Từ hồi còn nhỏ tôi đã được hân hạnh quen biết các nhà thơ Thâm Tâm, Trần Huyền Trân. Tôi đã thuộc lòng hầu hết thơ của các ông, và được các ông kể cho nghe nhiều chuyện liên quan đến văn học, nhưng tuyệt nhiên không một lần nào nói về lai lịch của T.T.Kh. Ngay cả sau khi cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân ra đời, có in cả thơ Thâm Tâm, Trần Huyền Trân và bài thơ mang tên T.T.Kh. các ông cũng không hề nói đến chuyện ấy. Trong Thi nhân Việt Nam viết về T.T.Kh. như sau: “Hồi tháng 9-1937, Tiểu thuyết thứ bảy đăng một truyện ngắn của ông Thanh Châu: “Hoa ti-gôn”. Ít ngày sau toà báo nhận được bài thơ nhan đề: -”Bài thơ thứ nhất”. Rồi lại nhận được một bài nữa: “Hai sắc hoa ti-gôn”. Hai bài đều ký T.T.Kh. và đều một nét chữ run run. Từ đấy toà soạn Tiểu thuyết thứ bảy không nhận được bài báo nữa và cũng không biết T.T.Kh. ở đâu. Nhưng đến khi bài thơ kia đăng rồi, xóm nhà văn bỗng xôn xao. Có mấy người nhất quyết T.T.Kh. chính là người yêu của mình. Và người ta đã phê bình rất náo nhiệt...”

Sở dĩ Hoài Thanh viết như vậy vì có nhiều người làm thơ hưởng ứng thơ T.T.Kh. J.Leiba cho đăng lại bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” trên và viết mấy câu cảm đề phía dưới như sau:
Anh chép bài thơ tự trái tim
Của người thiếu phụ lỡ làng duyên.
Lời thơ tuyệt vọng ca đau khổ
Yên ủi anh và để tặng em.
Nguyễn Bính làm bài thơ “Dòng dư lệ”, phía trên có trích hai câu thơ T.T.Kh. trong bài thơ “Bài thơ thứ nhất” làm đề từ:
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.
Trong bài thơ Nguyễn Bính có nhắc đến Vườn Thanh cũng là lấy từ câu thơ T.T.Kh: Ở lại Vườn Thanh có một mình.

Nhưng vườn Thanh ở đâu? Theo nhà thơ Nguyễn Vỹ một bạn thơ của Thâm Tâm từ trước 1945, thì đó là vườn trong ngôi nhà phố Thanh Giám, sau là Văn Miếu, Hà Nội.

Thâm Tâm cũng làm bài thơ “Các anh” đăng Tiểu thuyết thứ bảy, số 307, ngày 4-5-1940, nguyên văn như sau:
Các anh hãy uống thật say
Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im
Giờ hình như quá nửa đêm
Lòng đau, đau lại cái tin cuối mùa
Hơn đàn buồn như trời mưa
Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi
Giờ hình như ở ngoài trời
Tiếng xe đã nghiến đường rời rã đi
Tâm tình anh nhạt đâu nghe
Tiếng mùa lá chết đã xê dịch nhiều
Giờ hình như gió thổi đều,
Những loài hoa máu đã gieo nốt đời
Bao nhiêu nghệ sĩ nổi trôi,
Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh
Sá chi những chuyện tâm tình
Lòng đau đem chứa trong bình rượu cay!
Năm 1951, nhân làm công tác địch vận và quân báo của Liên khu III, tôi vào nội thành Nam Định hoạt động, ngẫu nhiên được đọc một bài báo của Anh Đào, đăng trên một tập san của Hà Nội tạm chiếm, tôi xiết bao kinh ngạc khi thấy trong đó có kể tường tận về mối tình giữa Thâm Tâm và T.T.Kh. (Ông Anh Đào bảo đó là tên viết tắt của Thâm Tâm và Khánh) riêng bài thơ “Các anh” của Thâm Tâm bị chép sai 2 câu (lòng đau đau lại cái tim cuối mùa, bị chép là: cái tin cuối mùa; Tâm tình lạnh nhạt đâu nghe, bị chép là: tâm hồn lạnh nhạt đêm nghe). Bài thơ còn bị kéo dài thêm 48 câu nữa, lời thơ rất dở không xứng với tài thơ của Thâm Tâm. Hình như tác giả bài báo cố tình bịa ra để gán cái tên Khánh vào trong bài, nhằm chứng minh T.T.Kh, tên thật là Khánh:
Miệng chồng Khánh gắn trên môi,
Hình anh mắt Khánh sáng ngời còn mơ...
... Khánh ơi! Còn hỏi gì anh...
Tác giả bài báo còn bịa ra những bài thơ như “màu máu ti-gôn” bảo Thâm Tâm, trong đó có những câu như:
K. hỡi, người của tôi ơi,
Nào ngờ em giết chết một đời,
Dưới mồ đau khổ anh ghi nhớ,
Hình ảnh em hoài, mãi thế thôi!
Những câu thơ “con cóc” như thế dám cả gan gán cho Thâm Tâm hay sao? Chưa hết, bài “Dang dở” còn có những câu:
Thôi em nhé, từ đây anh cất bước
Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui
Đừng buồn thương nhớ tiếc hoặc ngậm ngùi
Muôn việc thảy đều do nơi số kiếp.
Nên nhớ: Thâm Tâm không hề làm thơ tám chữ bao giờ cả?

Tháng 3-1994
Hoài Anh