Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Phạm Huy Thông
Đăng bởi tôn tiền tử vào 24/10/2015 22:57
Tặng Phan Bội Châu
Qua sơn lâm âm thầm và hùng vĩ,
Tắm ngày đêm trong bóng đêm huyền bí,
Cành thướt tha cùng lá chíu chít giao,
Từ ngàn thu thiếu ánh mặt trời đào;
Qua những suối đầy rêu và chậm chạp,
Từ từ chảy dưới hai hàng cây thấp,
Như con trăn-ngọc-thạch vẩy long lanh,
Cuộn mình và uốn khúc trên đá xanh;
Qua những rặng núi cao và ngạo nghễ,
Chiều chiều tắt ngọn đuốc hồng đang xế;
Những ngàn lau như sóng biển mông mênh,
Cùng heo may lên xuống và bập bềnh;
Qua những nơi mà loài người yếu ớt
Chưa hề dám, tự ngàn xưa, đặt gót,
Con Voi Già bình tĩnh lạnh lùng đi,
Mắt lừ đừ vơ vẩn nỗi sầu bi.
[…….]
Voi nhớ rằng đã quá hai mươi hạ,
Nó dẫn đàn vượt qua hàng núi đá.
Nay, như xưa, vẫn tựa con rồng lam
Cuốn chùm Sao Câu Rút ở trời Nam.
Ôi! oai linh thay quãng đời oanh liệt
Nó ngang dọc vẫy vùng trên non biếc!
Hống hách thay những buổi, sức mạnh đầy,
Nó làm chúa muôn cầm thú cỏ cây!
Nó lại nhớ, than ôi, ngày bi đát
Người bé nhỏ xấu xa và hèn nhát,
Kéo từng đàn tới những chốn nguy nga
Cướp giang sơn hùng vĩ của Voi Già.
Biết bao voi dưới trận mưa tên sắt,
Đành phó mặc đống xương tàn cho đất!
Biết bao voi bị sét của loài Người,
Ngang đầu vang lừng nổ, ngã chết tươi!
[…….]
Voi đầu đàn, trên mình tên chơm chởm,
Thua, sau một trận giao phong ghê gớm,
Đành ôm, trời đất hỡi, trái tim đau,
Mà vội vàng trốn bỏ cảnh rừng sâu!
Nó đi, đi mãi, nhưng chẳng biết
Đi đâu. Ăn uống nghỉ ngơi chẳng thiết,
Nó đi, đi cho cách biệt miền Nam,
Cách biệt loài Người tàn ác tham lam.
Đoạn, trèo lên trên cao nguyên Tây Tạng
Rồi dừng bước. Gió cuốn theo ngày tháng,
Sáng qua chiều lại, sáng lại chiều qua,
Nỗi gian truân xưa, Voi cố xoá nhoà.
[…….]
Nhưng nay Voi biết mình đà tới cõi:
Sức thiêng liêng những ngày xanh chói lói,
Như mặt trời tàn tạ buổi chiều đông,
Trong tim Voi kém rộn với kém nồng.
Voi quả quyết noi theo con đường cũ
Quay về thăm những nơi xưa đàn trú,
Nhìn lại quãng đời niên thiếu anh hào,
Rồi bỏ mình ở chốn núi non cao.
Voi đi… Bỗng dừng chân, nó đứng lại,
Vì, kìa! Nơi mà loài Voi thất bại
Giống Người! nòi Voi thua trận khi xưa!
Nơi mà nước non cao cả đổi vua!
Ấn Độ! Ấn Độ! Nước non lộng lẫy!
Đêm hè ngươi tưng bừng đẹp đẽ mấy!
Ấn Độ phì nhiêu! Ấn Độ xanh tươi!
Cảm lòng thay, những cảnh vật của ngươi!
Vụt nhớ lại trận giao phong kịch liệt,
Cất tiếng buồn, Voi kêu rên thảm thiết.
Rồi, đầu như choáng váng, dạ đê mê,
Voi như ngất ngây, phấn khởi, say mê.
[…….]
Bỗng Voi thu chút sức thừa đứng dậy,
Rồi ngẩng đầu lên sao hè lộng lẫy,
Trong khoảng đêm khuya lặng lẽ, mơ màng,
Voi buồn rầu, cất tiếng bỗng rít vang.
Tiếng kêu ầm cõi sơn lâm to lớn
Xiết bao, ôi, đắng cay và đau đớn!
Nhưng thương thay, sao bạc chẳng ai hoài,
Rừng chẳng thương thân phận kẻ lạc loài.
Mình mệt mỏi, bên sông, Voi im rít,
Nhưng tan tác vào bóng đêm mù mịt,
Biết bao tình thương nhớ, nỗi sầu bi,
Theo tiếng kêu đều thoang thoảng bay đi.
Hồn rừng thẳm, những vang cây chan chứa,
Nhắc lại tiếng tiếng Voi kêu nhiều lượt nữa
Rồi núi non và cảnh vật âm u
Lại đắm say trong giấc mộng muôn thu.
Tiếng giã từ núi cao cùng sông rộng,
Chào rừng xanh với vòm trời lồng lộng,
Gọi linh hồn hùng vĩ của loài Voi,
Voi tưởng một mình mình biết mà thôi.
