Mã Chiếm Sơn buông cương và ngẫm nghĩ
Ngựa rung đầu hí lạnh giữa tàn quân
Đồi phong xa bốc khói, đỉnh non gần
Đã khuất phục dưới lá cờ binh Nhật.
Trán kiêu hãnh lần đầu trông xuống đất
Mã nghẹn ngào: “Thôi hết, Mãn Châu ơi!”
Và quân binh cúi lặng chẳng nên lời

Rồi từ đó, và gươm vàng võ phục
Và cừu hận và lòng sôi rửa nhục
Mã chôn sâu trong một cõi trời riêng
Buông hồn đau, liễu rủ suối ưu phiền.
Cốt oanh liệt đã khoác màu ẩn sĩ
Rượu cứ rót cho say sưa lạc hỉ
Đàn ca lên cho át tiếng đầu rơi
Dưới gươm bay vun vút loáng xanh trời.
Mãn Châu quốc đang những giờ hấp hối
Gượng kêu lên, hỡi ôi lời trăng trối:
“Chiếm Sơn đâu, cứu nước, Chiếm Sơn ơi!”
Thì nơi kia Mã vén trướng, tươi cười
Cúi lạy mẹ chúc mừng ly rượu thọ.
Đào xuân thắm dâng hương vào cửa sổ
Bạc xuân trong rắc trắng mái hành lang.
Mẹ ngồi yên - như cốc nước e tràn
Không dám động - và nhìn con lặng lẽ
Nhưng mắt yếu bỗng rưng rưng ngấn lệ
Trán nhăn nheo bỗng ửng máu tim già
Và bàn tay run rẩy đỡ ly ngà
Bỗng quật xuống nền hoa: ly rượu vỡ!
Ly rượu vỡ tan tành. Ôi bỡ ngỡ
Ôi hãi hùng. Mã tướng run toàn thân!

Lần đầu tiên, Mã tướng run toàn thân!
Ngoài chiến địa, Chiếm Sơn hằng ngạo nghễ
Trông lửa đạn là trò chơi con trẻ
Mà hôm nay Mã tướng run toàn thân
Mà hôm nay Mã tướng chết hai phần!

Nét nghiêm khắc cong vòng cung môi mỏng
Nghe sôi sục cả linh hồn nóng bỏng
Người mẹ già thét lớn: “Mã Chiếm Sơn!
(Mã run lên) Đâu giọt rượu căm hờn?
Mãn Châu quốc nghe không mày, rên rỉ
Dưới gót sắt của Phù Tang ích kỷ
Đang mang quân giày xéo cả Trung Hoa
Nước Trung Hoa yêu dấu của lòng ta
Đã thống khổ bởi bao xiềng ngoại quốc!
Chưa vừa ư những tai ương thảm khốc
Đã đè trên dân tộc nước non mày!
Có chi vui sông núi đỏ tràn thây
Mà Mã tướng ngày nay dâng rượu cúc?
Rượu cúc ấy, Chiếm Sơn, là rượu nhục!”

Rừng phương xa loáng bạc nắng lung lay
Hoa đào bay, trước cửa, hoa đào bay
Trong hoa tuyết trắng ngần rơi lả tả...
Và xuân ấy năm nghìn quân của Mã
Đánh tan xương của Nhật, một sư đoàn.


Xuân 1939

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (10 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

sai tác giả

bài thơ này là của Tố Hữu mà?

Làm thơ anh vốn không ham
Nhưng trong giờ học biết làm gì đây?
Ngồi riêng ra một góc này
Thầy giảng thì cứ giảng, làm thơ anh cứ làm.
44.25
Trả lời
Ảnh đại diện

Tác giả

Bài này trước đây một lớp người Việt Nam lưu truyền nhau và nhầm tưởng là của Tố Hữu, về sau đã được đính chính lại. Trong tất cả các tập thơ của Tố Hữu cũng không có tập nào in bài này.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
24.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Nhờ giải thích

Bài này có nhiều sách in trong tập Từ ấy của Tố Hữu. Mình có 1 quyển "Từ ấy" (tiếc là rách rưới hắc lào ghẻ lở quá nên bán ve chai lấy tiền ăn kem rồi ^^), lại có một quyển "thơ Tố Hữu" của NXB Giáo dục. Cả hai quyển đều in bài này và nói rằng Tố Hữu làm bài này vào mùa xuân năm 1983. Mình đang thấy thi viện thiếu bài này trong mục thơ Tố Hữu nên định post, giữa chừng phát hiện thi viện đăng bài này của Huy Thông. Bạn Điệp luyến hoa có thể giải thích cho mình nguồn tin cho rằng bài này của Huy Thông không?

Môn toả hoàng hôn,
Nguyệt tẩm mai hoa lãnh.
35.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Tác giả

Bài này đọc giọng thơ biết ngay ko phải của Tố Hữu mà. Nếu đọc mấy bài thơ khác của Phạm Huy Thông, nhất là "Tiếng địch sông Ô" hay "Khúc tiêu thiều" thì thấy giọng thơ này không thể lẫn vào đâu được.

Về thông tin bạn xem tạm ở đây vậy (Bài do DarkTemplar gửi ấy): http://diendan.maihoatran...ostorder=asc&start=15

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

SAI TÊN TÁC GIẢ - Nguyễn Hoàng Nam Long

Theo tôi đựoc biết bài thơ Ly rượu thọ với tên tác giả là Tố Hữu đã đuợc giới thiệu trong tập thơ Mùa Giải Phóng xuất bản năm 1949 do nhà thơ Vũ Anh Khanh chủ biên. Ngoài bài Ly rượu thọ tập thơ này còn giới thiệu nhiều bài thơ rất hay như Bài hành Phương nam của Nguyễn Bính, Tha La xóm đạo... Rất tiếc tôi đã đánh mất tập thơ này trong một lần cho bạn mựon và .. không bao giờ trả lại !!!!
Rất mong chúng ta sẽ cố gắng trả về tác giả của nó những gì là tài sản tim óc của họ dù ta có thích hay không thích cá nhân họ. Mong lắm thay. Nguyễn Hoàng Nam Long

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Tố Hữu hay Phạm Huy Thông?

Có lẽ để rộng đường dư luận, mình xin copy bài viết này vào đây. Tất nhiên là đây cũng chỉ là một bài báo, vẫn cần có những tư liệu kiểm chứng khác. Nếu ai có những tư liệu liên quan xin được gửi tại đây.



Tiễn anh Tố Hữu ...
Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh 12/2002
Nguồn: http://diendan.maihoatran...ostorder=asc&start=15


Giáo sư Đinh Xuân Lâm vừa điện thoại cho tôi biết bài Ly rượu thọ mà tôi nhắc trên báo Thanh Niên thứ tư tuần này để tiễn anh Tố Hữu không phải của Tố Hữu mà của Huy Thông. Đã hơn 60 năm rồi, tôi luôn nghĩ bài Ly rượu thọ là của Tố Hữu, bởi khi tiếp xúc với bài thơ bi hùng ấy, lớp trẻ chúng tôi đều nói với nhau: thơ Tố Hữu. Tôi đinh ninh như vậy. Điều này có thể bất kính đối với anh Huy Thông và chẳng tôn vinh anh Tố Hữu. Xin lỗi hai anh, đều đã sang bên kia thế giới. Và, xin cám ơn anh Đinh Xuân Lâm (và anh Phan Huy Lê, theo anh Lâm thì giáo sư Lê định nói với tôi điều ấy).

Chắn chắn tôi đáng trách nếu làm công việc văn học sử. Nghe tin anh Tố Hữu qua đời, tôi xúc động và sáng ngày 10-12, tại hội trường Thành ủy TPHCM, giữa lúc hội nghị kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, khi mọi người đứng lên dành một phút tưởng niệm anh, trong tôi kỷ niệm với anh chợt sống dậy. Tôi viết ngay bài báo mà không có điều kiện tra cứu, dù tôi soát trong các tập thơ của anh, cả hồi ký, thấy lạ sao bài thơ hay như thế lại không có mặt. Tôi nghĩ vì tướng Mã Chiếm Sơn là một nhân vật quân phiệt ở Mãn Châu nên người đời sau tránh nhắc đến bài thơ. Giáo sư Đinh Xuân Lâm cười trong điện thoại với tôi: “Thật giản đơn, vì bài thơ ấy không phải của Tố Hữu". Huy Thông là nhà thơ, song tôi thuộc bài Tiếng địch sông Ô của anh chứ không biết Ly rượu thọ cũng là của anh.

Tố Hữu là một nhà thơ lớn, cuộc sống của dân tộc ta những năm hào hùng và gian khổ nhất đã xác minh điều đó. Đương nhiên, anh còn là một cán bộ lãnh đạo, một đồng chí giữ cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, một nhà cách mạng dự khá sớm vào lịch sử hiện đại của Việt Nam. Tôi đồng ý với ý kiến của nhà văn Anh Đức trên Báo Sài Gòn Giải Phóng: bước đi về chính trị của anh Tố Hữu không suôn sẻ. Số người "không suôn sẻ" chẳng phải hiếm ở nước ta, khi cuộc vật lộn để dân tộc thoát ách nô lệ, vươn lên tầm cao và giành những cải thiện về đời sống cho từng con người vào lúc lưng vốn không dồi dào - có cái "không suôn sẻ" khá rõ ràng, đồng thời cũng có cái "không suôn sẻ" do cách nhìn trong một lúc nào, của một xu hướng nào đó. Đặc biệt khi “nhà thơ làm kinh tế", càng khó "suôn sẻ". Sự kiện "giá lương tiền" chẳng qua là đợt sóng ngắn trong đời hoạt động của Tố Hữu. Với người đã khuất, tôi ghi nhận rằng anh là người mong muốn điều tốt cho đất nước, cho con người. Hơn thế nữa, đến lúc nhắm mắt, xuôi tay, cái “không suôn sẻ” kia chẳng hề liên quan đến nhân cách trong cuộc sống riêng của anh - nói giản đơn, không có tai tiếng gì về những loại thường dễ gây tai tiếng cho không ít người lúc Đảng ta đã là đảng cầm quyền.

Tôi nhớ có lần anh Văn Cao hỏi tôi: “Mình có những chuyện không ưng ông Tố Hữu, song nếu đứng về thơ, mình cho rằng Tố Hữu là một nhà thơ đầu đàn, không chỉ vì những bài thơ cổ vũ chiên đấu mà cả những bài thơ nói về số phận con người, thơ Tố Hữu hòa quyện chính luận với lãng mạn...". Anh Văn Cao rất sòng phẳng. Về nhạc, khi tôi khen những bài trữ tình của anh, anh bảo: "Nếu nói về nhạc cống hiến cho sức chiến đấu của dân tộc thì mình xếp sau Lưu Hữu Phước".

Vị trí thơ của Tố Hữu, qua lời Văn Cao và theo cách suy nghĩ của tôi, như vị trí nhạc của Lưu Hữu Phước.

Trong Nam, khi bắt đầu thời kỳ chống Mỹ, chúng tôi thuộc bài thơ Ta đi tới của Tố Hữu. Sau này, chúng tôi lại được đọc những bài khác như Việt Bắc, và càng về sau càng đọc thêm được nhiều bài thơ của anh, trong đó có Ba mươi năm đời ta có Đảng, Bác ơi!...

