15.00
Ngôn ngữ: Chữ Hán
Thể thơ: Thất ngôn cổ phong
Thời kỳ: Sơ Đường
5 bài trả lời: 4 bản dịch, 1 thảo luận

Đăng bởi hongha83 vào 09/10/2008 03:41, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 09/10/2008 05:32

龍池篇

龍池躍龍龍已飛,
龍德先天天不違。
池開天漢分黃道,
龍向天門入紫微。
邸第樓臺多氣色,
君王鳧雁有光輝。
爲報寰中百川水,
來朝此地莫東歸。

 

Long Trì thiên

Long Trì dược long long dĩ phi,
Long đức tiên thiên, thiên bất vi.
Trì khai Thiên Hán phân hoàng đạo,
Long hướng thiên môn nhập Tử Vi.
Để đệ lâu đài đa khí sắc,
Quân vương phù nhạn hữu quang huy.
Vị báo hoàn trung bách xuyên thuỷ,
Lai triều thử địa mạc đông quy.

 

Dịch nghĩa

Từ nơi ao rồng, rồng nhảy vượt lên, và bay vút đi
Đức sáng của rồng vốn có trước trời đất, nên trời cũng chẳng trái sai
Ao ấy mở ra giải Ngân Hà, và vạch đường đi cho mặt trời
Còn rồng thì hướng đến cửa trời mà nhập vào tòa Tử Vi
Dinh thự lâu đài của Đấng Thánh Vương đầy khí sắc
Và bầy chim của Ngài cũng được chan hòa ánh sáng
Nay báo cho tất cả sông ngòi trong hoàn vũ biết:
Hãy về chầu nơi đây, chứ đừng chảy sang hướng Đông nữa!


Long Trì là ao trong cung Hưng Khánh, bên ngoài hoàng thành Trường An, tương truyền có rồng xuất hiện. Đường Huyền Tông dùng nơi này để thết đãi các vương gia, nay là công viên Hưng Khánh trong thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Trọng San

Rồng nổi ao Rồng, bay vút đi
Trước trời, trời chẳng trái sai chi
Ao phơi Thiên Hán chia Hoàng Đạo
Rồng vượt thiên môn đến Tử Vi
Lớp lớp lâu đài nhiều khí sắc
Hàng hàng phù nhạn rực quang huy
Trăm sông xin hãy chầu sang đó
Chớ nhắm phương đông chảy lộn về.

Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bình của Nguyễn Hoài Văn

Tương truyền vua Minh Hoàng đời Đường có làm ra khúc Long Trì Nhạc. Thẩm Thuyên Kỳ chắc là đã nhân theo đó mà sáng tác bài này để nói lên niềm tin mạnh mẽ của ông vào cái "Chính Khí" vốn đầy trong trời đất, một lúc nào đó sẽ biểu lộ qua bậc lãnh tụ anh minh, tài đức phủ trùm thiên hạ.

Để diễn tả cái "Chính Khí" ấy, ông đã mượn hình tượng của quẻ Càn trong kinh Dịch. Dịch lý là một thành phần quan trọng của tư tưởng Đông Phương, xin nhân dịp này xét qua vài sắc thái cơ bản:

Tiền nhân ta thường dùng một hệ thống biểu tượng để diễn tả mọi sự vật hữu hình cũng như vô hình, trong thế giới vật chất cũng như trong phạm trù tâm lý. Hai biểu tượng đơn giản nhất là Âm và Dương. Trong Dịch lý, người ta vẽ một gạch liền để chỉ Dương, và một gạch đứt để chỉ Âm. Rồi người ta chồng những gạch đứt và gạch liền lên nhau để làm thành những "quẻ", gồm ba, rồi sáu gạch, mỗi gạch gọi là "hào". Quẻ Thuần Càn nói đến ở đây gồm 6 gạch liền, tức là 6 Hào Dương, chồng lên nhau. Đó là đầu mối của một hệ thống gồm 64 quẻ. Theo Chu Hy, thì Càn "sánh với Trời". Kinh Dịch nói: "Lớn thay cái Đạo Nguyên Thuỷ của Càn, nguồn của vạn vật, thống suất toàn Vũ Trụ". Tức là sự biến hoá của quẻ Càn (bằng cách đổi một số gạch liền thành gạch đứt) cho ra 63 quẻ khác, tượng trưng cho mọi sự vật trong vũ trụ. Ở đoạn khác lời Kinh nói: "Đạo Càn biến hoá, làm cho tính mệnh muôn vật đều chính xác, giữ gìn được sự điều hợp thái hoà trong vạn hữu". Mặt khác, những gì quẻ Càn tượng trưng, gọi là "Đức" của quẻ Càn, cũng chính là gương sáng cho người Quân Tử noi theo trong cuộc sống: "người Quân Tử lấy sự thành đạt cái Đức ấy làm nền nếp cho công việc hàng ngày của mình, mà ai ai cũng có thể thấy được" (Quân Tử thành Đức vi hạnh, nhất khả kiến chi hành dã).


RỒNG KHI ẨN NÁU:

Nói đến công việc hàng ngày, tức là nói đến những con người bình thường, sống đời sống bình thường. Nếu trong những sinh hoạt bình thường ấy, mà tiềm ẩn cái Đức của Càn, thì coi như ứng với hào dưới cùng của quẻ, gọi là "tiềm long vật dụng", tức là: rồng còn ở ẩn, tài đức chưa được đem ra thi thố trong thiên hạ. Thật vậy, "Dương" là mạnh mẽ, là ở trên, mà hào Dương này lại nằm mãi tận dưới cùng của quẻ, nên Chu Hy mới nói đó là "cái Khí Dương còn ở chỗ thấp, chưa đem ra dùng được". Khổng Tử thì gọi đây là "người có Đức tốt mà còn ẩn náu, không thay đổi chí hướng của mình trong cuộc sống, cho dù không được danh tiếng, cho dù người đời chẳng hề biết đến, vẫn không lấy đó làm buồn, vẫn vui vẻ hành sử theo Đạo, chỉ biết lo sao cho đừng trái Đạo, tâm hồn không gì lay chuyển được..." Trong bài thơ, điều này ứng với hình ảnh rồng còn ẩn phục trong ao, chưa xuất đầu lộ diện.


AO RỒNG:

Nếu rồng chưa xuất đầu lộ diện, chưa ai thấy được, thì ao kia đâu đã gọi được là "ao rồng" ? Muốn có "ao rồng" thì phải tiến lên hào thứ hai, từ dưới lên, của quẻ, gọi là "hiện long tại điền" (rồng hiện ra trên cánh đồng). Tượng của hào này là khí dương tuy vẫn còn thấp nhưng đã khởi sự trồi lên khỏi cuộc sống tầm thường chung quanh, nên đã bắt đầu được người đời biết đến. Theo Chu Hy, hào ấy ứng với "kẻ Đại Nhân tuy chưa có địa vị cao, mà tài đức đã rõ rệt, người thường không sánh nổi". Trong bài thơ, đó chính là hình ảnh cái ao đã được biết là "ao rồng", vì có rồng hiện lên, ai nấy đều tôn trọng.


RỒNG NHẢY:

Tư thế của bậc Đại Nhân càng ngày càng nổi danh trong đám phàm phu, đến một lúc nào đó, trở thành một tình trạng rất mực nguy hiểm. Đó là tượng của hào thứ ba, từ dưới lên, của quẻ Càn. Lời Kinh nói:"Người Quân Tử phải suốt ngày mau lẹ, đêm tối vẫn còn lo toan tính, vì biết dù cho mình không có lỗi lầm chi, nhưng vẫn đang ở địa vị nguy ngập". Tại sao lại bị nguy hiểm ? Chúng ta có thể tưởng tượng những ganh tỵ ám hại đến từ đám tiểu nhân thấp kém chung quanh, đồng thời với những đe doạ giết chóc, tù tội, của bọn hôn quân bạo chúa đương thời, thấy bậc Đại Nhân mà lo sợ cho địa vị của chúng. Theo Chu Hy thì tư thê của hào thứ ba này là ở giữa, nên đáng lý phải mềm dẻo để dung hoà với cả đôi bên, mà đàng này nó lại là một hào dương, nên quá cứng rắn, có thể bị hại từ cả hai phía. Mặt khác, hào ấy lại đứng ở bực trên trong đám thấp kém, nên vừa lộ hình tích, dễ bị hại, mà lại chưa đủ thế mạnh để tự bảo vệ, nên đúng là chỗ nguy vậy. Vì thê, người Quân Tử ở vào cảnh huống ấy, phải đêm ngày toan tính. Tính chuyện chi ? Khổng Tử nói về hào này có câu:"người Quân Tử biết đi tới được thì đi tới, biết có thể làm trọn được, thì làm trọn". Chu Hy giải thích:"biết làm trọn được, thì làm trọn, là việc dựng nghiệp". Cái mà người Quân Tử phải toan tính, chính là điều này.

Tức là phải nhảy vượt lên như hình tượng "rồng nhảy lên khỏi vực sâu" của hào thứ tư trong quẻ Càn (hoặc dược tại uyên). Trong bài thơ, đó chính là hai chữ "dược long" nơi câu đầu. Hai chữ này tượng trưng cho bậc Đại Nhân, đã quyết chí đứng vào địa vị lãnh đạo, tức là đã rời phần dưới của quẻ (ba hào dưới), mạnh dạn vượt lên phần trên (hào bốn), nhưng trong phần trên ấy vẫn còn ở vào chỗ thấp, tức là cái thế vẫn chưa được mạnh, sự nghiệp mới dấy lên, vẫn còn phôi thai non kém.


RỒNG BAY:

Sau khi đã khởi nghiệp, rồng càng lúc càng lên cao, và bay vút đi. Trong bài thơ, đó là các chữ "long dĩ phi", ứng với hào thứ năm của quẻ Càn, có tên là "phi long tại thiên". Lời Kinh nói rằng:"Rồng bay lên trời là công trình của bậc Đại Nhân" (phi long tại thiên, Đại Nhân tạo dã). Khổng Tử coi đó là "bậc Thánh Nhân ra tay, vạn vật đều thấy". Sở dĩ vạn vật đều thấy là vì ở trên trời. Để cho rõ ràng hơn, Chu Hy xác định Đấng Thánh Nhân ấy chính là Vị "đứng đầu loài người".


LONG ĐỨC TIÊN THIÊN:

Vì quẻ Càn lấy rồng làm biểu tượng nên "Long Đức" chính là cái Đức của quẻ Càn. Đức ấy vốn hằng có, nên gọi là "trước trời" (Tiên thiên). Trong khoa học Đông Phương, Tiên Thiên có nhiều nghĩa. Nói về hiện tượng, thì Tiên Thiên là trước hiện tượng, trong khi Hậu Thiên là sau hiện tượng. Tiên thiên như hạt giống nằm sâu dưới mặt đất, nhưng đã tiềm tàng khả năng cho ra những thứ "hậu thiên" như cành, lá v.v...nên tiên thiên là tiềm năng, còn hậu thiên là sự hiện thực tiềm năng ấy. Tiên thiên cũng là tổng hợp các quy luật cấu thành vũ trụ, nên có trước vũ trụ vạn vật. Trong Y Học, tiên thiên là tất cả những gì cha mẹ truyền cho, trong khi hậu thiên là những gì mỗi người tự hấp thụ lấy từ môi trường sống sau khi chào đời. Long Đức thuộc về tiên thiên, nên Trời chẳng bao giờ trái lại (Thiên bất vi). Đó cũng là Đức của Trời, nên lời Kinh nói:"có Đức Trời để hưởng ngôi Trời" (nãi vị hồ Thiên Đức). Đoạn khác nói:"Đại Nhân lấy cái Đức của mình hợp với cái Đức của Trời Đất, lấy cái sáng của mình hợp với cái sáng của mặt trời mặt trăng (...), và vì là "tiên thiên" nên chẳng bao giờ bị Trời trái ý (tiên thiên nhi thiên bất vi), để khi hành sự trong hậu thiên (tức là trong thế giới vật chất hiện tượng thông thường), cũng luôn theo đúng với ý Trời" (hậu thiên nhi phụng Thiên thời). Chu Hy bàn thêm, đại ý rằng: Con người với Trời Đất, Thân Thánh, cùng chung một bản thể, nhưng vì con người mang ảo tưởng mình hiện hữu riêng biệt, nên tự cô lập trong ảo tưởng một "cái tôi" hạn chế mà không thông cảm được với Trời Đất, Thần Thánh, vạn vật. Kẻ Đại Nhân biết dẹp ảo vọng "cái tôi" hạn hẹp, ý thức Đạo là bản thể của mình, nên không còn phân biệt sau trước, đó đây, mà luôn hoà hợp với mọi sự. Tư tưởng này, đời nhà Tống, chắc là rất bị ảnh hưởng bởi khái niệm "vô phân biệt trí" của nhà Phật. Vô Phân Biệt thì không còn thời gian (sau trước), cũng không còn không gian (đó đây), mà lúc nào cũng là lúc này, chỗ nào cũng là chỗ này, có thể đem đặt gần với khái niệm "tiên thiên", lúc trước khi có hiện tượng, trong kinh Dịch. Sau khi đã có hiện tượng, thì đương nhiên là có phân biệt, có thời và không gian. Nhưng, khi đó, nêu nắm vững được cái bản thể của mọi hiện tượng, thì hành sự sẽ không sai lầm, sẽ luôn phù hợp với những quy luật thường hằng điều hành mọi sự. Tức là nắm được cái "Long Đức tiên thiên" thì Trời sẽ chẳng trái ý (Thiên bất vi). Thật vậy, khi không còn ý riêng của mình, vì đã dẹp bỏ "cái tôi" nhỏ bé, thì chỉ còn Ý Trời, chứ còn đâu ý nào khác nữa mà để cho Trời phải "trái ý" ?


