(Toquoc)- Tập thơ Huế, đẹp và thơ của nhà thơ Nam Trân vừa được tái bản lần thứ ba nhân 100 năm ngày sinh của ông. Sách do NXB Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp ấn hành.

124 trang sách khổ 13.2x20cm được chia làm 2 phần. Đầu tiên là lời giới thiệu của nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm Huế, đẹp và thơ của Nam Trân. Phần hai là toàn bộ tập thơ đúng nguyên dạng cuốn Huế, đẹp và thơ của Nam Trân in tại nhà in Trung Bắc tân văn, phố Hàng Buồm, Hà Nội năm 1939.

Theo nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn, Nam Trân vốn là người hiểu sâu sắc thơ cổ Trung Quốc, nhưng thơ Pháp đã giúp ông thoát khỏi sự gò bó của luật thơ “chuyên chế” đời Đường để hướng tới vần thơ rộng rãi của phong trào Thơ Mới. Có thể nói Huế, đẹp và thơ là một gương mặt đặc sắc trong phong trào Thơ Mới, và chỉ đến Nam Trân, “lối thơ tả chân mới biệt thành một lối”, với những bài thơ như tiếng rao quà, niềm tự đắc của anh chài, nỗi thương cảm cô thiếu nữ trầm mình dưới đáy sông và những cuộc khiêu vũ phương Tây mới du nhập cùng tiếng nhạc chát chúa đang phá vỡ nét trầm mặc của xứ Huế mộng mơ.

Đào Thái Tôn khẳng định, với Huế, đẹp và thơ Nam Trân đã khắc hoạ được cảnh, tình của một vùng đất cố đô, cũng như giờ đây chỉ với một “Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”… ta tưởng như Trịnh Công Sơn là người của đất Hà Thành.

Hầu hết các bài thơ trong tập thơ này đã đăng trong các báo như An Nam tạp chí, Văn học tạp chí, Tràng An báo, Phong hoá, Sông HươngTây tiến (Sadec)… Bạn yêu thơ có thể thấy ở đây từ những câu thơ lung linh nét đời của thời trai trẻ đến đến câu nhiều tiên cảm lúc sắp đi xa. Tất cả, đều được Nam Trân viết ra từ trong cõi mộng, như vừa khắc khoải ưu tư trước cái vô lực chủ quan của đời người, vừa như an nhiên tự tại trước công việc và cái tất yếu của thiên quy địa luật không một ai cưỡng nổi.

Đặc biệt, Trung tâm Đông Tây cho in theo lối ảnh ấn để bạn đọc có trong tay thi phẩm gần như trung thành tuyệt đối với bản in đầu. Ngoài mục đích lưu lại một kỷ vật của nhà thơ, người đọc còn có thể hình dung tại đây từ kỹ thuật in ấn, việc trình bày bìa, dàn trang… cho đến chính tả Quốc ngữ với lối viết những từ ghép mà lớp người sinh ra những năm cuối thế kỷ XIX đầu XX vẫn quen dùng (Tràng An, Phong hoá, thi ca, đủng đỉnh, lờ đờ, nước non, cô độc, rè rè, xơ xác…).

Với giá bìa 20.000 đồng, bạn yêu thơ lại có dịp sở hữu một ấn phẩm từng gây tiếng vang trên thi đàn vào buổi bình minh của Thơ Mới của một ông thầy dạy Kinh thi, thơ Đường, dịch giả tập Nhật ký trong tù và hai tập thơ Đường nổi tiếng.

Bạch Dương
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nam Trân