Vì một bài thi, cụ Sào Nam bị một ít bạn đọc ghép vào cái án “thân Nhật”, ông Phan Khôi phải biện hộ!

Ăn sung nằm gốc cây sung,
Lấy anh thì lấy, nằm chung không nằm.
Đó là câu ca dao lưu truyền ở xứ ta đã lâu đời. Theo câu đó, ai cũng nhận là lời của một người con gái gặp cái cảnh “tình duyên cượng hiếp” mà thốt ra tâm sự mình, ý nghĩa rất rõ ràng.

Độ năm 1929-30, Cụ Sào Nam thường ngày đậu đò nơi bên cây sung bên hữu ngạn sông Hương, cái tình cờ khêu đến nguồn thi lai láng trong não Cụ mà sanh mối cảm xúc, là cây sung bên cạnh đò Cụ với cây sung trong câu ca dao trên, có hơi giống nhau. Nhân đó Cụ mới mượn câu sau trong câu ca dao kia, làm đầu đề vịnh một bài thi:
Thời thế xui nên giá vợ chồng,
Lấy anh chưa dễ đã nằm chung.
Ừ chơi cho nó toi đồng bạc,
Thiệt chẳng cho ai nếm má hồng.
Cười gượng lắm khi che nửa mặt,
Khóc thầm một nỗi khác hai lòng.
Bao giờ duyên cũ thay duyên mới,
Thoả thuận cùng nhau tát biển Đông.
Đứng về mặt nhà thi mà nói, phàm thi có đề, tác giả buộc phải tả theo ý nghĩa trong đầu đề, lìa ra ngoài tức là lạc đề; còn nói “ngụ tình” hay “ký thác” thì chỉ tác giả tự biết lấy và tuỳ độc giả tự ý suy đoán thế nào tha hồ.

Vì cái cớ suy đoán tự ý đó mà bài thi trên bị người ta bắc một cái cầu cho tiếp giáp đến chuyện thân Nhật, phiền ông Phan Khôi phải viết một bài biện hộ rất rành rẽ đăng trong báo Dư luận ra ngày 1-8-38.

Thực ra chỉ là sự tình cờ:

a/ Cô con gái đời xưa nào đó, vì tình duyên mình mà thốt ra câu ca dao trên, không ngờ đời sau có người cũng nằm dưới cây sung như mình là Cụ Sào, lại mượn câu ca dao của mình làm đầu đề một bài thi; sự tình cờ!

b/ Mà chính Cụ Sào Nam làm bài thi trên, chẳng qua một bài cảm xúc như bao nhiêu bài thi của Cụ làm trên sông Hương, có gởi đăng Tiếng Dân, nhưng không ngờ gần đây có chuyện Trung-Nhật cùng Nhật Bản dòm dỏi Đông Dương, mà dư luận lại ghép bài thi ấy vào án “thân Nhật”; sự tình cờ!

c/ Trên mười hai năm, Cụ Sào Nam ở Huế, cái hứng thú về đời sống sót của một nhà cách mạng, chỉ có ngâm thi trong khi sau rượu trước trà, ngoài ra không có một việc gì tiêu khiển khác, − bài trên là một bài trong 50, 30 bài khác. Nếu bài trên mà ghép vào án “thân Nhật” đến sôi nổi dư luận, thì bao nhiêu bài khác cũng có thể ghép vào án như thế, làm mồi cho phái thân Nhật. Vì thế mà ký giả phải viết bài nầy, cũng là sự tình cờ!

Về bài thi nầy, 6 câu trên tả thực cái nghĩa “lấy mà không nằm chung”, ông Phan Khôi giải nghĩa rõ ràng, không phải bàn nữa. Duy câu kết, “duyên cũ thay duyên mới”, làm nền cho mấy ai ghép vào án “thân Nhật”, mà chính ông Phan Khôi cũng chịu là không hiểu. Ký giả đã thân đến hầu Cụ, phiền Cụ nói rõ ý nghĩa câu ấy, tưởng nên công bố lời Cụ để giải mối nghi ngờ trong dư luận. Song trước khi thuật câu cắt nghĩa của Cụ, xin kể một vài cái thi án trên lịch sử phương Đông để độc giả thấy rõ sự nguy hiểm về lối thích nghĩa đoán chừng; thứ nữa lược kể đoạn quá khứ của Cụ để chứng rằng Cụ thân Nhật hay không thân Nhật.

