Nhưng rồi người Tây thình lình khai chiến với tướng quân, làm cho cái thành tích đồn điền của chúng tôi, phút chốc hoá ra tro bụi.

Than ôi! Xông pha nhọc nhằn trải muôn ngàn dặm, mà chỉ gây nên một cõi mơ màn thất bại, có ai mưu sự mà gặp nông nỗi bất hạnh như tôi vậy chăng? Đó chẳng phải chứng cớ tài hèn trí mỏng là gì? Ai nối gót tôi mà dấy lên sau này, nên coi sự sai lầm của tôi mà thay đổi bước đường đi!

Lúc sắp đặt công cuộc đồn điền xong xã đâu đó rồi, đã là hạ tuần tháng 10. Tôi lén xuống Hà Nội gặp ông Ngô Đức Kế và các đảng hữu ở Kinh (đô) ra, bàn tính các việc. Rồi lại đi Bắc Ninh, lấy nhà ông cử Nội Duệ làm nơi tụ họp bí mật. Hai ông Đặng Thái Thân và Lê Võ cùng ở Nghệ ra Bắc cùng tôi hội đàm quốc sự. Hồi này tiếng tăm vang dậy, lũ sói chồn bủa khắp tứ vi, anh em đồng chí sợ tôi rủi ro thì nguy, cho nên đều khuyên tôi phải gắp lìa khỏi bờ cõi nước nhà. Thế là tôi lại cáo biệt quốc dân mà xuất ngoại vậy.

Khoảng trung tuần tháng chạp, qua cửa ải Nam Quan, do đường Quảng Tây mà đến Ngô Châu, để xuống ghe Ngô Châu đi Hương Cảng. Thượng tuần tháng 2 năm Đinh Mùi (1907) tới nơi.

Bài văn khuyến học của tôi, truyền bá rồi. Thiếu niên nước nhà trốn người Pháp mà xuất dương, tấp nập trên đường.

Trung Kỳ thì có đám Nguyễn Siêu, Lâm Quảng Trung.
Nam Kỳ thì có đám Đặng Bình Thành, Hoàng Hưng.
Bắc Kỳ thì có Đặng Tử Mẫn, Đàm Khanh, v.v...

Họ tắm gội nắng mưa, xông pha sương gió, liều mạng đi tìm học vấn, nối gót theo chân nhau trên đường sang Quảng Đông và Hương Cảng. Bởi vậy chúng tôi bèn đặt ra tại Hương Cảng một cơ quan của đảng ta, để có nơi tiếp rước học sinh và thâu nhập bạc tiền cùng các giấy tờ bí mật. Chúng tôi để ông Đặng Tử kính trông coi. Tôi lại lập ra ở Hương Cảng một hội gọi là Việt Nam Thương Đoàn Công Hội để giúp đỡ việc cho đảng. Công hội này ông Võ Mẫn Kiến làm người chủ trì. Lúc đó những bà con mình theo người Pháp qua làm ăn tại Hương Cảng cũng động lòng vì nghĩa lớn, rủ nhau vô hội một cách hăm hở vô cùng. Chẳng phải vậy là dấu tỏ ra nhân tâm nước mình chưa chết hẳn đó sao?

Chỉ tiếc rằng tôi thiếu tài bao bọc, kém sức chu toàn, thành ra mầm giống vừa mới mọc lên thì gió mưa đã làm cho xiêu đổ. Việt Nam Công Hội chỉ có cái tên, rồi chưa được mấy năm, lại nhân bị can thiệp mà phải giải tán, đáng thương biết bao!

Từ mùa xuân Đinh Mùi (1907) đến mùa đông Mậu Thân (1908) là thời kỳ thanh niên ta sang du học thịnh nhất. Trách nhiệm tôi phải gánh vát trong thời kỳ này cũng khó nhọc bộn bề. Nào là chọn người vào học, nào là lo liệu giao thiệp; nào là vận động bạc tiền; nào là liên lạc tình nghĩa, đều là một tay tôi đứng mũi chịu sào hết thảy. Tôi nghiễm nhiên như một quan công sứ của nước Nam ở nước ngoài mà lại kiêm cả chức giám đốc kinh lý nữa. Giếng sâu tay ngắn, việc lớn tài hèn, tôi vẫn lo sợ công việc tôi gánh vác không kham.

Đồng thời chúng tôi lại dựng lên Tân Việt Nam Cống Hiến, bắt chước làm như một chính phủ lâm thời của nước Nam ở hải ngoại. Tuy là cách thức sắp đặt còn sơ sài, nhưng có ảnh hưởng tới dân khí trong nước mau lắm. Không bao lâu, có những việc ám sát quan binh Tây, và dân rủ nhau xin thuế, thình lình nổi lên ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Người Tây bèn đem cái toàn lực bắt cọp trói beo ra phấn đấu với đảng chúng tôi.

Than ôi! Người Pháp có kim tiền và võ lực mạnh hơn người mình ngàn lần muôn lần; họ lại khôn ngoan giảo hoạt hơn quốc dân ta vạn bội, vậy thì đảng chúng tôi không phải thất bại sao được?

Khoảng năm Thân (1908), năm Dậu (1909), chính phủ Pháp bỏ ra nhiều tiền nuôi bọn chồn tinh cáo già cho đi dò la xét bắt nghĩa đảng. Số mật thám trong nước, sánh lại đông gấp hai số học sinh du học ở ngoài. Phàm là đường lối mưu mô bí mật của đảng chúng tôi đem tiền và thông tin ra ngoài thế nào, chính phủ Pháp nhờ có bọn do thám mà biết ráo kẽ tóc chân răng, tìm cách phá hoại tan nát. Phụ huynh thân tộc các đảng viên phải khóc than giam cầm trong ngục tối, còn bọn ác thám hưng tra thì gầm thét nghênh ngang khắp trong xứ. Người trong đảng ta lúc bấy giờ có muốn bỏ nước trốn ra ngoài, chỉ có cách làm như con trùng loã lồ thân thể mà thôi.

Vì chính sách người Pháp cốt làm tuyệt đường vận lương của ta, chận nghẹt lối cứu viện của ta, ấy là thủ đoạn có một không hai của họ. Đồng thời lại vin lấy chỗ quan hệ của tờ Hiệp ước Pháp - Nhật mà giao thiệp với chính phủ Nhật, yêu cầu bắt hộ người đầu đảng ta và giải tán học sinh đoàn Việt Nam ở Nhật.

Học sinh đoàn ta bị hai ách là kinh tế hết phương và ngoại giao bịt lối, thành ra giữa đám gió thảm mây sầu, anh em ta phải từ giã đất nước Nhật Bản mà đi. Chẳng phải vậy thôi, cho đến bao nhiêu sách vở truyền đơn tôi in ra để cổ động quốc dân, nay đều bị chính phủ Nhật tịch biên hết. Tôi với Hội chủ Kỳ Ngoại Hầu cũng bị chính phủ Nhật buộc phải xuất cảnh. Cảnh thất bại của tôi lúc này thật đau đớn, hình như con người bị lột da xé thịt không còn chỗ nào lành lặn nữa vậy.



[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại