Tháng Ba năm Giáp Thìn (1904), ở Nam Kỳ trở về, tôi lại ngụ ở Huế. Thỉnh thoảng lo tính một chuyện như cách vẽ rắn thêm chân. Đó cũng là một việc quan hệ về lịch sử tôi nên nói. Nguyên lúc vua Đồng Khánh được lên ngôi rồi, hai nước Pháp, Việt sửa thêm vào tờ điều ước cũ. Bây giờ cắt đất từ Thanh Hoá trở vào, Bình Thuận trở ra gọi là Annam, thuộc về Pháp quốc bảo hộ. Then chốt của chính phủ Bảo Hộ ở trong tay ông Trú Kinh Khâm sứ nắm giữ. Những thực quyền về việc binh việc tài, đều về tay người Pháp chủ trì, còn quan lại thì người nước mình.

Người Pháp chỉ xem xét sai khiến mà thôi. Tôi suy nghĩ nếu như công việc mình tính làm đây mà được bọn người trong quan trường giúp ngầm, tất là dễ dàng nên việc. Song tôi suy đi tính lại bọn làm quan là hạng trí não tầm thường, e mình khó lòng mưu toan với họ, mà rủi mưu toan với họ không xong, thì có tai hoạ xảy đến cho mình ngay. Tuy vậy mặc lòng, chúng ta là người đã quyết hiến thân cứu quốc thì đầu cổ mình, tính mạng mình, đều có thể hy sinh không sá kể gì, vậy thì con đường hoạ phước lợi hại, ta cứ dấn mình vào mà di, há nên chần chờ trốn tránh nữa sao?

Tôi bèn quyết kế tìm cách vận động các quan. Lúc ấy, tôi có tiếng hay chữ vang dậy chốn kinh đô, phần nhiêu cụ lớn trong triều muốn được tôi ra vào làm môn hạ các cụ. Tôi liền viết ra một cuốn sách, nhan đề là Lưu cầu huyết lệ tân thư. Trong đó tôi tả rõ những cái thảm trạng thành tan nước mất, những nỗi nhơ nhuốc đổi chúa làm tôi.

Lại nói đến dân trí phải gấp mở mang, dân khí (sức mạnh của nhân dân) nên gấp bồi dưỡng để làm nền tảng cho việc cứu quốc, v.v... Cuốn sách này gồm có mấy muôn lời nói.

Tôi ôm sách tới ra mắt các cụ lớn, như cụ Đông các Nguyễn Thảng, Công bộ Đào Tiến, Lễ bộ Hồ Lễ, Lại bộ Nguyễn Thuật, v.v... Các cụ đều khen lời nói cứng, văn tiết hay, và ngầm cho ý kiến tôi bày tỏ là đúng, nhưng thuỷ chung các cụ chẳng dám nói rõ ý mình ra sao. Loanh quanh hết mấy tháng trường như thế, rồi sau tôi biết rõ bọn cụ lớn kia không cậy nhờ gì được mà trông. Ruột gan của họ, chỉ biết có sự phú quý của thân họ, nhà họ.

Trước việc thì họ chỉ ngồi ngó thành bại, sau việc thì họ lựa sóng theo chiều. Nay ta mạo hiểm giải bày tâm sự với họ nhưng thật không chỗ nào trông cậy họ được. Tôi luống thẹn mình kém phần trí sáng, chẳng có tài làm cho tượng đá biết gật đầu, rồi càng nghĩ càng ăn năn trước kia mình tơ tưởng lợi dụng quan trường thật là bá láp. Nhưng việc này không phải là không có kết quả.

Sau khi Lưu cầu huyết lệ tân thư ra đời rồi, các chí sĩ lẩn quất trong kinh đô, đều rõ biết ruột gan tôi ra thế nào. Ví dụ như ông Phan Châu Trinh và ông Trần Quý Cáp - về sau bị tù, chết chém - lúc này làm quen thân mật với tôi, ấy chính là nhờ cuốn Lưu cầu huyết lệ tân thư giới thiệu vậy.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại