Cũng giống như hát “Hãm”, “Bắc phản” cũng là một thể cách (lối hát) của Nghệ thuật Ca trù. Bắc phản thường được dùng để bắt đầu vào một chầu hát chơi ở ca quán, nên còn được gọi là “Hát mở”. Sau khi ngồi vào chiếu xong, đào, kép sẽ dạo đàn, dạo phách hết khổ lá đầu và hát Bắc phản để sau đó bắt đầu chuyển sang các làn điệu “Hát nói”.

Điệu Bắc phản thường được đặt theo lối thơ lục bát với 3 cặp câu 6-8. Khi hát, ả đào (ca nương) sẽ bắt đầu hát bằng âm điệu thấp sau đó cao dần, tức là hát từ hơi Nam chuyển dần sang hơi Bắc, do đó gọi là hát Bắc phản. Âm điệu khi hát thì bằng phẳng chứ không lên xuống réo rắt như hát “Mưỡu”.

Các bài hát Bắc phản phổ biến, vẫn thường được các ca quán biểu diễn, gồm một số đoạn trích trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du như “Sen tàn cúc lại nở hoa…”, “Sân lai cách mấy nắng mưa…”, “Trời còn để có hôm nay…”, “Khúc đâu đầm ấm dương hoà…”… hay các bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ như Đùa quan đại thần, Vịnh cây thông…

Về lời hát khi hát Bắc phản: Tương tự như hát Hãm và hát Mưỡu, thông thường với một bài hát Bắc phản, các ca nương sẽ hát như sau (lấy ví dụ từ bài Bắc phản “Đầu xuân lễ Phật thăm chùa” của tác giả):

Đầu xuân lễ Phật thăm chùa
Cầu mong cha mẹ bốn mùa an khang
Rể thảo, cháu ngoan
Dâu hiền rể thảo, cháu ngoan
Muôn năm gia đạo bình an vững bền
Dâng lên
Lòng thành kính Phật dâng lên
Xin Người khai sáng, phát Tâm Bồ Đề…