Vào tháng 11-1969, khi được Trung ương gọi ra Bắc viếng Bác, lần đầu tiên tôi gặp anh Tố Hữu. Chúng tôi trao đổi với nhau nhiều chuyện và tôi ít dám nói về thơ của mình với anh, mặc dù anh khuyến khích. Sau giải phóng hoàn toàn, anh làm việc với tôi nhiều hơn, trong cương vị người lãnh đạo. Anh thích tranh luận với tôi. Điều mà sau này tôi cảm thấy buồn là sự ca ngợi thơ Tố Hữu đột ngột chìm xuống khi anh không còn đảm đương trọng trách, thậm chí có bài phê bình thơ anh "quẹo" đến 1800. Có thể những chữ như "thế thái nhân tình", "buồn tái tê" trong những bài thơ sau này anh hay dùng phản ánh sự quan sát của anh. Nhiều anh em trung thực nói với tôi: Tố Hữu là một nhà thơ không chỉ lớn, không chỉ tài hoa, mà còn trong sáng. Tôi đồng ý với cách nhìn đó, mặc dù cũng trong thơ, có đôi đoạn, đôi câu của anh gây “sốc” cho tôi và hơn một lần, tôi đã nói việc đó với anh. Chẳng hạn, trong bài Đường về hay Nước non ngàn dặm, có vài đoạn theo tôi là không ổn, nhưng khi tái bản, anh vẫn giữ nguyên và nói với tôi: "Mình hiểu như thế lúc ấy thì mình chẳng có gì phải giấu...". Cũng là một thái độ trung thực.

Xét bất cứ khía cạnh nào, Tố Hữu là một người có công, công của nhà thơ cách mạng, công của một người suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp...

Nắp quan tài đã đóng, cái "bình sinh" của Tố Hữu sẽ được người sau lật tới lật lui. Song, gì thì gì,

Sông Lam nước chảy quanh đồi
Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân

hay

Quân đi rung lá ngụy trang
Xôn xao sóng nước tràng giang trùng trùng

... tràn hơi hướng Tố Hữu còn hành quân với người Việt Nam không dừng bước...

12-2002

T.B.Đ

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Viết tiếp...

Xem ra vấn đề này đc nhiều người quan tâm đây. Thi viện thảo luận từ tháng 1 tới giờ vẫn chưa xong. Em đã coi bài của DarkTemplar theo cái link anh Điệp post rồi. Về việc này, em có một vài ý kiến xin trình bày cho mọi người tham khảo:

- Thứ nhất: Bài mà DarkTemplar post trên maihoatrang.com nói về bài thơ quá sơ sài. Chủ đề bài này là thương tiếc Tố Hữu nhiều hơn chứng minh tác giả bài thơ "Ly rượu thọ" là Huy Thông. Trong bài chỉ 2 đoạn nhỏ nói về bài thơ, mà lại rất chủ quan, không hề có bằng chứng, tài liệu cụ thể và đáng tin cậy.Và theo em đọc trong bài thì người viết bài cũng chỉ nghe lời của 2 ông Đinh Xuân Lâm và Phan Huy Lê mà thôi, và 2 ông cũng chẳng đưa ra bằng chứng nào cả.  Chỉ dựa vào câu nói hết sức... kỳ lạ của ông Đinh Xuân Lâm: “Thật giản đơn, vì bài thơ ấy không phải của Tố Hữu" không thể kết luận chắc chắn đc. Việc ko tìm thấy bài thơ trong bản thảo và trong cả hồi ký của Tố Hữu chỉ gợi lên nghi ngờ, vì nếu Tố Hữu quăng lung tung bản thảo của mình và một vài bản thảo bị thất lạc thì cũng là chuyện thường. Em thấy lạ là người viết bài lại khẳng định vấn đề quá vội vàng (không biết là vô tình hay hữu ý?!)

- Thứ hai: Anh Điệp và nhiều người lấy dẫn chứng "giọng thơ" bài "Ly rượu thọ" giống với Huy Thông hơn Tố Hữu để chứng minh rằng bài thơ không phải của Tố Hữu. Theo em, đó là suy diễn hết sức chủ quan. Giọng thơ không thể chứng minh thuyết phục về tác giả của bài thơ đc. Xét các đoạn thơ:

