PHÂN LOẠI CÁC BẢN QUỐC NGỮ

Tuy có nhiều bản quốc ngữ, sự thật chỉ có vài bản chính thức chung nguồn gốc một bản nôm mà do nhiều người phiên âm, hay chỉ là in lại. Để độc giả nhận rõ các bản đồng loại hay tương cận, chúng tôi làm bản tóm lược và phân loại:


A. Loại I: Đặc biệt

Sơn Trung

Mở đầu:
1. Vừa năm Canh Tý xuân đầu
Thanh nhàn ngồi tựa long câu nghĩ đời
Quyển vàng mở thấy sấm trời
Từ Đinh đổi đời chí lục thất gian
5. Mỗi đời có một tôi ngoan
Giúp chưng giữ nước dân an thái bình
Kết thúc:
280. Tiên bảo cùng sấm mỗi điều chép ra.
Khuyên người Nam Việt trai hiền,
Ai xem cho biết để mà làm công.
B. Loại II

1. Sở Cuồng

Mở đầu:
1. Vận lành mừng gặp tiết lành
Thấy trong quốc ngữ tập tành nên câu
Một câu là một nhiệm màu
Anh hùng gẫm được mới hầu giá cao
5. Trải vì sao mây che Thái Ất
Thủa cung tay xe nhật phù lên

280. Càng bền thế nước Vạn Xuân lâu dài.
Đoạn hai:
281.Vừa năm Nhâm Tý xuân đầu...

487. Đông Tây vô sự nam thành quốc gia.
2. Wikisource 2010

Mở đầu:
1. Vận lành mừng gặp tiết lành
Thấy trong quốc ngữ lập thành nên câu
Một câu là một nhiệm màu
Anh hùng gẫm được mới hầu giá cao.
Đoạn hai:
Vừa năm Nhâm Tý xuân đầu
Thanh nhàn ngồi tựa hương câu nghĩ đời
Quyển vàng mở thấy sấm trời
Từ Đinh đổi đời chí lục thất gian.
3. Wikisource bản 2

Cảm đề:
Thanh nhàn vô sự là Tiên,
Năm hồ phong nguyệt nổi thuyền buông chơi...

486. Hiệu xưng thiên hạ thái bình

487. Đông tây vô sự nam thành quốc gia.
C. Loại III: Các bài thơ, các câu sấm vỹ

Trong Phùng thượng thư ký, chúng ta thấy có những bài thơ ngắn. Loại C và D cũng giống vậy nhưng C và D phần lớn là sấm ngữ trong dân gian.

1. Trịnh Vân Thanh

Mở đầu:
1. Thanh nhàn vô sự là tiên
Năm hồ phong nguyệt ruổi thuyền buông chơi

15. Nước Nam từ họ Hồng Bàng
Biển dâu cuộc thế, giang sơn đổi dời
Từ Đinh, Lê, Lý, Trần thuở trước
Đã bao lần ngôi nước đổi thay
Kết thúc:
259. Cơ tạo hoá phép mầu khôn tỏ,
Cuộc tàn rồi mới tỏ thấp cao.
Thấy sấm từ đây chép vào
Một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa.
2. Hoàng Xuân

Mở đầu:
1. Thanh nhàn vô sự là tiên,
Năm hồ phong nguyệt ruổi thuyền buông chơi.
Cơ tạo hoá,
Phép đổi dời,
Đầu non mây khói toả...
Kết thúc: Bài 12
Hoành sơn nhất đái,
Vạn đại dung thân.
Đến thời thiên hạ vô quân,
Gà kêu cho khỉ dậy nhanh,
Phụ nguyên số đã rành rành cáo chung.
3. Huỳnh Tâm

Mở đầu:
Thanh nhàn vô sự là tiên,
Năm hồ phong nguyệt ruổi thuyền buông chơi.
Cơ tạo hoá,
Phép đổi dời,
Đầu non mây khói toả.
Đoạn hai:
Nước Nam từ họ Hồng Bàng,
Biển dâu cuộc thế, giang sơn đổi vần.
Tự Đinh, Lê, Lý, Trần thu trước.
Đã bao lần ngôi nước đổi thay.
Kết thúc:
Cơ tạo hoá phép mầu khôn tỏ,
Cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao.
Thấy sấm từ đây chép vào,
Một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa.
4. Thời tập

