Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ mới năm chữ
Thời kỳ: Hiện đại
2 bài trả lời: 2 thảo luận

Đăng bởi karizebato vào 30/11/2009 21:16, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi karizebato vào 02/12/2009 20:45

1
Tâm: cõi đất mã não
tâm: tịch mặc mặt trời
đất nở muôn hoa lạ
lửa huyết mạch nơi nơi
tâm ô nhiễm tạo nghiệp
nhân quả xiềng muôn đời
theo vó ngựa phiền não
bánh nghiệp thức nào lơi

2
Tâm: cõi giới lưu ly
tâm: xuôi dòng tịnh thủy
tâm: đại định mặc trời
rực rỡ thân khẩu ý
diệu trụ vô tướng đời

3
Oán sầu như trái thu
mùa chín rụng như mưa
lòng ôm hoài oán hận
lệ sầu vơi bao giờ

4
Oán sầu như sương thu
lệ mờ chan khắp cõi
chẳng ghi lòng riêng tư
sương sầu tan, nắng rọi

5
Lửa nào tắt được lửa
thù nào rửa được thù
lòng thương sạch oán hận
luật nhiệm mầu ngàn xưa

6
Thắng bại cũng già nua
chân bước tới huyệt mồ
biết mình đang tự hủy
nào ai còn hơn thua

7
Đắm mình trong trần dục
thân, khẩu, ý buông lung
thần chết đuổi đòi mạng
như kẻ gặp đường cùng

8
Lòng không cầu dục lạc
thân, khẩu, ý tinh cần
nghiệp ma tới đòi mạng
như gặp núi phù vân

9
Thân mang giải thoát y
không sạch lòng cát bụi
đạp đổ ngục tham si
ôi! hoa tàn nguyệt lụi

10
Lìa khu thành huyễn vọng
chống gậy - giới lưu ly
chân thành dong ngựa ý
cần chi giải thoát y

11
Phi chân tưởng chân thực
chân thực ngỡ phi chân
mãi vọng chấp điên đảo
nào đạt đến thực chân

12
Chân thật, nghĩ chân thật
phi chân, biết phi chân
chẳng nệ chấp huyễn vọng
mau ngộ tánh thực chân

13
Mái cỏ lợp dầy, thưa
nhà dột mấy dòng mưa
không luôn sửa tâm ý
mê vọng, dấy chẳng ngờ

14
Mái lợp đều rạ thơm
mưa nào qua một giọt
người luôn điều ngự tâm
mê vọng nào thắm lọt

15
Kẻ gây dựng ác nghiệp
lòng rầu rĩ héo hon
sợ hãi luôn rình rập
như nước chảy đá mòn

16
Người xây dựng thiện nghiệp
an lạc khắp nơi nơi
như hương xông ba cõi
như hoa nở diệu vời

17
Kẻ làm điều bất thiện
lòng điên đảo bi ai
việc ác là phiến đá
xây ngục tối hôm mai

18
Người tu trì phước huệ
hoan hỷ như hoa tươi
thiện nghiệp làm suối biếc
đưa hoa đến vườn trời

19
Dù trì kinh nghìn tạng
chẳng tu niệm y lời
như hái hoa thả suối
hoa trôi, ích chi người

20
Kinh tụng như mưa bay
tâm thể nghiệm chánh pháp
đời này hay cõi khác
tự tại giữa vần xoay


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Kinh lời vàng

I. Song yếu (Yamakavagga)

1
Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ, ý tạo bắc cầu đưa duyên
Nói, làm với ý chẳng hiền
Bánh xe, bò kéo khổ liền theo sau!

2
Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ, ý tạo bắc cầu đưa duyên
Nói, làm với ý tốt hiền
Như hình dọi bóng vui liền theo sau!

3
"Nó đánh, nó cướp của tôi!
Lại còn nhục mạ lắm lời đắng cay!"
Ai mà ôm ấp niệm này
Lửa phiền thiêu đốt tháng ngày chẳng nguôi!

4
"Nó đánh, nó cướp của tôi!
Lại còn nhục mạ lắm lời đắng cay!"
Người không ôm giữ niệm này
Lửa phiền chợt tắt khổ rày tự tiêu!

5
Nếu ai lấy oán báo thù
Oan oan tương báo thiên thu hằng sầu
Từ tâm định luật nhiệm mầu
Lấy ân báo oán còn đâu oán thù?

6
Luận tranh chẳng có ích gì!
Tranh cường, hiếu thắng lắm khi phiền hà
Ai người suy gẫm sâu xa
Nói năng tự chế, bất hòa lặng yên!

7
Người hằng say đắm lục trần
Uống ăn vô độ trăm phần dễ duôi!
Ma vương chúng vỗ tay cười
Cây cành mềm yếu tơi bời gió lay!

8
Người hằng quán niệm tự thân
Uống ăn tiết độ tinh cần sớm hôm
Ma vương đâu dễ khinh lờn
Gió qua núi đá chẳng sờn, chẳng lay!

9
Người không tự chế, không chơn
Người mà tâm địa chẳng hơn thế phàm!
Làm sao xứng mặc y vàng?
Làm sao xứng đáng dự hàng sa môn?

10
Người mà nhẫn nại tu hành
Nghiêm trì giới luật cao thanh rỡ ràng
Khen thay! khéo mặc y vàng
Khen thay! xứng đáng dự hàng sa môn

11
Phi chơn lại tưởng chánh chơn
Chánh chơn lại tưởng phi chơn, đó là:
Duy trì ác kiến, ác tà
Ngu nhân nào thấy tinh hoa pháp mầu!

12
Chánh chơn thấy rõ chánh chơn
Phi chơn thấy rõ phi chơn, mới là:
Lìa xa ác kiến, ác tà
Trí nhân dễ ngộ tinh hoa pháp mầu!

13-14
Nhà ai vụng lợp, mưa tuôn!
Tâm người kém hạnh dễ luồn ái tham
Mái tranh che đậy kỹ càng
Tâm người khéo giữ, dục phàm khó xen!

15
Đây hối quá, kia ăn năn
Tâm người ác hạnh hai đằng chẳng vui
Bất an, ưu não rối bời
Mắt nhìn khổ báo, Phật, trời thở than!

16
Đây hoan hỷ, kia hỷ hoan
Tâm người thiện hạnh mọi đàng mọi vui
An vui, hoa nở, nụ cười
Mắt nhìn phước sự thảnh thơi, nhẹ nhàng!

17
Đây đau khổ, kia khổ đau
Tâm người ác hạnh muộn sầu thảm thương
Thở than nghiệp dữ đã vương
Chết vào khổ cảnh đoạn trường, than hơn!

18
Đây hạnh phúc, kia an vui
Tâm người thiện hạnh rạng ngời hân hoan
Đã mừng gieo được phước vàng
Sanh vào tiên cảnh lại càng mừng hơn!

19
Suốt thông kinh luật mặc dầu
Nếu không hành đạo đếm trâu, đếm bò!
Dễ duôi, tự mãn, nằm co!
Qua miền siêu thoát gọi đò, ai đưa?

20
Ít thông kinh luật mặc dầu
Nếu chuyên hành đạo tìm câu sửa mình
Sống đời chánh hạnh, quang minh
Qua miền siêu thoát, vô sinh, hưởng nhàn!


Nguồn: Kinh lời vàng do Minh Đức - Triều Tâm Ảnh thi hóa Kinh Pháp cú Dhammapada, chùa Huyền Không - Huế, 1995
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Thi hoá Kinh Pháp cú

I. Phẩm Song song

(1)
Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà ô nhiễm: khổ đau theo kề
Tựa như là cái bánh xe
Theo chân con vật kéo lê trên đường

(2)
Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà thanh tịnh: dạt dào niềm vui
Và bao hạnh phúc trên đời
Theo ta như bóng khắp nơi theo hình

(3)
"Người kia chửi bới, đánh tôi
Lại còn lấn lướt, cướp hoài. Giận thay!"
Ai mà nghĩ mãi điều này
Làm sao dứt bỏ được ngay hận thù

(4)
"Người kia chửi bới, đánh tôi
Lại còn lấn lướt, cướp hoài. Giận thay!"
Ai không còn nghĩ điều này
Sẽ mau dứt bỏ được ngay hận thù

(5)
Khắp nơi trong cõi dương gian
Hận thù đâu thể xua tan hận thù
Chỉ tình thương với tâm từ
Làm tiêu oán hận, giải trừ hờn căm
Đó là định luật ngàn năm

(6)
Người ham cãi cọ nào hay
Chúng ta đều chết một ngày gần đây
Khi ai hiểu rõ điều này
Chẳng ham tranh cãi thêm gây muộn phiền

(7)
Ham theo lạc thú nổi trôi
Giác quan buông thả sống đời mê say
Uống ăn vô độ hàng ngày
Lại thêm biếng nhác, chẳng hay chuyên cần
Con người bị cuốn đến gần
Ma vương dục vọng ngàn lần hại ta
Như cơn gió lốc thổi qua
Cây cành nghiêng ngả, lá hoa tơi bời

(8)
Nhận ra ô uế thân người
Giác quan kiềm chế, sống đời tịnh yên
Uống ăn điều độ giữ gìn
Lại thêm bền vững đức tin, chuyên cần
Người đâu dễ bị cuốn gần
Ma vương dục vọng ngàn lần thua ta
Khác gì cơn gió thổi qua
Núi cao, vách đá khó mà lung lay

(9)
Nếu mà mặc áo cà sa
Lòng còn ô uế, tâm tà quẩn quanh
Chưa tự chế, thiếu chân tình
Xứng đâu mà khoác vào mình áo kia

(10)
Người mà ô nhiễm chẳng vương
Giữ gìn giới luật vững vàng, nghiêm minh
Luôn tự chế, rất chân tình
Áo cà sa khoác vào mình xứng thay

(11)
Những gì không thật, hão huyền
Lại cho là thật và tin vô bờ,
Những gì chân thật lại ngờ
Lại cho không thật, chỉ là giả thôi,
Nghĩ suy lầm lạc mất rồi
Thấy sao chân thật rạng nơi pháp mầu

(12)
Biết đây là thật để tin
Biết kia không thật, hão huyền mà thôi
Nghĩ suy theo đúng đường rồi
Thấy ngay chân thật rạng nơi pháp mầu

(13)
Căn nhà lợp chẳng kỹ càng
Mưa tuôn thấm dột dễ dàng lắm thay
Tâm mà tu vụng có ngày
Bị nhiều tham dục lọt ngay khác gì

(14)
Căn nhà lợp thật kỹ càng
Mưa tuôn đâu dột dễ dàng mấy khi
Tâm mà tu khéo sợ gì
Bao nhiêu tham dục dễ chi lọt vào

(15)
Đau buồn ngay ở kiếp này
Kiếp sau cũng lại tràn đầy buồn đau:
Người làm điều ác hay đâu
Buồn kia theo mãi dài lâu bên mình
Quay nhìn việc ác tạo thành
Chết mòn thân xác, héo nhanh tâm hồn

(16)
Vui mừng ngay ở kiếp này
Kiếp sau cũng lại tràn đầy mừng vui:
Người làm điều thiện ở đời
Thấy chân hạnh phúc khắp nơi theo mình
Quay nhìn việc thiện tạo thành
Sướng vui dào dạt, an lành chứa chan

(17)
Kiếp này tràn ngập khổ đau
Khổ đau cũng lại kiếp sau ngập tràn
Người gây nghiệp ác thở than:
"Bao điều gian ác mình làm trước đây!"
Bây giờ đường ác đọa đầy
Trầm luân cõi khổ biết ngày nào xong

(18)
Đầy tràn vui sướng kiếp này
Sướng vui cũng lại tràn đầy kiếp sau:
Người làm nghiệp thiện vui sao
Nhủ lòng: "Mình tạo biết bao phước lành!"
Kiếp sau sẽ được tái sinh
Vào nơi hạnh phúc an bình chứa chan

(19)
Dù cho có tụng nhiều kinh
Không theo giáo pháp thực hành sớm hôm
Tu hành lợi ích đâu còn
Khác chi một kẻ luôn luôn chăn bò
Chăn thuê nên chỉ âu lo
Đếm bò cho chủ, sữa bò hưởng đâu?

(20)
Dù cho chỉ tụng ít kinh
Nhưng theo giáo pháp thực hành sớm khuya
Hết tham, hết cả sân, si
Lòng luôn tỉnh giác, tâm thì hiền lương
Trước sau giải thoát mọi đường
Tu hành lợi ích ngát hương muôn đời


Nguồn: Tâm Minh - Ngô Tằng Giao, Kinh Pháp cú (thi hoá Dhammapada), Nxb Diệu Phương, Virginia - USA, 2003
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Trả lời