15.00
Thể thơ: Phú
Thời kỳ: Cận đại

Đăng bởi tôn tiền tử vào 26/08/2020 22:39

Liếc xem phong thổ;
Nghe tiếng quốc âm.

Ở ống thì dài, ổ bầu thì tròn, đã biết ngạn ngôn vẫn có;
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, cho hay cổ huấn đã nhằm.

Sống nhiều tuổi biết nhiều điều, cổ nhân đã dạy;
Hơn một ngày hay một chước, tiền định chẳng lầm.

Khôn làm chị, khó làm em, người danh giá chia nên thượng hạ;
Giàu vì làng, sang vì nước, khách tài hoa nối gót quan trâm.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, người cư xử có thuỷ chung tiền hậu;
Có tiền mua tiên cũng được, nó tiền tài kể ức vạn nghìn trăm.

Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau, lời ngạn ngữ mấy câu huấn độc;
Khéo ăn thời no, khéo co thời ấm, lúc hàn vi bao kẻ phù trầm.

Vốn xưa:
Mấy dòng chính thống,
Một cõi An Nam.

Vũ trụ thu về trong tám cõi;
Cơ đồ gây dựng mấy muôn năm.

Ai ngờ tin bợm mất bò, âm âm khắp cõi bắc nam, thấy trắng toát thuyền bè xe ngựa;
Chẳng biết nuôi ong tay áo, giăng giăng khắp đường kẻ chợ, mải đen sì thuỷ bộ sơn lâm.

Nuôi cọp cọp hại mình, tiền bạc nó đều thu tận;
Chơi cò cò mổ mắt, thành trì quét sạch lăng xâm.

Rước voi về giày mả, nào tiểu chiến, nào đại công, liếc mắt thấy cờ trương tỏ rõ;
Xắn tay đốt nhà làng, nào thành cao, nào hào rộng, vẳng tai nghe súng phát vang ầm.

Mình một gói, người trót bàn, nó xe ngựa tung hoành trong đất nước;
Bè của tôi, gỗ của chú, nó bạc tiền thu tận mấy non sông.

Không thầy đố mầy làm nên, xe Cát Lợi, điện Hồng Mao, đều học được tha bang trí xảo;
Gần tre phải chẻ một phía, thuyền Pha Nho, súng Phổ Lỗ, đã chắc rằng viện quốc hồng phong.

Bây giờ:
Bụt già ma trẻ;
Nước đục bùn trong.

Cũng có người nhờ gió bẻ măng, chẳng nhớ xưa lộc nước ơn vua, cơm áo nặng dày ơn cố chúa;
Cũng có kẻ qua cầu cất nhịp, chỉ biết những đồng tiền lượng bạc, cương thường nhẹ bổng chữ trinh trung.
Cũng có thằng theo đuốc ăn tàn, quyết một bài uốn lưỡi cắt răng, ngậm miệng nín hơi đua những thói;
Cũng có kẻ nương đèn ẩn bóng, quen những thói bắt tay nhớ mặt, xui nguyên giục bị nhởn nhơ lòng.

Ăn một miếng tiếng cả đời, chỉ căm hết thịt dơ xương, gặp hội no ra rồi cũng có.
Gió bề nào che bề ấy, đã chắc ít thầy đầy bị, tới phen này há lẽ ngồi không.

Quan cả vạ to, giàu kim ốc thấy đâu Đình Trưởng;
Của đời người thế, tiền đông sơn đâu thấy Đặng Thông.

Hội này:
Nhà nước loạn ly;
Sơn lâm biến đổi.

Chớ thấy người sang bắt quàng làm họ, phận đỉnh chung sẽ bấm chỉ đợi chờ;
Chớ thấy sóng cả mà vỗ tay chèo, tài châu liếp phải ra tay gắng gỏi.

Cũng đừng ăn no tức bụng, theo những phường mắt cáo râu dê;
Cũng đừng bổ bạc mất hồ, mang những thói quỷ tha ma trói.

Thua cuộc này bày cuộc khác, ruổi phong trần quét sạch hồ di;
Đông có mây tây có sao, tính sấm vững đã nhằm nguyên hội.

Phải ra ngoài mà lần, văn tu võ luyện học cho tinh;
Dốt thời truốt cho xa, đáy bể ngọn nguồn tới đến cõi.

Có hỏi thời nói, có gọi thời thưa, thơ thẩn kẻ hiền nhân quân tử;
Ra đường hỏi nhà, về nhà hỏi trẻ, xem hội này thiên hạ nhà ai.

Phi đường ấy tắc đường kia, sao Mộc Tư sơn hà đã định;
Đèn nhà ai sáng nhà nấy, hẳn Phá Điền đường đế trùng khai.

Xem mặt đặt tên, số hai mươi cho ra mới biết cày chưa gặp nước;
Nhiều cây dày trái, hạn bảy mươi đã định biết rằng chợ họp lấy người.

Cũng có người nhiều mối tối nằm không, có tình vì nước, vì dân, bảo một đường quàng một
Nẻo;
Cũng có kẻ cầu danh tranh mối lợi, có ý giả vương, giả bá, khéo lồng mốt dốt lòng hai.

Thôi thôi!
Thế thời mặc thế,;
Ta biết việc ta.

Câu xuất khảm chưa từng đã rõ;
Hội trăm năm gần đó chẳng xa.

Hay áo giạc sừng, đến lúc cháy nhà ra mặt chuột;
Ma bắt có mặt, mấy đời đứa ở đánh chúa nhà.

Rút dây động rừng, nào là ba bể chín châu, thu hào kiệt đem về la võng;
Phất cờ theo gió, đâu đấy ba mang bảy bị, so quần một hội can qua.

Rồi ra giậu đổ bình leo, đấng chân chúa thừa cơ gặp hội;
Mới thấy cây cao bóng mát, khách anh hùng khai quốc thừa gia.

Ba vuông sánh với bảy tròn, hội quân thần ra tay trí trạch;
Nước đồng chảy thông nước biên, đời thái bình mở hội âu ca.

Ta ở:
Hoan Châu đất cũ;
Hồng Lĩnh quê nhà.

Đất thảo dã đã quen nghề thao lược;
Tiếng anh hùng nổi từ lúc năm ba.

Ăn vóc học hay, đủ thời vụ tính xem thế vận;
Chỉ đâu đánh đấy, khách Nam Đình ghi để bút hoa.


Bài văn này tố cáo các thủ đoạn và bộ mặt của thực dân Pháp. Phan Bội Châu làm trong thời kỳ bị giam lỏng ở Huế, lấy đủ sáu vần trong câu đầu của Truyện Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta”.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]