NGÔI TỬ VI:

Các câu ba và bốn thừa theo hai câu đầu mà nói thêm về ao và rồng. Câu ba, tả ao, thì bảo:"Trì khai Thiên Hán phân Hoàng Đạo", nghĩa là "ao ấy mở ra giải Ngân Hà, và vẽ đường đi cho mặt trời". Đó là cái ý "Thiên bất vi", nhưng nghiêng về tư tưởng "làm chủ Trời Đất, Vũ Trụ".

Câu bốn, tả rồng, cho rằng:"Long hướng thiên môn nhập Tử Vi", rồng hướng đến cửa trời để nhập vào toà Tử Vi, tức là chỗ của bậc Thiên Tử. Đó cũng vẫn là ý nghĩa thống trị, đã có trong Kinh Dịch khi bàn về hào năm của quẻ Càn: "rồng ở trên trời, là ở ngôi trên mà cai trị" (phi long tại thiên, thượng trị dã). Nhà Nho, cũng như Platon ở Cổ Hy Lạp, thường cho là bậc hiền triết, Đại Nhân, phải ngồi vào ngôi Vua, để cho "muôn nước được yên" như lời Kinh Dịch (vạn quốc hàm ninh). Lịch sử cho thấy điều đó rất hiếm hoi. Có lẽ vì thế mà "vạn quốc" luôn nhiễu nhương, đau khổ ?


SỰ RỰC RỠ HUY HOÀNG CỦA TRIỀU VUA THÁNH:

Bốn câu đầu, kết thúc bằng ba chữ "nhập Tử Vi", cho thấy tác giả quy kết tất cả vào sự dựng thành một triều Vua Thánh. Vì thế, sau khi đã vẽ lên quá trình thăng tiến của bậc Thánh Vương, từ lúc ẩn dật cho đến thời vinh hiển, tác giả dùng bốn câu kế tiếp để đem hết tất cả lòng nhiệt thành hăng hái của mình ra mà tán dương cảnh tượng rực rỡ huy hoàng của cái triều đại lý tưởng mà ông tin chắc sẽ có ngày hiện đến:

Trong câu thứ năm ông tả cảnh cung điện lâu đài nhà Vua muôn vàn khí sắc, và ở câu thứ sáu, gợi lên cho thấy ánh sáng của Vị Thánh Vương chan hoà đến nỗi bầy vịt đồng và chim nhạn của Ngài cũng đầy vẻ rực rỡ quang huy (bầy "phù nhạn" thường được ví với các quần thần của nhà Vua). Không tả chính vị Thánh Vương mà chỉ tả những sự vật chung quanh, không cần nói đến "khí sắc" của Ngài, mà chỉ nói đến "khí sắc" của lâu đài đền điện, chẳng một lời về ánh sáng của Vua, mà chỉ tán dương sự sáng lạn rực rỡ của đám vịt trời và chim nhạn, bút pháp ấy quả là rất cao vậy!


VỀ CHẦU NƠI ĐÂY!

Thật ra, tác giả đã dành hình ảnh mạnh mẽ nhất của bài thơ cho hai câu kết, khi bảo với toàn thể sông ngòi trong "hoàn vũ" (vị báo hoàn trung bách xuyên thuỷ), rằng: từ nay trở đi hãy về chầu nơi ao rồng này, chứ đừng chảy ra Biển Đông nữa! Người xưa lấy Biển Đông làm biểu tượng của tất cả các biển, và hướng Đông là hướng của Biển Đông, nên bài thơ mới nói "mạc Đông quy". Sở dĩ dùng chữ "quy", nghĩa là "về", vì nước vốn do biển mà có, biển là gốc của nước, nên nước chảy ra biển chính là trở về với cái gốc của mình. Nói cách khác, biển là nơi tụ về của mọi sông ngòi, ứng với câu "thù đồ đồng quy" (khác đường nhưng về cùng một chỗ) trong kinh Dịch. Và về cùng một chỗ, cũng chính là trở về với cái Bản Thể chung của tất cả. Vậy, nay Ao Rồng kia đã là nơi nảy sinh ra Đấng tượng trưng cho cái Bản Thể ấy. Thế thì sông ngòi còn chảy ra biển Đông làm gì nữa, mà phải đến chầu nơi Ao Rồng này chứ! Dù ý thức rằng đây chỉ là một hình ảnh có tính cách biểu tượng, tấm lòng đã thốt lên được điều ấy cũng chẳng thể tầm thường, mà phải dung chứa một niềm tin sắt đá, một ý chí hăng say, một "khí lực mạnh mẽ" như lời Kim Thánh Thán khi phê bình bài thơ này. Niềm tin mạnh mẽ ấy nằm trong tư tưởng của Nhà Nho luôn lấy Đạo Đức của các bậc Vua Thánh thời Thượng Cổ làm gương mẫu, và luôn trông chờ sự trở lại của một triều đại Thánh Vương như vậy, để đem lại thái bình an vui cho thiên hạ.

