Chưa có đánh giá nào
Nước: Ba Lan
8 bài thơ
2 bình luận
3 người thích
Tạo ngày 15/04/2008 21:44 bởi hongha83, đã sửa 1 lần, lần cuối ngày 19/10/2008 06:33 bởi Vanachi
Ryszard Kapuściński, nhà báo kiệt xuất nhất của Ba Lan, sinh ngày 4-3-1932 ở Pińsk (nay thuộc Bạch Nga). Ông theo học khoa Lịch sử Đại Học Tổng Hợp Vacsava vào những năm 1952-1956. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại tòa báo "Ngọn cờ Thanh niên". Tài năng viết phóng sự của ông bắt đầu được bộc lộ, ông được cử sang Ấn Độ, Trung Quốc và sau đó là châu Phi, nơi ông đã sống 6 năm.  

Năm 1968 ông trở về từ châu Phi để chữa bệnh sốt rét não và lao phổi. Nhưng ông lại lên đường ngay, đến vùng Caucasus, sang các nước miền Nam của liên bang Nga. Cũng trong năm đó, ông  được cử sang Nam Mỹ và sống ở đó 5 năm.

Trong cuộc đời phóng viên của mình, ông đi qua hơn 100 quốc gia, từng chứng kiến 27 cuộc cách mạng, đã chiến đấu để sống sót trên 12 mặt trận, 4 lần bị ám sát...  

Kapuściński là người…

 

 

 

Ảnh đại diện

Kapuściński, sứ mệnh - phóng viên

Tác giả: Paulo Rumiz


Kapuściński không phải là khách trọ của các khách sạn lớn, ông du hành cùng với những người nghèo khổ nhất trong số những người nghèo khổ. Ông chia sẻ với họ nỗi sợ hãi và cái đói. Ông bị đe dọa thiêu sống, ném đá, bắn chết. Ông đã chiến thắng căn bệnh sốt rét não hiểm nghèo và bệnh lao phổi. Bất cứ nơi nào ông đến, ông đều trở thành một phần của cái thế giới mà ông viết về nó.

Ở ngay trên tuyến đầu.

Nhưng ông yếu ớt thế kia mà! Khi gặp ông lần đầu tiên vào tháng 1 năm 1999 ở sân bay Zurich, tôi cứ ngỡ mình lầm người. Sau khi đọc các phóng sự của ông, tôi hình dung ông phải to lớn như Indiana Jones. Lúc nhìn thấy cái người có ánh mắt ngơ ngác bước những bước không vững đang tách ra khỏi đám đông, để chắc chắn rằng đó là ông và để không đón nhầm người, tôi phải kín đáo liếc nhìn bức ảnh bìa sau cuốn sách tôi mang theo bên mình. Đây không thể nào là vị anh hùng đã trải qua cái lạnh bắc cực và bệnh sốt rét nhiệt đới - tôi nghĩ thầm – là con người đã tham gia vào hai mươi bảy cuộc cách mạng, đã đi hết châu Phi và Nam Mỹ chìm đắm trong chiến tranh, người đã trải qua băng giá của nước Nga xô viết và cuộc hồi sinh nóng bỏng của Hồi giáo.

Vậy mà đó chính là ông. Ryszard Kapuściński, tác giả „Gỗ mun” – cuốn sách về sức mạnh và những điểm yếu của lục địa châu Phi, tác phẩm được hình thành qua suốt 40 năm chu du. Tác giả của „Đế quốc” – chứng tích phi thường về sự tan rã của Liên Bang Xô Viết. Chính là ông, người đã ghi lại một cách vô tiền khoáng hậu thất bại của Sa Ba Tư và quá trình lên nắm quyền của ayatollah Chomeini, nhà báo đã biết được những bí mật hoàng cung của vị vua Ethiopia cuối cùng. Kể được những câu chuyện hai ngàn năm của Herodotus người Hy Lạp và đưa nó vào thời nay. Kapuściński, một trong những nhà báo hiếm hoi trên thế giới còn có thể đến được các nơi không được ánh chớp đèn pha chiếu rọi, xa rời khỏi những thông tin chỉ nhằm gây sự chú ý của công chúng. Một con quỷ chứ không phải là người – tôi nghĩ khi ông đứng trước mặt lúc làm thủ tục hải quan. Sức mạnh của ông ẩn giấu ở đâu? Làm thế nào mà người đàn ông quê mùa này đã đến được những nơi nguy hiểm nhất trên hành tinh và trở về với những cuốn sổ ghi chép đầy ắp các câu chuyện? Trong chuyến bay từ Zurich đến Milan tôi để ý thấy ông cảm ơn các cô chiêu đãi viên sau mỗi việc làm nhỏ nhặt nhất.

„Nghề của chúng ta phụ thuộc vào những người khác – ông cười, gần như xin lỗi vì sự lễ độ của mình. – Nếu anh không tôn trọng người khác, mọi cánh cửa sẽ đóng lại trước mặt anh.” Ông rất thoải mái vui vẻ, không hề thấy sự mệt mỏi sau hàng chục ngàn giờ bay mà ông có sau lưng. Ông không có khả năng chỉ trích người khác, một cách bẩm sinh. Ở Ba Lan người ta nói rằng thậm chí khi được hỏi „Ông nghĩ gì về Hitler?”, ông đã trả lời: „Đó không phải là một người tốt”.

Tôi còn gặp ông thêm ba lần nữa ở Vác-sa-va. Chúng tôi dạo bộ, lội trong tuyết ở một getto cũ, sau đó chúng tôi trò chuyện rất lâu trong căn gác đầy sách của ông, mỗi giá sách dành cho một châu lục. Tháng mười năm ngoái, khi ông thăm Ý lần cuối, tôi cùng ông đến Renon và Bolzano trong chuyến đi đến căn nhà nhỏ của Bronisław Malinowski, nhà nhân chủng học người Ba Lan đã đi chu du trên khắp các đại dương, các công trình của ông đã mang đến nền tảng cho phóng sự hiện đại.

Kapuściński muốn nhìn thấy nơi ấy, ông còn dự định lặp lại hành trình của Malinowski trên Thái Bình Dương. Đại dương là giấc mơ cuối cùng, là chân trời mong ước của ông. Ông khao khát một lần nữa được đốt những chiếc cầu sau lưng. Đi thật xa, xa tuyệt đối, nơi không ai biết ông, nơi không có các hội nghị và những cuốn sách đang chờ ông ký tên. Ông nghiêng người nhìn xuống đồi Isarco, ngắm dòng sông đang cuộn sóng ở tám trăm mét phía dưới. (...) Ông quan sát tất cả với sự chăm chú đặc biệt, nhìn thấy những điều mà người khác không nhận ra. Ông hạnh phúc vì thoát khỏi những cuộc gặp gỡ trang trọng và sự nổi tiếng. Những thứ ấy đối với ông là nhà tù.

Đồng cỏ, những chiếc lá đỏ tía, những cây táo, cây dẻ, ngôi nhà thờ xinh xinh của Đức Mẹ Xuống Tuyết.

Phía xa là những căn nhà nhỏ từ những năm hai mươi và toàn cảnh Thụy Sỹ.

Xung quanh là dấu ấn của những nhân vật tên tuổi đã đến nghỉ ở đây – Mahler, Kafka, Freud.

Phong cảnh không cho người ta viết, ông nói. Cái đẹp làm mất tập trung. „Tốt hơn là nhốt kín mình trong bốn bức tường, như các thầy tu. Không có phong cảnh nào hết. Không có sự mời gọi nào. Một mình với những hồi tưởng của mình. Cervantes viết Don Quixote trong tù, phải không? Tôi thì cố thủ trong căn gác xép của mình ở Vác-sa-va.” (...)

Ông bước đi và nói: “Bach đi bộ qua một nửa nước Đức để gặp thầy của mình. Herodotus đi sáu ngàn ki lô mét để kiểm nghiệm một chi tiết của lịch sử. Ngày nay chẳng ai làm những việc tương tự nữa. Vì sao? Cái sự trống rỗng này, chính các bạn cũng cảm thấy nó. Các bạn có internet, phải không? Nhưng cái đó không đủ cho các bạn, vì các bạn biết rõ rằng mình đang bị lừa phỉnh. Các bạn tìm những công cụ truyền thống. Các bạn cần những nhân chứng của lịch sử như tôi.”

