Hình ảnh về người bà có lẽ là hình ảnh quá đỗi quen thuộc trong các tác phẩm văn chương Việt Nam. Có người viết thành truyện, có người làm thơ, có người phổ thành nhạc để mang đến cho độc giả những mẩu chuyện, bài thơ, bài ca sâu lắng. Đến với nhà thơ Thạch Quỳ, ta bắt gặp hình ảnh người bà qua cách thể hiện tình cảm của người cháu thông qua bài thơ ngắn Quạt cho bà ngủ đậm chất trữ tình, dạt dào cảm xúc.

Bài thơ bốn chữ với lớp ngôn từ giản dị, mộc mạc, gần gũi với đời sống đã đưa người đọc vào lời thơ một cách tự nhiên. Bài thơ Quạt cho bà ngủ là tình cảm yêu thương của người cháu dành cho bà của mình. Những cử chỉ, hành động chăm sóc bà khiến độc giả không khỏi cảm động và thấp thoáng đâu đó bóng dáng mình.

Mở đầu bài thơ, Thạch Quỳ viết:

Ơi chích choè ơi
Chim đừng hót nữa
Bà em ốm rồi
Lặng cho bà ngủ
Tiếng gọi hồn nhiên, trong veo của người cháu nói với chim chích choè. Tiếng hót ngân nga của chích choè khiến người cháu lo sợ cho giấc ngủ của bà. Bà đang ngủ và em sợ rằng bà sẽ tỉnh giấc bởi âm thanh ấy. Hơn thế nữa, vì “Bà em ốm rồi”, em biết đối với người ốm thì sự yên tĩnh cần được đề cao. Một người cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo làm ta không khỏi cảm thán về sự đáng yêu và hiểu chuyện từ em.
Bàn tay bé nhỏ
Vẫy quạt thật đều
Ngấn nắng thiu thiu
Đậu trên tường vắng
Em bé với đôi bàn tay nhỏ xíu đang “vẫy quạt thật đều” cho bà ngủ. Từ “ngấn nắng” mang đến cảm giác thật kì lạ! Không gian chìm vào tĩnh mịch, để bà nghỉ ngơi, mau chóng khỏi bệnh, người cháu đã làm những việc mà bản thân có thể làm để giúp bà. Nào là “khẩn cầu” chim chích choè đừng hót, nào là quạt ru bà ngủ. Hình ảnh người cháu với tình yêu chân thành dành cho bà khiến ta vô cùng cảm động.
Căn nhà đã vắng
Cốc chén lặng im
Đôi mắt lim dim
Ngủ ngon bà nhé
Bà ốm, bà nghỉ ngơi, mọi thứ dường như trở về với sự im ắng đến lạ thường. Nếu bà khoẻ, bà sẽ vui đùa cùng cháu như ngày trước. Giờ đây, khi bà bệnh, người cháu chỉ có thể cầu mong cho bà ngủ ngon và mau chóng khỏi bệnh như lúc xưa. Tâm trạng buồn bã của em cũng chính là cách mà sự vật trong ngôi nhà thể hiện cảm xúc. Căn nhà vắng bóng tiếng cười đùa, cốc chén cũng lặng im.
Hoa xoan, hoa khế
Chín lặng trong vườn
Bà mơ tay cháu
Quạt đầy hương thơm
Khổ cuối khép lại mở ra một khung cảnh mới. Không còn điểm nhìn trong nhà, tác giả hướng tới ngoại cảnh. Sân vườn ngoài kia, hoa xoan, hoa khế buồn trĩu lòng khi biết tin bà ốm. Cỏ cây, hoa lá trong vườn một tay bà săn sóc. Ai cũng muốn đến mùa thu hoạch được chính tay bà hái xuống. Sự vật được nhân hoá với nỗi buồn. Và rồi trong giấc mơ, bà “mơ” bàn tay nhỏ bé của cháu “Quạt đầy hương thơm”. Đó là hương thơm của tình yêu gia đình, là tình cảm chân thành toả hương từ người cháu lo lắng khi bà bệnh. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng, quý giá và đáng trân trọng.

Bài thơ Quạt cho bà ngủ của nhà thơ Thạch Quỳ khiến chúng ta cảm nhận có bóng dáng mình đâu đây. Gần như chúng ta, ai cũng có một tuổi thơ đáng nhớ bên bà. Bà chăm sóc ân cần, chu đáo những người cháu của mình. Bà lo từng miếng ăn giấc ngủ, chuyện trò và chơi đùa. Rồi khi bà ốm, ta cũng từng lo lắng đến oà khóc. Bài thơ chạm đến trái tim độc giả với ca từ đơn giản nhưng chân thành. Đó là tiếng lòng của tình yêu thương mà tác giả. Có chăng, ông cũng đã từng như thế? Chỉ có thể trải qua, hiểu và đồng cảm thì mới có thể viết được bài thơ hay đến như vậy.

Có thể nói, bài thơ Quạt cho bà ngủ là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của nhà thơ Thạch Quỳ. Bài thơ đã thể hiện được tình yêu của người cháu dành cho bà.

tửu tận tình do tại