Trịnh Hoài Đức (1765-1825) có tên khác gọi là An, tên tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai. Ông bà đời trước gốc người huyện Trường Lạc, tại Phúc Kiến (Trung Quốc), nối đời làm quan. Đầu đời nhà Thanh, ông nội là Trịnh Hội giữ nguyên đầu tóc di cư qua Việt Nam, lưu ngụ ở đất Trấn Biên (tức Biên Hoà ngày nay). Cha là Trịnh Khánh, từ nhỏ chăm học, viết chữ đại tự rất tốt và nổi tiếng cao cờ. Đời vua Thế Tông triều Nguyễn (tức Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát, 1738-1765), Trịnh Khánh nhờ nạp quyên được làm chức Cai thu tại An Trường. Sau cha ông dời ra ba trường Quy Nhơn, Quy Hoá và bả Canh lam Cai đội.

Lúc Trịnh Khánh mất, Hoài Đức mới 10 tuổi mà rất bền chí hiếu học. Thời ấy gặp khởi nghĩa Tây Sơn, Hoài Đức bèn theo mẹ dời vào ở Phiên Trấn (tức Gia Định, phía bắc Sài Gòn ngày nay) và vâng theo lời mẹ, theo học với Xử sĩ Võ Trường Toản tiên sinh.

Năm Mậu Thân 1788, lúc Nguyễn Phúc Ánh (tức Nguyễn triều Thế Tổ, Gia Long đế) chiếm lại Gia Định, Trịnh Hoài Đức cùng nhóm Lê Quang Định ra ứng cử, được cho làm chức Hàn Lâm viện Chế cáo.

Năm 1789, Trịnh Hoài Đức nhiệm chức Điền Tuấn sứ huyện Tân Bình, coi việc mở mang vùng tam giác sông Mê Kông và xác định chế độ điền thổ, đồng thời lo trù biện lương hướng cho quân đội. Sau ông đổi qua bộ Hình, tham dự việc xét nghĩ hình luật văn án, kế nhiệm chức Thị giảng Đông cung (con trưởng vua Gia Long, Hoàng tử Cảnh, sau truy tôn Anh Duệ Hoàng thái tử) và phụ tá Đông cung toạ trấn Diên Khánh và Phú Yên.

Năm 1794, Trịnh Hoài Đức ra nhiệm Ký lục dinh Trấn Định (tức Mỹ Tho ngày nay).

Mùa hạ năm 1801, quân Nguyễn thâu phục kinh đô Phú Xuân (tức Huế ngày nay), Lê Văn Duyệt và Tống Viết Phúc đốc quân ra cứu thành Quy Nhơn, Trịnh Hoài Đức nhiệm chức Hộ bộ Tham tri, chuyên trách lo binh lương tiếp tế.

Năm 1802, Trịnh Hoài Đức được vua Gia Long thăng nhiệm Thượng thư bộ Hộ, cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh cầu phong. Đến tháng 8-1803, ông trở về Thăng Long. Sau đó, 1804 ông hộ giá vua Gia Long về Phú Xuân. Về kinh sư, Trịnh Hoài Đức vẫn giữ chức Thượng thư bộ Hộ như trước.

Tháng 2-1805, triều đình phái Chưởng Trung quân Nguyễn Văn Trương làm Gia Định Lưu trấn, khiến Hoài Đức làm Hiệp Lưu trấn.

Tháng 1-1808, Gia Định trấn đổi thành Gia Định thành. Tháng 9-1808, đặt chức Gia Định thành Tổng trấn. Nguyễn Văn Trương được về kinh, Nguyễn Văn Nhân làm Gia Định Tổng trấn, Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng trấn.

Tháng 7-1812, triều đình rút Trịnh Hoài Đức về kinh, cải nhiệm Lễ bộ Thượng thư, kiêm quản Khâm Thiên giám.

Năm 1813, Trịnh Hoài Đức cải lãnh Lại bộ Thượng thư.

Tháng 1-1816, Nguyễn Hoàng Đức nhiệm Gia Định Tổng trấn. Tháng 11 năm ấy, Thế Tổ cho rằng Gia Định là một thành lớn phương Nam, lại có việc giao thiệp với lân bang rất hệ trọng, cần phải có người giỏi trấn nhiệm mới được, bèn phái Lại bộ Thượng thư Trịnh Hoài Đức nhiệm chức Gia Định Hiệp Tổng trấn.

Tháng 9-1819, Nguyễn Hoàng Đức mất, triều đình phái Chưởng Hữu quân Nguyễn Văn nhơn làm Gia Định thành Tổng trấn, khiến Trịnh Hoài Đức vẫn lãnh Hiệp Tổng trấn để phụ tá Nguyễn Văn Nhơn.

