Anh đi anh nhớ quê nhà… Đó là tâm trạng chung của bất cứ ai khi phải xa quê – Tế Hanh cũng vậy – Từ lúc còn là một cậu học trò mười tám tuổi, đang theo học ở Huế – Chàng thanh niên ấy đã nhớ nhà nhớ quê, nhở cái làng chài ven biển, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Thế là những câu thơ tưởng nhớ quê lại ra đời một cách tự nhiên chân thành và tha thiết. Mấy ai quên được bài thơ Quê hương của Tế Hanh thuở hoa niên ấy.

Bài thơ mở đầu như là lời tự xưng danh, tự thuật rất đỗi tự nhiên và mộc mạc.
Làng tôi ờ vốn làm nghề chài lưới.
Và sau đó nhà thơ đã kể, đã tường thuật về cái làng chài của mình. Câu thơ có tính thông báo tiếp theo cho thấy đây là một làng chài ờ vùng cửa sông gần biển. Bằng hai câu thơ đầu tiên, tác giả đã giới thiệu vị trí địa lý và đặc điểm nghề nghiệp của làng quê. Quê là làng – nghề của làng là chài lưới.

Trong tâm tưởng của nhà thơ, sau lời giới thiệu ấy, hình ảnh làng chài như đang hiện ra trước mắt. Và nhà thơ đã miêu tả cụ thể một ngày ra khơi đẹp trời, dân làng bơi thuyền đi đánh cá. Trong khung cảnh trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng. Phải nói đó là một buổi sáng dẹp trời lý tưởng – vẻ đẹp tinh khôi, mát mẻ, dễ chịu, thoáng đãng, bao la sắc hồn của bình minh. Và chỉ những người làm nghề chài lưới mới thấy hết được tầm quan trọng thiết yếu của những buổi đẹp trời – Không chỉ báo hiệu một buổi ra khơi yên lành, mà còn hứa hẹn những mẻ lưới bội thu. Trong cái quanh cảnh dễ làm lòng người phấn khích ấy, đoàn trai tráng bơi thuyền ra khơi, bắt đầu một ngày lao động của mình. Làm nghề đánh cá nặng nhọc này phải là những người khoẻ mạnh vạm vỡ mới có thể đảm đương nổi. Chỉ có những chàng trai mới có thể điều khiển được chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang. Có thể nói đây là một chuyến ra khơi đầy hào hứng. Những câu thơ miêu tả trực tiếp cảnh dân làng ra khơi đánh cá có ý nghĩa như những chi tiết tả thực giúp người đọc hình dung được không gian hình ảnh, đoàn thuyền khá sinh động. Trên nền kể tả ấy xuất hiện hai câu thơ mang vẻ đẹp bất ngờ:
Cánh buồm giương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
Cánh buồm là một vật cụ thể hữu hình được ví với mảnh hồn làng là cái trừu tượng, vô hình – một cách ví von nhờ sự liên tưởng khá xa và độc đáo của tác giả. Mỗi một vùng quê sinh sống lâu đời, dường như bao giờ cũng mang một nét rất riêng. Và người xa quê thường cảm nhận nó như linh hồn của làng quê. Đối với Tế Hanh thuở mười tám tuổi, hình ảnh chiếc buồm ra khơi dường như mang hơi thở, nhịp đập, quê hương. Một cánh buồm rướn thân trắng bao la thâu góp gió thật đẹp trong dáng vẻ cường tráng, sức vóc tung toả của nó. Hai câu thơ diễn đạt hình ảnh giàu ý nghĩa, đưa nó lên thành biểu tượng của tâm hồn.

Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về lại được miêu tả trong bốn câu thơ:
Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Tác giả không tả một ai cụ thể, mà là tả chung không khí làng chài. Ở đây chỉ có âm thanh ồn ào; chỉ có trạng thái tấp nập, nhưng rõ ràng là một không khí vui vẻ, rộn ràng, thoả mãn. Nhờ ơn trời như là tiếng reo vui, tiếng thở phào nhẹ nhõm cảm tạ thiền nhiên trời biển đã giúp đỡ. Phải con em làng chài mới thấy hết được niềm vui bình dị khi đón ghe đầy những con cá tươi ngon.

Trong khung cảnh ấy, hình ảnh những trai tráng sức vóc dạn dày sóng gió, có làn da ngăm rám nắng được hiện lên qua những câu thơ thật đẹp Cả thân hình nồng thở vị xa xăm. Đây là chân dung những người dân chài lưới, đó như là những sinh thể được tách ra từ biển, mang vị mặn mòi của biển, mang theo về cả những hương vị biển xa. Họ là những đứa con của biển khơi. Câu thơ thật lãng mạn, khoáng đạt, mang vẻ đẹp giản dị nhưng cũng thật khoẻ khoắn, thơ mộng.

Con thuyền trước đây hăng như tuấn mã phăng mái chèo mạnh mẽ ra đi, bây giờ mỏi mệt trở về bến nghỉ. Con thuyền lại được nhân hoá, nó nằm im, mỏi mệt thư giãn và lắng nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ. Trạng thái nghỉ ngơi của con thuyền thật đặc biệt. Và cũng phải yêu quý lắm, với có thể thấy con thuyền cũng là một thành viên của làng biển như tác giả đã hình dung. Nhưng nói về con thuyền, kì thực cũng nói về con người cả thôi. Giờ đây những người dân chài có thể hoàn toàn yên tâm mà ngả mình mãn nguyện và lặng yên thư giãn. Dư vị của chuyến đi chỉ còn là đôi hình ảnh thấp thoáng, chập chờn trong tưởng tượng êm dịu của họ.

Kết thức bài thơ, tác giả trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ về hình ảnh làng chài theo ấn tượng chung nhất: Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vơi, con thuyền rẽ sóng, và đặc biệt nhớ cái mùi nồng mặn quá.

Nhớ đến cả cái mùi vị riêng biệt của xứ biển tức là nỗi nhớ thật da diết và thật sâu sắc. Vâng, đó là mùi của biển cả, của sóng, của gió, của rong rêu, của cá, của cả cái vị mồ hôi trên lưng áo người đi biển. Cái mùi vị quen thuộc và thân thương đó cũng chính là một phần của hồn làng của quê hương.

Bài thơ trong trẻo từ đầu đến cuối. Đó là tấm lòng yêu nhớ quê hương của một chàng trai thuần hậu gắn bó với cuộc đời. Với Tế Hanh, cái làng chài lưới này đã trở thành nguồn thi cảm không vơi cạn. Người ta thường nói ông là nhà thơ của quê hương sông nước, mà trong nhiều trường hợp quê hương chỉ thu gọn về một cái làng chài lưới của riêng ông.

Tóm lại Quê hương là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ dung dị đằm thắm của Tế Hanh. Với nghệ thuật đặc sắc ở cách cảm nhận tinh thế, hình ảnh đặc trưng và chắt lọc, tác giả làm sống mãi một làng chài thân thương trìu mến. Thuỷ chung với một miền quê – một miền thơ như thế nên vần thơ quê hương của Tế Hanh vẫn giữ mãi một vẻ riêng độc đáo, hấp dẫn bao thế hệ yêu thơ.

(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)