224.55
Ngôn ngữ: Chữ Hán
Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt
Thời kỳ: Trung Đường
81 bài trả lời: 66 bản dịch, 15 thảo luận
88 người thích
Từ khoá: hoa đào (55) mùa xuân (293) thanh minh (32) người đẹp (119) thơ phổ nhạc (636)

Đăng bởi Vanachi vào 21/03/2005 00:59, đã sửa 5 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 14/11/2011 23:29

題都城南莊【題昔所見處】

去年今日此門中,
人面桃花相映紅。
人面不知何處去?
桃花依舊笑春風。

 

Đề đô thành nam trang [Đề tích sở kiến xứ]

Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong.

 

Dịch nghĩa

Năm trước ngày này ngay cửa này,
Mặt người, hoa đào ánh hồng lẫn nhau.
Mặt người chẳng biết đã đi đâu,
Vẫn hoa đào năm ngoái đang cười giỡn với gió xuân.


Theo Tình sử của Phùng Mộng Long, Thôi Hộ nhân tiết thanh minh một mình đi chơi về phía nam đô thành, thấy một ấp trại chung quanh đầy hoa đào. Thôi Hộ gõ cửa xin nước uống, một người con gái mở cổng, hỏi tên họ rồi bưng nước đến, người con gái sắc đẹp đậm đà, duyên dáng, tình ý, dịu dàng kín đáo. Năm sau, cũng vào tiết thanh minh, Thôi Hộ lại đến tìm người cũ thì cửa đóng then cài, nhân đó mới đề lên cánh cửa bên trái bài thơ này. Người con gái xem thơ, nhớ thương rồi ốm chết. Chợt Thôi Hộ đến, nghe tiếng khóc bèn chạy vào ôm thây mà khóc. Người con gái bỗng hồi tỉnh rồi sống lại. Ông bố bèn đem cô gái gả cho Thôi Hộ. Cũng từ điển này, người ta thường ví mặt người con gái đẹp với hoa đào.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 9 trang (81 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đề đô thành nam trang

Hôm nay năm ngoái cửa cài
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
Mặt người chẳng biết đâu rồi
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.
(Trần Trọng Kim)
Mình thích đọc bản chữ Hán hơn bản dịch thơ. Nhưng mà, suy nghĩ mãi, không biết cái thần của bài thơ (hay tâm trạng của tác giả) được đặt trong câu nào, hay từ nào trong bài? Ý mình nói là từ khoá của bài thơ. Có ai giải đáp giúp mình với.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Quảng Tuân

Năm ngoái ngày này trong cánh cửa,
Hoa đào mặt ngọc ánh đua hồng.
Năm nay mặt ngọc đi đâu vắng,
Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Vô sự tiểu thần tiên
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Trao đổi với bạn Hoàng Giáp Tôn

Theo tôi, không nên vẽ rắn thêm chân, đoạn chương thủ nghĩa. Trong khi nguyên văn chữ Hán của Thôi Hộ, chú thích của Phùng Mộng Long, và nhất là bản dịch của bạn Hoàng Giáp Tôn vẫn còn đính ngay phía trên đầu: "Ngày này năm ngoái tại cửa này", thế thì chữ "y cựu" trong logic bài thơ này còn cách hiểu nào khác ngoài "vẫn như (năm ngoái)"?

Thêm vào đó, chuyện bạn cộng ngày tháng, suy diễn là Kim Trọng trở về vào mùa đông, liệu đã đúng chưa? Nếu cứ theo cách lý giải đó, thì bạn còn phải tính thêm những điểm này nữa: từ lúc Kim Trọng chia tay Kiều vào cuối xuân, quãng đường về Liêu Dương hết bao nhiêu ngày/tháng? Sau 6 tháng đó, Kim Trọng quay lại thì hết bao nhiêu ngày/tháng? Cộng cả vào thì mới khẳng định được... Đi làm cái việc chẻ hoe câu chữ với những căn cứ chưa rõ ràng, chi bằng nhìn thẳng vào câu lục bát đó thì hơn.

Du ư nghệ
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Kính phúc đáp

KG: @ U Côc Khách
Phải làm đến cả U Cốc Khách phải “hạ sơn” và chỉ giáo cho tại hạ thì quả thật là đã mắc lỗi lầm nào đó rồi đây? Trước hết xin cám ơn các hạ, tại hạ xin lãnh giáo.
Tại hạ đang đọc Kiều, và cho đến nay “sắp chỉ còn mỗi một thứ tóc trên đầu” vẫn tự thấy chưa hiểu biết “Kiều của Nguyễn Du” được mấy! Vì thế cứ phải vừa đọc vừa phải tra cứu cố tìm thêm những chú thích đặng học thêm. Nhưng sức hèn, nên càng tra cứu càng thấy rối, càng học càng thấy dốt. Hỡi ôi! Vốn biết trình độ mình còn dốt và hạn hẹp, nhưng cứ bị thôi thúc trong lòng “tò mò, tọc mạch” muốn học thêm nhiều, nên gặp chỗ nào nghĩ mãi chưa ra tại hạ lại đi hỏi. Việc đăng trên mục thảo luận thêm này cũng cốt là để hỏi, đặng mong nhờ các bậc cao minh, các bạn hữu cho thêm ý kiến để rộng đường kiến thức cho mình hơn.
Các chú thích cho Kiều, cho thơ Đường hay cho các thơ khác nữa, thường rất phong phú, khác nhau có khi ngược nhau. Tìm ra một đáp số duy nhất không phải lúc nào cũng làm được, đôi khi muốn “điên cái đầu” dễ “tẩu hoả nhập ma”. Và nhiều trường hợp không thể tìm được. Bởi lẽ thực tế nó đa dạng, đa nghĩa..giống như có bài toán một nghiệm, có bài toán đa nghiệm. Vậy thì ta cứ khách quan mà chấp nhận nó không việc gì phải hốt hoảng rồi sau đó khăng khăng phủ nhận, vùi dập nó. Trong thư, các hạ có nói tới số đo thời gian. Vâng, với chỉ một “ba thu” (三秋) mà chú thích, cắt nghĩa đã là: 3 tháng, 9 tháng và 3 năm. Mà đều đúng cả đấy chứ.
Tại hạ chỉ suy nghĩ đơn giản rằng, ở trên đời có sự vật (không phải là tất cả sự vật) giống như một “ống kính vạn hoa”, mỗi người đặt mắt nhìn vào nó đều thấy hình ảnh hoa cho riêng mình. Nhưng nếu ta tin tưởng, lắng nghe người khác, tin vào sự thật và lắng nghe cái lô- gích mô tả của họ thì con mắt của ta coi như cũng được có cái nhìn phong phú hơn trải cả cơ hội thấy hình ảnh mà họ đã thấy (còn ta thì hình ảnh đó thì khó khó lắm để thấy chính hình ảnh đó lặp lại trong kính vạn hoa). Cố gắng tìm kiếm chấp nhận một con người, một ý kiến của con người đó (duy nhất - một nghiệm số), nhưng cũng cần phải chấp nhận cả những con người khác và những ý kiến của họ (cộng đồng - đa nghiệm). Có thế mới nên một xã hội cộng đồng văn minh.
Tiện đây, cũng xin cung cấp một chi tiết, Tản Đà cũng đã “phê” Nguyễn Du thiếu logic khi cho Kim Trọng đến trọ sát vách nhà Kiều suốt 2 tháng trời, tận đến ngày Kiều “bỏ quên” thoa trên cây đào để Kim Trọng “bắt được hư không” rồi v,v..mà 2 tháng đó Vương Quan, Kim Trọng vốn là bạn học lại không gặp nhau, qua nhà chào hỏi..để có cơ hội Kim, Kiều giáp mặt?!!
Tưởng đăng ý kiến lên thảo luận cũng làm vài bạn hào hứng giống mình mổ xẻ, tìm tòi, học hỏi, không ngờ lại làm các bạn bực mình, thôi thì “ngàn lần xin lỗi”. Để chuộc lỗi tại hạ xin “lẩy Kiều” từ 2 câu 1147, 1148 trong “Kiều” để ta tội:
   “Thân ngu đâu quản lấm đầu,
   Chút lòng ham học từ sau xin chừa”
Xin cám ơn tất cả các bạn. Xin chào và hứa không dám làm phiền các bạn thêm nữa!
HGT.


PS: Nhưng dù sao tôi vẫn tin rằng Nguyễn Du không dịch 2 câu của Thôi Hộ để đưa vào Kiều mà chỉ mượn chất liệu để dùng cho một trường hợp khác với những sửa chữa và hiệu chỉnh rất tinh tế phân biệt được giữa 2 trường hợp.
25.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Gửi bạn Hoàng Giáp Tôn

Tôi cũng xin hiến một câu lẩy Kiều:
Hiên tà gác bóng chênh chênh,
Biết duyên mình biết phận mình thế thôi.
:D

Du ư nghệ
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Góp lời

Thơ chữ Hán thật là tinh tế và sâu sắc. Nhiều khi không thể diễn tả được bằng thơ ta, mặc dù chữ nghĩa đều đã rõ cả. Với bài thơ "Đề đô thành nam trang" của Thôi Hộ tôi chỉ thích đọc nguyên thể của nó. Hoặc khi ngâm nga với câu Kiều: "Trước sau nào thấy bóng người, hoa đào năm ngoái còn cười gió đông". Thật là thú vị, sảng khoái biết bao!

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đinh Tú Anh

Ngày này, năm ngoái đến đây
Mặt em nhuộm sắc đỏ hây cánh đào
Bữa nay em ở chốn nào
Hoa đào còn đó vẫy chào gió xuân.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Anh Tân

Ngày này năm ngoái tại nhà trong
mỹ nữ cùng hoa đọ sắc hồng
Người ấy giờ đâu không thấy bóng
Hoa đào lại cợt gió đông không

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

đôi điều

công nhận bài này khó dịch thật ! ngay câu đầu tiên thôi mà mình chẳng thấy thích câu nào trong các bản dịch cả ! có lẽ nên để nguyên tác là hay nhất !

14.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Thien Thanh

Ngày này năm trước nơi đây,
Hoa đào ánh nét hây hây mặt người.
Hôm nay người ở đâu rồi,
Hoa đào vẫn nở vẫn cười gió xuân.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời

Trang trong tổng số 9 trang (81 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối