Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân
Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều...

Hỡi lòng tê tái thương yêu
Giữa dòng trong đục, bánh bèo lênh đênh
Ngổn ngang bên nghĩa bên tình
Trời đêm đâu biết gửi mình nơi nao?
Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào
Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường!

Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương:
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng...
Nhân tình, nhắm mắt, chưa xong
Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như?
Mai sau, dù có bao giờ...
Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay!

Tiếng đàn xưa đứt ngang dây
Hai trăm năm lại càng say lòng người
Trải bao gió dập sóng dồi
Tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha
Đau đớn thay phận đàn bà
Hỡi ôi, thân ấy biết là mấy thân!

Ngẫm xem qua kiếp phong trần
Đời vui nay đã nửa phần vui đây.
Song còn bao nỗi chua cay
Gớm quân Ưng Khuyển, ghê bầy Sở Khanh.
Cũng loài hổ báo ruồi xanh
Cũng phường gian ác hôi tanh hại người!

Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
Hỡi Người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người!

Sông Lam nước chảy bên đồi
Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân...


1-11-1965

Tháng 10 và tháng 11-1965, Tố Hữu có chuyến đi vào các tỉnh miền Trung. Khi ấy, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ đã lan rộng và vùng Khu IV (cũ) từ Thanh Hoá đến Quảng Bình trở thành tuyến lửa ác liệt. Trong chuyến đi này, Tố Hữu đã làm một chùm thơ giàu tính thời sự, in đậm những hình ảnh và khí thế của cuộc chiến đấu. Cũng trong chuyến đi, nhà thơ qua quê hương Nguyễn Di vào dịp kỉ niệm 200 năm năm sinh của thi hào.

Những câu in nghiêng trong bài được tác giả trích từ Truyện Kiều.

Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]