Thơ Đỗ Phủ được nhiều thế hệ kẻ sĩ “bút lông, mực tàu, giấy dó” tôn thờ. Trước lúc đi xa Bác Hồ ghi tên ông trong bản di chúc và khẳng định là “nhà thơ nổi tiếng đời Đường”.

Sách Văn học lớp 9 tập 2 của Nxb. Giáo dục, H. 1995, cuốn Thơ Đường bình giảng của Nguyễn Quốc Siêu có tuyển bài thơ: Giang bạn độc bộ tầm hoa. Cả hai tác phẩm đều thực hiện các bước phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ…

Các cuốn Cổ đại thi ca tuyển, Thiếu niên Nhi đồng xuất bản xã 1962 do Vương Dịch Bằng tuyển chọn, chú giải; Thơ Đường bình giảng ở phần phụ lục còn ghi nguyên tác bằng chữ Hán. Bài thơ được phiên âm như sau:
Giang bạn độc bộ tầm hoa
Hoàng Tứ nương gia hoa mãn khê
Thiên đoá vạn đoá áp chi đê,
Lưu liên hí điệp thời thời vũ.
Tự tại kiều oanh kháp kháp đề.

江 畔 獨 步 尋 花
黃 四 娘 家 花 滿 蹊
千 朵 萬 朵 壓 枝 低
留 連 戲 蜨 時 時 舞
自 在 嬌 鶯 恰 恰 啼
Ngay ở đầu đề Giang bạn độc bộ tầm hoa đã có hai cách dịch khác nhau: “Một mình dạo chơi, tìm hoa ven sông” (Nguyễn Khắc Phi) và “Dạo bước tìm hoa bên sông” (Nguyễn Quốc Siêu).

Từ “giang bạn” được chuyển nghĩa sang tiếng Việt là bên sông, ven sông đã giúp người đọc xác định đúng nơi tác giả đi tìm hoa. Ông Vương Dịch Bằng cũng chú thích “giang bạn” là bên sông (giang biên). Từ nơi đây tác giả tìm được cảm hứng cho bài tứ tuyệt bất hủ này. Cảnh tươi đẹp của ngàn vạn đoá hoa, tiếng hót thánh thót của chim kiều oanh đã như là được “chạm tay” để trái tim thơ hơn một lần được xao xuyến.

Đã có những cách hiểu khác nhau về từ “độc bộ”.

“Một mình dạo chơi”, ý này thể hiện tâm trạng thanh thản trong thời khắc của “Con tim buồn thời thế”. Đọc tiểu sử Đỗ Phủ chúng ta thấy cuộc đời ông hay phải xê dịch” trong dâu bể của xã hội đầy bất công và loạn lạc. Hình ảnh “rượu, thịt thừa mứa, ôi thiu ở chốn quyền lực và xương người chết chất thành đống ở đường đi” đã lột tả một xã hội có sự phân hoá đến cực độ giữa cuộc sống giàu sang, hưởng lạc và những cuộc đời cơ cực, những hoàn cảnh thảm khốc.

“Độc bộ” trong nguyên nghĩa là từ chỉ người có ý chí lớn nhưng chưa được cộng đồng hiểu và ủng hộ, vẫn “một mình đi trong thiên hạ để tìm tri kỷ, tri âm” (xem thêm Hậu Hán thư - Đới Lương truyện).

Từ điển Từ hải giải thích: đi lên nhà tế tổ là “hành”, đi từ nhà tế tổ xuống là “bộ”. Từ “bộ” thể hiện dáng đi của người đã hoàn thành nhiệm vụ, bước đi có tính nhàn nhã, tuỳ ý. Khác với “hành” đi nghiêm túc như chuẩn bị làm một việc trọng đại. (Đường thượng vị chi hành, đường hạ vị chi bộ).

Dịch “độc bộ” ra “dạo bước” chỉ đảm bảo được sự chuyển nhượng số từ (đều 2: 2) còn nghĩa thể hiện hình ảnh “người có ý chí lớn, một mình đi trong thiên hạ…” thì chưa thể hiện được.

