Mưỡu:
Cát đâu ai bốc tung giời?
Sóng sông ai vỗ? Cây đồi ai rung?
Phải rằng dì Gió hay không?
Phong tình đem thói lạ lùng chêu ai?

Nói:
Khoái tai phong dã!
Giống vô tình gỗ đá cũng mê tơi.
Gặp gió đây, hỏi một đôi lời:
Ta hỏi gió quen ai mà phảng phất?
Thử thị Đà Giang phi Xích Bích,
Dã vô Gia Cát dữ Chu Lang.

Ai cầu phong? mà gió tự đâu sang?
Hay mải khách văn chương tìm kết bạn?
Gió hỡi gió! phong trần ta đã chán,
Cánh chim bằng, chín vạn những chờ mong.
Nên chăng, Gió cũng chiều lòng.


Tản Đà giảng văn, thích nghĩa trong Bình Khang tân thanh, cuốn sách tập hợp các bài hát nói của Tản Đà và được chính tác giả thích nghĩa để cô đầu nhớ và hiểu nghĩa nhưng chưa được in ấn:
Giải nghĩa:
Bài hát này nguyên tự một khi tác giả đi chơi mát ở trên con đường đê Đà giang gặp cơn gió nổi lên, nhân thế mà làm ra, tức là nhời nói chuyện với gió mà phần nhiều là lời hỏi. Cho nên đầu bài đặt Hỏi gió.

Bốn câu mưỡu tả cái tình hình và khơi mào nói chuyện với gió, nghĩa rằng:
Cát ở đâu mà ai bốc ra để tung lên mù trời như vậy? Sóng ở dưới sông, vì ai vỗ mà dữ? Cây ở trên đồi rung có phải là vì gió hay không? Sao mà đem cái thói phong tình lạ lùng để trêu ai như thế?

Vào bài hát, vừa nói chuyện với gió mà vừa hỏi nghĩa rằng:
Cơn gió nổi lên làm cho sướng đến đâu! Dẫu những vật vô tình như loài cây, loài đá, còn cũng chuyển lay, lăn lóc mà mê tơi về gió, huống chi nữa là người. Vậy thời ta nay gặp gió ở đây chỉ hỏi gió một vài lời xem sao. Nói vậy rồi hỏi luôn rằng: gió quen ai mà phảng phất đến đây vậy? Chỗ đấy là con sông Đà chớ không phải con sông Xích Bích, cũng không có ông Gia Cát và ông Chu Du nào; thời có ai cầu gió mà gió tự ở đâu sang?

Lời hỏi gió đến đấy, rồi lại ân cần nói chuyện với gió rằng: Này gió hỡi! Cái bước phong trần lâu nay ta đã thấy là chán, nay muốn được như cánh con chim bằng chờ cơn gió to bốc cao lên đến chín vạn dậm để mà bay. Có được như thế chăng thời mong gió cũng chiều lòng cho.

Thích nghĩa:
Hai chữ “dì Gió” nguyên lấy chữ Tầu có chữ “Phong di” nghĩa là dì Gió.

“Phong tình nghĩa” là phong lưu tình tứ.

Bốn chữ “Khoái tai phong dã” có chữ sẵn ở trong sách, nghĩa là “Sướng đến đâu! Cơn gió thổi”.

“Vô tình cây đá” nguyên lấy ở chữ Tầu có chữ “Mộc thạch vô tình”, nghĩa là “loài cây và loài đá là những vật không có tình”.

Hai câu thơ dựng, câu trên nghĩa là “đây là sông Đà giang, không phải sông Xích Bích”, câu dưới nghĩa là: “Không có ông Gia Cát và ông Chu Du nào ở đây”.

“Cầu phong” là “cầu gió”, tức là lấy ở điển “Gia Cát cầu phong”.

“Phong trần” là gió bụi, nghĩa nói người ta gặp lúc gian truân vất vả.

“Chim bằng chín vạn” lấy điển ở trong sách Trang Tử: con chim bằng là một thứ chim rất to lớn, cánh nó lúc bay mà xoè ra như đám mây rợp trời, vậy phải chờ cơn gió to từ mặt đất cao lên chín vạn dậm thời mới bay được.

Bàn văn:
Bài hát này đặc sắc ở chỗ văn có nhiều mầu mà tinh thần hoạt bát - Hai câu mưỡu trên tuy chưa nói gì đến chữ “gió” mà đọc lên nghe như thấy gió vậy. Câu mưỡu thứ ba hai chữ “dì gió” tức là chiếu lên ba chữ “ai” ở trên mà hỏi rõ. Câu mưỡu thứ tư, chữ “phong tình, lạ lùng” tức là chiếu lên những sự “tung cát, vỗ sóng, rung cây” mà nói trách, cho được thấy rằng những sự gió làm đó, không phải là vô tình. Cứ bốn câu mưỡu ấy kể đã lọn nghĩa tự thành một bài văn. Vào bài, bốn chữ “khoái tai phong dã” lại như một cơn gió bắt đầu nổi. Rồi vừa nói chuyện vừa hỏi, lời văn rung động, thuỷ chung như một trận gió vậy. Trong bài dùng được nhiều những chữ “phong tình”, “phong trần”, “cầu phong”, “phảng phất”, “cánh bằng chín vạn” và “rung cây”, “bốc cát”, đều là mầu gió cả, văn có nhiều mầu cho nên vui.

[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]