Cho rằng những lời tán tụng trong bài này là dành cho một vị Vua nào đó của nhà Đường, thì thật đáng hổ thẹn cho Thẩm Thuyên Kỳ lắm lắm. Kẻ từng lăn lộn trong quan trường như ông lẽ nào chẳng biết cái lẽ còn mất của những triều đại mới vừa vinh quang đã nát tan, tàn tạ, của những trào Vua chưa kịp hưng thịnh đã vội vàng sụp đổ như lâu đài trên cát ? Trung Quốc, và cả Nhà Đường mà Thẩm Thuyên Kỳ phụng sự, đều đã trải qua trăm cuộc bể dâu, có chi đâu là vững chắc, trường cửu, để có thể nói lên câu "Thiên bất vi", hay răn dạy "trăm sông ngòi trong hoàn vũ" phải chầu về nơi Đất Thánh ?
O

TÓM LẠI:

Bài này diễn đạt một cách mạnh mẽ niềm tin vào một Vị Thánh Vương ra đời cứu độ thiên hạ, như từng được nói đến trong Kinh Dịch (câu 1), để chấm dứt những bất hạnh mà các xã hội con người luôn phải gánh chịu. Vì ý muốn của Người là Ý Muốn của Trời (câu 2), nên Vị Thánh Vương này không những sẽ thống trị loài người, mà còn khắc phục được cả vũ trụ vạn vật (câu 3 và câu 4). Triều Đại của Người sẽ là một Triều Đại chan hoà ánh sáng (câu 5). Vinh quang của Người sẽ chiếu đến muôn loài (câu 6). Và muôn loài sẽ quay về với Người như những đứa con về với mẹ hiền, như sông chảy ra biển, vì Người chính là hiện thân của bản thể của vạn hữu (câu 7 và 8).

Phải chăng có thể hiểu rằng: trong bất kỳ nền văn minh nào, ở bất kỳ thời đại nào, và bất cứ nơi đâu, con người cũng luôn mang niềm tin vào một Đấng Cứu Tinh, với quyền uy tuyệt đối, có khả năng đem được mình ra khỏi những đoạ đày của cuộc sống ? Và phải chăng Thuyết Cứu Rỗi (Messianisme) chính là một phương cách để nói lên lòng tin tưởng rằng Thượng Đế luôn yêu thương con người như Cha nhân từ mến yêu bầy con nhỏ ?

Có lẽ đó là nguồn của mọi hy vọng, và của cuộc sống, vì ai trong chúng ta lại không từng cảm thấy rằng:

Sống chẳng qua chính là Hy Vọng ?

Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu

Ao Rồng rồng nhảy, rồng bay đi,
Trời với đức rồng chẳng trái nghi.
Ao khơi Thiên Hán chia Hoàng Đạo,
Rồng hướng Thiên Môn tới Tử Vi.
Dinh thự lầu đài tươi khí sắc,
Quân vương thần tử rỡ quang huy.
Hoàn vũ trăm sông xin nhắn bảo:
Chầu đây, còn phải chảy đông chi!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Minh

Rồng trong ao, rồng đà bay mất
Đức của rồng có trước đức trời
Chia hoàng đạo, Ngân hà khơi
Tử vi rồng nhập, cổng trời bay qua
Lâu đài điện hào hoa khí sắc
Bày tôi vua nét mặt rỡ ràng
Báo cho hoàn vũ trăm sông
Về đây triều bái, xuôi đông khỏi cần.

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Rồng nhảy vượt ao bay vút đi,
Trước trời đức sáng rồng đương thì.
Ngân Hà ao mở chia Hoàng Đạo,
Rồng hướng cửa trời nhập Tử Vi.
Dinh thự Thánh Vương đầy khí sắc,
Bầy tôi Hoàng Thượng rực quang huy.
Sông ngòi hoàn vũ tin cho biết:
Đây trước, sang Đông đừng chảy chi.

15.00
Trả lời