“Hãm” là một thể cách (lối hát) rất tình tứ của Nghệ thuật Ca trù, thường được dùng trong các tiệc mừng thọ, tiệc vui để chuốc rượu. Tương truyền, “hãm” là do chữ “hàm” 酣 trong chữ Hán (có nghĩa là uống rượu say sưa) chuyển ngữ, đọc chệch mà thành. Do vậy, “hãm” còn có thể được hiểu là là khẩn khoản mời người uống rượu khiến người đó không thể từ chối được, nghĩa là hãm người được mời vào cái thế bắt buộc phải uống.

Về cấu trúc, một bài hát “hãm” thường được viết dưới dạng thơ lục bát với 2 hoặc 3 cặp câu 6-8, sau đó kết thúc bằng một câu 4 hoặc một câu 6 hiệp vần với câu 8 liền trước.

Trong lễ mừng thọ ngày xưa thường có ba tuần rượu gồm sơ hiến, á hiến và chung hiến, tức là tuần đầu, tuần giữa và tuần cuối. Ba tuần rượu đều có hát “hãm” để chúc mừng người đến tuổi thọ, nói lên niềm vui mừng của khách dự lễ thọ.

Về sau, trong các tiệc vui mà chủ tiệc có tổ chức hát Ca trù, cô đầu cũng sẽ hát các câu “hãm” để mời khách uống rượu cho say và ngâm thơ cho vui.

Về lời hát khi hát Hãm: Thông thường với một bài hát Hãm, các ca nương sẽ hát như sau (lấy ví dụ từ bài Hãm mời rượu của tác giả):

Đêm qua giá buốt từng cơn
Hỏi người quân tử có buồn chi không?
Tháng tận năm cùng
Hôm nay tháng tận năm cùng
Cùng em nâng chén trải lòng cho hay
Uống cạn chén này.