"Mẹ ngồi yên, như cốc nước e tràn
Không dám động - và nhìn con lặng lẽ
Nhưng mắt yếu bỗng rưng rưng ngấn lệ
Trán nhăn nheo bỗng ửng máu tim già
Và bàn tay run rẩy đỡ ly ngà
Bỗng quật xuống nền hoa: ly rượu vỡ!
Ly rượu vỡ tan tành. Ôi bỡ ngỡ "



"Mãn Châu quốc nghe không mày, rên rỉ
Dưới gót sắt của Phù Tang ích kỷ
Đang mang quân giày xéo cả Trung Hoa
Nước Trung Hoa yêu dấu của lòng ta"

Nếu đọc kỹ, ta có thể cảm nhận "giọng thơ" quen thuộc của Tố Hữu bàng bạc. Cách thể hiện tình cảm này thì Tố Hữu rất hay dùng (em ko dám khẳng định là Huy Thông không hay dùng)

"Từ ấy" là tập thơ đầu tay của Tố Hữu. Các bài thơ đc hoàn thành vào khoảng 1937-1946. Tố Hữu sinh năm 1920, tức là ông bắt đầu viết "Từ ấy" khi 17 tuổi, khi còn rất trẻ. Đây là khoảng thời gian hình thành phong cách riêng (hay còn gọi là "giọng thơ") của nhà thơ. Ta có thể dễ dàng nhận thấy "giọng thơ" trong "Từ ấy" khá phức tạp và không đc đặc sắc lắm, bài thế này, bài thế khác. Nếu nói về "giọng thơ" ko phải là của Tố Hữu thì em nghĩ bắt bẻ bài "Dửng dưng" thì thuyết phục hơn đấy! Bài thơ "Ly rượu thọ" theo em đc biết ra đời vào mùa xuân 1937, chỉ hơn nửa năm sau khi bài "Mồ côi" - bài thơ đầu tiên của tập "Từ ấy" ra đời vào khoảng tháng 10 năm 1937 ở Huế, chẳng có gì lạ khi "giọng thơ" của ông chưa định hình rõ ràng. Theo em đc biết (có thể không đáng tin, vì em  nghe người ta nói thế) Tố Hữu đã xác nhận bài "Ly rượu thọ" là do mình sáng tác, và sáng tác để lấy cảm hứng. (Nếu ai nghi ngờ độ chính xác của thông tin này thì xin nghĩ rằng em bịa chuyện, chứ đừng nghĩ Tố Hữu vơ "Ly rượu thọ" vào mình nhé. Em biết nói thế này không phải, nhưng con gái hay lo xa, lỡ có ai nghĩ thế là chết em ^^) Nếu thông tin này đúng thì suy nghĩ của em về "giọng thơ" Tố Hữu đang hình thành khi viết "Từ ấy", và "Ly rượu thọ" là bằng chứng cho sự hình thành ấy là có cơ sở. Vả lại, giọng thơ của Huy Thông khá dễ bắt chước, nhất là đ/v những nhà thơ đang trong giai đoạn hình thành phong cách riêng trong thơ mình. Em cũng có thể bắt chước đc giọng thơ ấy. Nói như vậy không phải em có ý chê Huy Thông đâu. Cái hay của Huy Thông là làm rất nhiều, rất hay những bài như vậy, mà không cạn cái tứ thơ ấy, cái tình cảm ấy. Câu thơ dù nhiều vẫn có hồn riêng, các nhà thơ khác khó mà làm đc.

Mặt khác, nếu "giọng thơ" chứng minh "Ly rượu thọ" ko phải của Tố Hữu, thì cũng không có nghĩa nó chứng minh "Ly rượu thọ" của Huy Thông.

Từ những điều trên, ta ko thể kết luận bài này của Tố Hữu, càng ko thể kết luận bài này của Huy Thông qua giọng thơ đc.

- Thứ ba: Thông tin nói rằng bài thơ này của Tố Hữu nhiều hơn bài thơ này của Huy Thông và cũng đáng tin cậy hơn.

