Sinh thời, cha tôi rất thích thăm thú, dạo chơi ở các ngôi chùa. Đặc biệt là những ngôi chùa cổ với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn thời gian. Cha tôi có thể ở lại cả ngày nơi sân chùa, ngắm tượng Phật rồi đắm chìm trong hương trầm quấn quyện với muôn loài hoa thơm thảo trong vườn chùa…

Trong những tác phẩm thơ còn lại của ông có bài Khóc sư phụ chùa Bồ Đà (Một ngôi chùa lớn và đẹp cổ kính nằm trên lưng chừng núi Bổ Đà ở bờ bắc sông Cầu, thuộc xã Tiên Sơn, tỉnh Bắc Giang còn nguyên nét rêu phong, người dân địa phương còn gọi là chùa Bổ). Bài thơ được cha tôi viết năm 1949, khi về thăm người bạn làm trụ trì tại chùa này đã qua đời. Ông đã dùng gạch non và đề bài thơ lên cột đá nơi cổng chùa. Bài thơ nói lên nỗi tiếc thương bạn hiền giờ đã thành người thiên cổ:

Khóc sư phụ chùa Bồ Đà

Cách mấy năm trời biệt cố nhân
Vừa hay tin hạc đã xa trần
Bồ Đà núi cũ thay màu cỏ
Thông vắng đường xưa lạnh dấu chân

Mới biết bể dâu buồn thế sự
Thuyền môn nay hẹn xếp kinh luân
Sớm nay kinh kệ vương hồn tục
Hương bỗng gây mùi hương cố nhân
Bài thơ hiện đã được in vào cuốn tuyển tập thơ văn Quang Dũng. Khi lần đầu đọc bài thơ, từng câu chữ như dẫn dắt thôi thúc tôi phải tìm đến ngôi chùa cổ để có thể cảm được hồn cốt của bài thơ Khóc sư phụ chùa Bồ Đà và giao cảm cùng cha. Cuối mùa xuân năm 2016, tôi thực hiện chuyến đi thăm ngôi chùa, tiếp chúng tôi trong gian buồng khách với ô cửa sổ tròn và những kí tự cổ, chạm khắc tinh xảo trên những mái vòm, cột, kèo… sư thầy Tự Vinh sau phút ngạc nhiên thì rất cảm động khi biết tôi là con gái của nhà thơ Quang Dũng, tác giả của bài thơ Khóc sư phụ chùa Bồ Đà. Thầy Tự Vinh hào hứng nói chuyện về ngôi chùa cổ đã trải qua bao biến cố thăng trầm với giọng tự hào. Có một chi tiết khiến tôi thực sự ngỡ ngàng và cảm kích, sư thầy kể: “Sau khi đến thăm chùa năm 1949 và biết tin người bạn là nhà sư trụ trì mất, ông Quang Dũng đã làm bài thơ và dùng gạch non viết lên cột đá trước chùa. Trải qua nhiều thời gian, cột đá đã bị di dời và bài thơ cũng không còn trên cột nhưng đã được lưu vào một trong những pho sách của chùa. Đặc biệt hơn là những tăng ni trong chùa qua nhiều đời sư thầy trụ trì đều biết và đọc thuộc bài thơ vào một thời khắc theo quy định của chùa!” Ngay hôm đó thầy Tự Vinh có ý đi tìm cho tôi cuốn sách ghi chép lại bài thơ của cha tôi nhưng do thầy có ít thời gian nên tôi dự định sẽ quay trở lại chùa vào một dịp khác.

Năm 1972, gia đình tôi đi sơ tán theo cơ quan nhà xuất bản Văn học của cha tôi về làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Cách gian nhà kho nơi gia đình tôi được ưu tiên ra ở vì đông con không xa là đình làng Mông Phụ, chùa Mía và lăng Phùng Hưng, xa hơn chút là đền Và, cả một vùng văn hoá xứ Đoài cổ kính. Tôi nhớ cứ rảnh rỗi là cha tôi đi bộ và mang theo giá vẽ đến những địa danh trên. Ông còn mang theo bi-đông nước và cơm nắm để có thể ở lại lâu hơn, đắm chìm vào sự tĩnh lặng của cảnh sắc quê hương ông… ông vẽ tranh Tôn Ngộ Không, Quan Vân Trường, Võ Tòng đả hổ… trên những tờ giấy báo hay giấy học trò đã qua sử dụng rồi đem cho lũ trẻ chăn trâu, mò cua bắt ốc quanh đó. Bức tranh Mùa gặt được ra đời trong giai đoạn này và hiện được một người sưu tầm tranh ở Pháp lưu giữ. Gia đình hiện còn giữ bức tranh Cánh đồng lúa với những đám mây ngoại ô phóng khoáng đọng lại trên nền cao xanh…

Chùa Bà Đá (ngôi chùa cổ còn có tên gọi là Linh Quang Tự, Sùng Khánh Tự) ở số 3 phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm Hà Nội là ngôi chùa cha tôi hay lui tới. Những năm 70 ở sân chùa có cây hoa đào lớn rất đẹp, bức tranh cha tôi vẽ cây đào cũng đã thất lạc (không rõ do cha tôi tặng bạn hay do chuyển nhà nhiều lần). Một giai thoại – mà là chuyện xảy ra thật đó là vào ngày mồng hai tết, cha tôi lại lên chùa Bà Đá bái Phật và vẽ, lúc ra cổng chùa có mấy người ăn xin, ông ngồi xuống cạnh họ rồi lấy trong túi mang theo chiếc bánh chưng và cắt ra mời. Mấy người ăn xin thoạt đầu e ngại rồi sau thấy ông hồn nhiên ngồi ăn cạnh họ thì cũng thoải mái ăn cùng ông. Ông nói với họ: “Chúng ta đều là ăn mày của trời đất cả!”

Tôi cứ luôn ám ảnh một câu hỏi chính mình: “Tôi đã ở đâu những lúc đó?”

Sau Tết Nguyên đán năm 1984, cha tôi lúc này đã ở khu kinh tế mới Lâm Đồng được gần một năm và đi về Sài Gòn thăm hai người em ruột. Những ngày ở đó, cha đã dành nhiều thời gian thăm thú những ngôi chùa nổi tiếng, trong đó có chùa Vĩnh Nghiêm, nơi kí thác chân linh bà nội tôi. Và một chuyện đã xảy ra ngoài cả trí tưởng tượng của cha tôi: “Sau khi niệm Phật ở ban Tam Bảo, cha tôi ra phía sau chùa và ngồi Kiết già, miệng nhẩm niệm Phật. Một lúc sau có hai người phụ nữ tự giới thiệu ở Hậu Giang mới lên Sài Gòn chơi, đi qua thấy ông cụ nét mặt hiền từ, dáng vẻ nhập thần đang ngồi kiết già niệm phật thì phát tâm từ bi. Một chị dịu dàng để vào mũ của cha tôi tờ tiền 100 đồng còn mới và nói: Cháu thương bác lắm, lạy trời đất, lạy phật… tặng bác để bác tu- rồi hai chị nghiêm cẩn chắp tay niệm Nam mô a di đà phật! Nhà thơ nhận tờ tiền và nghĩ họ có thể là người rất giàu có… và đẹp nữa! Tình người Nam bộ đáng quý biết bao!

Chuyện cũng đã qua mấy mươi năm, người cũng đã về nương cửa Phật… Cây đào ở sân chùa Bà Đá không còn, bài thơ khóc bạn trên cột đá chùa Bồ Đà cũng không còn đó nữa và cả mấy bức tranh đang phiêu bạt nơi nào… nhưng tôi chắc một điều - cha là người hiền sẽ có duyên nơi cửa Phật!


Ngày thu 2019
Bùi Phương Thảo

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại