Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại

Đăng bởi Cammy vào 11/05/2008 02:09

Năm 1967 nhà máy Xi măng ở đâu?

Những lò nung đang nung nấu điều gì
Nhà máy lầm lì
Bom nổ toạc những trần bê tông
Cốt thép lòi ra
Cửa nhà máy, mặt trời cháy trên vai pho tượng.

Không thấy khói
Không phải nhà máy chết
Cơlanhke ủn từng đống dưới nền đen
Lửa như đang nói thầm trong lò nung
Những người thợ ca đêm không có đèn vẫn nhận
ra nhau
Mùi dầu mỡ tuồi qua bom nổ chậm
Những cỗ máy hằn sâu vào đất
Lưng đêm mát mịn bột xi măng

Xích vệ II đi chiến đấu
Xích vệ III hoài thai dưới những chân ống khói
Có những người thợ xi măng đi làm thêm lò nung
cho các nơi
đường vào nhà máy lam nham, im ắng
Trên bụi than vẫn thấy dấu chân người
Ngửi mùi khói qua một làn gió nóng
Xi măng vẫn ra lò ở nhà máy xi măng
Điều đó dường như bí hiểm (?)
Mấy ống khói nhìn lên trời soi mói
Các phân xưởng máy đá, lò nung, nhà tháo
Trầm ngâm trong bình minh màu xi măng
Những hố bom chồng lên những hố bom
Đến những đêm trong lò, bàn tay người cầm đuốc
lửa thâm nghiêm;
Mà nhìn lên trời vẫn không thấy khói
Nhưng xi măng! Xi măng! vẫn ra lò ở
                                   nhà máy ximăng.

Khói ngầm, năm 1968 và lửa trong những tinh thể đá

Thành phố sau nhiều chiến công càng trở nên
điềm tĩnh
Những ngày vất vả hằn sâu trên mặt người gầy
sắt lại
Đến dòng sông chảy cuộn lên, dòng nước tựa như
cũng cứng đanh gân guốc
Những mắt người day dứt không gian.
Xác những mảnh máy bay thù nằm trơ ngoài chân sóng
Xà lan lừ lừ mang đá về
Mùa xuân cũng về theo đượm từng con gió muối
Phố bỗng xanh một mầu xanh nghĩ ngợi
Đi tìm khói trắng xi măng.

Mây ngổn ngang đầy trời như những đồng đá xanh
Ùn lên trên hai đầu cầu Thượng Lý
Quân thù ném bom điên cuồng, rồi ném bom hạn chế
Không thể diệt được khó xi măng (những cống khói trườn theo mạch đất)
Hoà cùng hơi nước mặt sông
Tất cả cứ như không
Trưa say đắm phía Tràng kênh nghe đá hát
Đường chân trời bình lặng có buồm đi.
Những cống khói ngầm
Vẫn nung tụ ngày đêm từng vạn tấn xi măng
Những bao xi măng chưa dựng xây thì chồng tạm lên nhau làm bệ tì của súng
Độ bền vững của xi măng là ý chí ngoan cường
Sau những trận quất lửa vào mặt quân thù người
thành phố nhìn về nhà  máy
Trên miệng ống khói lưng trời những ý nghĩ gặp nhau
Tiếng còi tàu rung vang ngoài cửa nắng
Dội vào lòng những người thợ xi măng
Ngấm vào đáy những người thợ xi măng
Ngấm vào đáy những bể bùn quện quánh
Bể bùn sôi sục màu phù sa

Làm lung linh những ngọn lửa ở trong lòng núi đá
Đá ngoi lên thành trữ lượng mấy nghìn năm trên những địa tầng
Làm nền móng cho ban mai phố xá
Thắp sáng đường đi cho những mạch khói ngầm
Xi măng và chiến tranh
Những cuộc đời dựng xây - những mảnh máy bay thù rơi trong sân nhà máy
Cơn gió nóng xoáy lên giữa thân lò…

Xi măng xanh, những ống khói năm 1969

Những con đường loang lổ
Những ngôi nhà tường vỡ ngói xô
Bây giờ. Tất cả hồi sinh
Thành phố âm vang trong trời nước bồng bềnh
Chân vịt con tàu sục sôi ngoài cửa sông
Hoa sóng nở đầy quanh bờ đá
Nối những ngày xi măng, những đêm xi măng.

Giặc Mỹ ngừng ném bom
Nhìn lại ống khói cụt đâm lên trời như lưỡi mác
Như còn chảy máu người trên sắt thép bị thương
Lòng đất nuốt đi những cống khói ngầm (3)
Đem lửa về cho năm lò nung
Mùa hè đến xôn xao như nỗi xúc động của những người đi đón khói

Ngày 19 tháng 5
Trời rất đẹp.
Những tầng khói lại vươn lên trắng muốt
Cho những người đi xa, lại lấy khói làm tin cho nỗi nhớ
Dưới tầng khói này đây là những con tàu
Là những đợt thuỷ triều đưa phù sa bồi vào chân vách phố
Là những ý nghĩ đậm đà trong gió biển đưa trao
Ai ở xa xôi, ximăng xanh thầm thì trong những
                                          đôi mắt ấy
Dẫu ngàn vạn tấn bom
Nền nhà máy đất cày đi xới lại
Những người thợ ximăng đem lửa tâm tư nuôi                   
                                          những mạch khói ngầm
Không một kẻ thù nào giết nổi.

Hôm nay khói trắng lại về
Khói mơ mộng và dịu dàng như tiếng hát
Người thợ dừng tay ngắm ống khói của mình
Lại nghĩ đến những mạch khói ngầm hôm qua
Nay đã thành máu của cuộc đời đang nóng rực
                                    trườn đi trong ngực đất.


1969 – 1970