Mở đầu:
Thanh nhàn vô sự là tiên,
Nấm mồ phong nguyệt ruổi thuyền buông chơi.
Cơ tạo hoá,
Phép đổi dời,
Đầu non mây khói toả.
Đoạn hai:
Nước Nam từ họ Hồng Bàng,
Biển dâu cuộc thế, giang sơn đổi vần.
Tự Đinh, Lê, Lý, Trần thuở trước.
Đã bao lần ngôi nước đổi thay.
Kết thúc:
Cơ tạo hoá phép mầu khôn tỏ,
Cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao.
Thấy sấm từ đây chép vào,
Một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa.
5. Phạm Đan Quế

Mở đầu:
Thanh nhàn vô sự là tiên,
Năm hồ phong nguyệt ruỗi thuyền buông chơi.
Đoạn hai:
1. Nước Nam từ họ Hồng Bàng
Biển dâu cuộc thế, giang sơn đổi vần.
Kết thúc:
Cơ tạo hoá phép mầu khôn tỏ,
Cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao.
Thấy sấm từ đây chép vào,
Một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa.
D. Loại IV. Các câu sấm ký ngắn

1. Nguyễn Văn Sâm

Bài này gồm các câu sấm ký ngắn được truyền tụng trong dân gian.

Mở đầu:
1. Nước Nam thường có thánh tài
Sơn hà vững đặt mấy ai rõ ràng
Kết thúc bài thơ số XIV:
Thấy sấm tự đấy chép vào
Một chút tơ hào chẳng dám sai ngoa.
2. Hương Sơn

Gồm nhiều bài thơ.

Nước Nam thường có thánh tài (tr.48)
Sơn hà vững đặt mấy ai rõ ràng
Kia Nhị thuỷ nọ Đao sơn
Bãi ngọc đất nổi âu vàng trời cho.
Kết thúc:
Cờ tàn lại muốn toan đường đấm xe
Thôi thôi mặc lũ thằng hề
Gió mây ta lại đi về gió mây.
3. Nguyễn Quân

Mở đầu:
Nước Nam thường có thánh tài (tr.48)
Sơn hà vững đặt mấy ai rõ ràng
Kia Nhị thuỷ nọ Đao sơn
Bãi ngọc đất nổi âu vàng trời cho.
Kết thúc:
Hiệu xưng thiên hạ thái bình
107. Đông tây vô sự nam thành quốc gia.
NHẬN XÉT CÁC LOẠI

1. Loại I: Đặc biệt

1. Sơn Trung

Bản này có nhan đề là Trình quốc công ký. Bản này thuộc loại đặc biệt, vì có bản nôm gốc tại gia đình cụ Nghè Bân là một thế gia vọng tộc, và có thể là có liên hệ gần gũi với Trình quốc công. Bản này đã có trên trăm năm nay mới có dịp xuất hiện có thể coi như bản chính thức và chân thực vì người phiên âm và nghiên cứu luôn tuân thủ sự thực. Để tiện cho việc tìm hiểu của độc giả, chúng tôi đã in theo các bản nôm.

Bản này ngắn nhất so với các bản. Các bản khác dài hơn có thể là người ghi chép các bản khác nhau của Trạng Trình hoặc một trong hai ba bản là của tác giả khác.

Bản này có nhiều điểm giống bản của Sở Cuồng.

Bản này là bản thứ hai của bản Sở Cuồng. Điều này cũng cho ta biết bản Sở Cuồng là bản chính. Và bản Sở Cuồng và vài bản khác vốn là hai bản mà chép chung trong một tập.

Bản Sở Cuồng ghi: “Vừa năm Nhâm Tí xuân đầu” trong khi bản nôm Trình quốc công ký (bản Sơn Trung) khi là “Vừa năm Canh Tí xuân đầu”.

Các bản ghi Giáp Tí, Nhâm Tí nhưng bản này ghi Canh Tí. Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh 1491 và mất năm 1585. Canh Tí là năm 1540, Nhâm Tí là 1552, Giáp Tí là 1564. Năm Canh Tí là lúc ông 50 tuổi.

Bản Sơn Trung dài 282 câu. Nhưng chỉ giống bản Sở Cuồng 100 câu, từ câu 1 đến câu 100:
Khuyên người Đông Bắc Tây Nam
100. Muốn làm tướng suý thì xem sấm này.
Từ câu 101 đến 282 thì không giống bản nào cả.

2. Nguyễn Quân

Bản này thuộc hạng đặc biệt vì phần đầu giống hạng D nhưng phần sau, từ câu 41 trở đi có một số câu giống hạng B Sở Cuồng. Nói tóm lại, bản Nguyễn Quân là thu gọn hai loại C và D. Có lẽ do người đời sau muốn đơn giản Sấm ký Trạng Trình.

3. Minh Điền

Lấy loại B che đầu và cuối để phần giữa chế tác.

Mở đầu:
1. Vận lành mừng gặp tiết lành
Thấy trong quốc ngữ lập thành nên câu
Một câu là một nhiệm màu
Anh hùng gẫm được mới hầu giá cao.
Kết thúc:
486. Hiệu xưng thiên hạ thái bình
Đông tây vô sự nam thành quốc gia.
Bản này chỉ là xáo trộn các câu, các đoạn để che đậy bản ý của tác giả nằm rải rác trong văn bản.

4. Giảng xưa Bửu Sơn Kỳ Hương

Mượn danh Sấm Trạng Trình mà nói lên tiên tri và ý tưởng của mình về tương lai đất nước. Loại này có đã lâu, có lẽ trước 1945.

B. Dòng II: Thơ lục bát

Dòng này có các bản sau: Sở Cuồng, Mai Lĩnh, Đại La, Wikisource, Wikipedia.

Loại này khởi đầu bằng câu:
1. Vận lành mừng gặp tiết lành
Thấy trong quốc ngữ tập tành nên câu
Một câu là một nhiệm màu
Anh hùng gẫm được mới hầu giá cao
5. Trải vì sao mây che Thái Ất
Thủa cung tay xe nhật phù lên
Và kết thúc bằng câu:
Tướng thần hệ xuất y chu
Thứ ky phục kiến Đường ngu thi thành
Hiệu xưng thiên hạ thái bình
487. Đông Tây vô sự Nam thành quốc gia.
C. Dòng III: Các câu sấm vỹ ngắn

Dòng này gồm có các bản sau: Hoàng Xuân, Trịnh Vân Thanh, Huỳnh Tâm, Thời tập, Phạm Đan Quế, Wikisource bản 2.

Ngoài phần mở đầu, phần chính gồm các câu sấm ký truyền tụng trong dân gian.

Khởi đầu bằng:
Thanh nhàn vô sự là tiên,
Năm hồ phong nguyệt ruổi thuyền buông chơi.
Cơ tạo hoá,
Phép đổi dời,
Đầu non mây khói toả.
Kết thúc bằng:
Cơ tạo hoá phép mầu khôn tỏ,
Cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao.
Thấy sấm từ đây chép vào,
Một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa.
Hoặc:
Hoành sơn nhất đái,
Vạn đại dung thân.
Đến thời thiên hạ vô quân,
Gà kêu cho khỉ dậy nhanh,
Phụ nguyên số đã rành rành cáo chung.
Nội dung thu gom các câu sấm ký trong dân gian cho nên nhiều câu sấm ký khác nhau, dài ngắn khác nhau cho nên câu cuối cũng khác nhau.

Đặc biệt dòng Sấm ký loại này là sau đoạn khởi đầu là những bài sấm ký ngắn được truyền tụng trong dân gian từ khởi đầu đến Nguyễn như:
Ba con đổi lấy một cha
Làm cho thiên hạ xót xa vì tiền
Mão Thìn Tí Ngọ bất yên
Đợi tam tứ ngũ lai niên cùng gần.

129. Hoành Sơn nhất đái
Vạn đại dung thân
Đến thời thiên hạ vô quân
Làm vua chẳng dễ, làm dân chẳng lành
Loại C và D giống nhau về kết cấu, và loại này cũng giống Phùng thượng thư ký là gồm những câu sấm vỹ trong quần chúng.

D. Loại III. Các câu sấm ngữ ngắn

Dòng này gồm các bản: Nguyễn Văn Sâm, Hương Sơn.

Loại này nội dung là các bài thơ, các câu sấm truyền trong dân gian từ khởi đầu cho đến nhà Nguyễn. Loại này khác với loại hai, có lẽ do người đời sau ghi chép các câu sấm ký mà tập thành. Loại này dài ngắn khác nhau, các câu sấm ký cũng khác nhau. Do đó câu kết không giống nhau gồm các bản sau:
Loại này khởi đầu bằng câu:
1. Nước Nam thường có thánh tài
Sơn hà vững đặt mấy ai rõ ràng
Và Kết thúc bằng bài thơ:
Thấy sấm tự đấy chép vào
Một chút tơ hào chẳng dám sai ngoa.
Hoặc:
Hiệu xưng thiên hạ thái bình
Đông tây vô sự nam thành quốc gia.
Dòng Sấm ký này gồm có bản Nguyễn Văn Sâm, bản này đáng tin cậy là không do các phe phái sau 1945 sửa đổi, nhưng bản nôm cũng không chắc là chính bản của Nguyễn Bỉnh Khiêm, mà là do các cựu nho đời Nguyễn ghi chép các câu sấm được dân chúng truyền tụng từ xưa cho đến đời Nguyễn, Cũng có thể do các cụ chế tác: “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong” nói về tương quan Trịnh Nguyễn; “Đầu cha chắp lấy đầu con, Mười bốn năm tròn hết số thì thôi” nói về Nhà Tây Sơn; “Phụ nguyên chính thống hẳn hoi, Yêu dê lại phải theo đòi đàn dê” nói về Nguyễn Ánh cầu viện Pháp nên mất nước vào tay Pháp.

Bản Nguyễn Văn Sâm và bản Hương Sơn là một gốc, nhưng bản Nguyễn Văn Sâm chép 14 bài thơ trong khi Hương Sơn có 26 bài mà có vài bài chép trùng nhau. 14 bài đầu hai bản giống nhau.

Chú ý:
- Chúng tôi chia bốn dòng Sấm Trạng Trình, nhưng dòng C và D có thể coi như cùng đồng loại vì nội dung là chép các câu sấm vỹ truyền tụng trong quần chúng. Tóm lại chỉ có hai dòng phổ biến là dòng B đại biểu là bản Sở Cuồng. Dòng C mà đại biểu là bản Trịnh Văn Thanh, và dòng D đại biểu là bản Hương Sơn.
- Nói tóm lại, có ba dòng sấm ký phổ biến là bản Sở Cuồng, Trịnh Văn Thanh và Hương Sơn.
- Bản Sở Cuồng và Hương Sơn đáng tin cậy vì có bản nôm bảo đảm (bản Hương Sơn có bản nôm Nguyễn Văn Sâm, bản Sở Cuồng có bản nôm Trình quốc công ký của Sơn Trung mặc dầu chưa đầy đủ, chờ ngày thái lai, vạn sự sẽ kiết tường).
- Sấm ký Wikisource gồm hai bản, bản thứ nhất thuộc dòng Sở Cuồng, bản thứ hai thuộc dòng Hoàng Xuân, Trịnh Vân Thanh.

CÁC ĐOẠN GIỐNG NHAU TRONG CÁC BẢN

Bản Sở Cuồng và Phùng thượng thư ký

Bản Sở Cuồng từ câu 1 đến câu 280 giống bàn Phùng thượng thư ký từ câu 188 cho đến 464 mặc dầu khác biệt một vài chữ.

Bản Sở Cuồng và Trình quốc công ký

Bản Sở Cuồng ghi: “Vừa năm Nhâm Tí xuân đầu” trong khi bản nôm Trình quốc công ký (bản Sơn Trung) ghi là “Vừa năm Canh Tí xuân đầu”.

Bản Trình quốc công ký dài 282 câu. Nhưng chỉ giống bản Sở Cuồng 100 câu, từ câu 1 đến câu 100.

Ta có thể nói bản Sở Cuồng là tổng hợp bản Phùng thượng thư kýTrình quốc công ký (bản nôm Tiến sĩ Nguyễn Văn Bân) mặc dầu có vài đoạn, vài câu khác nhau.

TÍNH CHẤT CÁC BẢN

Nhìn chung, các bản có chung một vài điểm sau:

1. Tính bí mật

Sấm ký mang tính cách bí mật thuộc phạm vi quốc cấm, phải cất kín cũng như Kim cổ kỳ quan, Tứ thánh, chỉ bàn bạc với người thân mà thôi. Thái độ của nhân dân đối Sấm ký khác với Truyện Lục Vân TiênTruyện Kiều. Ấy cũng bởi ngày xưa các nho sĩ dùng Sấm ký để chống triều đình, chống Pháp, mà bọn tay sai cũng dùng Sấm ký vu oan giá hoạ cho dân lành cho nên quan quân đã bắt bớ dân chúng, và người ta phải cất giấu các tài liệu này.

2. Tính thiếu chân thực

Thói quen của ta là tự tiện sửa chữa, thêm bớt các bản chính cho nên Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương đã bị tam sao thất bản. Nhiều người sau này sửa sấm ký hoặc bóp méo văn nghĩa cho vừa khuôn khổ quyền lợi của phe nhóm họ. Riêng Sấm ký Trạng Trình thì số phận gay go hơn, người ta phải giấu nó trong bụi tre, hoặc trong mái nhà dưới lớp tranh, rơm rạ. Vì vậy mà dễ bị hư hao, mối mọt. Thực ra một số nhà cách mạng chống Pháp đã chế tác các câu sấm vỹ. Người ta bảo rằng chính cụ Phó bảng Nguyễn Can Mộng là người loan truyền những tin tức thất thiệt trong văn học như cụ đã viết ra văn tế cá sấu mà bảo là Văn tế cá sấu của Nguyễn Thuyên. Người ta cũng bảo rằng chính cụ sáng tác ra câu: “Giữa năm hai bảy mười ba/ Lửa đâu mà đốt Tám Gà trên mây”. (Wikisource)

3. Tính không thống nhất

Có thể một người viết mà chia ra nhiều đoạn, do viết nhiều thời gian khác nhau. Có thể là do nhiều bản của nhiều người khác nhau mà người sau chép chung làm một tập. Như bản Mai Lĩnh ít nhất là hai tập khác nhau.

Một số là thu thập nhiều bài sấm ký khác nhau cho vào một tập như bàn Thiên Phúc Nguyễn Phúc Ấm do Hương Sơn xuất bản trước 1954, cho nên trong đó có nhiều bài thơ.

Có thể do nhiều gốc khác nhau. Cũng có kẻ cắt vài đoạn bỏ vào cái khuôn của mình để mập mờ đánh lận con đen trong chính sách tuyên truyền dối trá của họ. cũng có thể do phương cách làm việc chưa khoa học, nghĩ đến đâu, viết đến đó, nhiều khi trùng hợp, cái trước nói sau, việc sau nói trước.

Cũng có thể người ta tráo đoạn trước ra sau, đoạn sau lên trước để giữ bí mật, như đoạn cuối bản Mai Lĩnh: “Đào Tiền xử sĩ... nam thành quốc gia” nhưng trong bản Hương Sơn lại nằm gần cuối, dưới câu kết còn có 24 câu nữa (Phân phân đông bắc khởi... Gió mây ta lại đi về gió mây). Cũng có thể do sao chép lầm lẫn hay do trí nhớ lẫn lộn. Bài Phùng thượng thư ký từ câu 188 giống đoạn đầu của bản Sở Cuồng.

Sự kiện này gây khó khăn cho người nghiên cứu.

4. Tính mơ hồ

Các bản có chỗ thần diệu nhưng cũng có chỗ mơ hồ, giống các bản của Sư vải bán khoai, Huỳnh giáo chủ và Thanh sĩ... chỉ nói Tí, Sửu, Dần, Mẹo... rất mơ hồ trong khi các bản Kim cổ kỳ quanTứ thánh thì rõ ràng hơn.

Nguyễn Thiên Thụ