Bác ơi!
          Tết đến.
                   Giao thừa đó
Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần
Ríu rít đàn em vui pháo nổ
Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân...
(Tố Hữu)
Dẫu rằng ước mong đó giờ đây chỉ còn trong tâm khảm, nhưng cứ mỗi độ xuân về, tấm lòng mỗi người con nước Việt lại bùi ngùi khôn xiết. Những vần thơ chan chứa ân tình, tình của núi non sông nước, tình của một tấm lòng cao cả chở che.

Đã thành thông lệ, có lẽ ngàn đời về sau, lời chúc tết của vị Chủ tịch nước gửi tới toàn thể đồng bào trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài sẽ mãi mãi trường tồn. Xuân sang, chúng con khôn nguôi nỗi nhớ Người, vóc dáng hình hài cùng những vần thơ sắt son chất thép. Sự kết tinh của chủ nghĩa anh hùng cao cả trong một tấm lòng bình dị đã lan toả khắp không gian và thời gian, cuộn mình chảy với dòng máu Lạc Hồng.

22 bài thơ chúc Tết của Người là 22 lời kêu gọi sức mạnh đoàn kết và lý tưởng cách mạng cao cả. Ẩn sâu trong những khúc ca hào sảng ấy là một tấm lòng vì nước vì dân. Lần cuối cùng đón xuân cùng nhân dân cả nước ở cõi dương gian này, trái tim Người vẫn không ngừng trào sôi ngọn lửa đấu tranh:
Nǎm qua thắng lợi vẻ vang,
Nǎm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn!
(Thơ chúc tết xuân Kỷ Dậu – 1969)
Thật tự nhiên, những vần thơ ấy đã đi vào lòng người và âm thầm chảy mãi. Khắc giao hoà của đất trời đã hoà chung cùng ước vọng thiêng liêng của cả dân tộc. Ánh trong chất thép rắn chắc ấy là sự dung dị của tứ thơ, của lý tưởng cộng sản vững bền không gì lay chuyển nổi.

Trong quá khứ, mảnh đất này đã là nơi thấm đầy máu và nước mắt của cõi người, với biết bao nỗi thống khổ giữa sự sống và cái chết, giữa gặp gỡ và chia ly. Dòng sông Gianh hiền hoà đã có lúc như một lằn roi quất ngang chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài thời Trịnh Nguyễn, cũng chính nó chứng kiến biết bao sự hy sinh của một lớp người bên này bờ Bắc, phía bên kia của bờ Nam. Lòng quật cường của ông cha biết bao đời nay đều hướng tới để xoá bỏ sự cắt chia ác nghiệt đó. 22 lời ca chúc Tết của Bác Hồ là 22 niềm khắc khoải về một ngày thống nhất Bắc – Nam.
Bắc Nam như cội với cành,
Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng.
Rồi đây thống nhất thành công,
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà.
Mấy lời thân ái nôm na,
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân.
(Thơ chúc tết xuân Giáp Thìn – 1964)
Những vần thơ ấm tình dân tộc, hồn cốt và khí phách ấy đong đầy trong từng câu, từng chữ. Nhịp thơ 6/8 mà Bác Hồ sử dụng thật đắc địa. Trong dáng vẻ hiền hoà của dải đất hình chữ S, trong cõi lòng êm ả của mỗi người mượt mà cùng thời thơ ấu của những lời ru. Ngọn lửa đấu tranh vẫn bừng bừng soi tỏ, hắt sáng lên từng góc cạnh của những tay cày, tay súng xả thân vì đất nước thân yêu.
Xuân về xin có một bài ca,
Gửi chúc đồng bào cả nước ta:
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,
Tin mừng thắng trận nở như hoa!
(Thơ chúc tết xuân Đinh Mùi - 1967)
Mãn Giác Thiền Sư (thời Lý) từng có hai câu thơ mà người đời mệnh danh là tuyệt bút:
Những tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
Sức sống tiềm tàng của cõi nhân gian được gói gọn trong chỉ có một từ - “XUÂN”. Dẫu rằng mùa xuân đã qua, nhưng hơi ấm cùng vòng xoay vô tận của nó đã đủ sức níu kéo sự sống, níu kéo màu xanh của cỏ cây và điểm tô thế giới bằng những điểm màu của biết bao cánh hoa khoe sắc.

Khoảng cách về thời đại không xoá bỏ niềm rung cảm của mỗi thi nhân. Ngót 1000 năm sau, Bác Hồ “tạo tác” vẻ đẹp của mùa xuân bằng một hình ảnh tịnh tiến:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
Tiến lên!
  Toàn thắng ắt về ta!
(Thơ chúc tết xuân Mậu Thân – 1968)
Chất thép trong thơ của Hồ Chủ Tịch đã tạo dáng cho mùa xuân của thời đại một nét quyến rũ rất riêng. Vẻ đẹp ấy không lẻ loi, cô tịch như phần lớn tác phẩm của những tao nhân mặc khách thời kỳ trước; vẻ đẹp ấy khoẻ khoắn, ấm nồng sức trẻ, niềm chung vui chiến thắng của những người chiến sĩ cùng chảy trong mình dòng máu của lý tưởng cộng sản, cùng gánh vai để giải phóng Tổ quốc thân yêu.

Nhìn từ giác độ lý luận, thơ là sự giải toả cảm xúc của các thi nhân. Thơ cũng có những dòng chảy và phân chia nhánh một cách rõ ràng. Ngày trước, Nguyễn Khuyến được mệnh danh là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ miêu tả khung cảnh chất phác nơi thôn dã, trong đó dồn nén đến mức cô đặc tâm trạng và tư tưởng của một nhà nho yêu nước. Về sau, Tố Hữu được biết đến trong dòng thơ hiện đại bằng một thuật ngữ: “Nhà thơ trữ tình chính trị”. Và Bác Hồ, với tập thơ “Ngục trung nhật ký” cùng những bài thơ chữ Hán của Người đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trong sự trân trọng của bạn bè khắp năm châu.

Có lẽ, chỉ với những người con nước Việt mới hiểu và cảm được một cách trọn vẹn cả ý, cả tình trong những vần thơ chúc tết của Bác. Tư tưởng và hoài bão của Người là hiện thân của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Thời khắc thiêng liêng của sự giao hoà trong thế giới tự nhiên một lần nữa được nhân lên trong cõi lòng mỗi người đang mang trong mình niềm tin tất thắng.
Kháng chiến lại thêm một nǎm mới,
Thi đua ái quốc thêm tiến tới.
Động viên lực lượng và tinh thần,
Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.

  Người người thi đua.
  Ngành ngành thi đua.
  Ngày ngày thi đua.
  Ta nhất định thắng.
  Địch nhất định thua.
(Thơ chúc tết xuân Kỷ Sửu – 1949)
Giá trị trường tồn trong những vần thơ của Bác không phải là hiện thân của một vị lãnh tụ. Giá trị ấy ẩn trong một con người bình dị như biết bao những con người đang cầm súng, cầm cày trên khắp đất nước Việt Nam. Ấy là tiếng lòng của những người sống trong lao khổ và đồng lòng đứng lên để thoát khỏi nơi lao khổ.

Xuân sang, chúng con nhớ tới Người, thành kính dâng lên Người vẫn bằng những tấm lòng bình dị:
...Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
(Bác ơi - Tố Hữu)

Hải Triều