Theo em, nên để bài thơ này vào mục thơ Tố Hữu rồi chú thích một câu đại loại như: "có thông tin cho rằng bài này của Phạm Huy Thông" rồi dẫn link bài của DarkTemplar ra thì tiện cho mọi người tra cứu hơn, vì ai cũng quen bài này của Tố Hữu rồi. Tất nhiên việc bố trí Thi viện anh Điệp toàn quyền quyết định, em chỉ xin góp ý chút xíu thôi ạ ^^

Em rất quan tâm vấn đề này vì Tố Hữu là một phần tuổi thơ của em. Từ năm học lớp 3, lớp 4, em đã thuộc rất nhiều bài thơ trong tập "Từ ấy", trong đó có "Ly rượu thọ". Em biết, Tố Hữu không đc nhiều người thích (Vì chưa có bằng chứng cụ thể, nên em có suy nghĩ hết sức chủ quan rằng việc xác định lại tác giả của "Ly rượu thọ" là chủ ý của ai đó rỗi hơi. Em ko muốn điều này đúng chút nào nên em mong có đc nhiều tài liệu xác minh hơn) Dù là của ai đi chăng nữa, bài thơ cũng là một tác phẩm hay, cũng là công sức, tâm huyết của người viết ra nó. Em chỉ trình bày suy nghĩ còn thiển cận của em mà thôi. Suy nghĩ của bản thân thì ai chẳng mong là đúng và ra sức chứng minh cho nó, nhất là khi mình đã tốn rất nhiều thời gian vào nó. Nếu em đôi chỗ dùng từ ko đc nhả nhặn, thì em rất xin lỗi. Nếu em có gì chưa thấu lý, em rất mong mọi người chỉ rõ và góp phần xác định tác giả bài thơ.

Rồi thời gian cũng qua đi kéo theo những thị phi và thành kiến. Nhưng tên tuổi, đẳng cấp và tác phẩm của Tố Hữu sẽ mãi đc người ta nhắc đến như một cây đại thụ của thế kỷ XX toả bóng dài che rợp suốt con đường thơ ca Việt Nam và thế giới trong các thế kỷ mai sau xa xôi.

Môn toả hoàng hôn,
Nguyệt tẩm mai hoa lãnh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Tố Hữu hay Phạm Huy Thông?

Mình đã chuyển bài thơ này vào tập "Từ ấy", về mặt thông tin thì như vậy cũng hợp lý hơn. Để xem sau này có thêm thông tin gì không vậy :-)

Ý kiến về giọng thơ, theo mình thấy thì Tố Hữu thường nặng về tình cảm hơn, từ ngữ mượt mà chứ không bao giờ thấy cái bi tráng, lành lạnh như bài thơ này. Hơn nữa đọc có thể thấy giọng thơ này chịu ảnh hưởng nhiều của cổ thi, dù Mã Chiếm Sơn là một nhân vật trong lịch sử hiện đại nhưng người đọc lại cảm thấy như một nhân vật trong cổ sử. Đọc thơ Tố Hữu không thấy (hoặc rất hiếm có) hình ảnh ước lệ của cổ thi và Hán ngữ. Thơ ông chỉ thấy phong cách thơ hiện đại, hoặc nếu không thì là từ ca dao hay dân ca chứ không phải phong cách cổ thi Đường-Tống.

Mình thấy vài bạn nhắc tới chuyện thành kiến với thơ Tố Hữu. Theo mình thì nên gạt nó sang một bên.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Của Tố Hữu?

Theo hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh đăng trên blog nhà báo- nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh thì Tố Hữu nhận mình là tác giả bài này
http://uk.blog.360.yahoo....FzGlTBCli?p=2029#comments

"Ly rượu thọ. Có chuyện một viên tướng có bà mẹ yêu nước. Còn chuyện chúc thọ là bịa."

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

toi nghi khac

bai tho nay cua to huu cac ban oi
ngay xua khi con hoc lop 6 tui da tung thanm khao nhiu` nha tho trong do co to huu va tui da doc bai nay
luc thay ko hay nhung nghi lai rat y nghia.tui dam khang dinh bai nay cua to huu

Chưa có đánh giá nào
Trả lời