn đất, gió mặn, triền đê...", không còn mới mẻ trong thơ. Nó là ký ức của biết bao người xa xứ. Nó đã từng bao bọc trở che ta. Lọt lòng mẹ ta rơi xuống ổ rơm êm ái, lăn lóc rồi lớn lên ở đó. Thời gian qua ta bước chân khỏi đó hoàn toàn vô tâm. Chúng ta có bao giờ nghĩ "cả bờ đê tơi tả" khi vắng bóng người.

Bài thơ của Trịnh Thanh Sơn hẳn đã chết yểu nếu chỉ có những hình ảnh của làng quê được dẫn dụ ra. Nhưng chỉ với khổ thơ thứ ba tác giả đã cứu cả bài. Ở đó là giả định là lời biện bạch cho sự lãng quên. Tại sao có thể quên, có thể lìa bỏ? quên đất chôn nhau như một thói quen quá nhỏ nhặt, thói quen vô thức của thời gian lại là một cái quyền. Ví thử cứ sử dụng cái quyền ấy đi, xem con người sẽ sống như thế nào?.

"Đất quê người trong cơn sốt miên man". Đọc câu thơ này, đến đây tôi phải thú thực đó không phải là cảm xúc của Trịnh Thanh Sơn. Nó hoàn toàn là của tôi. Bởi chính tôi đã trải qua cảnh đó. Ôi chao! Khi bình thường bị cuốn vào vòng đời người ta chẳng hề biết sợ, người ta cứ tồn tại vô tâm như cây cỏ.Vậy mà khi có chút khó khăn, khi gặp sóng gió... ốm nằm trong ngôi nhà, không phải nhà mình uống miếng nước không thấy mùi thân thuộc... Trong gác trọ một mình, nỗi tủi hờn bỏng nơi khoé mắt. Tất cả cuộc sống hàng ngày đều biến mất. Lạ lùng thay lúc ấy lòng ta chỉ còn biết níu giữ vào ký ức của ngày xưa. Nơi ấy ấm êm, hiền dịu buông chiếc phao cho ta nương náu lúc ta yếu đuối và cô độc nhất.

Tôi thấy có hai kiểu người thường tìm về quê một là già, hai là những kẻ vừa ốm dạy. Nhiều lúc người ta đã quên đi nơi chôn nhau cắt rốn những tưởng đã quên thật. Vậy nhưng không. Họ đã không biết chính bản thân mình, cả tâm hồn và thể xác được nhào nặn từ những thứ bé nhỏ và bình dị ấy. Họ mang một phần đất đai, cây cỏ, máu họ có nước sông, có rừng cay, muối mặn, lời họ nói có tiếng gió vi vu.

Chỉ mấy ngày trước đây, tôi không hề biết có một Trịnh Thanh Sơn là nhà thơ, quê quán ông ở đâu, cuộc đời ông thế nào...Tôi phải cảm ơn bạn tôi, cảm ơn câu thơ đã gây ấn tượng để tôi tìm đến thơ ông. Từ những bài trong "Vàng reo đáy nước", bài "Tựa" của Vũ Duy Thông, "Bạt" của Hoàng Cầm và "Trịnh Thanh Sơn thơ và đời" của Nguyễn Trọng Tạ, tôi hiểu thơ có ý nghĩa như thế nào với Trịnh Thanh Sơn. Như chính ông đã viết "tôi về với thơ như về với mẹ". Ông đã đi qua bao khúc của cuộc đời nhưng chẳng ở đâu neo bến đậu được lâu. Cũng phải thôi, vì ông là một nhà thơ mà. Có thể nhiều người sẽ nhắc về ông với "Biển vắng". Nhưng riêng tôi, tôi sẽ mãi nhớ về ông trong "Cọng rơm vàng". Bởi vì tôi đã gặp lại tôi trong đó.

Em đa tình như trời sinh ra thế
Đủ tình yêu cho cả trăm anh.