Có hay đâu gió xuyên sơn lừng lẫy
Đã than lại lời than đau đớn ấy,
Đã khiến cho ở chốn mịt mùng xa,
Tấm lòng ta thổn thức, hỡi Voi Già!
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 24/10/2015 23:02
Được viết tặng Phan Bội Châu vào những ngày cuối cùng của nhà chí sĩ yêu nước, Con voi già - tên bài thơ, đã trở thành hình ảnh biểu tượng đáng nhớ trong nền cơ ca Việt Nam, tuy nhiên, mãi tới bây giờ, bài thơ mới được tìm thấy trọn vẹn.
Còn nhớ, hồi những năm 1960, nhóm làm Hợp tuyển thơ văn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 (Nguyễn Trác, Nguyễn Đức Đàn, Phan Cự Đệ, sách in 1963) rất muốn có văn bản bài thơ Con voi già của Huy Thông nhưng không tìm ra, đành chỉ nhắc đến tên bài thơ ở lời dẫn giải.
Sau đó, trong bộ Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 27 dành cho thơ mới 1932-1945 (do Hà Minh Đức, Nguyễn Xuân Nam biên soạn, 1989 in lần đầu, 1995 in lần 2 có sửa chữa bổ sung) đã lấy tư liệu từ chính tác giả Huy Thông để có được một đoạn trích gồm 12 câu cuối cùng của bài thơ này; tuy vậy, đây chỉ là nỗ lực của hồi ức nên đã khó tránh khỏi những sai lệch. Tác giả nhớ rằng bài thơ đăng Tân thiếu niên số 1, ra vào năm 1936. Thực ra, bài thơ đăng Tân thiếu niên số 3, ngày 16/2/1935.
Tra cứu Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam do Nguyễn Thành biên soạn (H.: Nxb VHTT, 2001) bạn sẽ thấy: Tân thiếu niên xuất bản tại Hà Nội từ đầu năm 1932, chấm dứt vào đầu năm 1935. Thật ra, 3 số Tân thiếu niên ra đầu năm 1935 là giai đoạn tục bản, tức là như một tờ báo tách biệt hẳn với tờ báo cùng tên trước đó. Chủ nhiệm tờ này là Lê Tràng Kiều. Bài thơ Con voi già của Huy Thông đăng ở trang cuối số 3, được toà soạn ghi là “thơ hùng tráng của Huy Thông”, cạnh tên bài thơ là lời đề “Tặng Phan Bội Châu”. Sau này tác giả cho nhóm soạn giả Tổng tập Văn học Việt Nam tập 27 biết rằng “bài thơ này viết tặng cụ Phan Bội Châu khi có tin cụ bị mệt nặng khó qua khỏi”. Đăng bài thơ này khi ấy, tác giả và toà soạn Tân thiếu niên rõ ràng muốn thể hiện lòng kính phục và đồng cảm với sự nghiệp lớn còn dang dở của bậc chí sĩ ái quốc. Con voi già trong bài thơ này “đã quá hai mươi hạ”, “dẫn đàn vượt qua hàng núi đá” chính là hình ảnh tượng trưng về chí sĩ họ Phan. Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ này đã kích thích Lưu Trọng Lư - một cây bút đã cùng Huy Thông tham dự trong các nhóm Tân thiếu niên, Hà Nội báo - viết tiểu thuyết Con voi già của vua Hàm Nghi (1936) với lời đề từ của chính Huy Thông: Để một nỗi buồn u uất và mênh mông; Ngao ngán nhẽ, nặng đè lòng chiến sĩ.
Tuy tờ Tân thiếu niên tục bản này ra vào lúc báo chí quốc văn (in bằng chữ quốc ngữ) bắt đầu được chính quyền thực dân đương thời miễn lệ kiểm duyệt (điều này được nói rõ ở ngay lời ra mắt), nhưng chính tờ báo cũng đã không đăng toàn văn bài thơ. Có thể vì bài thơ quá dài so với một trang báo? Có thể vì toà soạn ngần ngại trước việc một số câu thơ ý thơ sẽ gây sốc các giới hữu quyền? Chưa thể xác định chắc chắn lý do, song rõ ràng bài thơ đã được in với những dấu vết bị cắt bớt câu đoạn, bằng những dòng chấm lửng (mà tôi sẽ đặt trong ngoặc vuông). Chính nhà thơ Phạm Huy Thông sau này đã cung cấp cho nhóm soạn Tổng tập Văn học Việt Nam tập 27 kể trên một đoạn cuối gồm 12 câu thơ, trong đó 8 câu cuối cùng là nằm trong số những câu bị bỏ ở bản đăng Tân thiếu niên.
Dưới đây tôi khôi phục toàn bộ phần đăng bài này ở báo Tân thiếu niên, đồng thời bổ sung đoạn cuối mà chính tác giả cung cấp cho nhóm soạn Tổng tập Văn học Việt Nam tập 27 kể trên. Có một dị bản ở đoạn thơ vốn có ở cả 2 bản kể trên: “Hồn rừng thẳm, những vang cây chan chứa” ở Tân thiếu niên, và “Hồn rừng thẳm những vang cây chát chúa” ở đoạn tác giả cung cấp cho nhóm soạn Tổng tập Văn học Việt Nam tập 27 - tôi theo bản đăng báo.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc.