曉經僊侶寺

林墅芊綿曉露襛,
黃冠去客訪禪鐘。
鷓鴣啼起鄉關思,
回望柴山第一峰。

 

Hiểu kinh Tiên Lữ tự

Lâm thự thiên miên hiểu lộ nùng,
Hoàng quan khứ khách phỏng thiền chung.
Giá cô đề khởi hương quan tứ,
Hồi vọng Sài Sơn đệ nhất phong.

 

Dịch nghĩa

Trang trại cây cối um tùm, sương sớm dày đặc
Đội mũ vàng ra đi, hỏi thăm tiếng chuông chùa
Tiếng chim đa đa kêu, gợi tình nhớ quê hương
Ngoảnh lại nhìn ngọn núi thứ nhất của Sài Sơn



[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Hoàng Tạo

Rừng trạm liền nhau sương sớm dày
Chuông chùa khách hỏi vẳng đâu đây
Tiếng chim như gợi tình quê cũ
Ngoảnh lại, non Sài cao ngất mây

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Chùa Tiên Lữ

Ngôi chùa có tên chữ là Quảng Nghiêm tự, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Chùa được lập từ thời vua Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù thứ 10 (1185). Đến thời nhà Trần, chùa là nơi tu học của hoà thượng Bình An, tên thật là Nguyễn Lữ, quê ở Bối Khê. Tương truyền, hoà thượng là người có nhiều phép lạ nên sau khi ông mất, dân làng xây tháp để gìn giữ hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối. Quy mô ngôi chùa hiện nay là được trùng tu qua nhiều thời đại.

Truyền thuyết kể rằng vào thời nhà Trần, ở làng Bối Khê có một người phụ nữ nằm mộng thấy đức Phật giáng sinh. Sau đó, người này có mang và sinh ra một người con trai. Năm lên chín, sau khi bố mẹ mất, người con trai ấy vào tu ở chùa Đại Bi. Năm 15 tuổi, nhân một lần đến thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, thấy cảnh đẹp nên người này đã xin theo học kinh kệ với vị trưởng lão của ngôi chùa trên núi. Sau 10 năm, chàng trai trở thành một người có thể hiểu thấu hết mọi phép linh thông. Vua Trần biết tiếng, triệu về kinh hỏi chuyện và sắc phong Hoà thượng, đặt hiệu là Đức Minh. Sau khi vị trưởng lão chùa Tiên Lữ viên tịch, Hoà thượng Đức Minh đã xin phép nhà vua về làng và dựng một ngôi chùa mới để tu tập và truyền đạo pháp. Đến năm 95 tuổi, Hoà thượng từ biệt đệ tử và ngồi vào trong một khám gỗ. Một trăm ngày sau, đệ tử mở khám thì thấy Hoà thượng đã viên tịch nhưng kim thân thì bay mùi thơm nức. Dân làng và đệ tử của ngài đã xây tháp để gìn giữ kim thân và tôn làm đức thánh Bối.

Một truyền thuyết khác trong sách Lĩnh Nam chích quái cũng kể về đức thánh Bối là Thánh có thể hô mưa gọi gió. Chuyện kể rằng vào đầu thế kỉ XV, quân Minh xâm lược nước ta. Một toán giặc nghe nói chùa Tiên Lữ rất thiêng bèn phóng hoả đốt chùa, phá tượng. Đức Thánh Bối đã nổi giận hoá phép làm ra một trận mưa ba ngày ba đêm, nước đỏ như máu, dâng cao tới ba thước, dìm chết hết lũ giặc bạo ngược. Sau cơn mưa, dân làng thấy một đám mây ngũ sắc hiện trên nền trời, cuộc sống thanh bình trở lại, ngôi chùa vẫn còn nguyên như cũ. Từ đó, dân làng quanh năm càng phụng thờ hương khói, mỗi khi gặp đại hạn thì mọi người làm lễ cầu mưa tại chùa, tất cả đều rất linh ứng. Các triều vua sau đều phong đức Thánh Bối là Thượng đẳng tối linh Đại Thánh. Chùa Quảng Nghiêm là một quần thể kiến trúc độc đáo, bao gồm 104 gian, chia thành 3 cụm kiến trúc chính. Cụm thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội, tiếp đó là nhà Giá ngự nhìn ra mặt hồ sen, nơi đặt kiệu thánh để xem trò múa rối nước.

Trèo qua mấy trăm bậc gạch xây là tới cụm thứ hai gồm một toà gác chuông 2 tầng mái, có lan can chạy quây 4 mặt. Các ván bằng đều có chạm hình mây hoa. Tại đây treo một quả chuông cao 1,1 m, đường kính 0,6 m, đúc năm 1794. Trên chuông có khắc một bài minh của Phan Huy Ích. Qua gác chuông, leo 25 bậc đá xanh hình rồng mây, đến sân trên có kê một sập đá hình chữ nhật. Lại leo 9 bậc đá, hai bên có lan can chạm hình rồng cuộn khúc. Cụm thứ 3 đó là chùa chính, gồm nhà Bái đường, toà Thiêu hương, và Thượng điện. Hai bên là 2 dãy hành lang. Trong cùng là nhà tổ. Ở giữa còn có gác trống treo một chiếc trống lớn và một khánh đồng đúc năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749).

Ở giữa thượng điện có một bệ đất nung đỏ hình khối chữ nhật, giống các kiểu bệ đá thời Trần. Trên bệ đá là đài sen, xung quanh có trang trí nhiều hình động vật, hoa lá, bốn góc có hình chim thần. Trên bệ đặt các tượng Phật tam thế. Trong chùa còn nhiều hoành phi, câu đối, đặc biệt là có hai câu đối được khảm trai, tương truyền là có từ thời nhà Hồ.

Chùa hiện còn lưu giữ bộ sưu tập tượng gồm 153 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung trong đó đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Âm Bồ Tát và tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông, một tướng lĩnh nhà Tây Sơn. Ngoài ra, chùa còn có tượng thờ Đức Thánh Bối được đặt trong khám gỗ. Pho tượng này được rút cốt bằng mây đan ngoài bọc vải sơn, tương truyền là tượng bỏ hài cốt của ông. Hội chùa mở từ ngày 4-6 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Chùa đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trương Việt Linh

Sương mai dày đặt trạm rừng liền
Bước khách chuông chùa dẫn lối sang
Gợi nhớ tình quê chim cất tiếng
Tầng mây cao vợi ngọn Sài Sơn

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Văn Dũng Vicar

Thôn rừng ngút ngàn sớm đầy sương
Mũ vàng thiền khách đến gác chuông
Đa đa kêu dậy quê hương nhớ
Trông về Sài sơn đỉnh mây vương

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Cây cối um tùm sương sớm dày,
Chuông chùa khách viếng vẳng gần đây.
Đa đa gợi nhớ quê hương cũ,
Ngoảnh lại Sài Sơn đỉnh núi mây.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời