Lầu xanh tháng lụn lại ngày qua,
Buồn bực thương cho phận đĩ già:
Sương tuyết cứ dồn thêm mái tóc,
Phấn son không đổi được màu da.
Canh tàn luống những than cùng nguyệt,
Xuân muộn thêm càng tủi với hoa.
Mày bạc ông Thần như chiếu giám,
Đoạn trường trong sổ rút tên ra!


Tác giả sau khi về hưu trí đã khá lâu, vào Sài Gòn mở một phòng mạch của một bạn đồng nghiệp. Bao nhiêu vốn liếng của ông đã trút cả vào đấy, nhưng phòng mạch của ông rất ít khách, tiền thu được hàng ngày không đủ cho ông chi dụng. Cho nên, ông có ý muốn trả lại phòng mạch cho chủ cũ, nhưng không dám hở môi, vì ông ngại làm mếch lòng người bạn cố tri. Bài thơ là tâm sự của tác giả nghĩ đến đời bác sĩ tư của mình về chiều không khác gì đời của các ả giang hồ đã luống tuổi, dẫu có tô son điểm phấn bao nhiêu cũng không đổi được màu da, khiến khách làng chơi không còn đoái hoài đến nữa. Vì phòng mạch bên ngoài sơn xanh nên ông dùng chữ “lầu xanh” để ám chỉ. Rồi ông gửi bài thơ ấy đến ông bạn cố tri. Đọc xong, ông bạn hiểu ý, bèn vui vẻ hoàn tiền để lấy lại
phòng mạch.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]