“Dạo bước tìm hoa” mới thể hiện được một thông báo đi tìm cảm xúc thẩm mỹ trong tâm trạng, dáng điệu nhàn nhã, thảnh thơi. Tư thế kẻ sĩ: “Có ai đi cùng ta trong thiên hạ” của Khổng Tử, Đới Lương… mà tác giả muốn gửi gắm qua “độc bộ” như là một chấm phá đặc sắc của nghệ thuật “ước lệ, tượng trưng” đã vắng bóng ở bản dịch.

Câu phá đề:

“Hoàng Tứ nương gia hoa mãn khê” Thể hiện ngay hai chủ thể, một ẩn, một hiện, “người em gái” và “hoa”. Các bản dịch đều thống nhất chuyển nghĩa “Hoàng Tứ nương gia” sang “nhà cô Hoàng Tứ”.

Ông Vương Dịch Bằng giải thích: Đây là người hàng xóm, bên cạnh nơi ở của tác giả. Chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm một ý về tài chọn từ của Đỗ Phủ. Trong rất nhiều chữ chỉ người phụ nữ như mẫu, nãi, cô, gì, tỷ, muội…, ông dùng từ “nương”. Riêng về lĩnh vực âm vận học đã cho ta cảm giác của âm thanh “nhỏ bé” nhưng vang rất xa. Nó là tiếng gọi thân thương, tiếng gọi người con gái (Đào Duy Anh).

Các bản dịch đều chọn từ “cô” là từ chỉ quan hệ thân thiện của người con trai lớn tuổi hơn với giới nữ.

Trở lại nguyên tác:

- “Hoàng Tứ nương gia hoa mãn khê”

Nguyễn Khắc Phi dịch: “Hoa nở đầy suối cạnh nhà cô Hoàng Tứ”. Phải chăng có sông (giang) thì có suối (khê). Chúng ta cần chú ý tới hiện tượng đọc âm giống nhau nhưng nghĩa khác nhau (đồng âm biệt ngữ) của chữ Hán. Chúng tôi đã tìm hiểu nguyên tác ở hai công trình của Vương Dịch Bằng và Nguyễn Quốc Siêu, tham khảo các bộ từ điển Hán - Hán, Hán - Việt và một số tư liệu liên quan. Chữ “khê” trong câu thơ này khác hình chữ “khê” (suối), nó có nghĩa là “con đường nhỏ, lối đi” (tiểu lộ dã).

Như vậy: “hoa nở đầy suối” (Nguyễn Khắc Phi) và “hoa đầy lối đi” (Nguyễn Quốc Siêu) đã tạo ra không gian và sự vật khác nhau. Một đằng có nhà, hoa và suối nước, không gian hoa ở nơi suối nước tạo ra sức hấp dẫn và rung động thẩm mỹ khác hẳn hoa “đầy lối”. Hoa trên lối đi vừa là biểu tượng chào đón khách vừa là nét vẽ nhạt nhoà phục vụ ý định của chủ đề: hoa trong khuôn viên nhà cô Hoàng Tứ. Sự vật như là chìm xuống trong bức tranh bằng chất liệu ngôn ngữ để hình tượng về “cái đẹp” càng thêm lộng lẫy, nó tạo cho người đọc tưởng tượng đến từng bước đi “trên lối nhỏ” đều có hương thơm, sắc đẹp.

Phần dịch nghĩa câu thơ này, Nguyễn Khắc Phi còn cho chúng ta biết rõ hoa ở cạnh nhà cô Hoàng Tứ. Như vậy hoa chưa chắc đã ở trong khuôn viên của gia chủ, con suối thơ mộng cũng vậy. Bức tranh như có một không gian khác không ăn khớp với câu thơ.

Chữ “gia” không mang ý nghĩa ngôi nhà cụ thể, nó là “một nhà” (Đào Duy Anh), có ngôi nhà ở, công trình phụ, vườn cây, ao cá v.v... “Hoa nở đầy suối cạnh nhà Hoàng Tứ” thì hoa đã ở khuôn viên của một nhà. Câu thơ chữ Hán xác định rõ hoa ở trong nhà cô Hoàng Tứ. Bản dịch thêm một từ cạnh, (cạnh nhà) đã làm thay đổi ý định miêu tả.

- Câu “Thiên đoá vạn đoá áp chi đê”

Các bản dịch đều thể hiện được ý của nguyên tác. Riêng chữ “áp” do ảnh hưởng của các chữ đứng trước: ngàn bông, vạn bông hoa (thiên đoá vạn đoá) nên cành thấp xuống (chi đê). Dịch là “ép” như “ép cành trĩu thấp xuống”, hoặc “ép trĩu cành”, “đè trĩu cành”. Như vậy câu thơ đã mất đi tính lôgíc tự nhiên, thiếu vắng hẳn tình cảm âu yếm, yêu thương, làm mất tính bất tử với thời gian của “ngàn đoá muôn bông” chỉ đủ để cành trĩu xuống. Nhiều tao nhân, mặc khách đã thừa nhận bài thơ này là “một kiệt tác” (lời bình của Hồ Tứ đời Tống). Dùng nghĩa “ép” của từ “áp” đã thêm nghĩa cho “ngàn đoá muôn bông” sức mạnh cưỡng bức. Chính từ “áp” trong câu thơ đã tạo nên hiệu xuất hô ứng giữa “thiên đoá vạn đoá” và “chi đê” vì “áp” ngoài nghĩa “ép” còn có nghĩa: “đủ”, “làm cho đầy đủ” (Từ hải)... Câu thơ nhờ vậy mà thể hiện vẻ đẹp rực rỡ, tự nhiên, nồng thắm của cảnh hoa đồng gió nội. Hình ảnh càng trĩu thấp với sức nặng vừa đủ như còn muốn nói tới sự dịu dàng, nhún nhường của “ngàn đoá muôn bông” mà ẩn hiện trong hoa là tâm hồn và dáng điệu cô Hoàng Tứ.

Đọc tiếp câu luận và câu kết với cảnh đàn bướm say vẻ đẹp mà cứ nửa ở, nửa đi, bồi hồi lưu luyến, rồi tiếng chim kiều oanh thảnh thơi “ca hát”, thì hoa cũng làm ta lưu luyến bồi hồi.

- Câu kết: “Tự tại kiều oanh kháp kháp đê” là chim kiều oanh thảnh thơi hót tiếng của mình (kháp kháp đê). Có bản dịch đã chuyển “tự tại” thành “ung dung”, “thoả thích”, thật vô tình chúng ta đã nhân cách hoá kiều oanh xinh đẹp thành bậc “tiên phong đạo cốt”.

Ông Nguyễn Khắc Phi có đặt câu hỏi về sự không bình thường của việc sắp xếp thanh điệu. Quả thật đây là kỳ tài của tác giả: vẫn giữ nguyên được hơi thở của cuộc sống qua các từ láy toàn bộ “thời thời, kháp kháp” của âm điệu dân ca Trung Quốc mà luật thì vẫn đúng, các vị trí của thanh điệu ở các từ thứ 2, 4, 6 trong hai câu vẫn đối nhau. Người xưa đã qui định “nhất tam ngũ bất luận, nhị, tứ, lục phân minh”. Tạm dịch: Các thanh điệu ở vị trí 1, 2, 5 trong câu thơ có thể châm chước; các vị trí thanh điệu ở 2, 4, 6 phải dứt khoát đúng luật.

Từ góc độ hướng tới cội nguồn của chữ nghĩa (Hán Nôm), suy nghĩ về bài thơ Giang bạn độc bộ tầm hoa, chúng tôi muốn góp thêm vài khía cạnh vào việc tìm hiểu chữ nghĩa từng câu thơ mong có thể đóng góp trong việc giảng dạy một bài thơ của Đỗ Phủ trong nhà trường phổ thông hiện nay.

Đặng Văn Lộc

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]