VÀI CHUYỆN THI ÁN 詩案

1/ Dương Vận, đời Hán, hưu quan về nhà, gởi thơ cho người bạn có câu ca:
田彼南山蕪穢不治
種一頃豆落而爲其

Điền bỉ Nam Sơn, vu uế bất trị
Chủng nhất khoảnh đậu lạc nhi vi kỳ

Nghĩa là:
Cây trên núi Nam, cỏ rậm diềm dà,
Gieo một khoảnh đậu rụng mà dơ chà.
Bằng theo nghĩa câu trên, chỉ nói việc cày ruộng gieo đậu mất mùa, nào có ý nghĩa gì đâu. Vậy mà bức thơ ấy phát ra, nhà đương cuộc ghép câu ca trên vào cái tội “chê bai triều chánh”, Dương bị tử hình!

2/ Đời Tống, ông Tô Thức vịnh cây cối có câu:
根到九泉無曲處
些間惟有蟄龍知

Căn đáo cửu toàn vu khúc xứ,
Tá gian duy hữu trập long tri.

Nghĩa là:
Gốc đến suối vàng không chỗ vạy,
Dưới nầy rồng lặn biết mà thôi.
Có kẻ thêu dệt nói rằng vua là rồng bay mà Tô Thức ví với rồng lặn là có ý khinh khi… Tô mang cái án thi, bị đày!

3/ Ở Triều ta về đời Gia Long, Nguyễn Thuyên, con ông khai quốc công thần Nguyễn Văn Thành, có bài thi gởi cho mấy bác văn sĩ Thanh Hoá có câu:
此囘若得山中宰
左我經綸轉化機

Thử hồi nhược đắc sơn trung tể,
Tá ngã kinh luân chuyển hoá cơ.

Nghĩa là:
Lúc nầy ước được tài trong núi;
Giúp đỡ cùng ta chuyển máy trời.
Chỉ bài thi đó mà một vị khai quốc công thần đến bị giết cả họ! (Tương truyền bài thi đó cũng có kẻ đặt mà vu, vì cốt trị ông Thành về cớ không chịu lập vua Minh Mạng, nhưng cái thi án trên lịch sử đã thành cái thiết án).

Những thi án trên, − như ngục văn tự đời Càn Long Mãn Thanh thì nhiều lắm, đây không kể xiết, − về đời chuyên chế, rõ là tàn khốc, song chúng ta nên biết, phàm những án đó, là người ta không tìm được thực sự hành động có chứng cứ gì, nên sưu tìm những câu thi đó mà ghép vào tội án theo cái lối “giết trong ý chí” 誅意 (tru ý).

Theo nguyên tắc và tình lý của pháp luật, thì pháp luật trị hành vi mà không trị ý chí (法律治行為不治意志 Pháp luật trị hành vi bất trị ý chí), nghĩa là trị hành động có chứng cớ là phạm pháp luật; nếu pháp luật bắt tội cái ý tưởng trong đáy lòng người ta thì ai mà tránh khỏi, nhứt là các nhà thi văn.

Tuy vậy, cái “ca” của cụ Sào Nam lại khác hẳn, khác vì cái lịch sử đời Cụ khoảng 20 năm về trước với khoảng 20 năm về sau không đồng nhau.

LỊCH SỬ QUÁ KHỨ CỦA CỤ SÀO NÀM

Khoảng 20 năm về trước (1905-) thì dầu ý chí Cụ thế nào mặc lòng (trong bài khuyên người nước du học có nói: Ta chẳng tự lập, ai cũng là kẻ cừu, một cái thây chết đổi bên nầy cho bên kia, có ích gì…” 我不自立誰非我仇…) chớ mặt hành vi rõ là thân Nhật: nào một mình băng mình vượt biển sang tận bên Nhật, nào tỏ tâm sự mình cùng các nhà yếu nhân Nhật (Đại Ôi [1], Khuyển Dưỡng Nghị [2]…), nào có thơ khuyên người nước sang học bên Nhật và làm đầu cho đôi trăm thiếu niên sang Nhật học… Về khoảng đời ấy thì ai nói Cụ thân Nhật, Cụ vẫn đấm ngực nhận ngay, có trạng sư trổ tài nào cũng không biện hộ được.

Nhưng về khoảng sau (từ năm 1911 đến nay) từ cuộc Đông học bị người Nhật giải tán mà Cụ bị phiêu lưu ở nước Tàu cho đến ngày về nước, cảm tình Cụ đối với nước Tàu như cái quê hương thứ hai, chớ cái dã tâm của người Nhật thế nào, Cụ đã rõ thừa, không còn có cái tư tưởng sùng bái như lúc mới Đông độ (1905-1910) nữa.

Đã thấy rõ cái dã tâm người Nhật, biết cầu thân vô ích, Cụ lại nhìn thấu cái hoạ gớm ghê của người Nhật sau nầy, chính trong bản “Pháp Việt đề huề chính kiến thơ” (viết năm 1918) Cụ đã đem cái hoạ võ lực xâm lược của người Nhật sau nầy mà trung cáo với cả người Nam và người Pháp lo đề phòng trước…

Không chỉ thế, mấy năm Cụ ở Nhật, mà cuộc Đông học, toàn là nhờ một tay Khuyển Dưỡng Nghị tán trợ. Sau khi giải tán, Khuyển Dưỡng đã không phương gì bảo toàn, Cụ và bao nhiêu bạn đồng chí đều ở Tàu, giao thân với đảng cách mạng Tàu, sau Cụ về nước, Khuyển Dưỡng lại bị phái quân nhân giết chết. Thế là tư tưởng thân Nhật của cụ đã tiêu mòn dần.

Thêm một cớ nữa làm cho Cụ đến không muốn ôn lại tư tưởng trước, là Triều Tiên, Đài Loan ở dưới quyền thống trị của người Nhật, không thấy gì là nhân đạo hơn ai, nhứt là cuộc xâm Hoa hiện thời, giống vàng trở giết nhau, những quả bom viên đạn đã giết những thành phố “vô võ trang”, càng đau xót cho người Tàu bao nhiêu, Cụ càng chán cho dã tâm thảm khốc của người Nhật bấy nhiêu, không hề nói đến chuyện thân Nhật.

LỜI CẮT NGHĨA CỦA CỤ VỀ CÂU THI TRÊN

(Duyên cũ thay duyên mới)

Biết rõ lịch sử quá khứ về đời Cụ, chúng ta hãy nghe Cụ cắt nghĩa câu thi “Duyên cũ thay duyên mới” trên. Cụ nói:

Đời tôi là người cách mạng, vì tổ quốc mà có tư tưởng và hành vi cách mạng, nên những thi văn tôi, ai có ghép vào tội cách mạng, tôi không cần chối. Song nên biết tôi phản đối chánh phủ Bảo hộ là phản đối cái chánh sách áp chế thuộc địa, chớ không phản đối cái chánh sách “tự do bình đẳng bác ái” mà nước Pháp đã làm tiền đạo cho thế giới. Trước kia tôi vẫn có ở Nhật là cốt học cái công cuộc duy tân, Âu hoá, tự cường, chớ không thân với cái dã tâm và võ lực xâm lược giết người vô nhân đạo. Vậy bài thi trên vẫn là bài thi cảm xúc nhứt thời, mà ai có nhận là tôi có ngụ ý về mặt “chánh trị cách mạng” tôi vẫn không chối. Xin thực tình nói ngay rằng:

“Duyên cũ” là chánh trị áp chế bất lương, mà “duyên mới” là “chánh sách thành tâm khai hoá”; “thay” là “cải lương”… tức là cái chánh kiến mà tôi đã nói rõ trong bản Pháp Việt đề huề… năm 1918. Nước Nam không có ngày độc lập như ý nguyện tôi thì chớ, chớ không có ý điên cuồng gì mà mong ước cho nước Nam tôi làm Đài Loan, Triều Tiên thứ hai”.

Đấy, chính lời Cụ giải nghĩa bài thi trên là thế. Thế là cái “thi án” nầy nhờ tác giả có giải nghĩa mà từ nay chúng ta khỏi hiểu lầm, không đến nỗi như bài thi “cầm sắt” của Lý Thương Ẩn, lưu một cái án tranh biện cho muôn đời, mà người sau không đồng thời với tác giả phải than vãn: Một bài Cẩm sắt không ai hiểu!


Hải Âu

1. Đại Ôi: gọi tắt tên của Okuma Shigenobu (大隈重信: đọc âm Hán Việt là Đại Ôi Trọng Tín; 16.2.1838-10.1.1922) chính khách Nhật, thủ tướng Nhật thứ 8 (30.6.1898-8.11.1898) và thứ 17 (16.4.1914-9.10.1916), người sáng lập Đại học Waseda; ông được xem như một trong những chính khách Nhật đã giúp đỡ phong trào Đông Du của các sĩ phu duy tân Việt Nam, đầu thế kỷ XX.
2. Khuyển Dưỡng Nghị: Inukai Tsuyoshi (犬養毅, 4.6.1855 – 15.5.1932) chính khách Nhật; thủ tướng Nhật (1931-1932); ông được xem như một trong những chính khách Nhật đã giúp đỡ phong trào Đông Du của các sĩ phu duy tân Việt Nam, đầu thế kỷ XX.

Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam thì Hải Âu là bút danh của Huỳnh Thúc Kháng.

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.