τού λόγου δ'εόντος ξυνού ζώουσιν οί
πολλοί ώς Ιδίαν έξουτες φρόνησιν
                            I. p. 77. Fr. 2. (*)

όδός άνω κάτω μέα καί ώυτή
                            I. p. 89. Fr. 60. (**)

Diels: Die Fragmente der Vorsokratiker Herakleitos.


Cả hiện tại và quá khứ
Có lẽ đều có mặt ở tương lai
Và tương lai có mặt trong quá khứ.
Nếu thời gian còn mãi bây giờ
Thời gian không thể nào chuộc lại
Cái chưa đến là trìu tượng
Và chỉ mãi mãi giữ nguyên
ở trong vùng suy luận.
Cái chưa đến và đã đến
Luôn luôn ở trong một điểm – bây giờ.
Những bước chân vang vọng trong trí nhớ
Đến miền ta chửa từng qua
Về cánh cửa không bao giờ mở
Vào vườn hồng. Những lời của ta
Vang vọng ở trong em.
Nhưng có cần thiết chăng
Tro bụi trên bình hoa lo lắng
Ta không biết rằng
Tiếng vang khác hẳn
Ngự trị khu vườn. Có nên bước vào không?
Tiếng chim hót: nhanh lên, hãy tìm thấy chúng
Quanh góc phòng. Qua cánh cổng đầu tiên
Bước vào thế giới đầu tiên, hãy tin
Tiếng chim hót? Bước vào cuộc đời thứ nhất
Chúng ở đó trang nghiêm, không nhìn thấy được
Lơ lửng trên những chiếc lá lìa cành
Trong mùa thu ấm áp, qua không khí ngân vang
Và lời chim nhắc lại
Tiếng nhạc không nghe ra, giấu mình trong bụi
Và giao nhau những ánh mắt vô hình
Bởi hoa hồng thấy những ánh mắt nhìn
Ở đó họ là khách của ta, là khách mà chủ
Theo luật lệ ta bước đi theo họ
Đường phố hoang vu, nhìn hồ nước đã khô
Và những bụi gai mọc ở quanh hồ.
Hồ nước khô, bê tông khô và màu hung bên mép
Ngày xưa trong hồ này nước mặt trời đầy ắp
Và lặng lẽ, dịu dàng có một bông sen
Nước lấp lánh và ánh sáng trong tim
Và họ từng ở sau ta, phản chiếu trên hồ nước
Nhưng đám mây bay qua và hồ khô kiệt.
Chim hót: hãy đi đi, có những đứa trẻ con
Giấu mình trong bụi và chúng đang cười ầm.
Hãy đi đi, đi đi – và tiếng chim lại hót:
Con người vẫn nhọc nhằn khi cuộc đời hiện thực.
Cả quá khứ và cả tương lai
Cái chưa đến và đã đến
Luôn luôn ở trong một điểm – bây giờ.


(*)Từ ngữ với mọi người có nghĩa như nhau, nhưng đa số có vẻ như hiểu theo cách của riêng mình. Herakleitos I, tr. 77, dòng 2.
(**)Con đường đi và con đường đến – chỉ là một con đường. Herakleitos I, tr. 89, dòng 60.

(1) Bốn khúc tứ tấu được viết trong khoảng thời gian từ 1934-1942, lần đầu tiên in thành sách năm 1943. Đây là tác phẩm thể hiện quan niệm thơ ca và triết học của Eliot được hình thành trong những năm 20, 30, tiêu biểu là tác phẩm Ngày thứ tư tro bụi. Eliot kết hợp ở đây khái niệm về linh hồn bất tử của Cơ đốc giáo với cách giải thích khoa học những phạm trù như thời gian, nơi chốn, sự vô tận, sự chuyển hoá liên tục thành những hình thái khác nhau của đời sống... Giải quyết những vấn đề này, Eliot chủ yếu dựa vào triết học trực cảm của Henri Bergson (1859-1941). Năm 1911 Eliot thường xuyên dự những giờ giảng triết học của Henri Bergson, cũng là người đoạt giải Nobel Văn học năm 1927. Ngoài ra, chính Eliot nhiều lần tuyên bố rằng ông theo đuổi chủ nghĩa lý tưởng tuyệt đối trong triết học của Francis Bradley (1846-1924), đặc biệt là tác phẩm Thể diện và thực chất (Apperance and Reality, 1893).

Bốn khúc tứ tấu là: 1) Burnt Norton; 2) East Coker; 3) The Dry Salvager; 4) Little Gidding. Đoạn trích trên đây là phần I (mỗi khúc tứ tấu có 5 phần) của khúc đầu tiên. Burnt Norton là một điền trang ở Gloucestershire, gần nơi ở của Eliot.

- Năm dòng đầu: "Cả hiện tại... không thể nào chuộc lại" (Time present...  unredeemable) là cách hiểu các hình thái thời gian của Henri Bergson dẫn lời Kinh Thánh: "whatsoever God doeth it shall be for ever... That which hath been is now; and that which is to be hath already been..." (Ta biết rằng mọi việc Đức Chúa Trời làm nên còn có đời đời... Điều gì hiện có, đã có từ xưa... Cựu Ước_Truyền đạo 3: 14,15).

- Vườn hồng (rose-garden) – hình tượng luôn xuất hiện trong Bốn khúc tứ tấu, có nghĩa là vườn địa đàng được Eliot dùng như là biểu tượng của tình yêu với tâm hồn thức tỉnh.