Tháng 12-1819, vua Thế Tổ mất, Hoàng tử thứ 4 là Phúc Hiệu nối ngôi, đổi niên hiệu làm Minh Mạng, tức Thánh Tổ triều Nguyễn. Đầu năm 1820, Gia Định Tổng trấn Nguyễn Văn Nhơn về kinh tiến yết, Trịnh Hoài Đức tạm lãnh chức vụ Tổng trấn. Tháng 6-1920, Thánh Tổ triệu Trịnh Hoài Đức về kinh, lãnh việc bộ Lại. Lòng yêu quí và tin dùng của vua Minh Mạng đối với Trịnh Hoài Đức còn quá hơn tiên hoàng. Trịnh Hoài Đức trở thành nguyên lão của triều Nguyễn và làm cố vấn tối trọng yếu cho vua Minh Mạng.

Tháng 8-1821, vua Minh Mạng thăng cho Trịnh Hoài Đức làm Hiệp biện Đại học sĩ, nhưng lãnh Lại bộ Thượng thư kiêm Binh bộ Thượng thư. Cũng trong năm 1821, vào tháng 9, Trịnh Hoài Đức hộ giá vua Minh Mạng Bắc tuần các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá. Tháng 10 đến Bắc Thành (Thăng Long). Tháng 12, triều đình nhà Thanh sai Quảng Tây Án sát sứ Phan Cung Thần làm Sách Phong sứ qua Việt Nam. Ngày 19 tháng 12, Hoài Đức và Bắc Thành Tổng trấn Lê Chất đều sung chức Thị vệ Đại Thần, tham dự điển lễ. Xong việc, Trịnh Hoài Đức lại theo vua Minh Mạng trở về Nam.

Tháng 3-1822, Trịnh Hoài Đức sung Chánh Chủ khảo trường thi Hội. Tháng 9-1922, Trịnh Hoài Đức tiến một bộ Lịch Đại Kỷ Nguyên và bộ Khang Tế Lục lên vua Minh Mạng. Tháng 11-1822, Minh Mạng lại khiến kiêm lãnh Lễ bộ Thượng thư.

Tháng 7-1823, Trịnh Hoài Đức nhân khó nhọc quá độ sinh bệnh, bèn dâng biểu cầu xin trở về gia quán tại Gia Định, và nói rằng hiện vợ chết còn chưa chôn, con đương ở nhà chịu tang, không có người thị dưỡng. Vua Minh Mạng chỉ dụ yên ủi, cho ông tạm nghỉ việc nhưng vẫn lưu lại kinh đô. Vua Minh Mạng còn ban cho 2.000 quan tiền và săng gỗ ngói gạch để làm nhà ở. Trịnh Hoài Đức vâng mạng, cất một sở nhà hiệu Quỳ Viên, ở ngoài cửa đông thành Huế để dưỡng bệnh.

Tháng 9-1823, Trịnh Hoài Đức khỏi bịnh, dâng biểu tạ ơn, trở lại lãnh chức Thượng thư bộ Lại và bộ Lễ. Nhưng mới được hơn mươi ngày, lại dâng biểu xin nghỉ 3 tháng về thăm nhà, vua Minh Mạng buộc lòng phải y cho. Tháng 10-1823, Trịnh Hoài Đức về tới Gia Định liệu việc nhà.

Tháng 3-1824, Trịnh Hoài Đức trở ra kinh, lại lãnh Lại bộ Thượng thư kiêm quản Lễ bộ sự vụ. Tháng 7 nhuận năm 1824, vua Minh Mạng khiến biên sửa Nguyễn triều Ngọc Điệp và Tôn Phả, Hoài Đức sung chức Tổng tài để điều khiển công việc. Tháng 11, bản Ngọc Điệp sửa xong, do Tổng tài Hoài Đức thượng tiến. Trong tháng 11, Trịnh Hoài Đức lại vâng mạng quyền lãnh công việc ty Thương Bạc. nhưng chẳng bao lâu, bệnh cũ trở lại.

Tháng 3-1825, năm Minh Mạng thứ 6, Trịnh Hoài Đức mất tại Quỳ Viên, hưởng thọ 61 tuổi. Vua Minh Mạng tặng phong cho Trịnh Hoài Đức hàm Thái Bảo, Cần Chánh điện Đại học sĩ, (trật Chánh nhất phẩm), đặt tên thuỵ là Văn Khác.

Trịnh Hoài Đức có hai người con, một người tên Như làm đến Lang trung thì mất, một người tên Cấn lấy công chúa làm Phò mã Nguyễn triều, chức quan Đô uý.

Theo Trịnh Hoài Đức truyện, Đại Nam liệt truyện chính biên sợ tập quyển thứ 11, có bổ sung theo Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất, đệ nhị kỷ của Quốc sử quán triều Nguyễn.