Ryszard quan sát từng sự vật. Cái vựa đựng táo khô, những cái bao đựng hạt dẻ vừa thu hoạch, thậm chí cả đám phân bón. Ông di chuyển thận trọng, ông có cách kỳ diệu để giày không bị bẩn, như một chú bé khi đi đôi giày đầu tiên của mình. Tôi nhớ đến đôi dép ông đi trong căn gác xép của mình, rồi đến đôi giày dầm trong tuyết ở Vác-sa-va của ông. Những chiếc tàu điện với đèn nháy màu đỏ, những bước nhỏ của ông trong đám đông, những mảnh của cuộc sống đường phố, những quầy bán hoa, quảng trường.

“Tôi mua đôi giày đầu tiên cho mình năm hai mươi lăm tuổi – ông kể - Ở Pińsk hồi còn nhỏ tôi chỉ có dép rọ làm bằng sợi liễu.”

Đôi giày! Có gì tuyệt diệu hơn là được xỏ chân vào một đôi giày tốt, chọn một cái nghề để đi hàng ngàn ki lô mét với đôi giày ấy. Ước mơ này sinh ra từ mảnh đất quê hương ông,vùng mê cung sông nước Polesia nằm giữa Bạch Nga và Ukraine. Ông muốn trở lại nơi ấy, đi bộ, trở lại thế giới đã mất, kể về nó, để ký ức không biến mất. Một vùng nghèo khổ nhất châu Âu, toàn là sông và những làng nhỏ chỉ có thể đến được bằng thuyền. “Chúng tôi sống bằng cá, nấm, các loại dâu rừng. Nhưng chúng tôi là một cộng đồng lớn: người Do Thái, Litva, Ba Lan, Bạch Nga, Ukraine, Đức và Tắc-ta. Chính là ở đó tôi đã học được cách giao tiếp với Người Khác”.

Chúng tôi trở lại thung lũng. Ông nhìn qua cửa sổ, giở sổ ra và ghi chép, có Trời mới biết được ông viết gì. Tôi hỏi ông có muốn lên núi Alps nghỉ không. “Không – ông trả lời – tôi sẽ chán ngay sau ngày nghỉ đầu tiên”. Thế ở Vác-sa-va thì sao? “Vác-sa-va chỉ là nơi tôi nghỉ lấy sức và chuẩn bị cho chuyến đi mới”. Tôi gặng hỏi: những chắc ông cũng có một hòn đảo Ithaca nào đó của mình chứ? “Không, Odysseus lang thang khắp thế giới, nhưng mơ ước được trở về. Tôi thì không thể như vậy được. Định mệnh của tôi là lang thang. Tôi không có nơi trú ngụ. Tôi hành một nghề phá sức, nếu trân trọng nó thì không sống được lâu. Cần phải tự biết dừng lại. Nhưng không thể dứt nó ra được.” Chúng tôi đến nhà người bạn Francesco Comina ăn tối, bên kia dòng Talver chia Bolzano ra phần Ý và phần Đức, hơi giống như sông Netreva của Mostar. Trên bàn có rượu vang đỏ thơm ngon, tiếng nhạc nền, những tiếng trải bàn ăn vọng đến qua cửa sổ từ các căn nhà đặc trưng kiểu Ý lân cận. Phần Bozen của Đức hồ như xa xôi lắm. Phía trên mảnh sân nhỏ trước nhà là hình ngọn núi đen thẫm và ánh sáng đô thành, còn cao hơn nữa là các vì sao.

Chúng tôi đi bộ về qua sông. Ông mệt mỏi tựa vào thành cầu. Tin tức mới nhất nói về một cuộc tấn công quân đội Mỹ ở Iraq, nhưng nó không có ý nghĩa gì đối với ông. Ông nhìn xuống giày, cười một cách bất an: “Herodotus đã biết về Cận Đông cái điều mà người Mỹ ngoan cố không muốn hiểu. Ở đó không có một chiến tuyến, ở đó người ta tấn công rồi chạy trốn. Hai ngàn năm rưỡi trước vua Darius tin mình có thể chiến thắng người Scythia. Ông ta đứng trên thảo nguyên vô tận cùng với đạo quân vô dụng của mình trước kẻ thù bất khả lường. Bush vẫn chưa lĩnh hội được điều này.” Chúng tôi chậm rãi rời bước trong một đêm không trăng.


Bài đăng trên La Repubblica ngày 24.1.2007, một ngày sau khi Kapuściński mất. Thái Linh dịch từ bản tiếng Ba Lan.
Vì chúng ta thật là khác biệt
Tựa như hai giọt nước trong veo
(W. Szymborska)
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Sức mạnh của ngôn từ

Tác giả: Ryszard Kapuściński


Viết có thay đổi được điều gì không? Có. Tôi tin tưởng sâu sắc vào điều đó. Không có niềm tin ấy tôi đã không biết và không thể viết. Tất nhiên là tôi ý thức được mọi giới hạn về hoàn cảnh, môi trường, lịch sử và thời gian. Chính bởi vì thế nên niềm tin của tôi, mặc dù rất sâu sắc, không phải là một niềm tin tuyệt đối và mù quáng.

Nguyên nhân của các giới hạn là gì? Đó là vì những gì được viết ra rất hiếm khi, chỉ trong những trường hợp đặc biệt, có thể gây ảnh hưởng một cách trực tiếp đến con người và tiến trình lịch sử. Những ảnh hưởng này thường là gián tiếp, thậm chí thoạt nhìn tưởng như là không thấy được. Vì vậy cần có thời gian để chúng đến được với nhận thức của người đọc, thời gian để những nhận thức này thành hình, thay đổi và sau đó ảnh hưởng đến những quyết định, thái độ và hành động của chúng ta.

Để việc viết có thể thay đổi cái gì đó, điều quyết định không chỉ là các tác giả, mà trước hết là người đọc, người nghe, sự nhạy cảm và lòng tin của họ với ngôn từ, sự sẵn lòng va thiện chí trong việc trả lời và phản ứng đối với chúng. Hoàn cảnh mà ngôn từ được phát đi và đón nhận, bầu không khí xung quanh, xu thế của thời đại và hiện trạng của văn hoá cũng là những yếu tố có ý nghĩa. Các tác giả không có ảnh hưởng gì đáng kể đối với những yếu tố này, trong khi chúng có thể làm giảm hoặc thậm chí cản trở sức mạnh và giá trị của ngôn từ.

Nhưng cho dù có những rào cản và ngăn trở này, tôi vẫn tin chắc rằng viết có thể làm thay đổi mọi thứ, và thay đổi được rất nhiều. Tôi nói dựa trên kinh nghiệm của rất nhiều bạn bè tôi, những người đã mạo hiểm bằng mạng sống của mình, đôi khi thậm chí đã hy sinh cả mạng sống, để bằng nghiệp viết và ngòi bút của mình không chỉ đưa thông tin về những gì đang xảy ra trên thế giới, mà còn bằng những thông tin ấy thay đổi hiện thực, lột trần cái xấu, hàn gắn vết thương và làm cho thế giới này trở nên nhân bản hơn.

Tôi xin đưa ra một trong số rất nhiều ví dụ. Rwanda từ năm 1959 là một đất nước luôn có những cuộc thảm sát bộ lạc và đẳng cấp xảy ra liên tục và có hệ thống mà cả thế giới đã không hề hay biết, vì trong vòng vài chục năm các nhà báo không được phép bước chân vào đất nước này. Bản thân tôi khi còn cư trú tại nước láng giềng Tanzania cũng đã vài lần tìm cách vào mà không được. Cho đến tận năm 1994 các bài viết về những cuộc thảm sát mới đánh thức dư luận quốc tế và từ đó Rwanda - lần đầu tiên trong lịch sử của mình - mới không còn là nơi của những cuộc thanh toán nội bộ hàng loạt và đẫm máu.

Chính việc viết - để lột trần và tố cáo, hay thông thường hơn - để cung cấp thông tin, đã góp phần quan trọng trong việc loại trừ các trại tập trung, lật đổ nhiều chính thể tội ác như chế độ độc tài Pol Pot, Mobutu, Amin hay Duvalier. Và chính bởi những văn bản luôn có thể thay đổi nhiều thứ mà suốt bao thế kỷ chúng là nỗi khiếp sợ của các chính quyền độc tài vốn luôn dùng mọi cách để chống lại. Vì thế mà người ta đốt sách, cưỡng bức lưu vong và tuyên án tử hình với những người cầm bút. Thực chất là chúng ta không thể hình dung được một cuốn sách giáo khoa lịch sử thế giới mà lại không có các chương về ảnh hưởng của văn bản, dưới hình thức truyền đơn, báo chí ngầm và những nhà xuất bản ngoài luồng, đối với tiến trình đấu tranh xã hội và chính trị.

Khi hỏi „Viết có thể thay đổi được gì không?”, chúng ta thường nghĩ đến những thay đổi tích cực và có lợi, đến một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng viết cũng có thể thay đổi thế giới theo chiều hướng tiêu cực, làm tăng cái xấu, lòng hận thù và bạo lực. Đó là khi người ta viết với tinh thần cuồng tín, bài ngoại, với tinh thần của chủ nghĩa chính thống và chủ nghĩa phát xít, ví dụ như cuốn „Mein Kampf” của Hitler.

Tôi nghĩ rằng câu hỏi về mối liên hệ giữa viết và những sự thay đổi, về sự tồn tại và tính chất của mối liên hệ này, là rất quan trọng và luôn mang tính thời sự. Rất tốt là chúng ta đặt ra câu hỏi này ngày hôm nay – khi hiện thực đang đặt ra cho nền văn học những thử thách mới. Câu hỏi này nảy sinh từ nỗi bất an về hiệu quả của những gì chúng ta viết, về bản thân giá trị của việc viết lách. Vì một mặt chúng ta nhìn thấy sự bùng nổ của những sản phẩm viết – sách, báo và tạp chí ngày một nhiều hơn – nhưng đồng thời chúng ta cũng cảm nhận được bao nhiêu cái xấu trên thế giới này và thấy rằng dường như số lượng của những vấn đề và xung đột tăng lên chứ không giảm đi. Do đó mà có chủ nghĩa hoài nghi của nhiều người cầm bút, do đó mà chúng ta ngờ vực, thậm chí không tin vào ý nghĩa của việc viết lách.

Trí óc của con người hiện đại bị ngập trong những cơn lũ của ngôn từ, và điều này làm chúng rất nhanh mất đi giá trị và sức mạnh. Càng ngày người ta càng ít nói với chúng ta mà càng hay làm chúng ta mất phương hướng, mệt mỏi và kiệt sức. Nhưng đáng lẽ ra sự khủng hoảng thừa này không được làm chúng ta nản lòng. Văn học luôn gánh vác trách nhiệm. Từ hàng ngàn năm nay văn học luôn đồng hành với cuộc sống của các thế hệ, thường làm cho nó tốt đẹp hơn, và ngày nay không ai gỡ bỏ trách nhiệm này của văn học. Ngược lại, trong thời kỳ khó khăn mà chúng ta đang sống, nó bắt chúng ta phải nói bằng một niềm tin và sức mạnh đặc biệt, rằng: „Đúng vậy, viết có thể thay đổi điều gì đó trở nên tốt đẹp hơn, mặc dù không nhiều, nhưng chắc chắn là có thể.”


Bài phát biểu của Kapuściński trong Liên hoan văn học quốc tế lần thứ I „Những tiếng nói từ khắp thế giới” tổ chức tại New York vào tháng 4.2005, Thái Linh dịch từ bản tiếng Ba Lan.
Vì chúng ta thật là khác biệt
Tựa như hai giọt nước trong veo
(W. Szymborska)
Chưa có đánh giá nào